Ông James Harrison đã hiến máu 1173 lần trong suốt cuộc đời - Ảnh: Australian Red Cross
Năm 1951, câu bé 14 tuổi người Úc tên James Harrison tỉnh dậy sau một ca phẫu thuật lồng ngực. James bị cắt mất một lá phổi, và cậu bé phải nằm viện để các bác sĩ theo dõi suốt 3 tháng sau đó.
Cuối cùng James đã sống sót, chủ yếu nhờ một lượng máu lớn những người tốt bụng hiến tặng.
"Cha nói tôi được truyền 13 đơn vị máu và tính mạng tôi được cứu bởi những người không quen biết" - ông James Harrison hồi tưởng lại ký ức hơn 60 năm trong cuộc phỏng vấn trên Đài CNN mới đây.
Thời đó, luật của Úc quy định người hiến máu phải ít nhất 18 tuổi. Tuy còn nhỏ nhưng cậu bé Harrison lúc đó đã thề sẽ hiến máu giúp lại người khác khi đủ tuổi.
Bước sang tuổi 18, chàng thanh niên Harrison thường xuyên ghé thăm Tổ chức Chữ thập đỏ Úc để hiến máu. Harrison sợ kim tiêm, anh phải quay mặt đi và cố gắng phớt lờ cơn đau mỗi khi các bác sĩ rút máu từ cánh tay.
Hàng triệu em bé được cứu
Từng có thời các bác sĩ ở Úc không thể hiểu được tại sao có hàng ngàn ca mang thai trên khắp đất nước gặp kết cục sảy thai, thai chết lưu hoặc trẻ sơ sinh bị tổn thương não.
"Cho đến tận năm 1967, có hàng ngàn em bé chết mỗi năm mà các bác sĩ không biết tại sao. Nó rất kinh khủng. Phụ nữ liên tục bị sẩy thai, còn nhiều em bé sinh ra mắc dị tật não" - bà Jemma Falkenmire thuộc Tổ chức Chữ thập đỏ Úc kể.
Cuối cùng, người ta mới xác định được đó là căn bệnh huyết tán ở trẻ sơ sinh (HDN). Điều kiện gây bệnh là khi một phụ nữ có nhóm máu Rh(-) mang thai một em bé có nhóm máu Rh(+), sự không tương thích khiến cơ thể người mẹ từ chối tiếp nhận hồng cầu trong máu của bào thai.
Cũng giống hệ nhóm máu ABO, hệ nhóm máu Rh có 2 nhóm máu là Rh+ và Rh-. Tại Việt Nam, nhóm Rh+ chiếm tỉ lệ cao khoảng 99,96%, nhóm máu Rh- chỉ khoảng 0.04% (rất hiếm). Nhưng ở các nước phương Tây tỉ lệ này gần như cân bằng, nhóm máu Rh+ chiếm khoảng 60% còn Rh- khoảng 40%.
Máu của ông Harrison đã cứu được 2,4 triệu trẻ em ở Úc - Ảnh: WASHINGTON POST
Tuy nhiên, các bác sĩ phát hiện ra có thể ngăn chặn HDN bằng cách tiêm cho phụ nữ mang thai một loại thuốc chế biến từ huyết tương mang kháng thể hiếm. Thế là họ lục tung ngân hàng máu và tìm thấy một cái tên ở bang New South Wales: James Harrison.
Thời điểm đó ông Harrison đã hiến máu thường xuyên được hơn 10 năm. Ông không chút do dự khi các nhà khoa học liên lạc và hỏi liệu ông có muốn tham gia vào một chương trình gọi là Anti- D hay không.
Không lâu sau, giới khoa học phát triển thành công một loại thuốc tiêm với cùng tên gọi Anti-D, dùng chính huyết tương trong máu do ông Harrison hiến tặng. Liều đầu tiên được tiêm cho một phụ nữ mang thai tại Bệnh viện Royal Prince Alfred năm 1967.
Ông Harrison tiếp tục hiến máu suốt hơn 60 năm, giúp tạo ra hàng triệu liều Anti-D, theo Tổ chức Chữ thập đỏ Úc. Bởi vì có đến 17% phụ nữ mang thai ở Úc cần Anti-D, người ta tính nhẩm được ông Harrison đã cứu 2,4 triệu em bé!
"Cứ mỗi liều Anti-D được sản xuất ở Úc đều có James trong đó. Ông ấy đã cứu hàng triệu đứa trẻ. Cứ nghĩ đến đó là tôi muốn khóc" - bà Robyn Barlow, điều phối viên chương trình Anti-D, trả lời phỏng vấn báo Sydney Morning Herald.
Người đàn ông với cánh tay vàng James Harrison - Ảnh: REUTERS
Người đàn ông với cánh tay vàng
Các nhà khoa học không chắc tại sao cơ thể ông Harrison sản xuất một cách tự nhiên loại kháng thể hiếm đó, họ phỏng đoán nó có thể liên quan đến lần truyền máu hồi ông còn nhỏ.
"Có lẽ tài năng duy nhất của tôi là làm người hiến máu" - ông Harrison nói một cách khiêm tốn về bản thân.
Hôm thứ Sáu (11-5), ông Harrison đã thực hiện chuyến đi cuối cùng đến trung tâm hiến máu. Ở tuổi 81, ông đã vượt quá ngưỡng tuổi cho phép hiến máu. Các bác sĩ quyết định ông nên dừng lại để bảo vệ sức khỏe.
1.173 là số lần ông Harrison hiến máu trong cả cuộc đời. Một số phụ huynh từng được ông giúp đỡ đã ẵm con đến trung tâm để chứng kiến ngày "về hưu" của "người đàn ông với cánh tay vàng" - một biệt danh người ta đặt cho ông Harrison.
Bà Robyn Barlow, người tìm ra ông Harrison cách đây nhiều năm, đã ôm chặt ân nhân để chào tạm biệt.
"Chúng tôi sẽ không còn được gặp ông ấy nữa. Việc sức khỏe và mạch máu của ông ấy đủ tốt để hiến máu trong một thời gian dài như vậy là rất, rất hiếm" - bà Barlow nhận xét.
Các bác sĩ bày tỏ hi vọng sẽ có thêm nhiều người hiến máu xuất hiện; có thể một ai đó trong số họ sẽ là một James Harrison thứ hai. Hiện ở Úc chỉ có 200 người hiến đủ tiêu chuẩn cho chương trình Anti-D.
Trước ngày chia tay, ông Harrison bày tỏ sẽ rất vui sẽ có ai đó phá được kỷ lục 1173 lần hiến máu. "Điều đó có nghĩa mọi người cũng hết lòng vì công việc nhân đạo này" - ông nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận