08/09/2013 18:29 GMT+7

Ra văn bản kêu gọi bầu chọn: một tiền lệ không hay

C.MAI ghi
C.MAI ghi

TTO - Các luật sư tiếp tục có những ý kiến xoay quanh vấn đề Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Thanh Hóa và UBND phường Đông Sơn ra công văn kêu gọi bầu chọn cho Quang Anh tại cuộc thi Giọng hát Việt nhí.

mkRTrufE.jpgPhóng to
Từ trái sang: HLV Lưu Hương Giang, Quang Anh, nhạc sĩ Phương Uyên và HLV Hồ Hoài Anh trước "rừng" báo giới quan tâm sau đêm chung kết Giọng hát Việt nhí. Ảnh tư liệu

"Đưa giọng hát nhí vào showbiz là hại các em!"Văn phòng Sở xác nhận có công văn ủng hộ Quang Anh

TTO xin trích đăng:

Luật sư Trương Xuân Tám (Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) nhận định: Công văn của Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Thanh Hóa và UBND phường Đông Sơn không chỉ mang tính thông báo mà còn có ý nghĩa vận động bầu chọn, chỉ dẫn cách bầu chọn cho Quang Anh là không ổn, làm mất tính trong sáng của cuộc thi.

Sở Giáo dục và đào tạo, UBND phường là các cơ quan hành chính nhà nước. Trường hợp nếu để vận động từ thiện giúp đỡ cho một học sinh của tỉnh, của phường gặp khó khăn (tuy cũng không thuộc chức năng, thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước) nhưng nếu các cơ quan này có văn bản để vận động giúp đỡ thì cũng có thể được.

Còn việc cơ quan hành chính ra văn bản để vận động bầu chọn cho một thí sinh của cuộc thi (trong khi lượng bầu chọn có ý nghĩa quyết định đến kết quả) là không đúng, không công bằng với các thí sinh khác. Việc vận động bầu chọn của các cơ quan trên cũng mang tính cục bộ địa phương. Nếu TP.HCM và tỉnh khác cũng có công văn vận động bầu chọn cho thí sinh của tỉnh thành đó thì với dân số lớn nhất nước của TP.HCM, lượng bầu chọn cho thí sinh của TP.HCM có thể sẽ nhiều hơn.

Thực ra, trước đây nhiều cơ quan nhà nước cũng từng có văn bản vận động bầu chọn cho Hạ Long. Tuy nhiên, so sánh với tính chất của cuộc thi này (chỉ mang tính cạnh tranh giữa các em nhỏ) thì việc cơ quan hành chính nhà nước ban hành công văn vận động bình chọn cho một thí sinh đã ảnh hưởng đến tính trong sáng của cuộc thi, phá vỡ quy chế khách quan của cuộc thi vì ít nhiều cũng có những người nhắn tin bình chọn theo hướng dẫn của công văn mà chưa chắc đã nghe hết phần thi của các thí sinh khác để có sự đánh giá công bằng.

Luật sư võ Xuân Trung (Đoàn luật sư TP.HCM) lập luận: Theo quy định của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và UBND, Nghị định số 13/2008 của Chính phủ Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương thì Sở giáo dục và đào tạo là cơ quan tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo về: mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục và đào tạo, quy chế thi cử và cấp văn bằng, chứng chỉ, bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo…

Còn UBND phường là cơ quan hành chính nhà nuớc, thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương. Uỷ ban nhân dân chịu trách nhiệm chấp hành Hiến pháp, luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp nhằm bảo đảm thực hiện chủ trương, biện pháp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh và thực hiện các chính sách khác trên địa bàn…

Cuộc thi “Giọng hát Việt nhí” không liên quan đến chức năng quản lý của các cơ quan nhà nước trên. Tuy Sở Giáo dục và đào tạo, UBND phường chỉ là các công văn (chứ không phải văn bản pháp quy) nhưng thường khi thấy văn bản của cơ quan hành chính nhà nước thì người dân luôn có tâm lý xem đó như văn bản mệnh lệnh có ý nghĩa bắt buộc phải thi hành.

Cuộc thi thực chất chỉ là một cuộc chơi của các em nhỏ mà cơ quan nhà nước lại can thiệp bằng các công văn vận động bình chọn cho một thí sinh là không đúng quy định. Thực tế, Quang Anh chiến thắng thuyết phục chứ không hẳn là nhờ vào hai công văn vận động trên. Việc xuất hiện các văn bản trên làm mất đi tính trong sáng của cuộc chơi, làm ảnh hưởng đến tâm lý của tất cả các em thí sinh.

Luật sư Nguyễn Sa Linh (Đoàn luật sư TP.HCM) bình luận: Cuộc thi Giọng hát Việt nhí đã để lại chút dư âm không hay với hai công văn vận động bình chọn được cho là của Sở GD ĐT Tỉnh TH và UBND P. Đông Sơn (nơi Quang Anh sinh sống). Hai công văn này không trực tiếp ảnh hưởng đến kết quả cuộc thi, nhưng lại đặt ra vấn đề liệu cơ quan quản lý nhà nước có nên tham gia vận động cho thí sinh những cuộc thi mang tính giải trí như Giọng hát Việt Nhí hay không?

Hai văn bản trên không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Việc ban hành đúng hay sai có thể vẫn có nhiều ý kiến tranh luận. Tuy nhiên, có thể khẳng định việc ban hành công văn vận động nhắn tin bầu chọn cho thí sinh của địa phương tham gia các cuộc thi tương tự như Giọng hát Việt nhí không thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của UBND xã Đông Sơn và Sở Giáo Dục Đào tạo tỉnh Thanh Hóa (Sở là cơ quan tham mưu giúp việc cho UBND cấp Tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước tại địa phương) trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo Luật Tổ chức HĐND và UBND.

Sự việc này tạo tiền lệ không hay, khi cơ quan quản lý nhà nước thay vì chú trọng vào việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước tại địa phương, lại “lấn sân’ showbiz bằng những văn bản hướng dẫn, chỉ đạo vận động cho kết quả của cuộc thi mang tính giải trí trên phương tiện truyền thông với lý do có người của địa phương tham gia.

_____________

Tin bài liên quan:

Thanh Hóa ra công văn chỉ đạo bình chọn cho Quang Anh?Quang Anh giành ngôi quán quân Giọng hát Việt nhí 2013Nhiều chuyện lùm xùm trước giờ chung kết The Voice nhí Mỹ Chi, Quang Anh, Ngọc Duy vào chung kết The Voice nhíCứ hát tiếp dân ca, Phương Mỹ Chi ơi!Giọng hát Việt nhí: kết quả dễ đoán?The Voice nhí: Con thi hát hay cha mẹ thi hát? Con đi thi The Voice, bố nấu ăn trong toilet

C.MAI ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên