10/05/2011 16:54 GMT+7

Phim Việt: lười kiếm đề tài và diễn viên ngộ nhận

Cỏ Dại (TP.HCM)
Cỏ Dại (TP.HCM)

TTO - Một bộ phim thành công cần sự đóng góp của nhiều yếu tố, bất cứ khâu nào bị làm ẩu, làm không đúng đều ảnh hưởng xấu đến bộ phim. Với cái nhìn của một khán giả mê phim, yêu phim Việt, tôi xin phân tích vài điểm yếu kém mà phim truyền hình Việt đang mắc phải, đồng thời có một số so sánh cùng phim Hàn, phim Mỹ với mong muốn góp được điều gì đó cho những người làm phim Việt.

UNHnEVxE.jpgPhóng to
Bộ ba bà "bầu" trong phim Ngôi nhà hạnh phúc phiên bản Việt (từ trái sang): Tường Vy, Minh Hằng và Thủy Tiên - Ảnh: Dantri.com

Lười tìm kiếm đề tài mới

Xem phim Việt hiện nay, cứ nhìn vào đề tài thì cảm giác như những người làm phim, đặc biệt người làm biên kịch như đang rất lười biếng. Lười tìm đề tài mới, lười trau dồi kiến thức để đầu tư cho kịch bản, lười học hỏi để có phương pháp viết kịch bản truyền hình hấp dẫn được người xem qua hàng chục tập.

Có thể thấy rất nhiều bộ phim có đề tài giống nhau như: xung đột gia đình, tình yêu tay ba… hoàn cảnh nhân vật cứ quanh quẩn trong nhà, trong công ty, nhân vật không có số phận rõ ràng, dễ gây nhàm chán cho khán giả.

Dạo gần đây cần kể đến các phim được Việt hóa từ những kịch bản phim Hàn Quốc. Điều cơ bản là phim có thật sự được Việt hóa hay không? Cảm nhận của tôi là diễn viên người Việt, nói tiếng Việt mà sao cứ như xem cảnh đang bên Hàn.

Ngay vị đạo diễn "mát tay" Vũ Ngọc Đãng khi làm lại “Ngôi nhà hạnh phúc” cũng không tránh khỏi điều này. Đơn cử một chi tiết nhỏ trong phim Ngôi nhà hạnh phúc phiên bản Việt, khi nhân vật Minh Minh đem đồ ăn đến mời đoàn làm phim nơi chồng cô (ca sĩ Vương Hoàng) đang quay phim mà mang đến món kim bắc y như trong kịch bản chính, khiến người xem phải tự hỏi: Việt Nam không có món ăn nào hay sao?

Tuy đây là chi tiết nhỏ nhưng có thể thấy sự cẩu thả, kém tư duy của biên kịch nói riêng, các nhà làm phim nói chung. Vì việc tìm một món ăn Việt thay thế là hoàn toàn có thể.

Chi tiết này cho thấy có vẻ biên kịch Việt lười nghĩ chuyện quảng bá bản sắc văn hóa từ những điều rất nhỏ, ví dụ như trong món ăn hằng ngày.

Thật ra, phim Hàn Quốc cũng chủ yếu xoay quanh những vấn đề như thế nhưng những nhân vật trong phim Hàn được đặt vào các môi trường, hoàn cảnh khác nhau, được xây dựng rõ nét tính cách, nghề nghiệp, đời sống....

Người biên kịch dường như đã chịu khó tìm tòi, học hỏi về môi trường họ muốn đặt nhân vật vào (ngành bất động sản, ngành truyền thông - quảng cáo…) nên họ xây dựng được chi tiết trong từng phân cảnh, lời thoại nhân vật có sức nặng và cung cấp nhiều kiến thức về ngành đó cho người xem. Ví dụ bộ phim Chị em Lọ Lem trình chiếu năm 2010 rất thành công của Hàn Quốc, đã xây dựng được nhân vật có số phận, thể hiện sự tỉ mỉ từ kịch bản đến dàn dựng khi tạo dựng được một thương hiệu rượu gạo của Hàn Quốc.

Điện ảnh Việt hiện rất cần những kịch bản kiểu như vậy, cần đề cập những vấn đề mang tính vĩ mô hơn của một nền kinh tế năng động như Việt Nam, không chỉ có tình cảm nam nữ đơn thuần mà cần lồng vào đó nhịp sống của xã hội, những vấn đề kinh tế, văn hóa mà Việt Nam đang đối mặt.

Nhiều phim truyền hình Việt hiện nay khi xem khán giả có cảm giác người biên kịch đang “cưỡi ngựa xem hoa”, nhân vật nói những câu sáo rỗng về chính nghề nghiệp của mình, những cảnh họp bàn, báo cáo về vấn đề chuyên môn của nhân vật thường được lồng nhạc, quay sơ sài.

Cuối cùng sau khi xem hết bộ phim, khán giả hầu như chẳng có thêm chút kiến thức về môi trường, nghề nghiệp đó vì thường xuyên nghe những câu đại loại như: “vấn đề này anh cần làm thế này, làm thế kia” mà không biết làm thế nào?

Ngoài ra, cách thể hiện tình cảm của các nhân vật trong phim Hàn cũng rất tự nhiên, rất Á Đông. Tìm thấy một nụ hôn trong phim Hàn là rất khó, khi nhân vật trao nhau nụ hôn hay cử chỉ gần gũi đều khiến người xem thích thú, dễ chịu chứ không cảm thấy xa lạ, khó chịu như trên phim Việt. Hình như nhiều nhà làm phim Việt đang tận dụng các cảnh nóng trên màn ảnh để thu hút người xem nhưng đều làm không tới, kiểu “nửa nạc nửa mỡ” của những cảnh nóng này khiến khán giả muốn tắt ngay tivi.

Một trong những điều tôi rất thích khi xem phim Mỹ (truyền hình cũng như điện ảnh) là lời thoại nhân vật rất thông minh, dí dỏm, phù hợp hoàn cảnh. Khi tôi bước ra đường, lắng nghe cuộc sống, từ bình dân đến trí thức, từ những bác chạy xe ôm, cô bán hàng đến sinh viên, doanh nhân, họ đều có cách nói chuyện rất hài hước, ẩn dụ thông minh, sắc sảo của người Việt Nam. Cứ nhìn vào ca dao, tục ngữ của cha ông ta để thấy đầy những sắc sảo, hài hước. Tại sao trong phim Việt, người Việt bỗng dưng trở thành những con người “thiếu muối”, nhàm chán, nói những câu hết sức vô duyên, chẳng còn đâu ý nghĩa của “lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.”

Những ngộ nhận từ phía diễn viên

Những diễn viên gạo cội của điện ảnh Việt đều có tuổi, việc đào tạo một thế hệ diễn viên trẻ tài năng là điều hết sức cần thiết. Hiện nay diễn viên trẻ tài năng không phải là không có nhưng hầu hết họ đều vướng phải nhiều sự ngộ nhận.

Thành phần thứ nhất là những diễn viên được đào tạo bài bản, đã thành công từ những bước đầu với các nhân vật có cá tính nhưng thời gian trôi qua thì càng mờ nhạt dần. Ngộ nhận về thành công của mình, họ không xác định được hướng đi riêng và có vẻ bị cuốn vào vòng xoáy đồng tiền nên liên tục nhận hết phim này đến phim khác mà không để lại dấu ấn nào trong lòng người xem.

Thành phần thứ hai là những diễn viên trẻ khá tài năng, thành công nhanh chóng gần đây, nhất là các diễn viên nữ có nhan sắc. Ngộ nhận về sự đa tài của bản thân, họ lấn sân sang nhiều lĩnh vực như ca hát… hoặc chính họ dính vào chuyện dùng chiêu thức tạo xì căng đan để được chú ý. Trong khi đó nếu tập trung đầu tư một lĩnh vực mình có khả năng và đã có dấu ấn để ngày càng chuyên nghiệp hơn trong diễn xuất, có lẽ họ đã tiến xa hơn nữa.

Thành phần thứ ba là những người mẫu, ca sĩ có nhan sắc lấn sân sang điện ảnh. Ngoại trừ số ít có khả năng thật sự, còn phần lớn cũng ngộ nhận về khả năng thích ứng của bản thân, cho rằng chỉ cần bước qua bước lại màn ảnh như trên sàn calwalk là được. Những diễn viên tay ngang này đã tạo nhiều thảm họa cho màn ảnh Việt.

Diễn viên khi lên phim luôn cố sức làm sao cho mình trông đẹp nhất, điều này cũng thể hiện tính thiếu chuyên nghiệp trong tạo hình nhân vật, các diễn viên cứ ăn mặc tùy thích mà không có sự đầu tư, hướng dẫn chung nào.

Xem các bộ phim Hàn Quốc, người xem cảm thấy chân thật vì nhân vật ăn mặc phù hợp hoàn cảnh và hầu như phim nào cũng tạo ra một xu hướng thời trang mới gây sốt trên toàn châu Á, đem lại nhiều lợi nhuận kinh tế cho Hàn Quốc (ví dụ: kiểu áo khoác ngắn của Song Hye Kyo trong phim Ngôi nhà hạnh phúc).

Không thể phủ nhận những cố gắng của các nhà làm phim đã cố gắng để đáp ứng nhu cầu xem phim Việt của khán giả. Mong các nhà làm phim sẽ nỗ lực hơn để đừng làm khán giả buồn vì những lý do như: có khi xem phim Việt mà ngỡ phim của một nơi nào xa lạ; xem phim này mà nhầm lẫn sang phim kia vì nhân vật cứ na ná nhau, xem diễn viên chân dài diễn cảnh đau khổ mà cứ như xem cảnh hài…

Theo bạn, phim Việt hiện nay nên khắc phục ngay vấn đề nào dưới đây?
Đề tài xa lạ với cuộc sống Diễn xuất của diễn viên kém Lời thoại nhạt nhẽo, không chân thật Kịch bản không hấp dẫn, phim dài lê thê Quảng cáo chèn trong phim quá lộ liễu Ý kiến khác

Diễn đàn “Khán giả chê phim Việt, vì sao?” do TTO tổ chức với mong muốn nhận được những bài viết thẳng thắn mổ xẻ tình trạng hiện nay của cả điện ảnh lẫn truyền hình Việt Nam, qua đó đưa ra những gợi ý, giải pháp để nâng tầm chất lượng của phim Việt.

Mời bạn đọc gởi bài viết với những gợi ý sau:

- Bạn thấy kịch bản phim Việt hiện nay như thế nào? Độ hợp lý/ gần gũi/hấp dẫn? Như thế nào là những kịch bản điện ảnh lay động, hấp dẫn, gần gũi.

- Thoại trong phim Việt có tự nhiên hay lên gân, hay nghe giả tạo?

- Đạo diễn Việt Nam còn thiếu điều gì để có nhiều bộ phim xứng tầm, không lạc lõng giữa thị trường, không coi thường khán giả.

- Chất lượng diễn viên hiện nay như thế nào: diễn xuất của diễn viên / mức độ hóa thân vào nhân vật?

- Âm nhạc cho phim

- Vai trò của nhà phê bình, nhà sản xuất, nhà quản lý cũng như hội đồng duyệt phim…

Bạn cũng có thể đề cập cái hay nên học hỏi của những bộ phim truyền hình/ điện ảnh hay của Việt Nam/ thế giới…

Bài viết xin vui lòng gửi về tto@tuoitre.com.vn; tiêu đề ghi Diễn đàn phim Việt.

Bài viết gõ bằng Unicode, không quá 1.000 chữ. Dưới bài vui lòng ghi đầy đủ thông tin cá nhân để tòa soạn tiện liên hệ.

Mời xem thêm:

Thoại trong phim như người nước ngoài nói tiếng ViệtPhi lý với phim truyền hình Việt NamPhim truyền hình Việt không hay: thoại dở, diễn viên cùnPhim truyền hình Việt: giá chót phải là 30 tập?Phim Việt thiếu chuẩn!Lời thú nhận của Eva lên sóngPhim Việt: Coi chưa xong đã đoán trúng ý đạo diễn

Cỏ Dại (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên