14/11/2010 08:27 GMT+7

Ai đã "bán đứng" các điệp viên Nga? - Cuộc điều tra của Kommersant

NG.THANH - N.QUÂN (Theo Kommersant,  Lenta.ru, Reuters)
NG.THANH - N.QUÂN (Theo Kommersant,  Lenta.ru, Reuters)

TT - Xìcăngđan vỡ đường dây điệp viên Nga trên đất Mỹ hồi tháng 6-2010, theo thừa nhận của phía Nga, là hậu quả của sự phản bội. Những bí mật bước đầu được hé lộ với sự thừa nhận của các lãnh đạo cao cấp nhất của Nga.

5sNh3AfQ.jpgPhóng to
Nữ điệp viên Nga tại Mỹ Anna Chapman được chào đón tại buổi lễ ở sân bay vũ trụ Nga Baikonur ngày 7-10 - Ảnh: Reuters

Hôm 12-11, Tổng thống Dmitry Medvedev đã thừa nhận trước báo giới bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Seoul (Hàn Quốc): “Chuyện này không mới với tôi. Tôi đã biết mọi việc vào ngày diễn ra mọi thứ cùng hệ quả của nó”. Đây có thể nói là sự thừa nhận rõ ràng nhất về thông tin đăng tải trên nhật báo Kommersant của Nga một ngày trước đó.

Lộ bí mật cấp cao

Như một lời thừa nhận về sự thất bại của an ninh tình báo Nga, Tổng thống Medvedev nhấn mạnh: “Phải điều tra thật kỹ và rút ra những bài học”. Nhưng trước mắt, theo báo chí Nga, vị lãnh đạo Cục Tình báo đối ngoại (SVR) của Nga là cựu thủ tướng Mikhail Fradkov sẽ bị mất chức, thay thế vị trí này là ông Sergei Narychkine - chánh văn phòng của Tổng thống Medvedev.

Nghị sĩ Gennady Gudkov, phó chủ tịch Ủy ban An ninh đầy quyền lực của Hạ viện Nga, khẳng định đã biết tên tuổi kẻ phản bội và đang yêu cầu quốc hội buộc ông Fradkov phải từ chức. Ông nói với Hãng thông tấn Nga Interfax: “Thiệt hại trong vụ này đối với quốc gia là vô cùng lớn”.

Thất bại đau đớn của tình báo Nga lẽ ra phải được giữ kín lại bị một tờ báo bươi móc. Chính nhật báo Kommersant, trong cuộc điều tra để tìm ra kẻ phản bội, cho biết đã làm việc “y hệt như tình báo, chứ không phải là làm báo”. Tờ báo viết: “Các viên chức nắm được thông tin này hay khác về vụ việc đều không chịu trò chuyện qua điện thoại mà yêu cầu phải gặp riêng. Trao đổi thư từ với các nhà báo Kommersant, họ nhiều lần đổi địa chỉ email, xóa ngay những email liên quan tới vụ này sau khi đọc”.

Cuộc điều tra đó đã nhanh chóng lần ra sự thật. Tờ Kommersant nắm trong tay câu trả lời của một cộng sự cao cấp của điện Kremlin: “Chúng tôi biết hắn ta là ai và đang ở đâu. Hắn ta phản bội hoặc vì tiền, hay đơn giản bị nắm thóp vì việc gì đó. Nhưng một điều chắc chắn là người ta đã gửi Mercader (*) đi tìm hắn”. Ông này còn nói thêm: “Số phận của hắn chẳng có gì đáng thèm muốn. Từ nay cả đời hắn ta sẽ phải gánh chịu việc này và mỗi ngày đều phải sợ sự báo thù”.

Phát biểu trên khiến người ta nhớ lại câu trả lời mạnh mẽ của Thủ tướng Nga Vladimir Putin hồi tháng 7 sau khi các điệp viên Nga bị “lột vỏ” ở Mỹ và phải trở về nước sau cuộc trao đổi với bốn điệp viên khác bị giam giữ tại Nga. Vị lãnh đạo Chính phủ Nga, vốn là một điệp viên KGB ở Đông Đức trong những năm 1980, tuyên bố không chút e dè sau vụ xìcăngđan: “Đó là hậu quả của sự phản bội ở cấp cao. Nhưng câu chuyện về những kẻ phản bội bao giờ cũng kết thúc rất kém cỏi. Họ kết thúc có thể vì say xỉn, vì ma túy hay vì bị vây hãm”.

Viên đại tá có con ở Mỹ

“Hắn ta” - theo nhật báo Kommersant - chính là đại tá Scherbakov, đã nhiều năm phục vụ SVR ở chức vụ chỉ huy Ban Hoa Kỳ, chuyên trách những nhân viên hoạt động bất hợp pháp ở Mỹ.

“Rừng” (từ lóng mà cánh điệp viên Nga dùng để gọi trụ sở SVR ở Yasenevo) bỏ qua một sự kiện là con gái của Scherbakov từ lâu đã sống ở Mỹ. “Thật kỳ lạ là không ai đặt câu hỏi tại sao một nhân vật ở chức vụ như thế lại có người ruột thịt sống ở nước ngoài. Đó chỉ là một trong nhiều câu hỏi trong vụ điều tra này - một đặc tình biết về cuộc điều tra thổ lộ - Thông thường, những việc như thế được quan tâm rất kỹ và còn phải kỹ hơn ở những cơ quan tình báo. Người ta từng biết việc một nhân viên bị sa thải khỏi Hội đồng an ninh chỉ vì người thân anh ta chuẩn bị lập gia đình với người nước ngoài. Với cục, điều này phải được tuân thủ cực kỳ nghiêm khắc”.

Vậy mà SVR đã không nghi ngờ gì, kể cả khi Scherbakov từ chối được thăng chức sớm hơn một năm, có lẽ để tránh khỏi những thủ tục kiểm tra nói dối cần thiết cho sự thăng tiến này. Điều đó cũng có thể suy diễn là từ lâu ông ta đã cộng tác tích cực với phía Mỹ.

Hồi tháng 6, phía Mỹ chẳng từng thông báo đã theo dõi những nhân viên Nga hoạt động bất hợp pháp từ 10 năm trước? Không chỉ thế, không ai để ý việc con trai Scherbakov, cũng đang làm việc ở một cơ quan quyền lực là Cục Kiểm soát ma túy quốc gia - đã bay sang Mỹ không lâu trước khi đường dây điệp viên Nga bị phá.

Bản thân kẻ phản bội đã bay sang Mỹ ba ngày trước chuyến thăm Mỹ hồi tháng 6 của Tổng thống Medvedev. “Sau đó, phía Mỹ sợ chúng tôi nghi ngờ về kẻ phản bội và sẽ cho rút các điệp viên đó về nên ra tay bắt trước” - nguồn tin của Kommersant tiết lộ.

___________

(*) Điệp viên Liên Xô Ramón Mercader từng ra nước ngoài ám sát Lev Trotsky, một đối thủ của Joseph Stalin, vào năm 1940.

Kỳ tới: Viên tướng chân chính

Mỹ cất lưới gián điệp Nga: Còn nhiều nghi vấnNga - Mỹ đồng ý trao đổi điệp viênMỹ - Nga giải quyết êm vụ điệp viênPhát hiện kẻ phản bội làm lộ vụ điệp viên NgaNga phái sát thủ thủ tiêu kẻ chỉ điểm cho Mỹ

NG.THANH - N.QUÂN (Theo Kommersant,  Lenta.ru, Reuters)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên