19/03/2014 07:59 GMT+7

Nga ký hiệp ước tiếp nhận Crimea

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Bất chấp các đòn trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), Nga vẫn thực hiện các bước cần thiết để tiếp nhận Crimea.

Crimea chính thức thành một phần lãnh thổ của NgaCrimea thay đổi ra sao khi gia nhập Nga?Nhật công bố trừng phạt, Ukraine triệu hồi đại sứ tại Nga

yUuxKstT.jpgPhóng to
Người Crimea vẫy quốc kỳ Nga tại thành phố Simferopol - Ảnh: Reuters

Theo Hãng tin RIA Novosti, hôm qua tại Quốc hội Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã cùng Thủ tướng Crimea Sergei Aksyonov ký hiệp ước thống nhất Crimea với Nga. Ngay sau đó, điện Kremlin tuyên bố kể từ giờ phút đó, Crimea đã chính thức trở thành một phần lãnh thổ của Nga. Dù vậy, theo thủ tục Tòa án hiến pháp và Quốc hội Nga sẽ phải thông qua hiệp ước này. Phía Matxcơva cho biết quy trình này có thể được hoàn tất trong vòng một tuần.

Phát biểu trước Quốc hội trước đó, ông Putin khẳng định: “Crimea đã, đang và sẽ luôn là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Nga”. Ông cho rằng người dân Crimea đã thể hiện rõ ràng ý chí của họ, đó là trở về với Nga. Ông Putin mô tả chính quyền mới của Ukraine là những “kẻ cực đoan”, đã gây ra “hỗn loạn” và chỉ trích phương Tây đã hành xử “vô trách nhiệm” khi hỗ trợ cuộc nổi dậy ở Kiev.

Dù vậy, ông Putin cho biết Nga không có ý định xâm chiếm các khu vực khác của Ukraine. “Chúng tôi không cần một Ukraine bị xé lẻ” - ông Putin nói. Ông Putin thừa nhận Nga sẽ vấp phải sự phản đối của nước ngoài. “Nhưng chúng ta phải tự quyết định rằng liệu chúng ta sẽ bảo vệ các lợi ích quốc gia của mình hay từ bỏ chúng mãi mãi” - ông Putin nhấn mạnh. Ukraine lên tiếng không công nhận hiệp ước kể trên.

Trong khi đó, theo AFP, một nhóm ít nhất 10 tay súng đã tấn công một căn cứ ở Simferopol. Một binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng. Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk tuyên bố xung đột giữa nước này với Nga đã bước vào “giai đoạn quân sự”. Ông nói: “Hôm nay lính Nga đã bắt đầu bắn vào quân nhân Ukraine. Đây là tội ác chiến tranh”. Reuters nói chưa có bằng chứng nào cho thấy lính Nga thực hiện vụ này.

Giễu cợt đòn trừng phạt

Báo Washington Post đưa tin ngày 18-3, Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo: “Nếu Nga tiếp tục can thiệp vào Ukraine, Mỹ sẽ tiếp tục đưa ra các biện pháp trừng phạt”. Ông Obama cho rằng nền kinh tế Nga sẽ hứng chịu tổn thất lớn.

Sau Mỹ và EU, thêm Canada và Nhật cũng tuyên bố có hành động với Nga. Phía Tokyo cho biết sẽ dừng đàm phán về thị thực với Nga, hủy đàm phán về một thỏa thuận đầu tư mới, một thỏa thuận hàng không vũ trụ và một thỏa thuận ngăn chặn các hành vi nguy hiểm trên biển. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cũng đe dọa Paris sẽ hủy hợp đồng cung cấp hai tàu chiến lớp Mistral trị giá 1,4 tỉ euro cho Nga nếu Matxcơva không lùi bước.

Tuy nhiên các quan chức Nga đã tỏ thái độ khinh thường các đòn trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Theo AFP, trên trang mạng Twitter, Phó thủ tướng Dmitry Rogozin giễu cợt “một kẻ đùa nghịch” đã lập danh sách trừng phạt cho ông Obama. Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matviyenko tuyên bố “không ai đủ sức đe dọa Nga” và chỉ trích các biện pháp trừng phạt là trò “hăm dọa chính trị”.

Cố vấn của Tổng thống Putin là Vladislav Surkov khẳng định lấy làm tự hào vì bị Mỹ trừng phạt. Các quan chức khác trong danh sách trừng phạt cho biết không hề có tài khoản ở nước ngoài, nên không bị ảnh hưởng. Thậm chí các nghị sĩ Nga còn giễu cợt bằng cách thông qua tuyên bố kêu gọi Mỹ và EU áp các biện pháp trừng phạt đối với tất cả... thành viên Duma quốc gia (Hạ viện) Nga.

Reuters dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nói: “Những mưu đồ nói với Nga bằng giọng điệu vũ lực và đe dọa công dân Nga bằng cấm vận sẽ chẳng đi đến đâu”. Matxcơva cũng dọa sẽ có biện pháp đáp trả tương xứng.

Không đủ sức đe dọa

Giới quan sát cũng nhận định những đòn trừng phạt Mỹ và EU đưa ra chỉ đủ sức “gãi ngứa” Nga. Báo Guardian dẫn lời chuyên gia Kathleen Brooks thuộc Hãng Forex nhận định các biện pháp cấm vận là yếu ớt hơn nhiều so với những dự báo trước đó. Cựu quan chức Nhà Trắng Andrew Weiss đánh giá phương Tây chỉ có thể thật sự gây sức ép lên Nga khi cấm vận xuất khẩu dầu khí của nước này.

Xuất khẩu dầu khí của Nga trị giá 160 tỉ USD/năm nhưng EU là khách hàng lớn. Nếu phương Tây cấm vận dầu khí Nga thì cả đôi bên đều thiệt hại. Cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc John Bolton cho rằng các biện pháp trừng phạt phản ánh sự bất lực của Mỹ và EU đối với Nga và Matxcơva sẽ đánh giá tình hình theo hướng này. “Ông Putin đã cân nhắc thiệt hơn khi hành động” - ông Bolton nhận định.

Một số nhà quan sát khác cho rằng trên thực tế phương Tây không muốn quay trở lại thời chiến tranh lạnh với Nga. Thị trường quốc tế cũng phản ứng tích cực với việc các biện pháp trừng phạt không quá nặng. AFP cho biết đồng rúp của Nga giữ trạng thái ổn định, chứng khoán các nước châu Á và châu Âu đồng loạt tăng. Giá dầu cũng tăng nhẹ lên 98,16 USD/thùng.

Tuy nhiên, trước đó Thứ trưởng kinh tế Nga Sergei Belyakov có thừa nhận nền kinh tế Nga đang cho thấy những dấu hiệu khủng hoảng. Nền kinh tế hơn 2.000 tỉ USD của Nga chỉ tăng trưởng 1,3% trong năm 2013, lạm phát tăng lên. Các chuyên gia kinh tế phương Tây dự báo kinh tế Nga có thể sẽ rơi vào suy thoái trong quý 2 và 3 năm nay. Điều đó có nghĩa Nga vẫn có thể sẽ gặp một số khó khăn, đặc biệt nếu phương Tây cấm vận gắt gao hơn.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên