Ukraine huy động toàn quân đội chống NgaNga điều tàu chiến đến UkraineCộng đồng quốc tế phản đối Nga can thiệp vào Crimea
Phóng to |
Một người thuộc lực lượng tự vệ ở quảng trường Maidan tại thủ đô Kiev - Ảnh: AFP |
Cùng lúc, chính quyền Ukraine ra chỉ thị tất cả lực lượng vũ trang phải chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Hàng chục ngàn người Ukraine đã đổ ra đường ở Kiev và nhiều thành phố để thể hiện sự ủng hộ với sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và chống lại việc Nga đe dọa quân sự.
“Đây không phải là đe dọa: đây thực tế là lời tuyên chiến đối với nước tôi - Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk tuyên bố - Nếu Tổng thống Putin muốn là tổng thống tuyên chiến giữa hai nước láng giềng và thân thiện, giữa Ukraine và Nga, thì ông ta đang rất gần mục tiêu đó”.
Cầu cứu Anh, Mỹ
Về bên ngoài, Bộ Ngoại giao Ukraine đang cầu cứu Mỹ, Anh đảm bảo an ninh cho nước này. Cùng lúc, Quốc hội Ukraine cũng kêu gọi các thanh sát viên quốc tế tới để bảo vệ các lò hạt nhân của nước này. Theo Reuters, Mỹ hiện đề xuất gửi thanh sát viên của Liên Hiệp Quốc hoặc Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) tới Ukraine như một lối thoát cho khủng hoảng.
Cùng lúc, quân đội Nga vẫn tiếp tục các hoạt động quân sự tại Crimea. Theo AP, hàng đoàn xe quân sự Nga đã tới thủ phủ Crimea sáng qua. Hãng tin Nga Interfax dẫn nguồn Bộ Quốc phòng cho biết binh sĩ Nga đã bao vây và tịch thu vũ khí tại một căn cứ rađa của Ukraine ở thị trấn Sudak thuộc bán đảo Crimea. Viện Các vấn đề an ninh và quốc tế Đức ước tính ở căn cứ Sevastopol đã có khoảng 26.000 lính Nga.
Trong khi Crimea từ lâu vẫn là khu vực tự trị, mối lo lắng lớn hơn của Ukraine lúc này là khu vực miền đông, nơi có đa số dân nói tiếng Nga. Dù đã có phê chuẩn can thiệp quân sự, Tổng thống Nga Vladimir Putin đến giờ vẫn chưa chính thức ra lệnh tấn công quân sự quy mô lớn. Cả Ukraine và phương Tây lúc này đều nín thở chờ diễn biến từ Kremlin.
Nói chuyện căng thẳng 90 phút
Theo Reuters, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc nói chuyện căng thẳng với Tổng thống Putin trong suốt 90 phút sau khi đề xuất đưa quân vào Ukraine được Quốc hội Nga thông qua. Trong cuộc điện đàm, ông Obama đã phản đối Nga vi phạm luật quốc tế khi xâm phạm toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ Ukraine. Theo báo chí Nga, ông Putin nói sẽ can thiệp vào Ukraine nếu bạo lực nổ ra.
Ông Obama cảnh báo Matxcơva sẽ bị “cô lập về kinh tế và chính trị” nếu đưa quân vào Ukraine. Trong khi đó, ông Putin khẳng định “cực đoan” Ukraine đang đe dọa sinh mệnh và tài sản người Nga sống ở Crimea.
Diễn biến mới được coi là cuộc đối đầu lớn nhất giữa Nga và phương Tây kể từ sau kết thúc chiến tranh lạnh năm 1991.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua lên án hành động của Nga là “hành vi gây hấn kinh hoàng” và nói “anh không thể vào thế kỷ 21 mà vẫn cư xử như kiểu thế kỷ 19 bằng cách xâm lược nước khác với cái cớ hoàn toàn bịa đặt”. Điện Kremlin sau đó từ chối bình luận về tuyên bố này.
Trong tuyên bố của mình, ngoại trưởng Mỹ đe dọa Nga có thể mất vị trí của mình trong G8 và đe dọa cấm vận kinh tế với nước Nga nếu chiến tranh xảy ra. Cả Mỹ, Anh và Pháp đồng loạt tuyên bố rút khỏi cuộc họp tiền trạm cho G8 diễn ra trong tuần này sau những căng thẳng mới.
Một quan chức EU giấu tên nhận định hiện tại phương Tây xác định Crimea đã rơi vào tay quân đội Nga. “Thách thức hiện tại là ngăn chặn Nga chiếm toàn bộ vùng miền đông Ukraine, nơi có số đông người dân nói tiếng Nga” - quan chức này nhấn mạnh.
Ngoài Crimea, chính quyền Ukraine cũng đang phải đau đầu đối phó với tình trạng bạo động ở nhiều khu vực khác có người gốc Nga sinh sống. Theo AFP, nhiều cuộc biểu tình ủng hộ Nga, phản đối chính phủ mới ở Kiev đã nổ ra tại các thành phố như Donetsk, Kharkov, Mariupol... Tại Donetsk, “căn cứ địa” của tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych, khoảng 7.000 người đã tìm cách xông vào chiếm tòa nhà chính quyền địa phương để giương cờ Nga nhưng bất thành.
Ít phương án cho phương Tây Dù tổng thống Mỹ đe dọa Nga về “hậu quả” của việc can thiệp quân sự, theo giới phân tích, cả Mỹ và phương Tây đến lúc này có rất ít phương án để trừng phạt Nga. Ông Obama và cố vấn của mình đã bàn đến phương án như loại bỏ Nga khỏi G8 hay đưa tàu chiến Mỹ đến khu vực hoặc ngưng đàm phán một hiệp định thương mại. Đây là những phương án mà tổng thống George W. Bush từng cân nhắc vào năm 2008 sau cuộc chiến Gruzia nhưng thực tế tác động của những biện pháp trừng phạt này không bao nhiêu. Nước Nga có nhiều nguồn lực nên không lo sợ trước các đe dọa về trừng phạt kinh tế. Ngoài ra, với việc là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Nga không phải lo sợ về Liên Hiệp Quốc. Với châu Âu, là nước cung cấp phần lớn khí đốt cho châu lục, Nga có những lá bài để ràng buộc nhiều đồng minh của Mỹ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận