31/10/2013 11:07 GMT+7

Bị tấn công, bác sĩ Trung Quốc biểu tình đòi bảo vệ

ĐÔNG PHƯƠNG - HIẾU TRUNG
ĐÔNG PHƯƠNG - HIẾU TRUNG

TT - Chỉ trong một tuần, ba vụ tấn công bác sĩ khiến ngành y Trung Quốc rúng động.

Trung Quốc: thêm nhiều trẻ em bị bác sĩ bắt cócPhát hiện thêm bác sĩ Trung Quốc hành nghề trái phép Bắt 1 bác sĩ Trung Quốc chuyên bán trẻ sơ sinh

PiB5QshH.jpgPhóng to
Cuộc biểu tình đòi bảo đảm an ninh của nhân viên y tế tại thành phố Ôn Lĩnh ngày 28-10 - Ảnh: AFP

Theo Thời Báo Hoàn Cầu, ngày 28-10 khoảng 300 nhân viên y tế thành phố Ôn Lĩnh, tỉnh Chiết Giang đã biểu tình bên ngoài Bệnh viện Nhân dân Ôn Lĩnh 1 để đòi chính quyền đảm bảo sự an toàn cho giới y bác sĩ. “Chúng tôi muốn chính phủ và ban lãnh đạo bệnh viện phải nỗ lực tối đa để bảo vệ sinh mạng các bác sĩ - một người biểu tình nhấn mạnh - Chúng ta phải chống lại các hành vi bạo lực”.

Bệnh nhân bức xúc, bác sĩ lãnh dao

Hôm 25-10, một người đàn ông họ Liên, 33 tuổi, đến Bệnh viện Nhân dân Ôn Lĩnh 1 để tính sổ vì không hài lòng với kết quả phẫu thuật mũi. Không tìm thấy bác sĩ trực tiếp điều trị, ông ta rút dao đâm trưởng khoa tai - mũi - họng và hai bác sĩ khác trước khi bị bảo vệ khống chế. Vị bác sĩ trưởng khoa sau đó đã thiệt mạng. Người nhà hung thủ khẳng định sau cuộc phẫu thuật, ông ta liên tục bị đau đầu và khó thở. Ông ta đã đến bệnh viện khiếu nại nhiều lần nhưng các bác sĩ từ chối khám và luôn nhấn mạnh cuộc phẫu thuật đã thành công.

Đây là vụ tấn công bác sĩ thứ ba trong một tuần ở Trung Quốc. Trước đó vài ngày, một người đàn ông bị biến chứng sau phẫu thuật cánh tay, nhảy khỏi tầng thượng một bệnh viện ở tỉnh Liêu Ninh sau khi đâm một bác sĩ sáu nhát. Người nhà một bệnh nhân cũng đánh hội đồng hai bác sĩ ở tỉnh Quảng Đông do nghi ngờ các bác sĩ này đã sai sót khi tác nghiệp khiến nạn nhân thiệt mạng.

Sau ba vụ trên, bác sĩ Trang Nhất Cường - phó tổng thư ký Hiệp hội Bệnh viện Trung Quốc - đã viết trên trang mạng Sina Weibo: “Mọi nhân viên y tế đều cảm thấy bất an. Chúng ta cần cả xã hội và chính phủ phải đối mặt với vấn đề này. Nếu không, ngành y Trung Quốc sẽ không có tương lai”. Thời Báo Kinh Hoa cho biết theo thống kê của Ủy ban Y tế và kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc, chỉ trong năm 2012 các vụ tấn công bác sĩ, nhân viên y tế đã khiến bảy người thiệt mạng và 28 người bị thương. Tính từ năm 2003-2012, khoảng 40 y bác sĩ đã thiệt mạng hoặc bị tàn tật vì các vụ bạo lực ở bệnh viện.

Hồi tháng 3-2012, tại Bệnh viện Đại học y dược Cáp Nhĩ Tân, một bệnh nhân 17 tuổi mắc bệnh cột sống đã đâm chết bác sĩ thực tập Vương Hạo và làm ba bác sĩ khác bị thương. Hung thủ này cho rằng các bác sĩ chính là thủ phạm khiến người bệnh phải chi một số tiền quá lớn để chữa bệnh nhưng không hiệu quả. Trước đó, các y bác sĩ khoa truyền nhiễm thuộc Bệnh viện Trung tâm thành phố Tín Dương, tỉnh Hà Nam đã “mất tích” tập thể khi một bệnh nhân họ Trương đe dọa sẽ “chém hết” cả khoa. Khoa truyền nhiễm rơi vào cảnh “vườn không nhà trống” nhiều ngày do các bác sĩ không dám lộ diện.

Lỗi tại cơ chế

Tình trạng bạo lực nghiêm trọng đến mức từ tháng 5-2012, cảnh sát thủ đô Bắc Kinh đã thiết lập hàng loạt phòng cảnh vụ tại 50 bệnh viện lớn trên toàn thành phố. Các “y cảnh” (cảnh sát y tế) tại các bệnh viện có nhiệm vụ xuất hiện kịp thời để ứng cứu các bác sĩ trong trường hợp họ bị đe dọa, đánh đập.

Tân Hoa xã đưa tin ngày 22-10, Ủy ban Y tế và kế hoạch hóa gia đình cùng Bộ Công an Trung Quốc đã ra lệnh các bệnh viện tăng cường kiểm tra an ninh để hạn chế việc người nhà bệnh nhân mang dao hay các loại hung khí nguy hiểm vào bên trong. Các bệnh viện cũng phải lắp đặt hệ thống máy quay để phát hiện sớm các trường hợp gây rối.

Báo cáo do Hiệp hội Bệnh viện Trung Quốc công bố tháng 8-2013 khẳng định nguyên nhân khiến tình trạng bạo lực gia tăng ở các bệnh viện là do kết quả chữa bệnh không đáp ứng kỳ vọng của người dân, trong khi chi phí khám chữa bệnh cao, thái độ phục vụ của y bác sĩ kém... Tình trạng quá tải nghiêm trọng ở các bệnh viện cũng khiến người dân bức xúc. Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới, năm 2010 ở Trung Quốc cứ 1.000 dân thì chỉ có 1,4 bác sĩ.

Nhưng một trong những bức xúc lớn nhất là giá thuốc quá cao. Từ năm 2009, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành “Phương án cải cách các vấn đề trọng điểm về thể chế y tế và thuốc men”, tiến hành thí điểm tại 300 bệnh viện. Một trong những quy định mới là cấm các bệnh viện hưởng 15% hoa hồng giá thuốc. Đề bù khoản này, các bệnh viện cũng giở những chiêu trò như kê tiền khám bệnh lên cao, buộc bệnh nhân làm các xét nghiệm không cần thiết... Và các bệnh viện vẫn ăn đậm từ bán thuốc. Theo Nhật Báo Quảng Châu, giá thuốc gốc chỉ bằng 30% mức giá niêm yết tại các bệnh viện.

Báo Đô Thị Tam Tương dẫn lời một số bác sĩ nhận định tình trạng trên xuất phát từ thực tế là lương bác sĩ quá thấp. Thu nhập của bác sĩ tại các bệnh viện lớn ở Trung Quốc chỉ khoảng 3.000 NDT (500 USD)/tháng. Đây cũng là lý do khiến ngày càng nhiều bác sĩ tham gia các phi vụ dược phẩm để kiếm hoa hồng.

“Bệnh nhân phải trả phí ngày càng cao và họ đòi hỏi chất lượng phục vụ tốt hơn. Đó là điều tất nhiên. Nhưng mức lương thấp của các bác sĩ đã khiến họ phải kiếm hoa hồng trên tiền thuốc của bệnh nhân. Cơ chế y tế hiện hành đã tạo ra khoảng cách giữa bệnh nhân và bác sĩ” - một bác sĩ họ Trương nhận định.

Số lượng trung bình các vụ tấn công y bác sĩ mỗi bệnh viện tăng lên 27,3 vào năm 2012, so với con số 20,6 của năm 2008. Một khảo sát của Hiệp hội Bệnh viện Trung Quốc tại 310 bệnh viện và gần 8.300 bác sĩ cho thấy 96% nhân viên y tế thừa nhận từng bị người nhà bệnh nhân mắng nhiếc hoặc đe dọa. Hơn 60% bệnh viện có bác sĩ bị thương vì bị người nhà bệnh nhân tấn công.
ĐÔNG PHƯƠNG - HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên