Phóng to |
Quốc vương Norodom Sihamoni (giữa) được các nghị sĩ CPP chào đón trong phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội sáng 23-9 - Ảnh: Reuters |
Hôm qua, Quốc hội Campuchia khóa V, được bầu vào ngày 28-7, đã họp phiên đầu tiên dưới sự chủ trì của Quốc vương Norodom Sihamoni. Tuy nhiên, trong nghị trường quốc hội chỉ có 68 tân nghị sĩ của Đảng cầm quyền Nhân dân Campuchia (CPP) tham dự, 55 ghế của Đảng đối lập Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) bị bỏ trống do đảng này tẩy chay cuộc họp để phản đối kết quả bầu cử mà họ nói là do gian lận.
Ông Hun Sen tiếp tục làm thủ tướng
Ngay sau khi chủ trì phiên họp đầu tiên của quốc hội, Quốc vương Sihamoni đã ký sắc lệnh bổ nhiệm ông Hun Sen làm thủ tướng chính phủ hoàng gia nhiệm kỳ V. Như vậy, ông Hun Sen - phó chủ tịch CPP, đã liên tục đứng đầu cơ quan hành pháp tối cao Campuchia từ năm 1985 đến nay - sẽ tiếp tục kéo dài thời gian cầm quyền thêm một nhiệm kỳ đến năm 2018.
Chiến thuật tẩy chay họp quốc hội của phe đối lập để đấu tranh quyền lực của ông Sam Rainsy không phải là mới. Sau cuộc bầu cử quốc hội năm 2008, ông Sam Rainsy cũng đã dọa tẩy chay, nhưng trước phiên họp đầu tiên của quốc hội mới chỉ 11 giờ ông đã thay đổi quyết định để các nghị sĩ của mình đến nghị trường.
Với hành động tẩy chay lần này, phe đối lập đã mất cơ hội tham gia cơ chế lãnh đạo của cơ quan lập pháp tối cao sẽ được thông qua tại phiên họp hôm nay. Nhưng điều đó không có nghĩa đảng đối lập sẽ mất toàn bộ ghế của mình.
Trước đây, khi đảng đối lập tuyên bố sẽ tẩy chay, Thủ tướng Hun Sen đã khuyến cáo Ủy ban bầu cử quốc gia (NEC) sẽ lấy trọn các ghế đó để giao hoàn toàn cho CPP hoặc chia cho các đảng khác. Tuy nhiên, theo quy định của hiến pháp, NEC chỉ có quyền làm việc đó khi đảng có ghế tuyên bố chính thức từ bỏ ghế của mình trong quốc hội. Đến nay, phe đối lập chưa làm việc đó, nên 55 ghế của họ vẫn còn bỏ ngỏ.
Thực tế ngay trong phiên họp đầu tiên của quốc hội mới, tên tuổi của các nghị sĩ CNRP vẫn được người điều khiển phiên họp là ông Heng Samrin - chủ tịch quốc hội khóa IV, chủ tịch danh dự CPP - xướng lên tại nghị trường cùng với tên tuổi các nghị sĩ CPP. Ông Heng Samrin giải thích việc các nghị sĩ đảng đối lập không tham dự là quyền của họ, ông chỉ là người thực hiện các thủ tục pháp lý của cơ quan lập pháp tối cao.
Hôm qua, từ Siem Reap, nơi CNRP tập trung các nghị sĩ của mình, họ đã ra tuyên bố chỉ trích cuộc họp đầu tiên của quốc hội là vi hiến và không công bằng với cử tri đã đi bỏ phiếu.
Khó khăn chờ đợi trước mắt
Năm năm tới sẽ là thời gian khó khăn nhất so với 28 năm giữ vị trí quyền lực đỉnh cao trước đây của ông Hun Sen ở Campuchia. Theo nhiều nhà phân tích ở Phnom Penh, chiếc ghế thủ tướng đối với ông Hun Sen giờ nóng hơn bao giờ hết. Ông Hun Sen có nghĩa vụ lập nội các để trình quốc hội biểu quyết tín nhiệm trong hôm nay. Chắc chắn ông Hun Sen sẽ dễ dàng qua được những thủ tục pháp lý này.
Nhưng trong quá trình điều hành đất nước sắp tới, ông Hun Sen không thể né tránh “kỳ phùng địch thủ” là thủ lĩnh đối lập Sam Rainsy. Có thể nói cuộc cạnh tranh giữa đảng đối lập trong thời gian tới chính là cuộc đối đầu giữa hai nhà chính trị nổi bật nhất của Campuchia hiện nay.
Giờ đây, tư thế hợp pháp của ông Hun Sen đã được xác lập bằng sắc lệnh hoàng gia, được nhiều bạn bè quốc tế công nhận, nhưng ông Hun Sen nói riêng và cả CPP vẫn gặp phải những thách thức không nhỏ trong đấu tranh dư luận. Cho đến lúc này, Mỹ và hầu hết các nước phương Tây vẫn chưa công nhận kết quả bầu cử ở Campuchia. Điều trớ trêu là dù đại sứ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tham dự cuộc họp đầu tiên của quốc hội mới với tư cách khách mời sáng qua nhưng trong thông cáo báo chí sau đó, họ đều nói rằng điều đó không có nghĩa là họ công nhận kết quả bầu cử dành cho các đảng.
Do đó, theo nhiều nhà phân tích ở Phnom Penh, giờ đây điều quan trọng nhất của ông Hun Sen là một mặt không để ông Sam Rainsy dùng đường phố để tiếp tục lên tiếng, đồng thời khống chế phe đối lập bằng con đường luật pháp.
Các nguồn tin cậy từ CPP cho hay tại cuộc họp mở rộng của CPP ngày 19-9 có sự tham dự của 68 tân nghị sĩ, ông Hun Sen cho biết nguyên tắc đấu tranh với phe đối lập thời gian tới là tuân thủ hiến pháp và pháp luật, giữ vững kết quả bầu cử - tiến hành cải cách triệt để. Đồng thời với việc chuẩn bị các thủ tục pháp lý tiếp theo để nắm quyền lập pháp và hành pháp, CPP đã chuẩn bị một chương trình cải cách sâu rộng nhằm tăng thêm hiệu lực quản lý và điều hành đất nước cho chính phủ trong nhiệm kỳ mới.
Con đường tốt nhất với cả hai bên giờ đây là gặp nhau để tiếp tục đàm phán, chia miếng bánh quyền lực đúng theo tư cách của mình được hưởng.
Điện mừng của Thủ tướng Việt Nam Hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gửi điện mừng ông Samdech Techo Hun Sen nhân dịp ông được Quốc vương Norodom Sihamoni bổ nhiệm làm thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia. Trong điện mừng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ tin tưởng nhân dân Campuchia anh em sẽ tiếp tục giành được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong công cuộc xây dựng thành công một nước Campuchia hòa bình, ổn định, phát triển phồn vinh. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tin tưởng mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa Việt Nam và Campuchia sẽ tiếp tục được củng cố và phát triển, vì lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Ông Hun Sen tiếp tục được bổ nhiệm Thủ tướng CampuchiaHai đảng Campuchia: hai bên đã hàn gắn nhiều khác biệt Campuchia: 2 đảng đạt thỏa thuận dừng bạo lựcQuốc hội Campuchia phiên đầu tiên vắng toàn bộ đại biểu CNRP
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận