Google và Facebook lên án vụ nghe lén của Chính phủ MỹVụ nghe lén chấn động của Chính phủ Mỹ
Phóng to |
Cựu nhân viên tình báo điện tử
“Động cơ duy nhất của tôi là thông tin cho dư luận những gì đã xảy ra với họ”, Snowden nói với báo Anh Guardian, một trong những tờ báo đầu tiên đăng câu chuyện. Báo Mỹ Washington Post ngày 9-6 cũng đưa tin xác nhận Snowden là nguồn tin của họ.
Snowden vốn là một cựu trợ lý kỹ thuật cho Cục Điều tra liên bang Mỹ (CIA) và từng làm việc ở bộ phận tình báo điện tử cho NSA trong vòng bốn năm. Sau đó anh nhận một công việc khác ở Hawaii cho Công ty tư vấn công nghệ máy tính Booz Allen Hamilton. Hiện Snowden đang lánh tạm trong một khách sạn ở Hong Kong chuẩn bị cho “tất cả những gì có thể đến” sau tiết lộ của anh.
“Tôi sẵn sàng hi sinh tất cả vì tôi không thể thấy lương tâm yên ổn nếu cho phép Chính phủ Mỹ phá hoại quyền riêng tư, tự do Internet và những quyền tự do cơ bản của người dân trên toàn thế giới với cỗ máy do thám khổng lồ mà họ đang bí mật xây dựng” - Edward Snowden |
Theo báo chí, Công ty Verizon, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hàng đầu nước Mỹ, đã được lệnh phải trao cho chính quyền thông tin về các cuộc gọi điện thoại bao gồm thời gian, địa điểm, độ dài mỗi cuộc gọi và cả số điện thoại trong các cuộc gọi nội địa từ 25-4 tới 19-7. Nhà chức trách thực hiện lệnh trên dựa vào một trát tòa.
Tiếp đó, Guardian và Washington Post lại tiết lộ về PRISM, một chương trình mà các báo này nói cho phép NSA thu thập chi tiết về các hoạt động của nhiều người, bao gồm “các đoạn hội thoại hình ảnh và âm thanh, hình ảnh, thư điện tử và các tài liệu khác”, từ các máy tính của khách hàng những hãng Microsoft, Google, Apple và những công ty công nghệ khác.
Snowden nói hành vi của NSA “đã trở thành mối đe dọa hiển hiện với nền dân chủ”. Anh nói anh hi vọng chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ chấm dứt chương trình này khi ông lên nhậm chức năm 2009, nhưng ngược lại, Snowden cáo buộc ông Obama “đã thúc đẩy chính những chính sách mà tôi nghĩ ông ấy sẽ ngăn lại”.
“Tôi không coi mình là người hùng, vì những gì tôi làm là lợi ích của cá nhân tôi - anh nói - Tôi không muốn sống ở một thế giới không có quyền riêng tư, tức là không có chỗ cho những khai phá và sáng tạo”.
Snowden sẽ bị truy tố?
Gần như ngay sau khi tin tức được tiết lộ, tại Mỹ đã xuất hiện những kêu gọi truy tố Snowden. Hạ nghị sĩ Peter King, chủ tịch tiểu ủy ban an ninh quốc gia và là thành viên của Ủy ban tình báo Hạ viện, nói với Đài CNN: “Nếu Edward Snowden thật sự có tiết lộ thông tin của NSA như anh ta tuyên bố, chính quyền Mỹ phải truy tố anh ta theo đúng luật pháp hiện hành và bắt đầu thủ tục dẫn độ sớm nhất có thể. Nước Mỹ phải làm rõ rằng không quốc gia nào được phép chứa chấp cá nhân này. Đây là vấn đề có thể để lại hậu quả ghê gớm với ngành tình báo Mỹ”.
James Clapper, giám đốc Văn phòng tình báo quốc gia (ONC), hiện chưa bình luận gì về sự vụ nhưng nói: “Bất cứ người nào từng làm việc cho các cơ quan tình báo đều hiểu rõ anh ta hay cô ta có trách nhiệm bắt buộc bảo vệ các thông tin mật và tuân thủ pháp luật”. Bộ Tư pháp Mỹ từ chối bình luận, viện lý do điều tra đang diễn ra. Những lãnh đạo các ủy ban tình báo ở quốc hội đều lên tiếng bênh vực bên hành pháp.
Dianne Feinstein, chủ tịch Ủy ban tình báo Thượng viện, nói chương trình của NSA giúp truy tố hai nghi can trong hai vụ nổi tiếng là Najibullah Zazi, một người sinh tại Afghanistan ngụ ở Colorado, đã nhận tội âm mưu đánh bom các mục tiêu ở New York; và David Headley, nhận tội làm do thám cho những phần tử Hồi giáo cực đoan Pakistan đã tấn công các khách sạn ở Mumbai, Ấn Độ, năm 2008 làm 164 người thiệt mạng. “Những chương trình này là tuân thủ pháp luật”, bà Feinstein nói, và bà nhận được sự đồng ý của ông Mike Rogers, chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện.
Nhưng Glenn Greenwald, một tác giả quan trọng trong loạt bài trên Guardian, nói trên chương trình This Week của Đài ABC rằng NSA chưa giải tỏa được bức xúc của những nghị sĩ bày tỏ quan ngại về quy mô của lần thu thập thông tin này. Greenwald đặt câu hỏi liệu người Mỹ “có thật sự muốn sống trong một đất nước như thế này”. Greenwald, một luật sư và người đấu tranh vì quyền dân sự, nói: “Có những điều mà người dân Mỹ có quyền được biết. Điều duy nhất bị hủy hoại là uy tín của các quan chức chính trị và cách mà họ thực thi quyền lực trong bóng tối”.
Báo Guardian cho biết Snowden lớn lên ở North Carolina và Maryland. Anh nhập ngũ năm 2003 nhưng được giải ngũ sau khi gãy cả hai chân trong một tai nạn. Anh không học hết cấp III nhưng học vi tính ở một trường đại học cộng đồng tại Maryland. Anh khởi nghiệp làm bảo vệ cho một cơ sở của NSA ở Đại học Maryland rồi sang làm cho an ninh Internet của CIA. Năm 2009, anh nhận việc cho nhà thầu quân sự làm việc cho NSA.
Trong một tuyên bố chiều 9-6, Công ty Booz Allen nói Snowden làm việc cho hãng không tới ba tháng và cho biết nếu những gì anh tiết lộ với báo chí là thật thì đó sẽ là “hành động vi phạm nghiêm trọng quy định và quy tắc giá trị của công ty chúng tôi”.
Snowden nói với Guardian anh tới Hong Kong từ ngày 20-5 mà không thông báo cho gia đình và bạn gái. Hong Kong là vùng lãnh thổ rất thân thiện với tự do báo chí và trong quá khứ thường sẵn lòng đón tiếp những nhân vật tị nạn chính trị. Hong Kong có hiệp ước dẫn độ với Mỹ, nhưng loại trừ “những tội phạm chính trị” và những trường hợp mà việc trao trả nghi phạm có thể làm hại cho “lợi ích quốc phòng, ngoại giao hay các lợi ích công cộng khác” của cả hai bên.
Tuy nhiên, Snowden thừa nhận trên Guardian: “Tôi không thể làm điều này mà không chấp nhận rủi ro phải ngồi tù. Bạn không thể nào chống lại các cơ quan tình báo hùng mạnh nhất thế giới mà không chấp nhận rủi ro đó. Nếu họ muốn bắt bạn, rồi sớm muộn họ sẽ làm được”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận