08/06/2013 08:34 GMT+7

Vụ nghe lén chấn động của Chính phủ Mỹ

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TT - Liệu tự do và quyền riêng tư có thật sự tồn tại ở Mỹ, nơi mà như Washington vẫn tự mô tả là “nền dân chủ lớn nhất thế giới”? Người dân Mỹ chắc hẳn đã có câu trả lời sau khi đọc báo Washington Post hôm 6-6.

mWll9YXm.jpgPhóng to
Trụ sở của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) ở Fort Meade, bang Maryland - Ảnh: Reuters

Ngày 5-6, dư luận Mỹ chấn động khi báo Anh Guardian phanh phui Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã bí mật nghe lén điện thoại của hàng chục triệu người Mỹ sử dụng dịch vụ của Hãng viễn thông Verizon. Một ngày sau, cơn “địa chấn” mới nổ ra khi báo Washington Post lôi ra ánh sáng vụ NSA và Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) truy cập trực tiếp vào hệ thống máy chủ của hàng loạt tập đoàn công nghệ lớn để lấy thông tin của người sử dụng Internet.

Chương trình theo dõi lén của NSA có mật danh là PRISM đã bắt đầu từ năm 2007, dưới thời cựu tổng thống George Bush nhưng lại bùng nổ trong vài năm qua dưới quyền của Tổng thống Obama. Trong danh sách các tập đoàn khổng lồ “đi đêm” với NSA và FBI có đầy đủ chín đại gia sừng sỏ ở Thung lũng Silicon của Mỹ như Google, Microsoft, Apple, Yahoo, Facebook, PalTalk, AOL, Skype, YouTube...

Từ Thung lũng Silicon đến Nhà Trắng

Washington Post cho biết một sĩ quan tình báo Mỹ đã tiết lộ thông tin về chương trình PRISM cho tờ báo này. Đây là người đã tận mắt chứng kiến hoạt động của hệ thống theo dõi lén mà NSA vận hành và “hoảng sợ với khả năng của nó”. “Họ (Chính phủ Mỹ) thật sự có thể quan sát quá trình bạn hình thành các ý tưởng trong khi gõ bàn phím” - Washington Post dẫn lời sĩ quan này mô tả.

Các tài liệu mật cho thấy với chương trình PRISM, Chính phủ Mỹ dễ dàng tiếp cận với hệ thống máy chủ của các tập đoàn công nghệ để theo dõi các hoạt động trên mạng Internet của người sử dụng. NSA và FBI có thể lấy được thư điện tử, hình ảnh, video, đoạn hội thoại, tài liệu, lịch sử tìm kiếm... của bất kỳ cá nhân nào, qua đó nắm được nhất cử nhất động và liên lạc của mục tiêu. Do vậy, các dữ liệu do PRISM thu thập luôn có mặt trong tập tài liệu tình báo mà Tổng thống Obama đọc hằng ngày.

Phản ứng lại, các tập đoàn công nghệ đều lên tiếng phủ nhận thông tin mà Washington Post đăng tải. Theo AFP, người phát ngôn của Apple tuyên bố “chưa bao giờ nghe đến chương trình PRISM”. Đại diện Facebook cũng khẳng định không “mở cửa hậu” cho chính quyền tiếp cận hệ thống máy chủ của mình. Cả Google và Microsoft đều tuyên bố chỉ tiết lộ thông tin cho chính phủ theo quy định của pháp luật.

Thế nhưng, đích thân giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper lại thừa nhận sự tồn tại của PRISM. Báo New York Times dẫn lời ông Clapper cho biết chương trình này tuân thủ luật tình báo nước ngoài của Mỹ và được quốc hội thông qua. “Chúng tôi không dùng PRISM để cố tình nhắm vào bất kỳ công dân Mỹ nào hoặc bất kỳ ai ở trong nước Mỹ - ông Clapper nhấn mạnh - Thông tin thu thập được từ chương trình này là những tin tình báo quan trọng nhất, có giá trị nhất và được sử dụng để bảo vệ đất nước trước nguy cơ tấn công khủng bố”.

Ông Clapper chỉ trích việc thông tin về PRISM bị rò rỉ cho giới truyền thông sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia Mỹ. Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest, các nghị sĩ Mike Rogers - chủ tịch Ủy ban Tình báo hạ viện, Dianne Feinstein - chủ tịch Ủy ban Tình báo thượng viện... đều khẳng định PRISM giúp “bảo vệ nước Mỹ”, “là công cụ quan trọng chống khủng bố”. Ông Rogers tiết lộ thông tin từ PRISM đã giúp ngăn chặn một số vụ tấn công ở Mỹ.

“Đòn tấn công vào Hiến pháp Mỹ”

Dư luận, giới truyền thông và nhiều nghị sĩ đã lên tiếng phản đối chương trình PRISM và nhấn mạnh việc xâm phạm đến quyền riêng tư là “không thể bào chữa được, không thể chấp nhận được”. Phó giám đốc Liên hiệp Tự do dân sự Mỹ (ACLU) Jameel Jaffer, như Reuters cho biết, chỉ trích Quốc hội Mỹ là đã trao quá nhiều quyền lực cho chính phủ, khiến quyền riêng tư của người dân bị xâm phạm nghiêm trọng. Thượng nghị sĩ Bernie Sanders cũng tuyên bố: “Dân chủ không phải là như vậy. Tự do không phải là như vậy”. Thượng nghị sĩ Rand Paul thậm chí còn mô tả chương trình PRISM là “đòn tấn công khủng khiếp vào Hiến pháp Mỹ”.

Xã luận của The Atlantic khẳng định vụ theo dõi lén này “gây sốc nặng nề” nếu xét đến việc hầu hết mọi người đều truy cập mạng Internet mỗi ngày và trao nhiều thông tin cá nhân cho các công ty Internet. Xã luận của báo Time nhấn mạnh: “Xìcăngđan này đã chứng tỏ một sự thật là chính phủ sử dụng bất kỳ quyền lực được trao và nhiều khả năng sẽ lạm dụng quyền lực đó”.

Năm 2009, chỉ vài ngày sau khi nhậm chức tổng thống, ông Obama đã cam kết: “Sự minh bạch và pháp trị sẽ là nền tảng của nhiệm kỳ tổng thống này”. Tuy nhiên, trước những diễn biến trong hai ngày qua, báo Huffington Post vốn nổi tiếng là thân Dân chủ lại đã phải lên tiếng kết luận rằng trên thực tế ông Obama cũng hành xử như người tiền nhiệm là George Bush! Xã luận của báo New York Times cũng kết luận: Washington “đã đánh mất sự tin tưởng của người dân khi lạm dụng quyền lực nhân danh cuộc chiến chống khủng bố”. Xã luận của báo New Yorker đánh giá dường như đối với Chính phủ Mỹ, bất kỳ hành vi nào cũng đều có thể chấp nhận được. Nhưng lối hành xử đó lại đi ngược lại tinh thần thượng tôn pháp luật!

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên