10/04/2013 07:38 GMT+7

Triều Tiên dọa "sẽ có chiến tranh hạt nhân"

THANH TUẤN - CẢNH TOÀN
THANH TUẤN - CẢNH TOÀN

TT - Bình Nhưỡng ngày 9-4 lại đe dọa tiến hành một cuộc chiến tranh “nhiệt - hạt nhân” trên bán đảo Triều Tiên và yêu cầu người nước ngoài trên khắp Hàn Quốc di tản vì “không muốn gây ra bất kỳ tổn hại nào” cho họ “nếu chiến tranh nổ ra”.

Trung Quốc không muốn “hỗn loạn” trên bán đảo Triều Tiên

zGgLErIO.jpgPhóng to
Dàn tên lửa đánh chặn Patriot (PAC-3) được triển khai tại Bộ Quốc phòng Nhật ở Tokyo ngày 9-4, sẵn sàng ứng phó với vụ phóng tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên - Ảnh: Reuters

Tuyên bố này được người phát ngôn của Ủy ban Hòa bình Triều Tiên khu vực châu Á - Thái Bình Dương đưa ra và được Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA phát đi.

Vắng bóng ở Khu công nghiệp Kaesong

Cùng ngày, công nhân Triều Tiên tại Khu công nghiệp chung Kaesong giữa Hàn Quốc và Triều Tiên không còn đến làm việc, sau khi Bình Nhưỡng loan báo vào hôm trước họ có ý định đóng cửa vô thời hạn khu công nghiệp chung này và rút hết 53.000 công nhân của mình. Seoul đã xác nhận thông tin này, theo tin của Yonhap. Tổng thống Hàn Quốc Park Guen Hye tuyên bố “rất thất vọng” về thông tin này, trong khi Washington cho rằng biện pháp này của Bình Nhưỡng là “đáng tiếc” khi Mỹ đã tìm cách hạ nhiệt bằng việc hoãn thử tên lửa tầm xa dự kiến trong tuần này ở California. Bà Park Geun Hye cảnh báo: “Nếu CHDCND Triều Tiên vi phạm các luật lệ quốc tế và những lời hứa của họ như vậy thì sẽ không có quốc gia hay công ty nào đầu tư vào CHDCND Triều Tiên”. Seoul cũng bác bỏ tin chính phủ đang chuẩn bị khả năng Kaesong bị đóng cửa, đồng thời khẳng định “quan điểm không thay đổi của Hàn Quốc là Khu công nghiệp Kaesong nên vận hành bình thường”.

Là nguồn thu quý giá mà Bình Nhưỡng rất cần, khu công nghiệp chung này - được thành lập năm 2004 - vẫn luôn mở cửa bất chấp những khủng hoảng liên tiếp trên bán đảo Triều Tiên, trừ một lần vào năm 2009.

Kaesong được xem là nguồn thu nhập quan trọng đối với CHDCND Triều Tiên thông qua lợi nhuận và thu thuế. Tại đây có khoảng 53.000 công nhân Triều Tiên làm việc cho hơn 120 công ty Hàn Quốc. AFP cho biết thương mại hai chiều năm 2012 đạt gần 497 triệu USD. Nếu tích lũy từ năm 2004 tới nay thì con số này là 1,98 tỉ USD. Công nhân Triều Tiên làm việc tại Kaesong nhận lương cao hơn so với những nơi khác trong nước. Mỗi năm, các doanh nghiệp Hàn Quốc trả lương cho công nhân Triều Tiên tới 87 triệu USD.

Bình Nhưỡng đã cấm công nhân Hàn Quốc vào Kaesong từ giữa tuần qua, buộc 13 doanh nghiệp Hàn Quốc tại đây phải ngưng sản xuất. Tính đến ngày 9-4, hơn 375 công nhân Hàn Quốc đã rời Kaesong. Hiện khoảng 400 công nhân Hàn Quốc còn ở lại. Ông Yu Chang Geun, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc, nhấn mạnh phải nhanh chóng nối lại hoạt động ở Kaesong để tránh sự thiệt hại chung. “Sức chịu đựng của các công ty đã đến giới hạn. Nếu sự việc cứ tiếp diễn như thế thì chúng tôi phá sản mất”.

Việc đóng cửa khu công nghiệp này, dấu vết và biểu tượng chính trị cho sự hợp tác giữa hai miền Triều Tiên, có thể tạo ra một bước mới cho cuộc xung đột từ nhiều tuần qua trên bán đảo này.

Cũng sáng sớm cùng ngày, hai tên lửa Patriot PAC-3 đất đối không đã được đặt ở Bộ Quốc phòng Nhật Bản nằm giữa thủ đô Tokyo nhằm ngăn chặn tên lửa của Triều Tiên, theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nhật Bản. Các nguồn tin khác cho biết tên lửa PAC-3 sẽ được triển khai ở hai địa điểm khác quanh Tokyo.

“Bình thường và chưa có gì biến động”

Trả lời Tuổi Trẻ chiều 9-4, tham tán công sứ Việt Nam ở Seoul Nguyễn Mạnh Đông khẳng định: “Tình hình vẫn bình thường và chưa có gì biến động. Hiện chúng tôi vẫn liên lạc chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và Chính phủ Hàn Quốc, nhưng phía bạn cũng chưa đưa ra cảnh báo gì”. Ông Đông cho biết đánh giá của sứ quán là “tình hình tương đối yên tĩnh”.

Từ ngày 5-4, Đại sứ quán Việt Nam ở Seoul đã ra thông báo cho cộng đồng người Việt Nam về diễn biến tình hình, đồng thời cung cấp số điện thoại và số điện thoại di động của các cán bộ sứ quán cho người Việt ở Hàn Quốc để liên lạc khi cần thiết. Ông cho biết đại sứ quán đã liên lạc với một số lao động Việt Nam nhưng họ đều nói “công việc hoạt động bình thường, mọi người không lo lắng gì cả.”

Chiến tranh toàn diện khó nổ ra

* Giáo sư Ahn Kyung Hwan (dịch giả một số tác phẩm của Việt Nam sang tiếng Hàn như Nhật ký trong tù, Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Truyện Kiều...):

“Dù bị đe dọa chiến tranh nhưng tình hình kinh tế, thị trường Hàn Quốc vẫn diễn ra hết sức bình thường. Tôi cũng như nhiều người dân Hàn Quốc khác mong đợi cục diện nguy hiểm hiện nay sẽ được giải quyết sớm bằng hòa bình. Nhưng nếu láng giềng cứ hung hăng và luôn đe dọa chiến tranh thì làm sao người dân sống hòa bình được đây? Chiến tranh toàn diện không thể nổ ra. Nếu có thì cả nước phải tham gia bảo vệ tổ quốc để giành thắng lợi”.

* Anh CHANG SOCK (29 tuổi, quốc tịch Hàn Quốc, mới tốt nghiệp khoa tiếng Việt Trường đại học KHXH&NV TP.HCM và đang dạy tiếng Hàn ở TP.HCM):

“Tôi thấy việc Triều Tiên kêu gọi người nước ngoài ở Hàn Quốc di tản hoàn toàn không có gì nghiêm trọng. Tuy người nhà của tôi đang sống ở Hàn Quốc, nhưng tôi chỉ hơi lo cho họ chứ hoàn toàn không nghĩ chiến tranh sẽ xảy ra. Bạn còn nhớ vụ chìm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc được cho là do một ngư lôi phía Triều Tiên gây ra khiến 46 thủy thủ Hàn thiệt mạng tại biển Hoàng Hải năm 2010 không? Đó là vụ đụng độ lớn nhất kể từ chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) mà chiến tranh đã không xảy ra, chứ nói gì đến vụ này. Hơn nữa, chiến tranh giờ không phải là cuộc chiến giữa một nước và một nước mà còn lôi kéo cả cộng đồng quốc tế”.

THANH TUẤN - CẢNH TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên