Phóng to |
Phần lớn người dân thế giới ủng hộ Tổng thống Barack Obama chiến thắng trước đối thủ Mitt Romney - Ảnh: AFP |
Châu Âu là “sân nhà” của ông Obama
Theo thăm dò của GlobeScan/BBC tại 21 quốc gia được công bố cuối tháng 10, hơn 50% số người được khảo sát ủng hộ yêu thích ông Obama hơn so với chỉ 9% thiện cảm dành cho ứng viên Mitt Romney.
Khảo sát cho biết 2/3 người dân Canada sẽ bỏ phiếu (nếu có cơ hội!) cho ông Obama. Tỉ lệ này tương đồng với một khảo sát trước đó của Hãng Angus Reid cho thấy 72% dân chúng Canada ủng hộ tổng thống Mỹ đương nhiệm.
Trong số các nước châu Âu, Pháp là quốc gia ủng hộ ông Obama mạnh mẽ nhất. Kết quả của GlobeScan cho thấy 72% dân Pháp muốn ông Obama tái đắc cử, trong khi chỉ 2% nói sẽ bầu chọn cho ông Romney.
Khảo sát của hai đơn vị Gallup và WIN phối hợp thực hiện tại hơn 30 quốc gia vào tháng 9 cũng cho kết quả trung bình tương tự, với tỉ lệ ủng hộ ông Obama áp đảo hẳn so với đối thủ Romney: 81% - 18%. Những quốc gia ủng hộ ông Obama mạnh mẽ là Hà Lan, Bồ Đào Nha, Ireland và Iceland, trong khi ông Romney được yêu thích ở Pakistan, Israel, Macedonia!
Tại Nga, khảo sát giữa tháng 10 của Trung tâm công luận cho biết 42% người Nga ủng hộ ông Obama trong khi chỉ có 4% tin tưởng ông Romney sẽ là tân tổng thống Mỹ. Theo báo Wall Street Journal, phần lớn người Nga ủng hộ ông Obama là người dân các thành phố lớn hoặc là đảng viên Đảng Xã hội và Đảng Cộng sản. Tuy nhiên, báo này cho biết “phần lớn người Nga không quan tâm đến bầu cử tổng thống Mỹ”.
Châu Á: Romney mất điểm vì mạnh miệng
Người dân tại hai cường quốc châu Á là Nhật Bản và Trung Quốc thể hiện sự ủng hộ lớn với Tổng thống Obama, theo thăm dò của AFP và Hãng Ipsos công bố đầu tháng 11. Những phát biểu cứng rắn của ông Romney về các cường quốc châu Á có thể đã làm sứt mẻ hình ảnh của ông.
Phóng to |
Tổng thống Obama nhận được sự ủng hộ lớn từ người dân Nhật Bản và Trung Quốc - Ảnh: AFP |
Khảo sát của Ipsos cho thấy đến 86% người dân Nhật Bản ủng hộ ông Obama so với tỉ lệ chỉ 12,3% dành cho đại diện Đảng Cộng hòa. Tại Trung Quốc, tỉ lệ ủng hộ ông Obama là 63%.
Giới phân tích nhận định các chính sách kinh tế và an ninh của Tổng thống Obama đã tăng cường vị thế của ông tại châu Á, trong khi những phát biểu mạnh mẽ cáo buộc Bắc Kinh thao túng tiền tệ và sự suy giảm kinh tế tại Nhật Bản của ông Romney khiến ông bị mất lòng nhiều người.
Khảo sát này cũng chỉ ra phần lớn người dân Nhật Bản (81,8%) và Trung Quốc (58,3%) tin tưởng ông Obama sẽ là tổng thống Mỹ tốt nhất có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở châu Á. Ông Obama nhận được tỉ lệ tương tự ở câu hỏi ứng viên nào sẽ đóng góp tốt hơn cho an ninh và hòa bình tại châu Á.
ASEAN lo ngại nếu ông Romney đắc cử, ông sẽ không có lý do gì để đến châu Á bởi ưu tiên của ứng viên Đảng Cộng hòa là các vấn đề Trung Đông, nhất là Israel và Iran. Có chăng mối quan tâm của ông Romney là Trung Quốc và Nhật Bản, trong khi ASEAN chỉ ở hàng thứ yếu.
Đối với Myanmar, thời kỳ ông Obama làm tổng thống đã đánh dấu sự ấm lại trong quan hệ ngoại giao sau hàng thập kỷ Myanmar bị Mỹ cấm vận. Thái Lan cũng mong chờ chuyến thăm của ông Obama sau khi ông đến Phnom Penh và Myanmar.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, ông Obama đã thể hiện một chính sách tái cân bằng khi chuyển trọng tâm từ Trung Đông sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nếu tái đắc cử, người ta hi vọng chính sách này sẽ bước vào giai đoạn hai, trong đó Mỹ sẽ hợp tác sâu sắc hơn với các thành viên ASEAN ở mọi lĩnh vực.
Pakistan, Israel ủng hộ ông Romney
Pakistan là quốc gia duy nhất trong khảo sát của GlobeScan ủng hộ ứng viên Romney chiến thắng. 14% người dân Pakistan được khảo sát cho biết sẽ bỏ phiếu cho ứng viên Đảng Cộng hòa, so với tỉ lệ 11% ủng hộ đại diện Đảng Dân chủ. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là đến 75% ý kiến bày tỏ không yêu thích cả hai ứng viên.
Phóng to |
Ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa Mitt Romney (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong chuyến công du Israel hồi tháng 7-2012 của ông Romney - Ảnh: Reuters |
Chính quyền Pakistan vẫn căng thẳng với Mỹ sau khi đội đặc nhiệm SEAL của Mỹ âm thầm mở chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden trên đất Pakistan mà họ không hề hay biết. Ngoài ra, một số sự cố khác cũng khiến mối quan hệ này xấu đi, như vụ một nhân viên CIA giết hai người Pakistan ở Lahore tháng 1-2011, vụ binh sĩ Mỹ thuộc lực lượng NATO giết 24 người Pakistan tại tiền đồn gần biên giới Afghanistan tháng 11-2011.
Israel thích Romney hơn khi ông Romney luôn công khai chỉ trích ông Obama đã cư xử tệ với đồng minh này, trong đó có việc ông Obama công du Trung Đông hồi đầu nhiệm kỳ mà không dừng chân ở Israel. Báo Guardian bình luận mối quan hệ giữa Obama và Netanyahu đã trở nên căng thẳng do Israel muốn Mỹ có quan điểm cứng rắn hơn về chương trình hạt nhân của Iran, trong khi ông Obama không muốn phát động chiến tranh. Đối thủ Romney thì muốn cứng rắn với Iran và không gây áp lực với Israel trong việc cho phép người Palestine hình thành nhà nước độc lập.
Một khảo sát của Đại học Tel Aviv công bố cuối tháng 10 cho thấy tỉ lệ người Do Thái ở Israel (chiếm phần lớn dân số) ủng hộ ông Romney gần gấp 3 lần so với tỉ lệ dành cho ông Obama: 57% - 21%. Một trong những chính sách tranh cử của ứng viên Romney là cứng rắn với Iran và thắt chặt quan hệ với đồng minh Israel.
Bài đăng trên tạp chí Foreign Policy đánh giá chung tình hình dư luận thế giới dành cho hai ứng viên như sau: “Israel là “sân nhà” của ông Romney, còn Bắc và Tây Âu là nơi hậu thuẫn cho ông Obama. Phần còn lại của thế giới đều giữ thái độ quan sát dè chừng”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận