Thủ tướng Nhật: Không thỏa hiệp với TQ về SenkakuNhật - Trung hội đàm căng thẳng và "u ám"
Phóng to |
Theo Kyodo, Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda khẳng định sẽ không có một thỏa hiệp nào với Trung Quốc liên quan tới chủ quyền đối với quần đảo Senkaku mà Trung Quốc đang đòi chủ quyền và gọi là Điếu Ngư. Ông Noda cho rằng Trung Quốc đã “hiểu sai” về chuyện Nhật quốc hữu hóa quần đảo này.
“Liên quan tới quần đảo Senkaku, đây là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Nhật Bản xét theo lịch sử và luật pháp quốc tế. Rõ ràng là không có vấn đề tranh chấp lãnh thổ gì ở đây cả. Do vậy, không thể có chuyện thỏa hiệp hay lùi bước về quan điểm cốt lõi này. Tôi phải nói rõ điều này” - ông Noda khẳng định.
Trung Quốc “diễn giải sai”
Về việc mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, ông Noda cho rằng phía Trung Quốc đã “diễn giải sai” ý nghĩa. “Một phần của quần đảo Senkaku trước đây do tư nhân nắm giữ đã được chuyển cho chính phủ để quản lý ổn định hơn. Đây không phải việc mua bán sáp nhập mới mà là sở hữu tư nhân của công dân Nhật và sau đó được chuyển giao quyền sở hữu theo luật pháp của Nhật. Chúng tôi đã giải thích kỹ càng cho Trung Quốc nhưng dường như Trung Quốc chưa hiểu. Vì vậy, đã có hàng loạt vụ tấn công, bạo lực và phá hoại chống lại công dân và tài sản Nhật ở Trung Quốc” - ông Noda nhấn mạnh.
Ông Noda cũng khẳng định Nhật tự tin vào “chiến thắng” nếu vụ việc được đưa ra Tòa án công lý quốc tế. Nhật cũng đã cung cấp cho các phóng viên quốc tế bản sao tài liệu khẳng định Tokyo có quyền sở hữu quần đảo, trong đó có cả bản đồ Trung Quốc từ năm 1932 và 1960, đánh dấu quần đảo này là lãnh thổ của Nhật.
Trung Quốc và Hàn Quốc đã phản ứng với phát biểu của thủ tướng Nhật trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương tuyên bố Trung Quốc “thật sự không hài lòng” và “cực lực phản đối sự ngoan cố của nhà lãnh đạo Nhật Bản trong quan điểm sai trái liên quan đến quần đảo Điếu Ngư”. Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tai Young cho rằng Thủ tướng Nhật Noda “không được lợi dụng luật pháp quốc tế để phục vụ các mục đích chính trị”.
Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang căng thẳng về quần đảo Takeshima/Dokdo.
Trung Quốc “khuyên” Nhật và Mỹ
Trong khi đó, Trung Quốc Nhật Báo đăng tải cáo bạch về quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Với tiêu đề “Lời khuyên bạn bè cho Nhật và Mỹ”, tờ báo khẳng định việc Nhật quốc hữu hóa quần đảo này là vi phạm chủ quyền Trung Quốc và thách thức trật tự quốc tế sau Thế chiến thứ hai. Trung Quốc cũng “nhắc nhở” Mỹ đừng quên quá khứ rất hung hăng của Nhật. Trung Quốc cũng buộc tội bộ trưởng quốc phòng Mỹ đang sử dụng tranh chấp Nhật - Trung để tăng thêm sức mạnh quân sự cho Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cũng liên quan tới Senkaku/Điếu Ngư, Đài Loan thông báo sẽ thúc đẩy kế hoạch xây công viên hải dương quốc gia nằm cách quần đảo này 140km. Cơ quan nội vụ Đài Loan cho biết công viên hải dương sẽ bao trùm các hòn đảo mà Đài Loan đang nắm giữ như Pengjia, Mianhua, Huaping và vùng nước xung quanh với diện tích 750km2.
Tàu sân bay Trung Quốc: “Chưa thể thay đổi cuộc chơi” Chiều 27-9, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã tổ chức cuộc họp báo xung quanh vấn đề tàu sân bay Liêu Ninh và tranh chấp trên quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Theo Tân Hoa xã, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân khẳng định việc Trung Quốc đưa chiếc tàu sân bay đầu tiên vào hoạt động là “cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển quân đội Trung Quốc”, không nhằm mục đích “dọa nạt” các quốc gia láng giềng mà chỉ nhằm bảo đảm an toàn cho đất nước. Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng tàu sân bay này chưa thể trở thành một nhân tố làm thay đổi cuộc chơi. Ralph Cossa, chuyên gia phân tích quân sự tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược ở Honolulu, nhận định tàu sân bay này chưa thể gây áp lực cho Nhật, ít nhất là trong nhiều năm tới, nhưng sẽ giúp Trung Quốc “tăng cường thanh thế”, cho phép hải quân nước này “tạo ra cái bóng lớn hơn” tại vùng biển của khu vực và tạo lợi thế trước các đối thủ nhỏ hơn, như Philippines. Về căng thẳng ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, ông Dương Vũ Quân khẳng định quân đội Trung Quốc sẽ tích cực ứng phó với các diễn biến bất ngờ trên biển và không phận Trung Quốc, hải quân sẽ “luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu”, phối hợp mật thiết các tàu hải giám, tàu ngư chính để bảo đảm an toàn cho các hoạt động nghề cá và khai thác dầu khí tại quần đảo này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận