27/09/2012 07:36 GMT+7

Nhật - Trung hội đàm căng thẳng và "u ám"

VIỆT PHƯƠNG
VIỆT PHƯƠNG

TT - Ngoại trưởng Nhật và Trung Quốc đã gặp nhau bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 26-9, trong một cuộc hội đàm được mô tả là rất căng thẳng.

nBLrwTkU.jpgPhóng to
Tàu tuần duyên Nhật (góc trái) xịt vòi rồng vào tàu Đài Loan gần Senkaku/Điếu Ngư hôm 25-9 - Ảnh: Reuters

AFP dẫn lời các nhà ngoại giao cho biết cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba với người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì đã kéo dài một giờ, trong bối cảnh quan hệ hai nước đang ở mức thấp nhất trong những năm qua.

Theo Tân Hoa xã, tại cuộc hội đàm, ông Gemba nhấn mạnh đến ý muốn quốc hữu hóa ba hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, trong khi ông Dương Khiết Trì cáo buộc Tokyo “xâm phạm trắng trợn chủ quyền của Trung Quốc” và “Trung Quốc sẽ không dung thứ bất kỳ hành động đơn phương nào của phía Nhật Bản về vấn đề quần đảo Điếu Ngư (cách Trung Quốc gọi quần đảo Senkaku). Trung Quốc sẽ tiếp tục có những biện pháp cứng rắn để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”.

Theo Kyodo, Ngoại trưởng Gemba đã yêu cầu phía Trung Quốc hết sức kiềm chế và ông cho các nhà báo biết không khí cuộc gặp là “u ám”.

Hai hãng sản xuất xe hơi lớn của Nhật là Toyota và Nissan cho biết sẽ cắt giảm sản xuất ở Trung Quốc, vì nhu cầu về xe hơi Nhật giảm do căng thẳng Trung - Nhật. Toyota có ba nhà máy lắp ráp tại Trung Quốc với sản lượng 800.000 xe mỗi năm cùng một mạng lưới 850 đại lý đặc quyền khắp Trung Quốc.

Reuters dẫn lời nhà phân tích thị trường xe hơi Koji Endo nói doanh số của các hãng sản xuất xe hơi Nhật ở Trung Quốc có thể giảm 20-30%. “Khác với các cuộc biểu tình năm 2010, tác động chỉ kéo dài khoảng một tháng nhưng lần này sẽ khác. Tình hình sẽ gây ra một tác động nghiêm trọng” - ông Endo nhận định.

Trong khi đó, Kyodo dẫn nguồn tin các doanh nghiệp Nhật cho biết đang ngày càng có nhiều các bệnh viện ở Bắc Kinh trả lại dược phẩm cho các nhà phân phối Nhật. Tình trạng này đã lan sang Thiên Tân, Thành Đô và một số thành phố khác. Một số tập đoàn của Nhật cũng được phía Trung Quốc yêu cầu rút khỏi một hội chợ thương mại quốc tế lớn ở Thành Đô.

Trước cuộc gặp, phó giám đốc Văn phòng báo chí và quan hệ công chúng thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Naoko Saiki nhấn mạnh với báo giới tại New York là “không có tranh chấp về lãnh thổ hay chủ quyền để giải quyết ở đây vì theo sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế, quần đảo Senkaku là một phần của lãnh thổ Nhật”. Phía Nhật cũng cung cấp cho báo giới các tài liệu chứng minh chủ quyền của Tokyo ở quần đảo Senkaku, trong đó có cả các bản sao bản đồ Trung Quốc từ năm 1932 và 1960 ghi rõ quần đảo này là lãnh thổ của Nhật.

Cuộc gặp bên lề này diễn ra tiếp theo các cuộc trao đổi cấp bộ ngoại giao tại Bắc Kinh ngày 25-9, nhưng không đem lại tiến bộ nào rõ rệt.

AFP dẫn lời một quan chức Nhật cho biết mặc dù cuộc gặp diễn ra căng thẳng, nhưng hai ngoại trưởng đã đồng ý sẽ tiếp tục đối thoại và thống nhất không công bố nhiều chi tiết trong cuộc gặp vì “những điều nhạy cảm về ngoại giao”.

Căng thẳng còn dài

Reuters nhận định những cuộc gặp giữa các nhà ngoại giao hai nước bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và trước đó ở Bắc Kinh là tín hiệu cho thấy Trung Quốc không muốn xảy ra căng thẳng về Senkaku/Điếu Ngư. Tuy nhiên, giọng điệu cứng rắn trong các tuyên bố của Trung Quốc lại cho thấy căng thẳng còn lâu mới chấm dứt.

Giải thích nghịch lý này, giáo sư Mitsuyuki Kagami, chuyên nghiên cứu về chính trị Trung Quốc thuộc Trường đại học Aichi của Nhật, cho rằng trở ngại lớn nhất trong vấn đề này là giới lãnh đạo Trung Quốc đang bị dồn vào góc tường. “Giới lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đang cố gắng kiềm chế xu hướng hiếu chiến trong đảng và quân đội, nhưng sự gay gắt của chủ nghĩa dân tộc giờ đã chạm đến một mức khó kiểm soát”.

Phản ánh sự lo ngại của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon trước đó, Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (ICG) ngày 24-9 đã cho rằng căng thẳng hiện nay giữa Nhật và Trung Quốc đang làm tăng “hơn bao giờ hết” nguy cơ đụng độ giữa tàu của hai nước. ICG nhắc lại trong quá khứ, hai nước đã thành công trong việc làm giảm nhiệt ở quần đảo này, nhất là vào năm 2010 sau vụ lực lượng tuần duyên Nhật bắt giữ suốt hai tuần một thuyền trưởng Trung Quốc “quá hăng hái” đã cho tàu của mình đâm vào một tàu cá Nhật.

“Nhưng nay, một vụ đụng độ giữa hai tàu chính thức (của Nhật và Trung Quốc) sẽ không thể có một kết thúc tương tự - ICG nhận định và nhấn mạnh - Bắc Kinh không muốn bị xem là đang phản bội các lợi ích quốc gia của mình”.

Bà Stephanie Kleine-Ahlbrandt - giám đốc dự án Đông Bắc Á của ICG, trong bài viết trên tạp chí Foreign Policy - khẳng định chủ nghĩa dân tộc đang nổi lên ở Trung Quốc sẽ hạn chế các lựa chọn trong tương lai của Trung Quốc nhằm hạ nhiệt căng thẳng. Bởi “tình hình hiện tại giờ ở một mức độ khác” - bà Kleine-Ahlbrandt nhận định.

VIỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên