Phóng to |
Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta tại Bắc Kinh ngày 19-9 - Ảnh: AFP |
Theo AFP, ngày 19-9 ông Panetta đã hội đàm với Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là lần hội đàm với quan chức nước ngoài đầu tiên của ông Tập Cận Bình sau hai tuần không xuất hiện và hủy bỏ bốn cuộc gặp, trong đó có cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ tuyên bố với giới truyền thông là ông Tập trông “linh hoạt” và “rất khỏe khoắn”.
Cuộc hội đàm dự kiến diễn ra trong vòng 45 phút, nhưng đã kéo dài tới hơn một giờ. “Ông ấy rất sắc sảo và nhạy bén” - ông Panetta nhận xét và đánh giá cao những ủng hộ của ông Tập Cận Bình trong việc khuyến khích quan hệ quân sự Trung - Mỹ, đồng thời bày tỏ tin tưởng hai “cường quốc Thái Bình Dương” sẽ tăng cường đối thoại và liên lạc hơn nữa.
Trước đó, ông Panetta đã có những cuộc hội đàm với Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt.
Thông điệp khó thuyết phục
Chuyến thăm của người đứng đầu Lầu Năm Góc diễn ra đúng vào thời điểm quan hệ Trung - Nhật đang căng thẳng hơn bao giờ hết do tranh chấp ở quần đảo Senkaku dẫn đến làn sóng biểu tình bạo lực chống Nhật ở hơn 100 tỉnh thành của Trung Quốc.
Phát biểu trước sinh viên Học viện Quân sự Bắc Kinh, ông Panetta đã nhấn mạnh chính sách chuyển trọng tâm về châu Á của Mỹ không nhằm vào Trung Quốc mà là CHDCND Triều Tiên. Việc Mỹ thắt chặt quan hệ với các đồng minh trong khu vực nhằm củng cố hệ thống an ninh, vốn sẽ giúp Trung Quốc thịnh vượng.
“Đó là kiến tạo một hình thức quan hệ mới giữa hai cường quốc ở Thái Bình Dương” - ông Panetta nêu rõ. Để làm điều này, cả hai bên cần tập trung xây dựng lòng tin và hiểu biết lẫn nhau bằng cách nâng chất lượng và tần suất các cuộc tiếp xúc, đối thoại.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng thông điệp này của Mỹ khó lòng thuyết phục được Trung Quốc, vốn hoài nghi về các động thái của Washington như thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa ở Nhật hay tăng cường quan hệ quân sự với Philippines. Theo Reuters, một số nhà phân tích ở Trung Quốc cho rằng việc Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á đã khuyến khích một số nước như Nhật trở nên cứng rắn hơn trong tranh chấp với Bắc Kinh.
Trước đó, khoảng 50 người biểu tình Trung Quốc đã bao vây và đập phá xe chở đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke vào ngày 18-9, khi xe đang đưa ông vào bên trong sứ quán. Ông Locke không hề hấn gì nhưng xe bị hư hại. Người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ Nolan Barkhouse đã yêu cầu phía Trung Quốc làm mọi cách có thể để bảo vệ cơ quan ngoại giao Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói các cơ quan hữu quan đang điều tra nghiêm túc vụ việc.
Trung Quốc sẽ điều thêm tàu đến Senkaku
Trong khi đó, lực lượng tuần duyên Nhật Bản lại phát hiện vào chiều 19-9, một tàu tuần tra của Trung Quốc đã tiến vào vùng biển gần quần đảo Senkaku, nâng số tàu tuần tra của Trung Quốc hiện đang có mặt ở vùng biển này lên 14 tàu (trong đó có 10 tàu hải giám) cùng với gần 1.000 tàu đánh cá đã đến vùng biển này từ 10g sáng cùng ngày.
Tân Hoa xã dẫn nguồn tin từ Cục Hải dương Trung Quốc cho biết Trung Quốc có thể sẽ điều thêm các tàu ngư chính đến phối hợp trên vùng biển này. Như vậy, rõ ràng Trung Quốc đã huy động một lực lượng tàu tuần tra lớn và đông đảo nhất từ trước đến nay đến quần đảo Điếu Ngư/Senkaku nhằm “tuần tra thông thường và bảo vệ ngư dân của mình” và cũng không ngần ngại chạm trán với tàu của lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản, như Bắc Kinh tuyên bố.
Thời Báo Hoàn Cầu cho biết các tàu cá Trung Quốc đang khép vòng vây, tiến gần vùng biển Senkaku hơn cùng với tàu ngư chính 33001 đang ở khu vực này. Trong khi đó, theo Kyodo News, lực lượng tuần duyên Nhật Bản ghi nhận tàu ngư chính 201, một trong những tàu tuần tra hiện đại nhất của Trung Quốc, đã thường xuyên lảng vảng quanh khu vực trên bất chấp tín hiệu cảnh báo của lực lượng phòng vệ Nhật Bản và cũng giống như các tàu ngư chính của Trung Quốc “cứ im lặng không trả lời”.
Trong khi đó, báo Tài Chính Quốc Tế Trung Quốc đưa tin có đến 10.000 tàu cá của Trung Quốc đã được xua đến biển Hoa Đông, trong đó hơn 1.000 tàu được lệnh đến gần quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Ăn theo phản ứng của Trung Quốc, Đài Loan đã có kế hoạch đưa 60 tàu cá của huyện Nghi Lan đến quần đảo Điếu Ngư/Senkaku vào ngày 22-9. Thời Báo Đài Bắc cho biết sẽ có thêm hai tàu tuần duyên và hai canô của chính quyền Đài Loan hộ tống.
Chiều cùng ngày, Tân Hoa xã dẫn lời Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ trích việc mua quần đảo Điếu Ngư/Senkaku của Nhật Bản là một “trò hề”, yêu cầu Nhật Bản kiềm chế hành vi của mình, đồng thời dừng mọi tuyên bố cũng như hành động xâm phạm lãnh thổ của Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên ông Tập Cận Bình đề cập đến việc tranh chấp lãnh hải với Nhật Bản.
-----------------------------------
* Tin bài liên quan:
Trung Quốc đưa 10 tàu đến SenkakuNgười Nhật lại lên đảo tranh chấp với Trung QuốcTrung Quốc dọa trừng phạt kinh tế Nhật Bản1.000 tàu cá Trung Quốc tiến về Senkaku/Điếu Ngư Nhật lẫn Trung Quốc muốn đưa Senkaku/Điếu Ngư ra LHQ11 tàu Trung Quốc áp sát vùng biển Senkaku/Điếu Ngư
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận