09/04/2012 08:32 GMT+7

Bình Nhưỡng chuẩn bị thử hạt nhân

HẠNH NGUYÊN
HẠNH NGUYÊN

TT - CHDCND Triều Tiên đang chuẩn bị đợt thử hạt nhân lần 3, trong khi vẫn gấp rút tiến hành phóng vệ tinh trong vài ngày tới.

9kHIqZIR.jpgPhóng to
Lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un chỉ tay về phía làng Panmunjom nằm trong khu phi quân sự ở biên giới liên Triều. Ông ra lệnh cho quân đội “dìm kẻ thù dưới đáy đại dương” - Ảnh: Reuters

Yonhap dẫn nguồn tin tình báo cho biết CHDCND Triều Tiên đang “bí mật chuẩn bị thử hạt nhân lần 3 ở vị trí hai lần thử trước”.

Theo hình ảnh từ vệ tinh, các công nhân ở CHDCND Triều Tiên đang đào hầm ở thị trấn đông bắc Punggye-ri, hạt Kilju, cùng khu vực với hai lần thử trước vào năm 2006 và 2009. “Công việc đào hầm ở đó đã vào giai đoạn cuối” - nguồn tin khẳng định và cho biết có hai đống đất cát lớn ở cửa đường hầm.

Ba năm trước, CHDCND Triều Tiên đã rút khỏi cuộc đàm phán sáu bên về phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng vào tháng 2-2012, ba tháng sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong Il qua đời, nước này đột ngột chấp nhận ngừng thử vũ khí hạt nhân, làm giàu uranium và thử tên lửa tầm xa để đổi lấy 240.000 tấn lương thực viện trợ từ Mỹ và nối lại đàm phán. Tuy nhiên, đến nay viện trợ lương thực đã bị hoãn sau hàng loạt diễn biến từ CHDCND Triều Tiên khiến Mỹ và phương Tây cùng các nước láng giềng đang lên tiếng phản đối và chuẩn bị đối phó.

30 nhà báo đến Bình Nhưỡng

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin khoảng 30 phóng viên nước ngoài từ khắp nơi trên thế giới đã có mặt tại CHDCND Triều Tiên để đưa tin về vụ phóng vệ tinh của nước này. Tổng cộng có 21 hãng truyền thông nước ngoài, trong đó có các hãng tin và truyền hình lớn trên thế giới như AP, CNN và NBC của Mỹ, Kênh 1 của Nga, Hãng tin Kyodo và NHK của Nhật Bản, AFP của Pháp, Reuters và BBC của Anh, đã cử phóng viên tới Bình Nhưỡng.

Các nhà báo nước ngoài tại Trung tâm vũ trụ Tongchang-ri cho biết ngày 8-4, tên lửa tầm xa của CHDCND Triều Tiên dự kiến dùng để phóng vệ tinh đã được lắp đặt vào bệ phóng. CHDCND Triều Tiên muốn chứng minh tên lửa Unha-3 không phải là một tên lửa đạn đạo được ngụy trang, như Mỹ và các đồng minh cáo buộc.

Mặc dù CHDCND Triều Tiên vẫn khẳng định việc nước này phóng vệ tinh (dự kiến từ ngày 12 đến 16-4) chỉ là vệ tinh nghiên cứu vì mục đích hòa bình, nhưng Hàn Quốc và Mỹ đều khẳng định đây là vụ thử tên lửa trá hình. Cho dù hai vụ phóng tên lửa tầm xa trước đây của CHDCND Triều Tiên đều thất bại, nhưng Mỹ rất lo ngại khi nhận thấy chương trình phát triển tên lửa của nước này đang tiến bộ rất nhanh, và có khả năng trong vòng năm năm tới lãnh thổ Mỹ sẽ nằm trong tầm bị đe dọa.

Trong khi thế giới tiếp tục bày tỏ thái độ quan ngại trước các diễn biến gây căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, ngoại trưởng ba nước Đông Bắc Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ba trong số sáu bên tham gia đàm phán hạt nhân với CHDCND Triều Tiên) đã họp ngày 8-4 tại Ninh Ba (Chiết Giang, Trung Quốc). Dù chương trình chính thức không có nội dung liên quan vấn đề phóng vệ tinh nhưng trong các cuộc hội đàm song phương, mối lo ngại này luôn được nhắc tới.

Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì đã bày tỏ “sự lo ngại của Trung Quốc trước diễn tiến tình hình trên bán đảo Triều Tiên” trước vụ phóng vệ tinh gây tranh cãi của Bình Nhưỡng. Ông nhấn mạnh lợi ích chung của tất cả các bên là duy trì hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên và hòa bình lâu dài, ổn định ở Đông Bắc Á. “Trung Quốc kêu gọi các bên liên quan bình tĩnh và kiềm chế” - Tân Hoa xã dẫn lời ông Dương Khiết Trì.

Bắc Kinh, đồng minh chính của Bình Nhưỡng trên sân khấu chính trị thế giới, đến nay vẫn tránh chỉ trích trực tiếp Bình Nhưỡng. Nhưng theo báo Chosun Ilbo, việc mới đây Bắc Kinh phóng thích năm người Triều Tiên trốn trong tòa đại sứ của CHDCND Triều Tiên tại Bắc Kinh từ ba năm qua cho thấy Chính phủ Trung Quốc thể hiện sự bất bình đối với CHDCND Triều Tiên.

AFP nhận xét sau cuộc gặp ba bên, ba ngoại trưởng đều đưa ra những tuyên bố ngắn và không trả lời các câu hỏi của báo chí.

Nhật Bản và Hàn Quốc cũng nhắc lại lời cảnh báo chính quyền Bình Nhưỡng sẽ lãnh chịu hậu quả từ cộng đồng thế giới nếu cứ cố tình phóng vệ tinh.

“Tôi nói rõ là cộng đồng thế giới sẽ có thái độ phản ứng mạnh mẽ trước những vi phạm quy định bắt buộc mà CHDCND Triều Tiên - với tư cách là thành viên cộng đồng - phải tuân thủ” - Ngoại trưởng Hàn Quốc Kim Sung Hwan nói.

Còn Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba nhận định vụ phóng vệ tinh sẽ khiến kết quả hội đàm song phương của CHDCND Triều Tiên với các nước, kể cả với Mỹ, bị thụt lùi, sau khi Mỹ đã ngừng viện trợ lương thực như đã hứa cho nước này.

Ngày 8-4, Chính phủ Nhật Bản loan báo đã triển khai tên lửa Patriot để bảo vệ Bộ Quốc phòng cũng như hai địa điểm khác trong vùng Tokyo. Thủ tướng Nhật Noda đã bật đèn xanh cho quân đội bắn hạ tên lửa của Bình Nhưỡng nếu nó đe dọa lãnh thổ Nhật Bản.

HẠNH NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên