Phóng to |
Ngày 14-2 (giờ Mỹ, rạng sáng 15-2 giờ VN), Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng Phó tổng thống Mỹ Joe Biden, người đã đến Trung Quốc vào năm ngoái, trong một nghi thức tiếp đón ngang tầm một nguyên thủ quốc gia tại Nhà Trắng.
“Một sự đầu tư”
Báo Le Monde dẫn lại chính từ ngữ này của Nhà Trắng để mô tả chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình, và cho rằng nếu Trung Quốc xem đây là một cột mốc đánh dấu sự thẳng bước đến vị trí lãnh đạo mới của ông Tập Cận Bình thì Washington lại đang xem đó là một hứa hẹn cho việc cải thiện quan hệ giữa hai nước. “Một chuyến thăm rất quan trọng. Đây là dịp để hiểu ông ta nhiều hơn và giúp ông ta mở rộng hiểu biết về Mỹ” - Daniel Russell, phụ trách châu Á thuộc Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ, nói với báo chí.
Ông Tập Cận Bình được dự báo sẽ được bầu làm tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm 2012 và trở thành chủ tịch nước vào tháng 3-2013.
Trong báo cáo của Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ CRS, chuyên gia về châu Á Susan V. Lawrence nhận định chính quyền Obama hi vọng sẽ bắt đầu thiết lập một mối quan hệ suôn sẻ với chủ tịch Trung Quốc tương lai hơn là hiện nay. Trong ba năm qua, ông Obama đã gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Hồ Cẩm Đào hơn chục lần nhưng không tài nào tiếp cận được. Các quan chức Mỹ tin rằng người kế nhiệm của ông Hồ Cẩm Đào sẽ dễ tiếp cận hơn.
Ông Tập Cận Bình cũng sẽ gặp Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta. Chuyến thăm Lầu Năm Góc của ông được Nhà Trắng xem là “rất có ý nghĩa” để giới quân sự “trình bày học thuyết về châu Á của Mỹ và giải đáp các câu hỏi mà ông có thể đặt ra”, như Daniel Russell cho biết.
Ngoài ra, trong chuyến thăm Mỹ, ông Tập Cận Bình còn đến thành phố nhỏ Muscatine ở Iowa, nơi ông từng đến vào năm 1965 trong một phái đoàn nông nghiệp. Los Angeles cũng sẽ có dịp đón ông, một người được biết đến như là một “fan của Hollywood” thích xem những bộ phim về Chiến tranh thế giới thứ 2 như tiết lộ của WikiLeaks.
Thế nhưng, ngoài sự “hiếu hỉ” này, chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình lại diễn ra trong một bối cảnh tế nhị và phức tạp khi đang “thiếu sự tin tưởng giữa Mỹ và Trung Quốc” như tuyên bố mới đây của một thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Quan hệ Mỹ - Trung hiện có rất nhiều điểm nóng. Như việc Mỹ mở rộng ảnh hưởng tại châu Á - Thái Bình Dương. Ngay trước chuyến thăm Mỹ, trả lời phỏng vấn báo Washington Post, ông Tập Cận Bình đã cảnh báo Washington về việc tăng cường sức mạnh ở châu Á.
“Vào lúc các dân tộc đang khao khát hòa bình, ổn định và phát triển thì việc dành quá nhiều nguồn lực cho các chương trình quân sự, triển khai quá nhiều lực lượng và tăng cường các liên minh quân sự không phải là việc mà đa số các quốc gia trong khu vực mong muốn”. Như việc Trung Quốc phủ quyết về Syria ở Liên Hiệp Quốc, một việc mà Washington đã phản ứng gay gắt. Những chủ đề nóng khác như tình hình ở Tây Tạng, căng thẳng trong thương mại giữa hai nước...
Khó có đột phá
Thời báo Hoàn Cầu bình luận chuyến thăm của ông Tập Cận Bình là cơ hội để Mỹ và Trung Quốc tìm kiếm sự đồng thuận. “Không nước nào muốn trở thành kẻ thù của nhau bởi nền kinh tế đôi bên quá phụ thuộc lẫn nhau” - Thời báo Hoàn Cầu nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Reuters dẫn lời một số quan chức Nhà Trắng dự báo Washington và Bắc Kinh khó có thể đạt một thỏa thuận cụ thể nào trong chuyến thăm này của ông Tập Cận Bình. Bởi dù muốn tìm kiếm sự hợp tác sâu hơn, nhưng cả đôi bên đều không muốn nhượng bộ nhau. Tháng 11 ông Obama sẽ tranh cử tổng thống Mỹ và chắc chắn ông không muốn bị xem là thiếu cứng rắn với Bắc Kinh. Thời gian qua, các ứng cử viên Đảng Cộng hòa thường chỉ trích ông Obama bị Trung Quốc “chèn ép” trong vấn đề thương mại và tỉ giá.
Nhiều người Mỹ cũng cho rằng chính sách thương mại và tiền tệ của Trung Quốc là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp cao trong ngành sản xuất của Mỹ. Hôm 12-2, Hội đồng Kinh doanh và công nghiệp Mỹ đã kêu gọi ông Obama “hiện thực hóa ngôn ngữ cứng rắn với Trung Quốc bằng hành động mạnh mẽ”.
Ngược lại, chuyên gia Lawrence nhận định ông Tập Cận Bình sẽ không muốn bị đánh giá là “yếu thế” trước sức ép của Mỹ trong các vấn đề như thương mại, nhân quyền, Syria, Iran... Việc thể hiện hình ảnh một nhà lãnh đạo cứng rắn và mạnh mẽ sẽ giúp ông Tập Cận Bình khẳng định vị thế tại Trung Quốc.
Tập Cận Bình là ai? Sinh năm 1953, ông Tập Cận Bình là con trai của nhà lãnh đạo Tập Trọng Huân, người từng tham gia Vạn lý trường chinh cùng Mao Trạch Đông, sau đó giữ chức phó thủ tướng. Bị thất sủng trong cách mạng văn hóa, ông được Đặng Tiểu Bình khôi phục, trọng dụng và đã đóng một vai trò quan trọng trong cải cách kinh tế vào những năm 1980, giúp Trung Quốc đạt được những thành quả vượt bậc. Mang dòng máu cách mạng, ông Tập Cận Bình thường được nhắc đến như một “hoàng tử đỏ”, và sự nghiệp chính trị của ông cũng tương đối dễ dàng. Ông từng được giao nhiều chức vụ quan trọng khác nhau ở cấp địa phương, trong đó có bí thư Thành ủy Thượng Hải. Năm 2008, ông được đưa vào vị trí phó chủ tịch Quân ủy trung ương, một bước đệm chuẩn bị cho con đường kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào. Năm 2009, ông được tạp chí Time bầu là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng chính trị nhất thế giới. Ông còn được biết đến là chồng nữ ca sĩ dân ca nổi tiếng Bành Lệ Viên và có con gái 18 tuổi đang theo học tại Harvard, Mỹ. Là người tỉnh Thiểm Tây, ông Tập Cận Bình, như báo chí Trung Quốc mô tả, là một nhà chính trị kín đáo nhưng đôi khi thẳng thắn. Ông được đánh giá là đã có những chính sách quan trọng góp phần phát triển khu vực kinh tế tư nhân, và như Tân Hoa xã mô tả, ông cũng là người có thái độ cứng rắn với tham nhũng. Ngoài những điều chính thức này, những đánh giá và dự báo về ông Tập Cận Bình đang rất khác nhau. “Ông ta rất ủng hộ kinh tế thị trường và có lẽ ông nói lên tiếng nói của tầng lớp trung lưu và khu vực tư nhân đối với những độc quyền của nhà nước” - nhà nghiên cứu Lý Thành thuộc Viện Brookings, Washington nhận xét. Phương Tây kỳ vọng ông không chỉ là một nhà cải cách kinh tế mà sẽ còn là một nhà cải cách chính trị. Tuy nhiên, giáo sư Tôn Văn Quang của Trung Quốc lại nhận xét: “Xét theo những gì ít ỏi mà người ta biết về ông, khó có thể chờ đợi ở ông là một nhà cải cách. Có lẽ là người sẽ giữ nguyên hiện trạng hơn”. Báo The National Interest của Mỹ dẫn lời tác giả Bruce Gilley đánh giá ông Tập là người có lập trường cứng rắn cả về mặt đối nội lẫn đối ngoại. Trong chuyến thăm Mexico năm 2009, ông đã cười nhạo những người nước ngoài chỉ thích những cái xấu của Trung Quốc là “bọn bụng phệ và vô công rỗi nghề cứ khoái trá chỉ trỏ dạy dỗ” người khác. Ông nói: “Này nhé! Một là Trung Quốc không xuất khẩu cách mạng, hai là Trung Quốc không xuất khẩu nạn đói hay nghèo đói và ba là Trung Quốc không can thiệp vào công việc của các ông. Còn gì nói thêm nữa không?”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận