Phóng to |
Người dân Hi Lạp biểu tình ở Athens để phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ theo thỏa thuận vay nợ - Ảnh: AFP. |
Reuters dẫn lời một quan chức Bộ Tài chính Ấn Độ cho biết BRICs sẽ nhóm họp bên lề các cuộc gặp của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Washington. Nhiều khả năng BRICs sẽ bàn về kế hoạch mua trái phiếu chính phủ của các nước thuộc khối đồng euro. Trước đó, Trung Quốc cũng cho biết sẵn sàng tăng cường đầu tư vào châu Âu.
Không có bữa trưa miễn phí
AFP dẫn lời nghị sĩ Ấn Độ N. K. Singh nhận định BRICs cần giúp châu Âu chống lại cuộc khủng hoảng nợ, chứ nếu không sẽ phải đối mặt với nguy cơ sụt giảm xuất khẩu do tỉ giá hối đoái biến động và với nguy cơ các nền kinh tế châu Âu sẽ áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại. Chuyên gia Agnes Benassy-Quere thuộc Trung tâm nghiên cứu kinh tế CEPII (Pháp) đánh giá các nước BRICs đang có dự trữ ngoại hối cực lớn và hoàn toàn có khả năng giải cứu châu Âu. Bốn nước BRICs là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc có tổng dự trữ ngoại hối vào khoảng 4.100 tỉ USD.
Dù vậy, các chuyên gia nhận định sự hỗ trợ của BRICs cũng chỉ giúp châu Âu “ngăn cơn xuất huyết” và giảm sự biến động của thị trường một cách tạm thời, bởi sự giúp đỡ từ bên ngoài không giải quyết được vấn đề cơ bản là sự yếu kém về cấu trúc của khối đồng euro. “Các nền kinh tế đang phát triển có thể sẽ mua trái phiếu châu Âu, nhưng chắc chắn sẽ không mua nhiều nợ của các nước châu Âu đang gặp khó khăn - nhà phân tích Bhanu Baweja thuộc Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) dự báo - Bởi sự rủi ro là quá lớn, trong khi các nước này cũng có những vấn đề kinh tế riêng”.
Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ đều đang đứng trước nguy cơ tăng trưởng sẽ giảm sút trong khi lạm phát tăng vọt. Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde cũng quan ngại BRICs sẽ chỉ mua trái phiếu của các nền kinh tế mạnh ở châu Âu như Đức hay Anh. Hơn nữa, sẽ không có chuyện một nước “cung cấp bữa trưa miễn phí” cho châu Âu. Báo Financial Times cho biết các quan chức Bắc Kinh đã đặt điều kiện là châu Âu phải công nhận Trung Quốc là một nền kinh tế thị trường.
Cứu Hi Lạp hay cứu ngân hàng?
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cam kết “không bỏ rơi” Hi Lạp trong cơn khốn khó. Reuters cho biết sau cuộc họp hôm 14-9, “bộ đôi Merkozy” (ghép tên Merkel và Sarkozy trong các phòng giao dịch chứng khoán) đã lên tiếng trấn an: “Tương lai của Hi Lạp nằm trong khối đồng euro” khi mà số phận của “Hi Lạp - vỡ nợ? Hi Lạp rút khỏi khối đồng euro?” không ngừng làm chao đảo thị trường chứng khoán. Người phát ngôn Chính phủ Pháp tuyên bố “Paris quyết tâm làm tất cả để cứu Hi Lạp”.
Lời trấn an của Đức và Pháp xem ra chưa hoàn toàn thuyết phục các nhà phân tích tại New York. Báo New York Times bình luận trên thực tế “bộ đôi Merkozy” muốn giải cứu các ngân hàng quốc gia của mình, vốn đang ôm hàng đống trái phiếu chính phủ Hi Lạp và các nước EU khác đang lâm nguy như Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Hôm 14-9, Hãng tài chính Moody’s đã hạ định mức tín nhiệm của hai ngân hàng lớn nhất nước Pháp là Societe Generale và Credit Agricole do ôm quá nhiều nợ Hi Lạp. Ngân hàng thứ ba là BNP Paribas cũng có nguy cơ bị hạ định mức tín nhiệm.
Chủ tịch EU Jose Manuel Barroso cũng tìm cách trấn an thị trường khi tuyên bố sẽ kêu gọi 17 thành viên khối đồng euro cùng tung ra loại trái phiếu eurobond, một điều đang bị Đức phản đối. Qua đó, các nước khối đồng euro sẽ có khả năng đi vay tập thể và cùng đảm bảo các khoản vay. Các nước mắc nợ nhiều như Hi Lạp và Bồ Đào Nha sẽ có khả năng vay được tiền với lãi suất thấp hơn nhờ có các nước mạnh như Đức và Pháp hỗ trợ. Tuy nhiên, chính quyền Đức vẫn đang phản đối ý tưởng này. Là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, Đức rất dễ bán trái phiếu với mức lãi suất thấp, do đó sẽ bị thiệt hại nếu châu Âu phát hành eurobond.
Theo Reuters, trước tuyên bố trấn an của Đức và Pháp, cùng thông tin về chương trình eurobond, thị trường chứng khoán toàn cầu đã gượng trở lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận