12/02/2011 10:25 GMT+7

Cách mạng thời Internet nhìn từ Ai Cập

HẢI MINH
HẢI MINH

TTO - Khi những người biểu tình Ai Cập đang ăn mừng trên đường phố vào tối 11-2, một phóng viên của CNN đã hỏi người lãnh đạo biểu tình trẻ tuổi Wael Ghonim: “Đầu tiên là Tunisia, giờ là Ai Cập, tiếp theo sẽ là gì?”.

Ghonim - mới 30 tuổi, làm việc cho Google, đã trở thành một biểu tượng cho phong trào chống đối chính quyền Hosni Mubarak, đáp lại chỉ với hai từ: “Hãy hỏi Facebook”. “Một ngày nào đó tôi muốn gặp (người sáng lập Facebook) Mark Zuckerberg để cảm ơn anh ấy, thực sự như vậy”, Ghonim nói với CNN.

Ông Mubarak và gia đình rời khỏi Cairo

4AiBmbvr.jpgPhóng to
Người biểu tình giơ biểu ngữ có dòng chữ “Facebook chống lại bất công” - Ảnh: CNN

Cuộc cách mạng Ai Cập, dẫn đến việc vị tổng thống nắm quyền đã 20 năm qua từ chức, được thực hiện qua những cuộc biểu tình đường phố nhưng điều chắc chắn rằng nó đã không thể đạt được kết quả như thế nếu không có Internet và các trang mạng xã hội. Thông qua những phương tiện đó, nhóm chống đối đã tập trung được các cuộc tuần hành quy mô lớn ở thủ đô Cairo và trên toàn Ai Cập.

Chính phủ đã sớm nhận ra điều đó khi họ chặn Facebook và Twitter ngày 25-1 trước khi treo hoàn toàn mạng Internet hai ngày sau đó. “Cuộc cách mạng này khởi đầu trên mạng”, Ghonim nói với CNN. “Cuộc cách mạng bắt đầu trên Facebook”.

Những gì diễn ra tại Ai Cập không khác mấy với Tunisia chỉ vài tháng trước, và từng được “thử nghiệm” trong cuộc biểu tình sau bầu cử ở Iran năm 2009 hay Myanmar năm 2007, nhưng đều bị chính quyền bẻ gãy, theo Wall Street Journal.

UJIzkxuv.jpgPhóng to
Một người biểu tình giơ cao máy tính xách tay khi ăn mừng sự kiện Tổng thống Mubarak từ chức ở quảng trường Tahir - Ảnh: Wall Street Journal

“Chào mừng trở lại, Ai Cập” là những dòng đầu tiên Ghonim đăng trên trang Twitter của anh ngay sau khi tin Tổng thống Mubarak từ chức được công bố.

“Điều này thật lớn lao. Cuối cùng thì chiến thắng thuộc về những người đã chấp nhận nguy hiểm ghê gớm để tiếp tục ở lại quảng trường, đó là điều chính yếu. Nhưng đốm lửa đã bắt đầu từ mạng xã hội”, Baher Esmat - một cựu quan chức của Bộ Thông tin Ai Cập và hiện là thành viên một tổ chức phát triển Internet ở Trung Đông, bình luận.

Thật ra, việc sử dụng công nghệ cao trong các cuộc đấu tranh chính trị số đông không phải là điều mới. Máy fax từng có vai trò rất quan trọng hồi năm 1989 khi loan đi thông tin giữa những người chống đối trong cuộc sụp đổ hàng loạt của các quốc gia khối xã hội chủ nghĩa.

Những nhà tổ chức cuộc cách mạng Iran 1979 cũng dựa vào băng cassette để lan truyền những bài phát biểu kêu gọi cách mạng. Twitter, Facebook và YouTube cũng được sử dụng như thế, nhưng với sức mạnh lớn hơn nhiều và giúp thông tin vượt ra khỏi biên giới Ai Cập để đến với cả thế giới A-rập, và toàn cầu.

JHdXgtgc.jpgPhóng to
Những người biểu tình Ai Cập mang một biểu ngữ có dòng chữ Facebook - Ảnh: NBC

Truyền thông phương tây đều háo hức cho rằng sẽ còn thêm nhiều làn sóng thay đổi nhờ “cảm hứng Ai Cập”. Wall Street Journal cho biết ở Thổ Nhĩ Kỳ, Yemen và một số quốc gia láng giềng đã diễn ra những cuộc biểu tình bày tỏ sự thông cảm với phong trào chống chính phủ ở Ai Cập, rõ ràng là qua các trang mạng xã hội.

“Tôi cho rằng chúng ta sẽ bước vào một giai đoạn cải cách tăng tốc. Các quốc gia sẽ thích nghi với thực tế mới. Cấm cản không còn là giải pháp nữa”, Mohammed Bin Essa Al-Khalifa - Giám đốc điều hành Ủy ban phát triển kinh tế Bahrain, nói trong một cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal ở New York.

Không chỉ giúp những người biểu tình lan truyền thông tin và tổ chức tuần hành, Twitter và Facebook giờ còn trở thành nguồn cung cấp thông tin quan trọng cho các nhà báo quốc tế có mặt tại Ai Cập trong những ngày sóng gió vừa qua.

“Công nghệ từng là một công cụ hỗ trợ, một bộ khuếch âm cho các cuộc cách mạng, nhưng sự khác biệt của các trang mạng xã hội là chúng giúp người ta kết nối trên quy mô toàn cầu”, John Palfrey - đồng giám đốc Trung tâm Berkman về Internet và xã hội thuộc Đại học Harvard, nhận xét.

Một ví dụ: Abdul Busin là một nhân viên ngành công nghệ thông tin người Ai Cập đang làm việc ở London, Anh. Sau khi anh nhận được tin nhắn của bạn bè về tình hình Ai Cập, Busin cùng một người bạn, Omayr McAdam, đã tổ chức biểu tình ngoài đại sứ quán Ai Cập tại London và một tuần trước, bay thẳng về Cairo để gia nhập đoàn người tại quảng trường Tahir. Có mặt ở đó, họ lại gửi những đoạn băng quay quang cảnh biểu tình qua iPad về cho bạn bè tại London và khắp nơi trên thế giới.

Tin bài liên quan:

Tổng thống Mubarak từ chứcAi Cập: Tổng thống chuyển giao quyền lực nhưng không từ chứcAi Cập: quân đội có thể sẽ can thiệpAi Cập: biểu tình bước sang ngày 16Người biểu tình Ai Cập tăng sức ép lên Tổng thống MubarakAi sẽ là tổng thống tiếp theo của Ai Cập?Ai Cập: Đảng cầm quyền “tái cơ cấu”

HẢI MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên