Phóng to |
Người dân Ai Cập ăn mừng tại quảng trường Tahrir ở Cairo sáng sớm ngày 12-2 |
Tuyên bố nói trên, không đưa ra bất kỳ chi tiết nào khác về những tài sản của ông Mubarak hay gia đình, được Telegraph bình luận “là một cú sốc với hàng loạt dinh tổng thống ở các nước Trung Đông khác”.
“Chính quyền muốn tránh rủi ro nhầm lẫn các tài sản nhà nước của Ai Cập” - một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ nói.
Những câu chuyện về sự giàu có của ông Mubarak, với tài sản cá nhân ước tính 70 tỉ USD, từ lâu đã lan truyền trên các phương tiện truyền thông và là một trong những mục tiêu đấu tranh của người biểu tình. Gia đình ông sở hữu nhiều bất động sản trên toàn thế giới, ở London, Paris, Dubai và Mỹ cũng như có các tài khoản ngân hàng ở Anh, Mỹ, Pháp và một số nước phương tây.
Phản ứng của thế giới
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho rằng sự từ chức của Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak là "một quyết định khó khăn, đáp ứng nguyện vọng cũng như lợi ích của đông đảo người dân Ai Cập".
Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên đoàn A-rập Amr Mussa kêu gọi người dân và quân đội Ai Cập xây dựng một thể chế dựa trên sự đoàn kết dân tộc. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các bước đi tiếp theo trên cơ sở dân chủ và cải cách. Ông cũng không loại trừ khả năng ra tranh cử tổng thống Ai Cập vào tháng 9 tới.
Các quan chức cao cấp của Mỹ ngày 11-2 đã bày tỏ hoan nghênh quyết định từ chức của Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak và hối thúc quốc gia này nhanh chóng ổn định chính trị để bảo đảm tiến trình chuyển đổi hòa bình sang dân chủ.
“Người dân Ai Cập đã lên tiếng. Tiếng nói của họ đã được lắng nghe, và Ai Cập sẽ không bao giờ như trước nữa”, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói từ Nhà Trắng. Tuy nhiên, ông Obama cũng cảnh báo “những ngày khó khăn phía trước” đối với Ai Cập.
Phóng to |
Cuộc ăn mừng khổng lồ tại quảng trường Tahir, Cairo sau khi Tổng thống Mubarak từ chức - Ảnh: AFP |
Tại Trung Đông, hãng tin bán chính thức của nhà nước Fars gọi cuộc cách mạng là “sự trùng hợp thú vị” khi nó diễn ra đúng vào kỷ niệm 32 năm thắng lợi của cách mạng Hồi giáo Iran.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast nói trong một cuộc phỏng vấn với Thông tấn xã Hồi giáo Iran: “Một Trung Đông mới đang hình thành, không phải là Trung Đông mà phương tây đã hoạch định, mà là một Trung Đông được kiến tạo dựa trên sự thức tỉnh của đạo Hồi”.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Ali Akbar Salehi, trong một tuyên bố trên truyền hình Press TV, bày tỏ sự ủng hộ cho “phong trào can đảm tìm kiếm công lý của những người làm nên lịch sử ở Ai Cập”.
Theo AP, hai nước láng giềng Israel và Palestine đều theo dõi sát sao tình hình Ai Cập. AP bình luận Tel Aviv không muốn Tổng thống Mubarak từ chức do lo ngại hiệp ước hòa bình Ai Cập - Israel, được ký năm 1979, đứng trước nguy cơ tan vỡ.
Chính phủ Israel không đưa ra bình luận chính thức về sự kiện ông Mubarak ra đi, nhưng một số quan chức cấp cao, thông qua các hãng truyền thông, bày tỏ sự lo ngại về khả năng các phòng trào Hồi giáo cực đoan gây được ảnh hưởng tại quốc gia nằm ở ngã ba của ba châu lục này.
Ngược lại, Palestine chào đón sự ra đi của ông Mubarak với nhiều hy vọng, bao gồm việc mở cửa lại biên giới với Gaza. Phong trào Hamas, nhóm Hồi giáo chủ trương đấu tranh bạo lực với Israel tại Gaza ra tuyên bố kêu gọi chính quyền mới ở Ai Cập dỡ bỏ lệnh phong tỏa và đảm bảo tự do đi lại giữa Ai Cập và Palesstine, theo CNN.
Tại một số quốc gia Trung Đông khác, nơi các chính quyền do một nhân vật nắm quyền trong thời gian dài, phản ứng nhìn chung là im lặng. CNN dẫn lời Mohammed Al-Qubati - người phát ngôn của Các đảng đoàn kết, liên minh đối lập lớn nhất tại Yemen - nơi Tổng thống Ali Abdullah Saleh đã nắm quyền suốt từ năm 1978, nói: “Bản đồ các quốc gia A-rập sẽ thay đổi sau cuộc cách mạng này. Sự sụp đổ của Mubarak cho thấy đàn áp và vũ lực không thể giúp các thể chế tồn tại, và thời điểm thay đổi đã đến”.
Nasser Judeh - Bộ trưởng Ngoại giao Jordan, phản ứng khá dè dặt khi gọi Ai Cập là “trụ cột của khu vực” và bày tỏ hy vọng “ổn định, an ninh và phồn thịnh cho quốc gia này” cũng như nói Jordan “tôn trọng lựa chọn tự do” của người dân Ai Cập. Một tuyên bố chính thức khác từ Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất nói nước này “tin tưởng vào khả năng của Hội đồng quân sự tối cao trong việc điều hành đất nước”.
Liên minh châu Âu (EU) hoan nghênh quyết định từ chức của Tổng thống Mubarak, cho rằng nhà lãnh đạo Ai Cập đã "lắng nghe tiếng nói của nhân dân". Ngoại trưởng Đức Angela Merkel nhấn mạnh sự ra đi của ông Mubarak đánh dấu "một sự thay đổi lịch sử", đồng thời hy vọng chính phủ tương lai của Ai Cập tiếp tục duy trì hòa bình ở Trung Đông và tôn trọng các thỏa thuận đã ký với Ixraen.
Cùng ngày, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen lạc quan cho rằng việc chuyển giao quyền lực ở Ai Cập sẽ không gây bất ổn cho an ninh khu vực Trung Đông. Theo ông, Ai Cập là một đối tác quan trọng trong Đối thoại Địa Trung Hải và là một quốc gia chủ chốt trong khu vực.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hy vọng việc chuyển giao quyền lực "sẽ giúp khôi phục sự ổn định" ở Ai Cập.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy ca ngợi Ai Cập đã trải qua “khoảnh khắc lịch sử”, đồng thời hoan nghênh quyết định từ chức của ông Mubarack. Pháp cũng kêu gọi tiến hành cải cách và bầu cử tự do, hối thúc người dân Ai Cập “tiếp tục cuộc tuần hành không bạo lực đến với tự do”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết nước Đức sẽ “ủng hộ tối đa những gì có thể theo yêu cầu của Ai Cập”. Thủ tướng Anh David Cameron thì gọi đó là “một ngày đặc biệt, đặc biệt cho những ai có mặt ở quảng trường Tahir và những nơi khác, can đảm lên tiếng và thay đổi đất nước một cách hòa bình”.
Tin bài liên quan:
Tổng thống Mubarak từ chứcAi Cập: Tổng thống chuyển giao quyền lực nhưng không từ chứcAi Cập: quân đội có thể sẽ can thiệpAi Cập: biểu tình bước sang ngày 16Người biểu tình Ai Cập tăng sức ép lên Tổng thống MubarakAi sẽ là tổng thống tiếp theo của Ai Cập?Ai Cập: Đảng cầm quyền “tái cơ cấu”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận