12/02/2011 05:37 GMT+7

Tổng thống Mubarak từ chức

MỸ LOAN
MỸ LOAN

TT - Lúc 23g (giờ Việt Nam) ngày 11-2, AFP dẫn lời Phó tổng thống Ai Cập Suleiman tuyên bố Tổng thống Hosni Mubarak đã từ chức và chính thức chuyển giao quyền lực cho quân đội khi cuộc biểu tình bước sang ngày thứ 18.

Tổng thống Ai Cập Mubarak từ chứcRead this on Tuoitrenews.vn

“Với sự quan tâm hoàn cảnh khó khăn đang diễn ra của đất nước, Tổng thống Mohammed Hosni Mubarak đã quyết định từ chức tổng thống và đã chuyển giao nhiệm vụ cho Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập xử lý các sự vụ của đất nước”- ông Suleiman tuyên bố ngắn trên Đài truyền hình quốc gia Ai Cập.

31hXpCeO.jpgPhóng to
Người biểu tình áp sát hàng rào bảo vệ dinh tổng thống ở thủ đô Cairo từ sáng 11-2 - Ảnh: Reuters

Cũng có tin ông Hossam Badrawi - tổng thư ký Đảng Dân chủ quốc gia (NDP) - sẽ từ chức sau sáu ngày nắm giữ cương vị này.

Tình hình đã thay đổi khi trước đó trong cùng ngày những người biểu tình đòi Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak từ chức đã phản ứng giận dữ ngay sau khi Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập đưa ra thông báo số 2 cho biết quân đội ủng hộ cuộc chuyển giao quyền lực trong hòa bình, AFP ngày 11-2 cho biết.

Kênh truyền hình nhà nước Ai Cập đã dừng mọi chương trình để dẫn lời Bộ trưởng quốc phòng Hussein Tantawi cho biết quân đội nước này sẽ đảm bảo các cuộc bầu cử tự do và công bằng, đồng thời cam kết dỡ bỏ một số luật khẩn cấp đã ban hành trước đây.

Ông Hussein kêu gọi những người biểu tình hãy bình tĩnh trở về nhà và trở lại làm việc. Hội đồng quân đội tối cao Ai Cập đã nhất trí dỡ bỏ những luật khẩn cấp nếu tình hình biểu tình hiện nay chấm dứt và quân đội sẽ không bắt giữ những người kêu gọi cải cách, nhưng cảnh báo đối với bất kỳ hành động nào làm phương hại đến an toàn và an ninh quốc gia.

“Quân đội Ai Cập được trao quyền để bảo vệ những yêu cầu hợp pháp của nhân dân và sẽ hành động để thực thi chúng cho một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình và một xã hội dân chủ” - thông báo số 2 nhấn mạnh.

Sau khi bản thông báo được truyền hình trực tiếp, làn sóng phẫn nộ lại dâng cao khi những người biểu tình tụ tập bên ngoài dinh Tổng thống Mubarak ở Cairo hô to khẩu hiệu và yêu cầu quân đội can thiệp để buộc ông Mubarak từ chức.

Như AFP mô tả, lực lượng quân đội dù đã được trang bị đến sáu xe thiết giáp nhưng hầu như không sao ngăn được dòng người biểu tình đang cố tràn vào dinh tổng thống. Họ cho biết sẽ tràn vào dinh và buộc ông Mubarak phải từ chức. Reuters dẫn lời một thành viên thuộc Phong trào thanh niên cho biết họ sẽ kêu gọi toàn dân xuống đường lật đổ chính quyền.

Có hơn 1 triệu người đã đổ ra đường phố trên khắp Ai Cập trong ngày 11-2. Tại Cairo, người biểu tình đã tuần hành hướng về phía trụ sở đài truyền hình nằm dọc bờ sông Nile và hướng về dinh thự của ông Mubarak ở khu ngoại ô Heliopolis tiếp theo sau những buổi cầu nguyện ở quảng trường Tahrir, vốn là trung tâm của cuộc biểu tình.

Tại thành phố Al Arish ở bắc bán đảo Sinai, đụng độ đã xảy ra giữa lực lượng cảnh sát và khoảng 1.000 người biểu tình khi đám đông cuồng nộ nổ súng vào đồn cảnh sát ở đây. Đáp lại, lực lượng an ninh đã bắn đạn hơi cay để giải tán đám đông biểu tình làm một người chết và 20 người bị thương.

Cùng ngày, AFP dẫn lời ông Mohammed Avdellah, người phát ngôn của NDP, cho biết Tổng thống Hosni Mubarak đã rời Cairo và hiện đã đến khu nghỉ dưỡng của gia đình ông tại Sharm el-Sheikh, bên bờ biển Đỏ. Cùng đi với ông Mubarak có trung tướng Sami Hafez Enan, tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang.

Ngay sau đó, Đài truyền hình quốc gia Ai Cập đưa tin ông Mubarak sẽ thực hiện một tuyên bố “quan trọng và khẩn cấp”.

Bộ trưởng tài chính Ai Cập Samir Radwan tuyên bố quân đội sẽ không can dự vào các vấn đề thường ngày của chính phủ. “Các lực lượng vũ trang được triển khai là để bảo vệ những người biểu tình và bảo vệ đất nước, và quyền lực đã được chuyển giao cho phó tổng thống, không phải cho quân đội” - ông Radwan nhấn mạnh.

Trước đó trong buổi truyền hình trực tiếp ngày 10-2, Tổng thống Mubarak tuyên bố sẽ chuyển giao quyền lực một phần cho Phó tổng thống Suleiman, nhưng sẽ không từ chức và rời khỏi Ai Cập cho đến khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử tháng 9-2011.

Phản ứng trước tuyên bố không từ chức của Tổng thống Mubarak, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon nhấn mạnh người dân Ai Cập phải quyết định tương lai chính trị của mình, đồng thời kêu gọi thực hiện tiến trình chuyển giao quyền lực minh bạch, có trật tự và hòa bình để hướng tới các cuộc bầu cử tự do và công bằng.

Dẫn một thông cáo báo chí của Tổng thống Mỹ Barack Obama trước việc ông Mubarak chuyển giao một phần quyền lực cho Phó tổng thống Suleiman, CNN cho biết việc chuyển giao này là chưa đủ để đáp ứng yêu cầu của người biểu tình và kêu gọi Chính phủ Ai Cập phải rõ ràng hơn về tiến trình tiến tới dân chủ.

Theo AFP, cũng trong thông cáo báo chí này, trong đó không một lần nhắc đến tên ông Mubarak, ông Obama cảnh báo bất cứ hành động sử dụng đến bạo lực của chính quyền Cairo và nhấn mạnh: “Chính phủ không thể đáp lại các nguyện vọng của nhân dân bằng đàn áp và bạo lực. Tiếng nói của người dân Ai Cập phải được lắng nghe”.

Cùng ngày, ông Obama đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp các cố vấn an ninh quốc gia để thảo luận tình hình Ai Cập.

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton, nhấn mạnh EU sẽ hỗ trợ Ai Cập xây dựng một nền dân chủ lâu dài.

Trong bài viết Mubarak theo lệnh của quân đội, báo Al-Jadaliyya ngày 10-2 cho rằng lực lượng tình báo trong quân đội đang nắm giữ vị trí quyết định và có thể làm thay đổi cán cân tình hình.

Báo này phân tích: là nạn nhân của chính những mâu thuẫn bên trong, quân đội Ai Cập đang chia thành hai phe: lực lượng cận vệ và không quân là thân cận với Mubarak, phần còn lại của quân đội là chống Mubarak.

Ông Omar Suleiman, được bổ nhiệm làm phó tổng thống ngày 21-1 vừa qua, trước đó là người chỉ huy lực lượng tình báo. Lực lượng này không ưa gì Gamal Mubarak cùng cánh hẩu của ông ta là các nhà “tư bản gia đình trị” (đối lập với những nhà “tư bản dân tộc” là giới tướng lĩnh), nhưng lại chủ trương ổn định và từ lâu đã có những quan hệ chặt chẽ với CIA và quân đội Mỹ.

Báo này viết: “Vai trò nổi lên của quân đội, mà cái lõi là lực lượng tình báo, giải thích vì sao các đồng minh của Gamal Mubarak đều bị loại bỏ khỏi chính phủ ngày 28-1 vừa qua, tại sao ông Omar Suleiman lại được bổ nhiệm làm phó tổng thống lâm thời (và tại sao ông ta nắm giữ vai trò tổng thống trong thực tế)”.

Báo này kết luận: có thể đọc thấy trong diễn tiến này cái mà ông Obama và bà Clinton mô tả là “chuyển giao trong trật tự”.

__________

Tin bài liên quan:

Ai Cập: quân đội có thể sẽ can thiệpAi Cập: biểu tình bước sang ngày 16Người biểu tình Ai Cập tăng sức ép lên Tổng thống MubarakAi sẽ là tổng thống tiếp theo của Ai Cập?Ai Cập: Đảng cầm quyền “tái cơ cấu”Tổng thống Ai Cập Mubarak từ chức

MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên