Phóng to |
Từ ba sào rẫy trồng mì, Nay Lép ghi tên mình vào Trường ĐH Tây nguyên - Ảnh: B.D. |
Các bạn là biểu tượng cho hình ảnh vượt qua gian khó và đầy khát vọng, ngoan cường như con chim chơrao của núi rừng.
Ba sào rẫy vào đại học
Buôn Trinh, xã Ia Đreh (huyện Krông Pa, Gia Lai) nằm cách trung tâm huyện gần 40km. Cậu học trò mồ côi Nay Lép sinh ra và lớn lên ở đó. Mẹ cha mất sớm, Nay Lép rách áo đói cơm với ba sào đất trồng mì vẫn kiên trì đến lớp.
Trong buôn Trinh, hoàn cảnh của Lép là nghiệt ngã nhất. Gia đình có tới bảy anh chị em, Nay Lép là con thứ năm. Cả nhà nghèo khó, hằng ngày vật lộn với cái ăn. Năm 2001 tai họa ập đến: một buổi tối mẹ của Lép bị rắn độc cắn. Không có tiền đi bệnh viện, cả nhà nhìn mẹ vật vã suốt tuần rồi trút hơi thở cuối cùng. Lao lực do nuôi đàn con nhỏ, hai năm sau bố của Lép cũng ra đi sau cơn bạo bệnh.
Trước hoàn cảnh trớ trêu này, Nay H’Chú - chị gái của Lép - quyết định cưới chồng sớm. Người Ja Rai theo chế độ mẫu hệ, chị H’Chú cưới chồng thì chồng sẽ về nhà để cùng chị gánh trách nhiệm nuôi các em. Vậy là từ đó, cặp vợ chồng trẻ ấy thay cha mẹ nuôi sáu người em.
Lép được anh chị chia cho ba sào rẫy để làm vốn riêng, trồng mì lấy tiền đi học. Kỳ vừa qua Lép bán mì để làm kinh phí lên đường đi thi đại học và trúng tuyển vào ngành giáo dục thể chất Trường ĐH Tây nguyên.
Từ lúc biết mình trúng tuyển đại học, Lép càng tranh thủ làm cỏ rẫy để kịp nhập học bởi lo mình đi rồi rẫy ít được chăm sóc. “Năm nay mì rớt giá nhưng em cũng tiết kiệm được một ít để nhập trường. Còn tiền học thì vay vốn nhà nước dành cho sinh viên” - Lép nói.
Thầy Ninh Văn Dậu - giáo viên chủ nhiệm của Lép - tự hào: “Hôm khai giảng năm học mới, thầy cô xuống tận nơi chở Lép lên phát biểu trước toàn trường để động viên học trò”. Rồi giọng thầy lo âu: “Tôi tính nhờ bạn xin cho Lép vào ở ký túc xá ĐH Tây nguyên để đỡ tiền nhưng ký túc xá lại không cho sinh viên nấu ăn. Trong khi đó học ngành thể chất đòi hỏi ăn uống rất nhiều, ở ký túc xá thì phải ăn cơm “bụi” không đủ chất, giờ cũng chưa biết tính sao”.
Phóng to |
Vũ Nguyễn Ngọc Anh đi phụ hồ kiếm tiền nhập học - Ảnh: B.D. |
Nuôi giấc mơ nghệ thuật
Còn Vũ Nguyễn Ngọc Anh (thôn Hiệp Hòa, Quảng Hiệp, Cư M’gar, Đắk Lắk), khi cánh cổng Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM vừa mở ra thì bạn cũng mất đi người cha, mẹ thì sức đã yếu. Những ngày vừa qua, giữa chang chang nắng gió cao nguyên, Ngọc Anh đi phụ hồ để kiếm tiền nhập học.
Những ngày còn đi học cấp III, vì trường nằm cách nhà hàng chục cây số nên Ngọc Anh phải ra thị trấn ở trọ rồi đi phụ bán cà phê, hái cà phê mướn để kiếm tiền học. Trong gian khó, cậu học trò nghèo vẫn đeo đuổi giấc mơ bay bổng là trở thành đạo diễn kịch. Ngọc Anh kể: “Hôm đi thi về em tự tin sẽ đậu nhưng ngày nào cũng thấp thỏm âu lo, cho tới khi cầm giấy báo trên tay thì hai mẹ con ôm nhau khóc vì sung sướng”.
Từ hôm biết mình đậu đến nay chàng học trò nghèo tranh thủ chạy đua từng ngày, lúc đi bẻ bắp thuê, lúc đi vét bùn ao, khi có người kêu lại đi làm thợ hồ. “Vất vả, nghèo khó rồi cũng qua đi và em tin không khó khăn nào là không vượt qua được nếu mình kiên nhẫn và chịu khó. Em sẽ tự kiếm tiền đi học, học xong ngành diễn viên kịch nói điện ảnh ở trường cao đẳng, em sẽ học thêm chuyên ngành đạo diễn để trở thành đạo diễn trong tương lai” - Ngọc Anh nói về ước mơ.
____________________
Ông Trần Hiếu - phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk:
Nghĩa tình dành cho sinh viên nghèo
Học bổng “Tiếp sức đến trường” là chương trình có ý nghĩa nhân văn rất lớn của báo Tuổi Trẻ và các nhà hảo tâm. Càng ý nghĩa hơn khi học bổng hỗ trợ đúng lúc các bạn gặp khó khăn khi vừa nhận giấy báo nhập học. Đây là sự “tiếp sức” đúng thời điểm, bởi nếu không vượt qua khó khăn ban đầu, nhiều bạn trẻ sẽ bỏ dở cơ hội, rời xa ước mơ, dở dang cả đời. Số tiền 5 triệu đồng hỗ trợ ban đầu để đưa sinh viên vào trường dù không lớn trong thời điểm này, nhưng sẽ “tiếp sức” thêm cho các em có được cơ hội đến trường đại học, cao đẳng và ý nghĩa của nó còn mạnh mẽ hơn thế.
Tôi xin gửi lời chia sẻ niềm vui đến các bạn sinh viên vừa đậu vào đại học và mong muốn các bạn cố gắng học hành hơn nữa sau khi nhận những suất học bổng này. Bởi đó là nghĩa tình cuộc đời gửi gắm, dành cho các bạn.
THÁI BÁ DŨNG ghi
___________________
Phú Mỹ Hưng tài trợ 250 triệu đồng
Công ty TNHH liên doanh Phú Mỹ Hưng tài trợ 250 triệu đồng cho học bổng “Tiếp sức đến trường” 2012. Số tiền này dành trao cho 50 tân sinh viên khu vực Nhà Bè, Bình Chánh, quận 7 và 8 thuộc TP.HCM trong đợt trao học bổng khu vực Đông Nam bộ diễn ra vào ngày 29-9.
Chương trình “Tiếp sức đến trường” 2012 còn tiếp tục nhận sự ủng hộ từ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức để trao học bổng cho nhiều tân sinh viên nghèo. Từ cuối tháng 8-2012 đến nay, chương trình đã trao trên 2,7 tỉ đồng cho 541 tân sinh viên các tỉnh, thành phố Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng. Từ nay đến cuối tháng 9, chương trình tiếp tục trao 5,5 tỉ đồng cho 820 tân sinh viên các tỉnh phía Bắc và miền Nam.
PHAN ĐẮC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận