07/04/2014 10:57 GMT+7

Mất thị trường vì bị kiện

TRẦN VŨ NGHI
TRẦN VŨ NGHI

TT - Rất nhiều mặt hàng xuất khẩu của VN đã không thể khôi phục ở những thị trường từng bị áp thuế. Chỉ trong hai năm trở lại đây, VN đã phải đối mặt gần 20 vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp từ Chính phủ... Gần đây là Mỹ công bố các mức thuế với tôm, cá ba sa.

Cá tra bị áp thuế cao tại MỹBrazil thay đổi thuế với vỏ xe xuất khẩu từ VN

tydb6J6m.jpgPhóng to
Xuất khẩu giày mũ da từng bị ảnh hưởng nặng nề sau khi EU áp thuế chống bán phá giá. Trong ảnh: sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty TNHH giày Liên Phát (Bình Dương) - Ảnh: T.V.N.

Không ít doanh nghiệp đành chấp nhận chọn giải pháp “sống chung” với các vụ kiện tụng.

Khó hồi phục

Theo Cục Quản lý cạnh tranh (VCA - Bộ Công thương), chỉ tính riêng quý 1-2014, các doanh nghiệp trong nước đã phải “hứng” đến năm vụ kiện phòng vệ thương mại từ năm ngoái “leo” qua, và ba vụ kiện liên quan đến thuế chống bán phá giá vừa được Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Philippines bắt tay khởi xướng điều tra. Và gần đây nhất ngày 31-3, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố các mức thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng cá tra vào Mỹ.

Nói về hậu quả của những vụ kiện, bà Trương Thúy Liên - giám đốc Công ty TNHH giày Liên Phát (Bình Dương), doanh nghiệp từng bị thiệt hại nặng nề trong đợt EU áp thuế chống bán phá giá 10% đối với giày mũ da xuất khẩu của VN hồi năm 2006 - cho biết đến nay vẫn bị “thấm đòn” và chưa thể hồi phục năng lực sản xuất như thời điểm trước, dù mức thuế này đã được EU bỏ từ năm 2011. “Năng lực sản xuất của chúng tôi đã bị sụt giảm hơn 40% thời điểm bị EU áp thuế chống bán phá giá, công nhân từ trên 1.200 người giảm xuống vài trăm người vì nhà nhập khẩu đồng loạt rút đơn đặt hàng do không chịu được mức thuế cao” - bà Liên kể lại. Hiện nay, dù đã khôi phục lại lực lượng công nhân gần 1.200 người, có kim ngạch xuất khẩu khoảng 3 triệu USD trong năm 2013, nhưng thị trường xuất khẩu sang EU của Liên Phát hiện chỉ chiếm khoảng 50% trong tổng kim ngạch so với mức 60-70% trước đây. Riêng mã hàng giày mũ da chỉ còn giữ tỉ lệ rất khiêm tốn trong các đơn hàng xuất khẩu.

Tình cảnh “khổ sở” trên rất khó quên với bà Liên do kim ngạch xuất khẩu của giày mũ da khi đó lại chiếm gần một nửa trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang EU. “Tôi phải cho công nhân nghỉ bớt, thậm chí “đắp chiếu” cả mấy chuyền sản xuất, rồi xoay xở đủ kiểu để tìm kiếm bạn hàng mới, thị trường mới để có thể trụ lại được với nghề” - bà Liên chia sẻ. Tuy nhiên, khi EU bỏ thuế, “cũng là lúc nền kinh tế của họ đi xuống nên nhu cầu đặt hàng lẫn giá trị hàng đặt cũng thay đổi rất nhiều. Quan trọng hơn, với bốn năm bị áp thuế, ít có doanh nghiệp nào hi vọng thị trường đó sẽ khôi phục vì khả năng tái áp thuế vẫn còn treo lơ lửng trên đầu nếu lượng hàng xuất khẩu tăng trở lại” - bà Liên nói.

Không được may mắn bỏ thuế như ngành da giày, túi PE xuất khẩu sang Mỹ của các doanh nghiệp VN cũng đã mất hút trên thị trường Mỹ sau khi bị nước này áp thuế chống bán phá giá lên mức 52,3-76,11% và thuế chống trợ cấp từ 5,28-52,56% trong vòng năm năm, tính từ năm 2009. “Hiện chúng tôi đang chuẩn bị chờ phía Mỹ sang rà soát lại nhằm làm căn cứ cho việc dỡ bỏ hay tiếp tục duy trì mức thuế nói trên. Quan trọng là các bị đơn của VN có thiết tha theo đuổi đến cùng hay không, vì tất cả điều này phụ thuộc ở vấn đề kinh phí” - ông Hồ Đức Lam, chủ tịch Hiệp hội Nhựa VN, xác nhận.

Theo ông Lam, sau khi bị áp các mức thuế nói trên, “các sản phẩm túi PE xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ gần như đóng băng và các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng”. Chiếm khoảng 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa sang thị trường Hoa Kỳ, khi bị áp thuế, túi PE cũng làm giảm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. Năm 2013, thị phần xuất khẩu nhựa của VN sang Mỹ chỉ chiếm khoảng 11% trong tổng kim ngạch 1,75 tỉ USD của toàn ngành, tương ứng gần 196 triệu USD, “và các doanh nghiệp đã xoay xở tìm hướng đi mới cho riêng mình” - ông Lam cho biết.

Ông H.Đ. - tổng giám đốc Công ty nhựa T, doanh nghiệp từng có đơn hàng xuất khẩu túi PE sang Mỹ thời điểm trước khi bị áp thuế, nay cũng đã chuyển sang sản xuất mặt hàng bao bì tự hủy để xuất khẩu sang thị trường EU - thở dài: “Nếu sau khi tiến hành rà soát thuế và được dỡ bỏ, tôi cho rằng cũng phải mất một thời gian rất dài các doanh nghiệp VN mới có thể khôi phục được thị trường này”.

STl6DZO0.jpg
Một số vụ kiện chống bán phá giá đối với hàng VN tại nước ngoài - Nguồn: Hội đồng tư vấn về phòng vệ thương mại - VCCI

Không chừa mặt hàng nào

Ghi nhận cho thấy các mặt hàng doanh nghiệp sản xuất trong nước bị kiện ngày càng đa dạng, từ sợi vải, túi nhựa, hộp quẹt, lò xo cho đến nhiều mặt hàng “nặng ký” khác như ống thép, vỏ xe, máy điều hòa... Một cán bộ chuyên trách các vụ kiện liên quan đến phòng vệ thương mại của VCA cho biết kể từ năm 2011 trở lại đây số vụ kiện ngày càng tăng dần, trong đó đỉnh điểm là năm 2012 với 14 vụ kiện liên quan đến chống bán phá giá, chống trợ cấp và phòng vệ thương mại. “Không cần phải xuất khẩu số lượng nhiều, hay giá bán thấp thì mới bị kiện. Chỉ cần mặt hàng nào đó chưa từng xuất qua nước họ, nay bỗng dưng tăng lên, dù giá trị kim ngạch rất nhỏ thì cũng đã bị để ý” - vị cán bộ này cho hay.

Không ít doanh nghiệp trong nước hết sức bất ngờ khi có những mặt hàng kim ngạch xuất khẩu “bé như cái kẹo” nhưng vẫn bị kiện. Đơn cử như mặt hàng ống thép hàn chịu lực không gỉ xuất khẩu từ VN bị Mỹ kiện bán phá giá vào tháng 6-2013, sau đó ra quyết định áp thuế tạm thời 17,72% cho hai bị đơn bắt buộc, và mức thuế 53,91% cho tất cả các doanh nghiệp khác. Trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng nói trên từ năm 2010-2012 vào Mỹ chỉ 48 triệu USD.

Cũng theo vị cán bộ nói trên, không chỉ có các nước từ các châu lục xa xôi mới “ngắm nghía” đến các doanh nghiệp VN, mà trong khoảng thời gian ba năm gần đây, các nước trong khu vực ASEAN cũng... tăng cường kiện tụng, nhất là khi nền kinh tế các nước gặp nhiều khó khăn. “Họ kiện đủ kiểu, chủ yếu là dựng lên hàng rào kỹ thuật nhằm hạn chế bớt lượng hàng xuất khẩu từ các nước đổ sang do tiêu thụ nội địa gặp khó. Và thay vì kiện chống bán phá giá hay chống trợ cấp, các nước trong khu vực thường chọn cách kiện phòng vệ thương mại vì bên khởi kiện không cần tốn công sức thu thập số liệu, cũng không cần nhắm tới một bị đơn cụ thể, nhưng hậu quả để lại thì vô cùng nặng nề nếu chẳng may rơi vào thị trường xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp” - vị này chia sẻ.

Ứng phó với công cụ phòng vệ thương mại

Một chuyên gia trong lĩnh vực phòng vệ thương mại cho biết phòng vệ thương mại là khái niệm chung chỉ cho ba biện pháp: chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ của từng quốc gia đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước vào nước của mình.

Thuế chống bán phá giá: kỹ thuật điều tra khó hơn, nhưng lý do biện minh lại dễ hơn, miễn là cơ quan điều tra chỉ ra được doanh nghiệp của một nước cụ thể có hành vi bán phá giá gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước của mình.

Trong khi biện pháp tự vệ kỹ thuật tiến hành dễ hơn, nhưng lý do biện minh lại khó hơn vì phạm vi áp dụng sẽ dành cho tất cả các quốc gia, không phân biệt nguồn gốc hàng hóa nhập khẩu. Quan trọng là nước khởi kiện phải có lý do để biện minh cho việc gia tăng hàng hóa nhập khẩu gây thiệt hại cho ngành sản xuất của chính họ.

Cũng theo vị này, từ trước đến nay VN chỉ thành công trong vụ kháng kiện chống trợ cấp đối với mặt hàng tôm xuất khẩu từ VN sang Mỹ. Còn với ngành da giày, VN đã thành công trong việc bác bỏ các cáo buộc của Canada khi nước này cho rằng mặt hàng giày không thấm nước xuất khẩu từ VN có bán phá giá ở thị trường này cách đây nhiều năm.

Tôm, cá tra... lại lận đận ở Mỹ

Chỉ trong vòng hai tuần cuối tháng 3 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) liên tục công bố các mức thuế chống bán phá giá với tôm và cá tra của VN vào Mỹ cao bất ngờ. Cụ thể, ngày 18-3 kết quả sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần thứ 8 của DOC đã áp thuế chống bán phá giá với các lô hàng tôm của VN rất cao, trên 6%. Trong đó, hai bị đơn bắt buộc trong đợt xem xét lần này (đối với các lô tôm xuất khẩu vào Mỹ giai đoạn 1-2-2012 đến 31-1-2013) là Công ty cổ phần tập đoàn thủy sản Minh Phú và Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng có mức thuế suất lần lượt là 4,98% và 9,75%. 30 doanh nghiệp là bị đơn tự nguyện trong đợt xem xét lần này chịu mức thuế chống bán phá giá trung bình của hai công ty trên là 6,37%, mức thuế suất toàn quốc với các doanh nghiệp khác vẫn giữ ở mức 25,76%.

Tới ngày 31-3, DOC lại công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 9 vụ kiện chống bán phá giá cá tra tại thị trường Mỹ áp dụng với các lô hàng xuất khẩu trong giai đoạn từ 1-8-2011 đến 31-7-2012. Theo quyết định này, mức thuế của hai doanh nghiệp bị đơn bắt buộc là 0,03 USD/kg (Vĩnh Hoàn) và 1,2 USD/kg (Hùng Vương), mức thuế riêng lẻ là 0,42 USD/kg. Dù thấp hơn khá nhiều so với kết quả sơ bộ công bố đầu tháng 9-2013 nhưng đây vẫn là kết quả bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra VN, bởi Mỹ là thị trường quan trọng và có mức tăng trưởng cao trong xuất khẩu cá tra VN những năm qua.

Theo ông Trương Đình Hòe - tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN, DOC vẫn giữ nguyên quan điểm và lập luận trong việc chọn Indonesia làm quốc gia thay thế (do VN chưa được Mỹ công nhận là quốc gia có nền kinh tế thị trường), bất chấp những phản đối mạnh mẽ từ phía doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra VN. Các doanh nghiệp VN trong lúc tìm cách phản đối kết quả của DOC sẽ phải sống chung với mức thuế mới và có những điều chỉnh hợp lý trong số lượng và giá bán vào thị trường Mỹ.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Lò xo xuất khẩu từ VN vẫn bị Mỹ phạt thuếDoanh nghiệp VN không bán phá giá cá traMỹ áp thuế chống bán phá giá với tôm VN trên 6%Lốp xe đạp VN xuất sang Brazil bị áp thuếViệt Nam áp thuế chống bán phá giá thép với nhiều nước

TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên