03/06/2014 08:00 GMT+7

Đề văn khơi dậy lòng yêu nước của tuổi học trò

HOÀNG HƯƠNG - LƯU TRANG - TUYẾT MAI
HOÀNG HƯƠNG - LƯU TRANG - TUYẾT MAI

TT - Một đoạn trong bài báo “Bình tĩnh, sáng suốt thể hiện lòng yêu nước” nói về việc Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam được sử dụng trong đề thi môn văn đã khơi dậy tinh thần yêu nước của tất cả thí sinh, thầy cô giáo trong bối cảnh nóng bỏng hiện nay.

eOKD2IAn.jpgPhóng to
Thí sinh trao đổi lại bài làm sau khi kết thúc môn văn tại hội đồng thi THPT Chu Văn An (Hà Nội) - Ảnh: Nguyễn Khánh

Tín hiệu vui

Theo nhận định của hầu hết giáo viên môn văn, đề thi môn văn năm nay thuộc dạng đề “mở”, khơi gợi được sự sáng tạo của thí sinh.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Diệp, tổ trưởng tổ văn Trường THPT Giồng Ông Tố, TP.HCM, cho biết: “Mặc dù đã đoán trước đề thi môn văn năm nay sẽ có nội dung liên quan đến biển đảo nhưng khi đọc đề thi vẫn thấy cảm xúc dâng trào. Cái hay của câu đọc - hiểu không chỉ phản ánh được tình hình thời sự của đất nước. Bên cạnh đó, câu hỏi còn tạo điều kiện cho thí sinh được tự do trình bày những suy nghĩ, quan điểm của mình về tình hình ấy (thay vì những năm trước đề thi yêu cầu thí sinh chép lại kiến thức giáo khoa một cách máy móc). Điều này làm cho thí sinh được thỏa sức thể hiện mình”.

Tương tự, cô Nguyễn Thái Xuân, giáo viên môn văn Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM, cũng cho rằng câu I không khó đối với trình độ học sinh lớp 12 bởi ngày nào các em cũng được xem, nghe, đọc về tình hình ở biển Đông: “Chắc chắn học sinh sẽ dễ dàng làm đúng câu 1 và 2. Câu 3 có lẽ là câu tạo được nhiều cảm xúc nhất đối với thí sinh bởi các em được bộc lộ tình cảm, nhận thức của mình về sự kiện đang “nóng” - sự kiện mà chính bản thân các em cũng rất quan tâm. Từ câu hỏi này, tôi hi vọng sẽ làm thay đổi việc dạy và học văn: văn phải gắn liền với cuộc sống, phải sát thực tế”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, khá nhiều học sinh ở các quận nội thành TP.HCM cho biết bị “trật tủ” với môn văn. H.D. - học sinh lớp 12 ở quận 1 - kể: “Câu I gần như tất cả học sinh trường mình đều trúng tủ. Nhưng câu II thì không thể ngờ được. Năm nay đang “nóng” chuyện bảo vệ chủ quyền đất nước nên các bạn đoán phần làm văn sẽ ra tác phẩm Những đứa con trong gia đình hoặc Đất nước đứng lên, Rừng xà nu... không ngờ lại là Hồn Trương Ba, da hàng thịt - tác phẩm này lâu nay đâu có trong đề thi tốt nghiệp THPT”.

Một số giáo viên dạy văn lớp 12 cũng thừa nhận vấn đề trên: “Rất bất ngờ với câu II”. Tuy nhiên, các giáo viên cho biết trong chương trình và trong quá trình ôn thi đều đã dạy tác phẩm này cho học sinh. Mặt khác, cách ra đề theo dạng có lợi cho thí sinh: đoạn kịch đã được in sẵn trong đề thi, thí sinh không thuộc tác phẩm vẫn làm được. Thứ hai, cách hỏi cũng mang tính chất “mở”: cho thí sinh trình bày suy nghĩ của mình.

Không những thế, cô Nguyễn Thái Xuân đánh giá: “Đề thi năm nay có tính chất nhất quán và tích hợp. Câu II có chủ đề “được sống là chính mình” thật ra cũng có liên quan đến Trung Quốc: “sống là chính mình” là sống tốt, sống đẹp, đúng với bản chất của mình, còn cư xử như Trung Quốc là xấu, là trái đạo lý... Vấn đề này cũng rất thời sự, đòi hỏi thí sinh phải hiểu vấn đề, biết cách phân tích, thoát ly khỏi việc học theo kiểu “từ chương” như trước”.

w1ZZ2nVs.jpgPhóng to
Các thí sinh bày tỏ sự thích thú về đề văn sau khi kết thúc môn thi này tại hội đồng thi Trường Lý Phong (TP.HCM) - Ảnh: Như Hùng

* Thí sinh VÕ THỊ LINH(xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn) dự thi tại Trường THPT Lý Sơn (Quảng Ngãi):

Cũng là nỗi bức xúc của gia đình

Ba em là ngư dân Võ Minh Vương từng bị Trung Quốc tấn công, cướp tài sản và bắt giữ trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nên em biết việc Trung Quốc ngang ngược xâm phạm lãnh thổ của nước mình gây lo lắng cho sự bình yên của Tổ quốc.

Hiện ba em cũng đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa vừa khai thác hải sản, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Em đã mạnh dạn viết một hồi nêu rõ sự bất bình, bức xúc của gia đình, người dân Lý Sơn và cả đất nước trước hành động hung hăng của Trung Quốc. Em cũng đưa vào bài thi truyền thống của tiền nhân đất Việt thể hiện qua đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải đã được dựng tượng ở Lý Sơn, về chủ quyền hàng trăm năm trước của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

* Thí sinh TRƯƠNG THẢO VÂN(lớp 12A2 Trường THPT Nhân Việt - TP.HCM)

Cách thể hiện tinh thần yêu nước

“Đề thi không làm em quá bất ngờ vì trước đó em đã đọc và tìm hiểu qua báo chí, tivi về sự kiện này. Đề thi đã nhấn mạnh hành động sai trái của Trung Quốc. Em nghĩ trong lúc này chúng ta cần tìm sự ủng hộ của các nước bạn, ở trong nước chúng ta cần bình tĩnh để có những hành động sáng suốt. Ở độ tuổi của mình, mỗi học sinh hãy cố gắng học tập để xây dựng đất nước, cũng là cách thể hiện tinh thần yêu nước”.

* Thầy TRẦN HINH(chủ nhiệm bộ môn nghệ thuật học - khoa văn học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội):

“Văn hay đâu lọ vắn dài”

Cá nhân tôi thấy đề thi năm nay vừa hay, vừa đúng tầm của học sinh. Do năm nay thời gian làm bài rút gọn chỉ còn 120 phút (so với 150 phút như các năm trước) nên đề chỉ gọn trong hai câu như thế là vừa phải. Kiểm tra kiến thức môn ngữ văn của học sinh phổ thông đâu cần phải quá dài dòng. Thời chúng tôi thi đại học (năm 1970-1971), thậm chí môn văn chỉ có duy nhất một câu hỏi vậy mà vẫn tuyển được học sinh giỏi văn thật sự, “văn hay đâu lọ vắn dài”.

Nói rõ hơn về cái hay và cái gợi mở của đề thi, tôi xin được giải thích rõ hơn: đề thi năm nay có hai câu, ngay ở câu I (3 điểm), ngoài việc kiểm tra kiến thức viết bài nghị luận xã hội (giống như câu II các năm trước, trình bày suy nghĩ về...), còn có phần nội dung kiểm tra kiến thức tiếng Việt (phong cách văn bản), khả năng tóm tắt văn bản. Học văn theo cách như vậy thiết thực hơn là chúng ta vẫn làm bấy lâu nay vốn khiến học sinh khổ mà giáo viên cũng khổ. Lâu nay chúng ta cứ sa vào “tầm chương, trích cú”, sa vào những bài học “mỹ văn”. Những cái đó, theo tôi, chỉ để dành riêng cho những học sinh học chuyên sâu môn văn thôi. Còn học sinh nói chung chỉ cần kiểm tra ba kỹ năng chính: một là biết đọc hiểu một văn bản, hai là biết trình bày suôn sẻ một vấn đề, ba là biết vận dụng kiến thức đã học viết được một bài văn cụ thể. Làm được điều này chắc chắn học sinh sẽ bớt phải đi học thêm vì phần lớn lò luyện thi hiện nay chỉ đọc chép nên học sinh bị biến thành những con vẹt.

Một buổi coi thi đặc biệt

Khi đề thi môn ngữ văn được phát đến từng học sinh đầu giờ sáng 2-6, tôi nghe có em nói thầm: “Giàn khoan Trung Quốc”. Tôi hiểu đề thi ra có gì đó liên quan đến vấn đề đang rất thời sự ở biển Đông.

Là giám thị, trong quá trình coi thi, tôi chỉ được ngồi một chỗ để quan sát các thí sinh, lại phải hạn chế tối đa đi lại và không được đọc bài làm của các em theo quy định, song lòng tôi cứ nôn nao không biết đề ra cụ thể như thế nào, vấn đề thời sự nóng bỏng được cả thế giới quan tâm suốt cả tháng qua vào đề thi ra sao. Trong 120 phút ngồi coi thi, 24 thí sinh trước mặt tôi là 24 tâm trạng. Có em hí hoáy viết một mạch, có em cắn bút suy nghĩ.

Khi tiếng chuông báo hiệu hết giờ thi, thu bài của thí sinh và nộp lại cho hội đồng thi xong, tôi mới có thể mượn đề thi xem lại. Sau buổi thi có thí sinh nói với tôi: “Đề thi khó quá cô ơi, không có trong chương trình học”, song cũng có em vui như reo: “Em làm loáng là xong, mấy chuyện này em đọc trên báo cả tháng rồi”. Tôi hiểu lòng yêu nước đâu cần có trong giáo trình nào mà ở trong tim mỗi người.

Suốt cả tháng qua, kể từ khi Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam, tôi đã sống hằng ngày với câu hỏi: “Vụ giàn khoan đến đâu rồi?”. Ở trường, mỗi giờ chào cờ toàn trường được nghe phổ biến về diễn biến mới của vụ việc, về cách thể hiện lòng yêu nước trong học sinh thời điểm này. Lúc rảnh, trong câu chuyện của đồng nghiệp chúng tôi cũng đều “chuyện giàn khoan”. Trên Facebook, học trò tôi cũng chia sẻ với nhau thông tin dõi theo tình hình ngoài khơi. Về nhà, việc Trung Quốc hung hăng cũng được các thành viên trong gia đình bình phẩm... Và bây giờ, tôi gặp lại sự quan tâm đó trong phần “đọc hiểu” của đề thi.

Những người ra đề thi ngữ văn lần này cũng cùng sự quan tâm đó. Đề thi được trích từ một bài trên báo Giáo Dục & Thời Đại ngày 15-5, nghĩa là chỉ trong vòng nửa tháng những người ra đề thi và bộ máy quyết định chọn đề thi này đã biết cập nhật tình hình thời sự mà cả đất nước quan tâm, biết chọn vấn đề để kiểm tra năng lực cảm thụ văn học và suy nghĩ của học sinh với tình hình của đất nước. Mấy năm gần đây đề thi đã có nhiều đổi mới, đề thi ngữ văn ít nhiều không còn ra theo kiểu lối mòn năm nào cũng như năm nào, nhưng đổi mới như lần này thì quả là xúc động. Cũng như tôi, dù không phải là giáo viên dạy ngữ văn, nhưng đọc đề thi lần này tôi cảm thấy xúc động khi ngành giáo dục không đứng ngoài thời cuộc vì nhà trường vẫn luôn là nơi khơi gợi tốt nhất lòng yêu nước trong thế hệ trẻ...

Trong đời dạy học của mình, tôi không nhớ hết các buổi coi thi, nhưng buổi coi thi hôm nay đặc biệt nhất. Và tôi nghĩ khi nền hòa bình và an ninh của đất nước bị đe dọa như hôm nay, có được 90 triệu dân đất Việt cùng lo cho đất nước như vậy thì quả là phúc cho một dân tộc.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Đề thi văn khơi gợi lòng yêu nước trong học sinhSáng nay 2-6 sĩ tử cả nước nhói lòng với Giàn khoan 981Mưa lớn, thí sinh vào phòng thi quần áo ướt sũngThí sinh hớn hở vì đề sử "dễ đến bất ngờ"Nhiều thí sinh nhận định đề môn Lý khá khóGợi ý bài giải thi tốt nghiệp THPT môn vật lýGợi ý bài giải thi tốt nghiệp THPT môn lịch sử

HOÀNG HƯƠNG - LƯU TRANG - TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên