02/06/2014 10:58 GMT+7

Đề thi văn khơi gợi lòng yêu nước trong học sinh

MINH GIẢNG - LƯU TRANG -  NGỌC HÀ - VĨNH HÀ - TUYẾT MAI ghi
MINH GIẢNG - LƯU TRANG -  NGỌC HÀ - VĨNH HÀ - TUYẾT MAI ghi

TTO - Thầy Nguyễn Văn Cải - phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (Củ Chi, TP.HCM) cho biết đề thi văn hay, vừa có nét mới vừa mang tính thời sự, khơi gợi được lòng yêu nước trong học sinh.

Gợi ý bài giải môn ngữ văn thi tốt nghiệp THPT 2014

Nếu câu 1 vừa mang tính thời sự vừa khơi gợi lòng yêu nước, để học sinh bày tỏ thái độ thì câu 2 khơi gợi khát vọng sống thật với chính mình.

IqaDUC89.jpgPhóng to
Thí sinh dự thi ở Hội đồng thi trường THPT Gò Vấp TP.HCM vui mừng khi làm được bài. Đa số thí sinh được hỏi đều cho rằng đề năm nay dễ - Ảnh: Thuận Thắng

Dễ đạt điểm cao

Về bố cục và nội dung, đề thi như vậy là hợp lý, vừa sức và có mới mẻ trong mỗi câu. Mặc dù có nét rất mới so với những năm trước trong việc hỏi phong cách văn bản và hiệu quả sử dụng từ ngữ nhưng nhìn chung là nhẹ nhàng, không đánh đố thí sinh. Mong là đáp án của Bộ GD-ĐT, barem điểm sẽ thoáng, mở, hợp lý để việc dạy và học môn văn ngày một cải tiến và tốt hơn.

Tương tự, thầy Nguyễn Hữu Thanh, giáo viên văn Trường THPT Nguyễn Du, quận 10 TP.HCM cho rằng: câu 1 yêu cầu học sinh đọc - hiểu và trình bày suy nghĩ của mình về một vấn đề thời sự không có gì bất ngờ. Học sinh đã được ôn tập kỹ dạng đề này. Ở phần làm văn, đề thi tích hợp phần nghị luận văn học và nghị luận xã hội trong một câu.

Khác với mọi năm, năm nay học sinh không được chọn một trong hai đề, điều nay có thể khiến học sinh bối rối. Việc tích hợp này khá hay, mới và gọn, tuy nhiên đề này đã thu hẹp quyền lựa chọn của thí sinh. Bởi ở môn văn, thường các em được chọn đề thi phù hợp ở phần làm văn sao cho đúng với trọng tâm ôn tập và cảm xúc của mình.

Nhiều học sinh cho biết trong khi ôn tập đã bỏ qua vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” nên bị “trật tủ”, tuy nhiên các em vẫn có thể làm được phần này bởi vở kịch này và vấn đề “con người cần được sống là chính mình” rất gần gũi, thời sự và phù hợp với suy nghĩ, tâm lý lứa tuổi học sinh hiện nay.

Với đề thi này, chỉ cần tư duy tốt, nắm bắt được các yêu cầu, dữ liệu của đề và trình bày mạch lạc, học sinh sẽ đạt điểm cao. Số điểm khá, giỏi có thể sẽ nhiều vì thời lượng để dành cho phần làm văn (7 điểm). Nhìn chung đề văn năm nay mang tính thời sự cao, hay, gọn, ít gây tranh cãi, phần lớn học sinh sẽ làm được bài.

Loại trừ văn mẫu

Ths. Hoàng Văn Quyết, giáo viên văn Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc nhận định với định hướng chuyển dần từ truyền thụ kiến thức thuần túy sang rèn luyện kĩ năng, đề thi năm nay đã đáp ứng được yêu cầu. Mặc dù đề tài thời sự biển đảo nhiều thí sinh cũng đoán sẽ ra, nhưng cách thức ra đề vẫn kiểm tra được kỹ năng đọc hiểu, kỹ năng cảm thụ văn học có liên hệ với các vấn đề của đời sống, kỹ năng sáng tạo văn bản.

Ngoài ra đề thi cũng kiểm tra được hiểu biết xã hội, trải nghiệm sống, suy nghĩ độc lập của mỗi thí sinh.

"Tôi khẳng định không có một bài văn mẫu nào có thể đáp ứng được cách ra đề như đề thi tốt nghiệp năm nay. Đề thi không bị rơi vào lối mòn cũ mà thí sinh và thầy, cô giáo có thể đoán trước, học tủ được. Cách đổi mới từ một đề thi như thế này có thể tạo nên sự lan tỏa để điều chỉnh cách dạy học trong nhà trường phổ thông hiện nay." - Ths Quyết nói.

Thực ra, tuy cấu trúc đề thi, cách thức đặt ra yêu cầu đối với thí sinh có mới mẻ so với đề thi tốt nghiệp THPT các năm trước, nhưng đó không phải điều xa lạ mà đã được đặt ra trong chương trình phổ thông.

Đơn cử như kĩ năng đọc hiểu văn bản, việc tích hợp kiến thức, yêu cầu phân tích, so sánh, liên hệ với cuộc sống bằng trải nghiệm của bản thân đã được đặt ra ở chương trình hiện hành. Chỉ có điều khi đề thi không chuyển mạnh theo hướng này thì ở đâu đó trong các nhà trường nó chưa được chú trọng đúng mức.

Việc đưa văn bản nằm ngoài chương trình - SGK vào đề thi cũng không phải là vấn đề quá sức đối với học sinh. Lâu nay chúng ta quen với việc nội dung đề thi chủ giới hạn trong các tác phẩm có trong SGK, nhưng kỹ năng đọc hiểu, lĩnh hội nội dung, tư tưởng của một văn bản học sinh đều đã được học kĩ trong chương trinh, vì thế việc đưa một văn bản tương đương, hợp ngưỡng với trình độ học sinh vào đề thi, theo tôi là bình thường, không co gì đánh đố học sinh.

Với hướng ra đề kiểm tra kỹ năng và hiểu biết của học sinh như đề thi này, những nhà trường, thầy cô giáo nào không điều chỉnh cách dạy học thì sẽ tụt hậu.

Tuy nhiên cũng phải nói thêm với dạng đề thi rất mở và gần gũi với cuộc sống như đề thi tốt nghiệp THPT năm nay, hướng dẫn chấm cũng phải linh hoạt. Chấm cứng nhắc thì học sinh khó được điểm cao và cũng đi ngược với mục tiêu nâng cao chất lượng dạy học thông qua kiểm tra, đánh giá. Với những câu hỏi yêu cầu học sinh phát biểu suy nghĩ, hướng dẫn chấm cần chấp nhận những quan điểm trái chiều, miễn là quan điểm đó được trình bày thuyết phục và không trái với thuần phong mỹ tục, trái pháp luật…

Tạo hứng thú cho học sinh

Trong khi đó, TS Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội là người đã ra đề văn nghị luận về vấn đề Biển Đông ngay trong những ngày đầu Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển của VN, gây nức lòng cư dân mạng thời gian qua.

TS Tuyết nhận định đề thi tốt nghiệp chắc chắn đã tạo hứng thú cho thí sinh, khơi gợi khả năng sáng tạo và năng lực tư duy độc lập cho các em.

“Ở câu 1 với yêu cầu đọc hiểu, đề bài đã đề cập đến một vấn đề đang có sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng trong nước và quốc tế. Ngữ liệu mà đề bài đưa ra rất phù hợp, giúp học sinh không chỉ hứng thú trong việc thể hiện quan điểm cá nhân, trách nhiệm công dân, tình yêu nước mà còn được định hướng đúng đắn để không có những phát ngôn hay hành động bất thường có thể làm hại đến tâm thế chung của cộng đồng.

Ở câu 7 điểm, đề đã có sự kết hợp thú vị giữa nghị luận văn học và nghị luận xã hội, cụ thể là nghị luận về tư tưởng, đạo lý. Có thể nói đề đưa ra một vấn đề không mới, nhưng chưa bao giờ cũ , có giá trị định hướng nhân cách cho học trò ngày nay”- cô Tuyết nhấn mạnh.

Cô Tuyết cũng chia sẻ ngay sau khi kết thúc môn thi văn, nhiều học trò của cô tâm sự đã rất hào hứng với đề văn, nhất là vấn đề biển Đông chính là nội dung mà cô đã rất chú tâm khi ôn luyện cho các em.

Ở nhiều hội đồng thi, thí sinh cũng tỏ ra rất phấn khởi sau khi làm bài thi môn văn vì đề đã chạm đến và làm lan tỏa nhiều hơn tình yêu đất nước, sự quan tâm đến những vấn đề thời sự nóng bỏng của đất nước ngày hôm nay trong những học sinh 18 tuổi trước ngưỡng cửa vào đời. Nhiều em không ngại ngần khoe mình “ gần như... trúng tủ” khi ở lớp được làm nhiều đề văn… tương tự vì cả thầy và trò đều theo sát tình hình thời sự những ngày qua.

Thực tế, với một đề văn “mở”, được dành nhiều “đất” để trình bày quan điểm cá nhân, nhiều thí sinh cho rằng dù không thể đoán trước mình được mấy điểm, nhưng làm xong bài thì cảm giác hoàn toàn thoải mái và nhẹ nhõm. Tuy nhiên, không ít thí sinh còn băn khoăn về đáp án của đọc hiểu. “

Phần trích dẫn nội dung từ Báo Giáo dục và Thời đại, nhiều bạn nói là ngôn ngữ báo chí, nhiều bạn lại khẳng định đó là ngôn ngữ chính luận. Mình cũng đang hơi lo không biết đáp án của mình có chính xác không khi trả lời ngôn ngữ của đoạn văn là ngôn ngữ báo chí”- một thí sinh tại điểm thi Trường THPT Phạm Hồng Thái thắc mắc. Đem băn khoăn này đến TS Trịnh Thu Tuyết, cô Tuyết cho rằng đáp án cho câu hỏi này là đoạn văn đã sử dụng ngôn ngữ báo chí kết hợp ngôn ngữ chính luận.

Thầy giáo Huỳnh Long - phó hiệu trưởng Trường THPT Lý Sơn, Quảng Ngãi nhận định: “Đề thi môn ngữ văn năm nay phù hợp với tính thời sự, đề cập đến tình hình đất nước hiện nay, là cơ hội để các thí sinh trên quê hương hải đội Hoàng Sa dùng chính ngòi bút của mình để thể hiện quan điểm, tinh thần yêu nước trước hành động ngang ngược của Trung Quốc khi làm trái với với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, xâm phạm lãnh thổ nước ta. Đề thi môn ngữ văn năm nay là cơ hội để các thi sinh thể hiện tình yêu Tổ quốc, lòng tự tôn dân tộc và trách nhiệm với đất nước.

Sáng nay 2-6 sĩ tử cả nước nhói lòng với Giàn khoan 981Hơn 900.000 thí sinh cả nước vào phòng thi tốt nghiệp THPT

ĐỀ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2014 MÔN NGỮ VĂN

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Những ngày đầu tháng 5/2014, Trung Quốc ngang nhiên xâm nhập và hạ đặt giàn khoan HD 981 trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế và quyền tài phán của Việt Nam, có những hành động hung hăng cản phá lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Trước tình hình đó, trái tim của hơn 90 triệu người dân Việt Nam ở trong nước, hơn 4 triệu kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới luôn nóng bỏng hướng về Biển Đông, hướng về Hoàng Sa và Trường Sa, dõi theo từng tin tức được truyền đi từ hiện trường vụ việc.

Những ngày qua, chúng ta lại một lần nữa chứng kiến tinh thần yêu nước trong mỗi một người dân Việt Nam, kiều bào ta ở nước ngoài, thể hiện sự đoàn kết trong quyết tâm bảo vệ vùng biển, đảo, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, lên án mạnh mẽ những hành động sai trái, phi lý của Trung Quốc. Tuy nhiên, trước tình hình hiện nay chúng ta phải bình tĩnh, sáng suốt nhận định những sự kiện đang diễn ra trên Biển Đông để có hành động phù hợp.

(Bình tĩnh, sáng suốt thể hiện lòng yêu nước - Nguyễn Thế Hanh,

Báo Giáo Dục & Thời đại số 116 ra ngày 15 - 5 - 2014)

Đọc văn bản trên và thực hiện các yêu cầu sau:

1. Nêu những ý chính của văn bản

2. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản. Việc dùng các từ được gạch dưới trong câu: “Những ngày đầu tháng 5/2014, Trung Quốc ngang nhiên xâm nhập và hạ đặt giàn khoan HD 981 trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế và quyền tài phán của Việt Nam, có những hành động hung hăng cản phá lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.” có hiệu quả diễn đạt như thế nào?

3. Viết một đoạn văn ngắn bày tỏ thái độ của anh/chị về sự kiện trên.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ có đoạn:

Hồn Trương Ba: Ông Đế Thích ạ, tôi không thể tiếp tục mang thân anh hàng thịt được nữa, không thể được!

Đế Thích: Sao thế? Có gì không ổn đâu!

Hồn Trương Ba: Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn.

Đế Thích: Thế ông ngỡ tất cả mọi người đều được là mình toàn vẹn cả ư? Ngay cả tôi đây. Ở bên ngoài, tôi đâu có được sống theo những điều tôi nghĩ bên trong. Mà cả Ngọc Hoàng nữa, chính người lắm khi cũng phải khuôn ép mình cho xứng với danh vị Ngọc Hoàng. Dưới đất, trên trời đều thế cả, nữa là ông. Ông đã bị gạch tên khỏi sổ Nam Tào. Thân thể thật của ông đã tan rữa trong bùn đất, còn chút hình thù gì của ông đâu!

Hồn Trương Ba: Sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác, đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!

(Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2013, tr. 149)

Phân tích khát vọng của nhân vật Hồn Trương Ba trong đoạn trích trên. Từ đó, trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề: con người cần được sống là chính mình.

MINH GIẢNG - LƯU TRANG -  NGỌC HÀ - VĨNH HÀ - TUYẾT MAI ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên