Hai thí sinh Lâm Bảo Anh (trái) và Đinh Quế Trân, học sinh lớp 12A11 trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai Q3, TPHCM là hai thí sinh duy nhất thi môn sử tại HĐT trường này chiều 2-6 - Ảnh: Như Hùng |
Xem Gợi ý bài giải thi tốt nghiệp THPT môn lịch sử
Theo ông Trần Văn Đại Lợi, giáo viên môn lịch sử, Trường THPT Thái Bình, TP.HCM, nội dung đề thi môn sử nằm trong chương trình lớp 12.
Thoạt nhìn, cứ nghĩ câu 1, câu 2 thuộc dạng học thuộc lòng nhưng thật ra tất cả 3 câu hỏi đều yêu cầu thí sinh phải tư duy mới làm tốt được.
Ví dụ câu 1 nói về tư tưởng Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Nguyễn Ái Quốc biên soạn nhưng thí sinh phải hiểu và trình bày được tư tưởng cốt lõi của nó là tư tưởng thiết yếu, đã và đang ứng dụng trong xã hội hiện đại.
Câu 2 cũng vậy, không đơn thuần là trình bày nguyên nhân, hoàn cảnh, diễn biến mà yêu cầu thí sinh phân tích về cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Câu 3 được xem là phần “nhấn” trong đề thi, có liên quan đến biển đảo nên được nhiều thí sinh quan tâm.
Nhìn chung, đề thi năm nay vừa sức thí sinh, tuy nói về vấn đề cũ nhưng có liên quan đến tình hình đương đại. Với đề này, học sinh trung bình nhưng có học bài có thể được 7 điểm.
Ghi nhận từ phía học sinh, tại hội đồng thi Trường THPT Gia Định (Q. Bình Thạnh.TP.HCM) các thí sinh cho biết đề lịch sử năm nay tương đối dễ, hầu hết 3 câu hỏi đều là những câu đơn giản về những mốc lịch sử quan trọng, không hề mang tính đánh đố hay phải suy luận liên kết nhiều sự kiện.
Bạn Huỳnh Như - học sinh lớp 12D4 cho biết: “đề khá dễ, chỉ cần học ở mức trung bình là có thể đạt được 5-7 điểm, nhất là câu 2”.
Theo thí sinh Hoàng Nguyễn Quỳnh Giao (lớp 12A7) nhận xét: Đề dễ đến mức bất ngờ, câu 3 liên quan nhiều đến biển đảo, nhằm giúp chúng em khơi dậy lòng yêu nước và nhìn lại quá khứ huy hoàng của dân tộc”.
Thí sinh Phạm Ngọc Hoàng Yến cho biết: “đề dễ nhưng nếu không học kỹ thì dễ gặp khó khăn ở câu 1, vì đây chỉ là một phần nhỏ trong một bài lớn, tuy nhiên để đạt điểm 8 thì không khó”.
17g15 chiều 2-6, hơn một nửa thí sinh dự thi môn sử tại hội đồng Trường THPT Tân Phong (Q.7, TP.HCM) đã rời phòng thi với tâm trạng phấn khởi. Hầu hết các thí sinh đều nói làm bài ổn, nội dung câu hỏi thuộc những phần ôn tập.
Tuy nhiên, các bạn đều bất ngờ vì không có nội dung thuộc chiến dịch Điên Biên Phủ, Cách mạng tháng Tám.
Thí sinh Sơn Lâm, học sinh trường Tân Phong chia sẻ: "Em thấy đề thi rất dễ, thuộc những phần cơ bản nên tụi em học rất kỹ".
Đồng thời, hai thí sinh Nguyễn Văn Công và Hoàng Dung, Trường THPT Tân Phong cùng ý kiến: "Tụi em thấy đề thi khá dễ, nếu các bạn học bài thì lấy từ 8 điểm trở lên không khó. Nhưng đề thi không hay lắm, những vấn đề nóng bỏng và thời sự không được đề cập, học sinh chỉ cần học thuộc lòng và ghi đủ ý là đạt".
Tại Hội đồng thi Trường THPT Bình Hưng Hòa (Bình Tân), nhiều thí sinh tự nhận định làm được ít nhất 70% bài thi.
Tại hội đồng thi Trường THPT Trần Phú, thí sinh Vũ Thị Ngọc Anh cho biết em làm được nhiều và thoải mái phân tích các sự kiện, nêu những nguyên tắc hoạt động của tổ chức Liên Hiệp Quốc.
Theo Ngọc Anh, đề thi sử năm nay không khó, không đánh đố học sinh vì không có việc ghi nhớ các cột mốc, giai đoạn lịch sử. Những học sinh “thích sử, yêu sử, khá sử” cũng sẽ hứng thú vì có phần liên hệ trong câu 3: từ nguyên tắc hoạt động của Liên Hiệp Quốc về giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình đến việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam hiện nay.
Hội đồng thi THPT Trần Phú chỉ có 14 thí sinh chọn thi môn sử và các bạn đều ra khỏi phòng thi với tâm thế thoải mái.
Kết thúc buổi thi, tại hội đồng thi này trời mưa rất to. Các thí sinh phải nán lại trường chờ mưa tạnh để giữ gìn sức khỏe cho buổi thi ngày mai.
Xem thêm:
Đề thi lịch sử bàn về nguyên tắc giải quyết tranh chấp quốc tế Gợi ý bài giải thi tốt nghiệp THPT môn vật lýĐề thi văn khơi gợi lòng yêu nước trong học sinh
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận