"Cô vừa đưa con về vừa khóc"

ĐỖ THỊ HỒNG ĐIỆP
ĐỖ THỊ HỒNG ĐIỆP

TT - Tôi đưa con đến nhà cô giáo gửi rồi chạy xe đến cơ quan. Vừa đặt túi xuống bàn thì điện thoại người nhà báo: “Bờm về nhà rồi, mẹ cô giáo mất!”.

Tôi tự hào là người Việt NamCùng học trò “lội ngược dòng”Dạy học bằng cả yêu thương

zIAL7oo0.jpgPhóng to
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Quê cô giáo của con ở Quảng Nam, trước tết cô đã về nhà với mẹ. Hết đợt nghỉ tết, bà yếu hẳn, cô muốn ở nhà chăm mẹ nhưng phải vào trường để dạy học. Có lần mẹ gọi điện, cô kể mẹ cô lớn tuổi lại bệnh nặng, bác sĩ nói đưa về nhà chăm. Về tết thăm mẹ cô cứ nấn ná ở lại thêm vài hôm, nhưng rồi lại phải vào Sài Gòn với đám học sinh lớp 4 lít nhít.

"Nghe tin mẹ mất hẳn cô đã rất bối rối nhưng vẫn đưa con tôi về đến tận cửa, sau khi cuống cuồng gói ghém đồ đạc để cả nhà ra bến xe buýt"

Tối về nhà tôi hỏi con: “Hôm nay cô về quê, con làm sao tự về được nhà?”. Con nói cô đưa con về bằng xe máy, cô vừa đi vừa khóc. Cô bảo đưa con về xong thì cô ra bến xe buýt, rồi đi xe đò cả nhà về Quảng Nam.

Trường của con không có lớp bán trú, con lại học chiều nên buổi sáng thường ở nhà tự học. Ở lớp cô khuyến khích các con tham gia kỳ thi làm toán trên mạng. Con rất muốn dự thi nhưng tôi bận, không có thời gian hướng dẫn con được. Con năn nỉ mẹ không chỉ cho con được thì cho con đến nhà cô để cô dạy con cùng một số bạn trong lớp nữa. Tôi bèn gọi cho cô giáo, cô bảo: “Nếu mẹ bận thì đưa con sang nhà cô giáo để cô hướng dẫn cho”. Tôi thành thật nói rằng công việc nhiều quá, đưa con đến nhà cô buổi sáng thì không ai đưa con về nhà buổi trưa, mà để con đi bộ qua nhiều đoạn đường thì tôi không yên tâm. Cô bảo: “Mẹ cứ đưa con đến buổi sáng đi, trưa cô đưa con về cho. Nếu không ai nấu cơm cho con ăn trưa thì cô nấu cơm rồi đưa con đi học cho”. Tôi thật sự cảm thấy ái ngại với sự chu đáo của cô, nhưng con thích tham gia cuộc thi làm toán trên mạng quá nên đành đưa con đến nhà cô, làm phiền cô đưa về buổi trưa.

Đều đặn như vậy một tuần hai buổi sáng con qua nhà cô để cô hướng dẫn ôn tập. Cũng mỗi tuần chừng ấy ngày cô đưa con về nhà buổi trưa đến tận cửa. Tôi đã yên tâm giao con cho cô, cô giúp con học hoàn toàn tự nguyện, thời gian gấp cô còn kèm con cả chủ nhật, thứ bảy, không đòi hỏi một xu bồi dưỡng. Và con trai tôi bắt đầu với cuộc thi làm toán trên mạng trong khi các bạn đã thi qua vòng 10, còn bây giờ các con đều đang ở vòng thứ 14.

Sớm nay mẹ cô mất ở tận Quảng Nam nên cả nhà cô đã ra bến xe đò về quê để gặp mẹ lần cuối. Khi nghe con trai kể chuyện cô vừa chở con về vừa khóc, tôi trách con sao không mượn điện thoại của cô gọi cho mẹ. Con kể: “Lúc con thấy cô đi ra ngoài nghe điện thoại, rồi trở vào mặt cô rất buồn. Cô bảo hôm nay các bạn nghỉ học nhé, mẹ cô mất rồi, cô đưa hai em về quê với bà”. Cô nói với các bạn xong thì gọi điện thoại cho mẹ các bạn đến đón về, con cũng định đi bộ về nhưng cô bảo chờ cô đưa về. Con nói cô cho con mượn điện thoại để gọi điện cho mẹ nhưng cô bảo mẹ đi làm xa, có khi vừa tới cơ quan xong mà lại chạy về thì vất vả nên cô đưa con về nhà cho tiện. Và suốt chặng đường chở con về nhà cô đã khóc.

Và hẳn nhiên con tôi, đứa trẻ 10 tuổi, sẽ không bao giờ quên được chuyến xe cô đã chở nó về nhà!

Cô giáo của con tôi là cô Hồ Thị Mười, giáo viên lớp 4/1 Trường tiểu học Lê Trọng Tấn, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM.

Ấn tượng về cách dạy, về tình cảm của thầy cô dành cho từng lớp học sinh không chỉ được chính học trò khắc ghi mà ngay cả phụ huynh cũng luôn ghi nhớ. Đó là những thầy cô cảm hóa được một lớp học nổi tiếng “bất trị”, giúp các em tiến bộ trong học hành, trở nên ngoan hiền và nhận ra nhiều bài học giá trị. Đó là những thầy cô gác nỗi đau gia đình sang một bên để tiếp tục đứng trên bục giảng hay đồng hành, giúp học trò vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Những câu chuyện xúc động ấy đã được các tác giả gửi đến chuyên mục “Dạy học bằng cả yêu thương” do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức: Đặng Thị Lan Hương (Đồng Nai), Trương Văn Phương (Bình Phước), Trầm Thanh Tuấn (Trà Vinh), Đoàn Bảo Châu, Đinh Thị Thanh Thủy, Nguyễn Minh Châu (TP.HCM), Xuân Thu, Đỗ Thị Hồng Điệp...

Bạn đọc có thể tham gia chuyên mục này bằng cách gửi bài, ảnh hoặc cung cấp thông tin về các tấm gương thầy cô giáo... (những thông tin cung cấp có giá trị về các tấm gương thầy cô giáo sẽ được Tuổi Trẻ tặng quà) qua địa chỉ giaoduc@tuoitre.com.vn hoặc báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài bì thư xin ghi rõ chuyên mục “Dạy học bằng cả yêu thương”, bài tham gia xin vui lòng ghi rõ địa chỉ tác giả, tài khoản ngân hàng).

ĐỖ THỊ HỒNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên