20/01/2014 00:20 GMT+7

Giải tỏa băn khoăn về việc làm của học trò

T.HUỲNH - V.HÀ - N.HÀ - H.HƯƠNG
T.HUỲNH - V.HÀ - N.HÀ - H.HƯƠNG

TT - Hai chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Gia Lai và Hà Tĩnh sáng 19-1 luôn sôi động với những băn khoăn học trò về cơ hội việc làm sau khi ra trường, thắc mắc rất sâu về tố chất phù hợp với các ngành nghề.

Buổi tư vấn tại phố núi Pleiku (Gia Lai) không chỉ có nhu cầu tư vấn chọn trường nào, học ngành gì, nhiều thí sinh còn đặt các câu hỏi về cơ hội nghề nghiệp, định hướng chọn ngành, những hướng vào đời ngoài con đường ĐH.

Để có việc làm mà không cần đi “cửa sau”

Trong phần tư vấn chung, một phiếu đặt câu hỏi với nét chữ học trò rất rõ ràng của một học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Gia Lai) được chuyển đến ban tư vấn có nội dung: “Theo các thầy cô, học ngành nào có thể tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp và kiếm được nhiều tiền mà không phải đi “cửa sau”?”. Khi người dẫn chương trình vừa dứt lời, tiếng vỗ tay giòn giã từ hàng ngàn học trò ngồi phía dưới vang lên...

Đáp lại băn khoăn rất thực tế của học sinh này, TS Phạm Tấn Hạ - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) - cho rằng: “Trăn trở này của em thể hiện có trách nhiệm với bản thân và gia đình”. Theo thầy Hạ, điều quan trọng nhất khi chọn nghề, chọn ngành của học sinh là phải xác định được sau bốn năm học, khi tốt nghiệp ĐH mình sẽ làm được gì. Việc kiếm được việc làm dễ hay không và kiếm được nhiều tiền hay ít... hoàn toàn phụ thuộc vào chính bản thân các em.

Để thuyết phục hơn, TS Nguyễn Văn Chiến - phó giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai - còn cho biết thêm ngành giáo dục Gia Lai năm nào cũng có tuyển giáo viên. Việc tuyển giáo viên căn cứ vào các tiêu chí, điểm số học tập ở trường ĐH, CĐ, có hộ khẩu tại Gia Lai, chế độ chính sách. Hiện nay các đơn vị kinh doanh tuyển dụng đều qua thi tuyển, căn cứ vào năng lực của sinh viên... Không hề có việc lợi dụng mối quan hệ. Các tiêu chí tuyển dụng được công khai để người tham gia xét tuyển biết mình đạt tiêu chí nào.

“Việc tuyển dụng sẽ được xét tuyển từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu. Khi tuyển công chức cũng tuyển theo cách chấm điểm rất minh bạch và có thêm phần phỏng vấn. Thầy là người tham gia trong hội đồng giám khảo trong kỳ tuyển công chức. Khi phỏng vấn thầy cho điểm với tiêu chí rõ ràng, em nào giỏi sẽ đạt điểm cao và ngược lại... không bị bất kỳ áp lực nào cả. Các em đừng nghĩ mối quan hệ mà cần cố gắng học tập thật tốt...” - thầy Chiến khuyên.

Trong khi đó, ở phần tư vấn chuyên sâu, ThS Cổ Tấn Anh Vũ - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải - chia sẻ với học sinh về việc chuẩn bị hành trang cho tương lai: “Khi vào học ở trường ĐH cần chuẩn bị thêm nhiều kỹ năng mềm: làm việc nhóm, giao tiếp... Nếu chỉ học kiến thức chuyên môn mà quên tự trang bị thêm các kỹ năng cho mình thì khó đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng”.

Quan tâm nhiều nhất tới cơ hội công việc

Buổi tư vấn tại khuôn viên Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh) diễn ra trong tiết trời rét đậm nhưng đa số học sinh vẫn nán lại tới phút cuối. Sự quan tâm của các em đa dạng nhưng hầu hết đều muốn các thầy cô cung cấp thông tin cụ thể hơn về cơ hội công việc, phải chuẩn bị những kiến thức, kỹ năng gì để nắm bắt những cơ hội công việc trong tương lai.

Ở nhóm tư vấn chuyên sâu ngành kinh tế, rất nhiều học sinh bày tỏ lo lắng trước tình trạng suy giảm kinh tế, nhân lực của các ngành kinh tế đang dư thừa... TS Trần Thế Hoàng - trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - nói: “Nền tảng kiến thức tốt và năng lực tư duy, xử lý công việc tốt sẽ giúp thí sinh có nhiều hơn cơ hội chọn lựa công việc. Vì trong tương lai, người giỏi, người thật sự có năng lực sẽ không cần phải mang đơn đi xin việc mà các công ty, doanh nghiệp sẽ tìm đến”.

Mặc dù ngành sư phạm lâu nay không còn là ngành “hot” và đang dư thừa nhưng số lượng học sinh hỏi về ngành này trong chương trình tư vấn ở Hà Tĩnh vẫn nhiều. Thầy Nguyễn Văn Quang, chuyên viên tư vấn tuyển sinh của Sở GD-ĐT Hà Tĩnh, chia sẻ: “Hà Tĩnh là đất học, làm thầy giáo, cô giáo là truyền thống của quê hương chúng ta. Do vậy, nếu cứ nghĩ sư phạm dôi dư thì 5-7 năm nữa, thế hệ con em chúng ta sẽ không có những thầy cô giáo giỏi, tâm huyết”. Thầy Quang cho rằng những ai thật sự yêu nghề sư phạm và quyết tâm học giỏi thì vẫn có cơ hội công việc trong tương lai. Nói thêm về việc này, TS Lê Văn Tin, trưởng ban đào tạo ĐH Huế, cũng nói: “Đúng là có việc giảm chỉ tiêu do dư nhân lực, nhưng ở một số vùng như Nam bộ và Tây nguyên vẫn còn cần giáo viên. Nếu các em học tốt, có đam mê với nghề thì chắc chắn vẫn sẽ có cơ hội có việc làm. Vì ngành GD-ĐT có thể thừa số lượng giáo viên nói chung nhưng luôn cần những thầy cô giáo có tâm huyết, hết lòng với nghề”.

Nhóm tư vấn chuyên sâu ngành kỹ thuật công nghệ tại Hà Tĩnh là nhóm có số lượng thầy cô tư vấn đông nhất chương trình vì đây là nhóm tập trung nhiều học sinh nhất. Nếu những học sinh chọn “kinh tế” còn lơ mơ về ngành mình muốn đeo đuổi thì ở nhóm kỹ thuật, nhiều học sinh bày tỏ chính kiến rất rõ ràng về việc chọn khối ngành này.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

8g sáng 19-1: tư vấn tuyển sinh tại Gia Lai, Hà TĩnhThật thà có thể học kinh tế không? Học cao đẳng, trung cấp dễ kiếm việc? Bốn chương trình tư vấn tuyển sinh hấp dẫn3.000 học trò Gia Lai nô nức đi chọn ngành

elodLjt4.jpgPhóng to
T.HUỲNH - V.HÀ - N.HÀ - H.HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên