18/01/2014 11:46 GMT+7

Thật thà có thể học kinh tế không?

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ - HÀ HƯƠNG
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ - HÀ HƯƠNG

TTO - Một học sinh xứ Nghệ đã đặt câu hỏi như vậy với các chuyên gia tư vấn trong chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do Tuổi Trẻ tổ chức tại Nghệ An sáng 18-1.

tcuWHwfM.jpgPhóng to
Từ 8g ngày 18-1, hàng ngàn học sinh xứ Nghệ đã có mặt tại sân Trường ĐH Vinh với mong muốn nhận được nhiều thông tin nhất cho kỳ tuyển sinh sắp tới - Ảnh: Quang Thế

Khác với sự dè dặt của học sinh ở nhiều nơi khác, rất nhiều học sinh đã trực tiếp giơ tay xin hỏi trực tiếp các thầy cô. Không chỉ hỏi về cơ hội việc làm như thế nào đối với các ngành nghề mình quan tâm, nhiều học sinh gây bất ngờ cho các thầy trong ban tư vấn khi trực tiếp hỏi cặn kẽ mình cần chuẩn bị kĩ năng gì, cần tố chất gì để có thể đáp ứng được công việc trong tương lai.

Nhiều thầy, cô giáo là cán bộ tư vấn hướng nghiệp ở các trường THPT, phu huynh học sinh cũng tới để học hỏi kinh nghiệm, tham khảo thông tin phục vụ công tác hướng nghiệp cho học sinh.

“ Học sinh xứ Nghệ rất thông minh và mạnh dạn. Các em quan tâm cặn kẽ tới những vấn đề cụ thể nhưng rất cần thiết cho công việc trong tương lai thể hiện thái độ nghiêm túc trong việc chọn hướng đi cho mình”

PGS-TS Trần Văn Nghĩa

Một thí sinh nữ đã đặt câu hỏi “Em là một người thật thà, hiền lành, liệu em có thể học kinh tế và làm việc trong lĩnh vực kinh tế được không?”.

Với câu hỏi này, TS Trần Thế Hoàng, Trưởng phòng quản lý đào tạo - công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM chia sẻ “Làm một doanh nhân bình thường đã khó khăn, làm doanh nhân thành đạt càng khó khăn hơn. Vì làm kinh tế không thể chụp giật, không chỉ cần kiến thức chuyên ngành mà còn cần kiến thức về pháp lý để kinh doanh đúng quy định pháp luật, tránh những rủi ro cần thiết và cần có đạo đức nghề nghiệp”. Vì thế "thật thà, hiền lành” vẫn có thể trỏ thành một doanh nhân thành đạt và đàng hoàng.

Số lượng thí sinh quan tâm tới nhóm ngành kinh tế vẫn đông, nhưng khá nhiều thí sinh muốn biết rõ hơn các chuyên ngành hẹp thì cần điều kiện gì khi học và sau khi ra trường, những kĩ năng mềm nào cần chuẩn bị để có thể thành công…

TS Hoàng cho rằng người làm việc trong lĩnh vực kinh tế cũng cần rất nhiều kỹ năng mềm như khả năng bao quát quá trình công việc, khả năng giao tiếp, đàm phán, thuyết phục đối tác…

TS Vũ Viết Bình, Trưởng ban đào tạo ĐHQG Hà Nội là người bận rộn nhất nhóm tư vấn chuyên sâu khối ngành kinh tế, ngoại ngữ, ngoại giao.

Thầy Bình cho rằng hiện nay cơ hội học tập cho học sinh được mở rộng rất nhiều với phương thức học chế tín chỉ. Những học sinh học giỏi, chăm chỉ có thể tốt nghiệp 2 ngành.

TS Trần Thế Hoàng thì tư vấn “học đại học để có kiến thức nền tảng và phương pháp xử lý vấn đề, người học có thể phát triển trên nền tảng này để học thêm nhiều chuyên ngành khác phù hợp với nhu cầu công việc sau này".

Khu kinh tế hút nhân lực

Trả lời thí sinh về nhu cầu nhân lực tại Khu kinh tế Hà Tĩnh, ông Trần Bá Song, Phó ban quản lý khu kinh tế cho biết: Đây là 1 trong 5 khu kinh tế của cả nước nên cần nhiều nhân lực cao. Nhu cầu tuyển dụng năm 2014 là trên 30 nghìn người gồm ĐH, cao đẳng, công nhân kỹ thuật. Hệ ĐH cỡ 3 nghìn, những năm tiếp theo chỉ tiêu cao hơn.

Trao đổi thêm về nhu cầu nhân lực tại đây, ông Chu Tuấn Đạt, Phó giám đốc trung tâm xúc tiến đầu tư và cung ứng nhân lực cho biết “Theo tổng hợp của chúng tôi thì nhân lực còn đang thiếu về kỹ năng công cụ như tiếng Anh. Ngành đang cần nhân lực lớn nhất tại khu công nghiệp Vũng Áng là ngành thép.

Trong đó, riêng tâp đoàn FORMOSA đã đặt ra kế hoạch sản lượng thép vào quý II năm 2015 sẽ 7,5 triệu tấn/năm, đến năm 2020 đạt hơn 20 triệu tấn/năm. Nhân viên của Tập đoàn này tại khu công nghiệp hiện đã là 2.800 người, trong đó 20,5% là người Nghệ An.

Nhu cầu nhân lực của công ty đến 2006 là hơn 7.000 nhân viên, đến 2020 là cần 12.000 nhân viên, chủ yếu là ngành kỹ thuật.

Ở tập đoàn này, lương cho lao động chỉ tốt nghiệp THPT làm những việc đơn giản cũng là trên 5,7 triệu đồng/tháng. Do đó, nhu cầu nhân lực từ trình độ THPT cho đến trung cấp, CĐ, ĐH là rất lớn."

Nữ quan tâm nhiều tới…ngành kỹ thuật công nghệ

fM6dDguv.jpgPhóng to
Theo dõi thông tin tuyển sinh trên báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Quang Thế

Điều đặc biệt, tại khu ngành kỹ thuật vốn tưởng khô khan, và các ngành nghề có phần hơi “nặng” so với quan niệm thông thường, nhưng lại thu hút rất nhiều thí sinh nữ.

Nhiều câu hỏi thể hiện sự quyết tâm của thí sinh nữ dành cho các ngành lâu nay quan niệm là ưu thế của nam giới. Một bạn nữ bày tỏ mong muốn được thi vào Trường ĐH Giao thông vận tải TP. HCM, nhưng gia đình lại khuyên chuyển hướng vì nghĩ ngành giao thông chỉ dành cho nam giới. Vậy ngành nào của trường sẽ phù hợp với nữ giới?

PGS.TS Nguyễn Văn Thư- hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM chia sẻ: Trong danh mục các ngành không cho phụ nữ làm thì Trường ĐH Giao thông vận tải không có ngành đào tạo nào mà trong danh mục cả.

“Các ngành đào tạo phụ vụ trên bờ chắc phù hợp với phụ nữ hơn. Song thực tế, nếu thí sinh nữ có cá tính mạnh hoàn toàn có thể đăng ký các ngành đi biển. Năm 2013 trường có 3 bạn nữ tham gia ngành đi biển. Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM hiện có gần 700 SV từ Nghệ An vào học - PGS Thư nhấn mạnh.

Trong khi đó, một bạn nữ khác cũng bày tỏ mong muốn vào ngành hóa dầu, nhưng hiện có chút phân vân khi nhiều người nói ngành này không hợp với nữ giới.

PGS Hoàng Minh Sơn thông tin ngành hóa dầu của trường đa số là nữ. 4 GS của trường về ngành hóa dầu đều là nữ. PGS trẻ nhất VN năm 2012 cũng chính là một giảng viên của trường, thuộc ngành hóa dầu.

Ngành Y có hết “hot”?

Một số thí sinh lại đặt vấn đề ngành y đang “hot” với điểm đầu vào cao ngất ngưởng, nhu cầu học hiện tại lớn, nhưng liệu 3-5 năm nữa thì có xảy ra tình trạng bão hòa hay không? ThS. Ngô Văn Đồng - Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược Huế khẳng định nhiều năm trở lại đây, ngành bác sĩ đa khoa ra trường 100% có việc làm.

Quảng Nam, Quảng Ngãi thậm chí còn hỗ trợ ngay 200 triệu đồng khi các em tốt nghiệp y đa khoa về các tỉnh này công tác. Nhiều tỉnh từ Đà Nẵng vào TP.HCM đều có những đãi ngộ đặc biệt đối với SV tốt nghiệp ngành này về các địa phương công tác.

Xã hội sẽ đánh giá đúng năng lực của mỗi người

uoz2JqIv.jpgPhóng to
Nêu thắc mắc, mong được ban tư vấn giải đáp - Ảnh: Quang Thế

Chia sẻ với băn khoăn của thí sinh, TS Phạm Mạnh Hà, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho rằng xã hội đánh giá chính xác năng lực của mỗi người. Vì thế việc chọn ngành, nghề gì phải đặc biệt chú trọng tới khả năng, sự đam mê của mình vì đó là những tố chất tạo nên thành công trong công việc sau này.

Cũng chia sẻ thêm, ông Nguyễn Thượng Hải, chuyên viên phòng GDCN sở GD-ĐT Nghệ An cho rằng “không chỉ có một con đường là vào đại học.

Cụ thể ở Nghệ An hiện nay có nhiều cơ hội để học sinh học nghề, có những nghề đang rất thiếu nhân lực, nhất là công nhân kĩ thuật có tay nghề cao. Vì thế lượng sức mình, điều kiện và sở thích là việc học sinh cần lưu ý trong việc đăng ký chọn nghề cho mình.

Nhiều cơ hội cho học sinh giỏi xứ Nghệ

Vốn mệnh danh là đất học với nhiều học sinh đạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, nhiều học sinh của Nghệ An đặt câu hỏi về chế độ tuyển thẳng ĐH liệu có gì thay đổi so với trước đây?

ThS Đỗ Thanh Duy- trưởng phòng tuyển sinh và công nhận văn bằng- Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục- Bộ GD-ĐT cho hay hiện nay, chưa có văn bản chính thức về triển khai công tác tuyển sinh 2014. Song, chính sách ưu tiên về cơ bản giữ ổn định như năm trước, chẳng hạn, thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba học sinh giỏi quốc gia được tuyển thẳng vào ngành gần các trường ĐH, đoạt giải khuyến khích quốc gia được tuyển thẳng vào trường CĐ; Thí sinh trong đội tuyển Olympic đã tốt nghiệp trung học được tuyển thẳng vào đại học, nếu chưa tốt nghiệp trung học sẽ được bảo lưu sau khi tốt nghiệp trung học…

Lưu ý các em đạt giải môn gì sẽ vào học ngành các em đạt giải. Bộ sẽ công bố danh mục ngành gần mà các em được tuyển thẳng, phù hợp ngành các em đạt giải.

Trong khi đó, PGS Hoàng Minh Sơn- trưởng phòng đào tạo ĐH Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng thông tin thêm: Tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, thí sinh em đạt giải nhất, nhì học sinh giỏi quốc gia đều được ưu tiên khi xét tuyển vào các hệ đào kỹ sư tài năng. Riêng giải nhất toán quốc gia sẽ được tuyển thẳng vào tất cả các ngành kỹ sư tài năng. Hiện tại, hệ đào tạo kỹ sư tài năng có văn phòng phụ trách chương trình riêng. SV sẽ được học các thầy cô giỏi nhất trong ngành nghề đó, được ưu tiên về các khoa, viện chuyên ngành, ưu tiên ở ký túc xá. Đây là chương trình chất lượng cao, nhưng mức học phí như quy định thông thường…

xXXu9tTc.jpgPhóng to
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ - HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên