08/12/2010 19:00 GMT+7

Đà Nẵng đột phá công chức, nhưng...

Balunghh@
Balunghh@

TTO - Sau khi Tuổi Trẻ đăng thông tin Đà Nẵng không nhận sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào cơ quan nhà nước, hàng nghìn email của bạn đọc đã gửi về TTO bày tỏ ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Các ý kiến chủ yếu tập trung vào 2 quan điểm: ủng hộ chủ trương của Đà Nẵng "cấm cửa" sinh viên tại chức thi tuyển công chức hoặc không tán thành việc Đà Nẵng từ chối những người học tại chức muốn vào làm công chức.

Các ý kiến khác cho rằng Đà Nẵng đã làm một bước đột phá để tiến tới có được một đội ngũ công chức năng lực. Cũng có ý kiến rằng Đà Nẵng dù muốn đột phá, nhưng hơi quá trong cách làm...

TTO tiếp tục trích đăng các ý kiếnvề vấn đề này.

qCqwQnXe.jpgPhóng to
Nhiều người vì các điều kiện khác nhau chưa thể vào học ngay hệ chính quy phải theo học tại chức để nâng cao trình độ. Trong ảnh: giờ học tối 6-12 của sinh viên năm 2 ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Sài Gòn - Ảnh: Như Hùng

* Ủng hộ chủ trương lớn

Thành thật xin lỗi những người đã theo học các hệ đào tạo tại chức, chuyên tu vì tâm huyết có được kiến thức để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ mà không quan tâm nhiều đến mục đích khác.

Bản thân tôi không phản đối hoàn toàn các hình thức đào tạo này nhưng thời tôi còn đi học người ta đã nói rằng "dốt như chuyên tu, ngu như tại chức", mà thời đó chưa có cơ chế kinh tế thị trường. Bây giờ cơ chế thị trường đã vào sâu trong trường học thì hỏi làm sao có chất lượng và thực tế xã hội đang nhìn thấy, đó là chưa kể tệ nạn học giả bằng thật đều thông qua các hệ đào tạo này.

* Bộ GD-ĐT nên nhìn nhận lại

"Hồ sơ không đạt yêu cầu có thể bị từ chối" - mục thông tin tuyển dụng nào cũng có câu "thần chú" như vậy, tức là người sử dụng lao động có quyền tư chối người lao động không phù hợp với yêu cầu tuyển dụng. Do vậy tôi nghĩ UBND TP Đà Nẵng không tuyển sinh viên hệ tại chức là không vi phạm luật. Nói vậy có hơi "tàn nhẫn" với số đông những sinh viên học tập thật sự.

Từ quyết định trên có thể thấy chất lượng giáo dục bậc đại học là quá khập khiễng (các cấp khác cũng vậy và Bộ GD- ĐT nên nhìn nhận lại cách quản lý chất lượng và quản lý nhà nước của ngành mình).

* Cảm ơn ý kiến của ông phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT

Nói như ông Phan Mạnh Tiến thì những người mang tấm bằng tại chức chúng tôi có thấy đỡ tủi thân hay không. Minh bạch hay không minh bạch là do cách tổ chức thi tuyển. Nếu tổ chức thi tuyển công bằng hẳn hoi, không nể con ông này cháu bà nọ thì sao lại không minh bạch chứ? Sao lại phân biệt là bằng tại chức, chính quy?

Nếu tất cả các địa phương khác đều thực hiện quy định thi tuyển công chức như TP Đà Nẵng tôi tin chắc trong tương lai sẽ không còn tấm bằng tại chức nào vì chẳng ai dám học. Và rồi bằng chính quy sẽ đầy rẫy ra đó mà chất lượng thì... chưa biết được. Bởi theo tôi được biết, hiện nay đang có rất nhiều trường đào tạo liên thông hệ chính quy vào ban đêm (giống như hệ vừa học vừa làm), vậy thì việc gì họ không học trung cấp rồi liên thông theo kiểu này.

* Đà Nẵng vừa đáng trách vừa đáng khen!

Đáng trách: thay vì lập nên một trung tâm kiểm định chất lượng uy tín nhằm tìm ra những ứng viên có kinh nghiệm và năng lực để cung cấp cho các cơ quan của thành phố thì lại loại bỏ một hệ đại học mà hầu hết các vị quan chức nhờ nó mà có cơ hội cống hiến cho đất nước.

Đáng khen: hệ tại chức lâu nay cho ra những sản phẩm có mặt bằng chất lượng rất thấp. Ai cũng biết điều này song không có cách nào khắc phục.Vậy thì đây chính là một cơn địa chấn để toàn xã hội phải quan tâm đến vấn đề này và các nhà quản lý giáo dục hãy đưa ra những quyết sách đúng đắn để ai đó khi cầm được tấm bằng, dù là bằng cấp gì cũng có kiến thức chuyên môn tương ứng, cũng được đối xử công bằng trong thi tuyển dụng.

* Hệ tại chức thì cũng phải học

Tại sao mọi người lại suy nghĩ một cách cục bộ như vậy nhỉ? Sao các vị không tính đến việc có những người bằng này cấp nọ cống hiến được những gì cho xã hội hay chỉ biết phá hoại mà thôi. Có những người nông dân chẳng cần bằng cấp gì mà vẫn phát minh được máy móc phục vụ công việc của họ. Điều tất yếu cuối cùng là chỉ có những người thật sự giỏi mới đưa đất nước mình phát triển chứ không phải cái vỏ bọc bên ngoài là bằng cấp.

* Đà Nẵng đang chạy theo bằng cấp

Xét về trình độ năng lực, nhận thức hay đạo đức thì không thể xét về bằng đại học chính quy hay tại chức được. Trong thực tế có người học tại chức có thể làm việc và đạo đức tốt, cũng có người học chính quy nhưng làm việc chẳng ra gì cả.

Đà Nẵng đang đi ngược lại với chủ trương của Chính phủ và quy chế của Bộ GD-ĐT. Nếu thế này thì người không có điều kiện học muốn học thêm sẽ không có động cơ. Đà Nẵng muốn tuyển người tài thì phải coi trọng khâu tuyển dụng đầu vào chặt chẽ và nghiêm ngặt hơn.

* Tôi tán thành chủ trương của Đà Nẵng

Nói thế là thiệt cho người học chính quy quá. Người ta dùi mài kinh sử để thi đỗ vào ĐH chính quy và tiếp tục học tiếp, còn mấy ông tại chức thì tôi đã biết.

* Cần chọn lọc

Trước tình trạng các trường đại học thành lập nhiều như hiện nay với nhiều loại hình đào tạo, chất lượng sinh viên tốt nghiệp không đồng đều. Do đó quyết định của UBND TP Đà Nẵng là đúng.

Tôi cho rằng phải kiên quyết hơn nữa là tuyển nhân viên, cán bộ theo tiêu chí trường đại học. Chọn những SV tốt nghiệp các trường có chất lượng đào tạo tốt và được thực tế kiểm chứng.

* Đất nước cần người tài

Hệ tại chức và hệ chính quy nhìn chung có khác biệt rất lớn. Đại đa số người học chính quy đều có những thành tựu lớn trong khoa học kỹ thuật và có sự cống hiến lớn lao cho đất nước. Do đó khi nghe cách làm của UBND TP Đà Nẵng tôi hoàn toàn ủng hộ, những sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy đều biết được những kiến thức cơ bản nhất, họ đã trải qua ngày tháng mất ăn mất ngủ mỗi khi thi, mỗi khi làm đồ án.

Còn học tại chức, họ cứ đổ lỗi cho việc đi làm, vậy có chắc họ nắm được kiến thức cơ bản đó không? Có người nói muốn làm cơ quan nhà nước thì tổ chức cuộc thi tuyển, thử hỏi cuộc thi tuyển có công bằng không?

Do đó việc tuyển sinh viên chính quy vào làm cho Nhà nước là điều đúng đắn, điều này không phải hạ thấp người học tại chức mà là vì một đất nước Việt Nam giàu mạnh.

* Đồng ý với cách làm của Đà Nẵng

Đây sẽ là một chủ trương, một biện pháp để Đà Nẵng phát triển. Tuy nhiên với cách làm này thì Đà Nẵng cần có một quá trình chuẩn bị dài hơn chứ không nên vội vã như vậy. Trong khi thực tế có rất nhiều cán bộ ở xã, phường vì nhiều điều kiện mà họ phải học tại chức nhưng thực tế họ vẫn hoàn thành rất tốt nhiệm vụ.

* Quy định thiếu sự cân nhắc

Gần đây Đà Nẵng có chủ trương thu hút nhân tài và chủ trương không có người ăn xin trên đường phố, về việc làm này tôi rất hoan nghênh. Nhưng hiện nay Đà Nẵng đưa ra quy định về tuyển dụng công chức tôi lại thấy thất vọng về Đà Nẵng.

* Liệu có công bằng?

Công bằng hay không khi ĐH chính quy thi tuyển đầu vào để sàng lọc những thí sinh yếu kém không đáp ứng yêu cầu về nền tảng kiến thức cơ bản, nhưng đầu vào kỳ thi tại chức phải nói là dễ dàng hơn rất nhiều, thậm chí nhiều trường còn cầu mong sao cho hệ tại chức có người học để củng cố "niêu cơm" của họ.

Nếu muốn công bằng, tại sao ĐH tại chức không thể thi sát hạch đầu vào cùng đề, cùng điểm sàn với kỳ thi tuyển sinh ĐH, khi học viên tham gia học thì áp dụng quy chế tín chỉ, đề thi được cho ra cùng đề với các SV đang theo học chính quy để sàng lọc đầu ra?

Phải chăng nếu làm vậy thì sẽ chẳng còn ai tham gia lớp học tại chức và cái "niêu cơm" của các trường chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng?

* Không nên nhìn vấn đề từ một phía

Việc Đà Nẵng chủ trương không nhận hệ tại chức vào làm trong cơ quan nhà nước là một sự đột phá. Nhưng cái đột phá này hơi quá...

Có nhiều khía cạnh để nhìn nhận vấn đề này. Mục đích cuối cùng là chất lượng, để tuyển dụng người vào làm trong cơ quan nhà nước có hai hình thức "Thi tuyển và xét tuyển", ai giỏi hơn người đó sẽ được tuyển dụng. Giá trị pháp lý về các loại bằng cấp chính quy, tại chức, từ xa là ngang nhau. Chủ trương trên là một thách thức đối với người học tại chức, từ xa của cả nước.

* Cách giải quyết tạm thời

Tôi đã đi phỏng vấn tại một vài doanh nghiệp tư nhân, họ có cách tuyển dụng rất hay. Đầu tiên họ sẽ cho bạn làm một bài kiểm tra chỉ số IQ, AQ, nếu đạt được họ sẽ tiếp tục cho làm bài kiểm tranghiệp vụ. Nếu tất cả đều qua khi đó họ mới xem kỹ hồ sơ của bạn và sẽ có buổi phỏng cấn trực tiếp, sau đó mới quyết định có nhận bạn vào làm hay không.

Thật ra các cơ quan nhà nước làm không được như thế này nên mới có quy định không nhận SV tốt nghiệp tại chức. Đây cũng xem là một cách giải quyết tạm thời gọi là có tính khả thi.

* Thi tuyển là công bằng nhất

Chính quy cũng đầy ông dốt. Không nên tung hô chính quy một cách ngây thơ.

* Tán thành chủ trương của Đà Nẵng

Bản thân tôi rất bức xúc vì chất lượng đào tạo hệ tại chức như hiện nay. Tôi hoan nghênh Đà Nẵng, phải có những địa phương dũng cảm như vậy mới mong xã hội phát triển được.

Những lời ngụy biện về hệ tại chức chỉ là của những người có bằng tại chức, còn thực chất thì chúng ta thừa hiểu. Hoan nghênh lãnh đạo Đà Nẵng đã có cách nhìn thấu đáo, tôi tin rằng trong thời gian tới sẽ có nhiều địa phương học theo cách làm của Đà Nẵng

Bạn có ý kiến gì về vấn đề này? Xin tiếp tục chia sẻ với chúng tôi qua phần Ý kiến bạn đọc dưới đây hoặc gửi về địa chỉ email tto@tuoitre.com.vn. Xin cảm ơn.

--------------------

Tin bài liên quan:

Tại sao Đà Nẵng phân biệt hệ tại chức?Cách làm quyết liệt của Đà Nẵng?Không nhận sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào cơ quan nhà nướcLỗi không ở cái bằngLoại trừ sự không minh bạch trong tuyển dụng

Balunghh@
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên