20/08/2010 08:40 GMT+7

Hạnh phúc Việt Nam!

TTXVN - chinhphu.vn
TTXVN - chinhphu.vn

TT - Những tiếng reo “Việt Nam... Việt Nam...” đã vang lên đầy tự hào trong hội trường Trung tâm hội nghị quốc tế Hyderabad (Ấn Độ) vào lúc 12g55 ngày 19-8 (giờ VN) khi GS Ngô Bảo Châu được xướng danh nhận giải Fields.

GS Ngô Bảo Châu nhận giải Fields:

Chúng tôi, những phóng viên Việt Nam may mắn có mặt tại đó, đã không ngăn được dòng nước mắt hạnh phúc tuôn trào...

AqFKG7Z2.jpgPhóng to
GS Ngô Bảo Châu cùng huy chương Fields tại đại hội toán học thế giới và lời đề tặng bạn đọc Tuổi Trẻ - Ảnh: HOÀI LINH
OWyEid6y.jpgPhóng to
Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil trao huy chương Fields cho GS Ngô Bảo Châu - Ảnh: HOÀI LINH

* Nhận được tin GS Ngô Bảo Châu vừa được trao huy chương Fields, chiều 19-8, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gửi lời chúc mừng nồng nhiệt tới GS Ngô Bảo Châu. Chủ tịch nước đánh giá cao thành tích và những cống hiến của GS Ngô Bảo Châu đối với toán học, đã mang về niềm tự hào và vinh dự lớn cho đất nước VN. Chủ tịch nước nhấn mạnh giải thưởng mà GS Ngô Bảo Châu giành được cũng là phần thưởng lớn cho nền toán học VN và hi vọng rằng với tài năng và trí tuệ của mình, GS Ngô Bảo Châu sẽ tiếp tục có những đóng góp to lớn cho toán học VN và thế giới.

* Cũng trong chiều qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có thư gửi GS Ngô Bảo Châu. Bức thư viết:

“Thay mặt Chính phủ nước CHXHCN VN, tôi thân ái gửi đến GS và gia đình những lời chúc mừng nồng nhiệt nhất nhân dịp GS vừa nhận được huy chương Fields - giải thưởng toán học cao quý nhất của thế giới, đưa VN trở thành quốc gia thứ hai của châu Á có nhà toán học được nhận giải thưởng vinh dự này.

Đây là vinh dự to lớn đối với GS và gia đình, là niềm tự hào của nền giáo dục VN, của dân tộc VN và là nguồn động viên, khích lệ mạnh mẽ đối với các nhà khoa học trẻ VN. Tôi đánh giá cao trong thời gian qua, mặc dù phải tập trung vào việc nghiên cứu, GS đã dành nhiều thời gian tham gia giảng dạy toán học tại VN và bày tỏ ý nguyện sẽ tham gia, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển ngành toán học của nước nhà. Tôi tin tưởng rằng với tiềm năng và ý chí của các nhà khoa học trẻ VN, được sự dìu dắt, giúp đỡ của các bậc thầy và các lớp đàn anh đi trước, trong đó có những người tài năng như GS, dân tộc VN sẽ ngày càng có thêm nhiều nhân tài phụng sự đất nước và làm vinh danh cho dân tộc VN”.

Với niềm vinh quang của GS Ngô Bảo Châu, Việt Nam trở thành một trong hai nước châu Á có công dân là chủ nhân của giải thưởng danh giá đỉnh cao trong lĩnh vực toán học.

Phong thái của một nhà khoa học

Sáng 19-8, chỉ vài giờ trước thời khắc lịch sử mà hàng triệu người Việt Nam cũng như cộng đồng toán học trong và ngoài nước đang khát khao chờ đón, GS Ngô Bảo Châu vẫn bắt đầu một ngày mới với phong thái điềm tĩnh thường lệ của anh. Anh vừa ăn sáng vừa say sưa trò chuyện với hai nhà toán học đến từ Trường ĐH Tổng hợp Toronto (Canada), GS James Arthur và GS Edward Bierstone.

e8kvnD10.jpgPhóng to
GS Laszlo Lovasz - chủ tịch Liên đoàn Toán học thế giới - chúc mừng GS Ngô Bảo Châu - Ảnh: HOÀI LINH

Trong đó, GS Edward Bierstone hiện đang là giám đốc Viện nghiên cứu toán học mang tên Fields của Trường ĐH Tổng hợp Toronto. Cách đó không xa, người thầy, người đồng nghiệp đã cùng GS Ngô Bảo Châu đi một chặng đường dài trong toán học - GS Gerard Laumon - cũng đang sôi nổi tranh luận với một nhóm các nhà toán học. Cũng cách đó không xa, một nhóm nhà toán học trẻ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc... đang bàn tán sôi nổi về các ứng cử viên của giải thưởng Fields. Chúng tôi nghe họ nhắc đến GS Ngô Bảo Châu, bàn luận về công trình của anh với sự ngưỡng mộ không che giấu.

Nhà xuất bản Springer - nơi đã đăng toàn văn công trình nghiên cứu “Bổ đề cơ bản” của GS Ngô Bảo Châu - cho biết đã mang đến Hyderabad 500 cuốn sách này để GS Ngô Bảo Châu ký tặng.

Ngay khi vừa tới Trung tâm hội nghị quốc tế Hyderabad, GS Ngô Bảo Châu đã được chào đón nồng nhiệt bởi nhiều nhà toán học quốc tế. Cùng có mặt với GS Ngô Bảo Châu ở Đại hội toán học thế giới (ICM 2010) là một cộng đồng nho nhỏ các nhà toán học Việt Nam: GS Ngô Việt Trung, GS Lê Tuấn Hoa, GS Hoàng Xuân Phú, TS Phan Thị Hà Dương, một số thành viên của Viện Toán... với đông đủ thành viên trong gia đình. Trong đó, ba cô con gái xinh xắn của GS rất duyên dáng trong trang phục áo dài dân tộc.

Đúng 10g, các đại biểu được mời vào đại khán phòng. Theo ban tổ chức, phiên khai mạc ICM có sự tham dự của hơn 4.000 đại biểu chính thức là các nhà toán học đến từ khắp nơi trên thế giới, các khách mời danh dự và đại diện của nhiều đoàn ngoại giao các nước. Ngoài những đại biểu đến từ trong nước, một số nhà toán học Việt Nam đang sống và làm việc, nghiên cứu ở nước ngoài như Mỹ, Pháp, Hàn Quốc... cũng có mặt tại ICM 2010.

Những vị trí trên hàng ghế đầu của phiên khai mạc được đặc biệt chú ý. Hầu hết các nhà toán học đều hướng mắt về hàng ghế đầu vì theo thông lệ, đó sẽ là những vị trí dành cho những người đoạt giải. Trên hàng ghế đầu ấy có GS Ngô Bảo Châu...

ENYXxq1X.jpgPhóng to
Phóng viên Thanh Hà của Tuổi Trẻ (giữa) trò chuyện cùng GS Ngô Bảo Châu (trái) và GS Lê Tuấn Hoa - Ảnh: HOÀI LINH

Nước mắt tuôn trào

Sau những bài phát biểu khai mạc, cuối cùng giờ phút được mong đợi nhất cũng đã đến khi tổng thư ký Liên đoàn Toán học thế giới Martin Groetschel công bố bốn nhà toán học được nhận giải thưởng Fields. Đứng thứ hai trong đó không ai khác chính là GS Ngô Bảo Châu.

Cùng lúc với tuyên bố của GS Lovasz, trên màn hình xuất hiện những dòng thông tin làm những người Việt Nam chúng tôi đang có mặt tại khán phòng trào nước mắt: “Ngô Bảo Châu sinh ngày 28-6-1972 tại Hà Nội, Việt Nam”. Vậy là không còn phải phỏng đoán, không còn phải chờ đợi, cùng với cái tên Ngô Bảo Châu, hai chữ Việt Nam đã được vang lên ở diễn đàn uy tín nhất thế giới về toán học, gắn với một cá nhân được nhận giải thưởng danh giá Fields - niềm mơ ước của bất cứ nhà toán học và nền toán học của quốc gia nào. Những tiếng reo “Việt Nam, Việt Nam” vang lên trong niềm tự hào và hạnh phúc vô biên cùng tiếng vỗ tay vang dội của 4.000 người có mặt trong hội trường lớn.

E3jPXm5b.jpgPhóng to
Đông đảo phóng viên các nước “săn sóc” GS Ngô Bảo Châu cùng các nhà toán học đoạt giải - Ảnh: HOÀI LINH

Giọt nước mắt hạnh phúc tuôn tràn trên gương mặt PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền - người mẹ của GS Ngô Bảo Châu. Bên cạnh bà, người cha, GS.TSKH Ngô Huy Cẩn lặng người trong niềm hạnh phúc và tự hào, không nói nên lời. Ông rưng rưng quay sang người bạn đời, họ cùng nhau chia sẻ “một giây phút thiêng liêng, đáng nhớ nhất trong cuộc đời”. GS Lê Tuấn Hoa, TS Phan Thị Hà Dương..., những người bạn lâu năm gắn bó với GS Ngô Bảo Châu, cũng đã khóc vì hạnh phúc.

Phải có mặt tại đây vào giây phút ấy mới cảm nhận hết được sự đánh giá cao của giới toán học dành cho GS Ngô Bảo Châu, từ khi hình ảnh của anh bắt đầu xuất hiện trên màn hình lớn, tiếng vỗ tay tràn ngập khán phòng, kéo dài mãi cho đến lúc anh đứng lên, bước lên bục nhận tấm huy chương Fields từ tay Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil, nhận tấm bằng chứng nhận giải thưởng từ GS Laszlo Lovasz. Ngồi bên cạnh tôi, nhà toán học Marian Bocea đến từ Hoa Kỳ khi biết chúng tôi đến từ Việt Nam đã bắt tay chúc mừng và nói: “Chúng tôi đánh giá Ngô Bảo Châu là nhà đại số hàng đầu thế giới hiện nay”.

Tâm sự của người mẹ

E2mdUvRW.jpgPhóng to
Bố mẹ GS Ngô Bảo Châu chứng kiến giây phút vinh quang của con trai - Ảnh: HOÀI LINH

Chúng tôi nghĩ hôm qua có lẽ không có ai hạnh phúc hơn bà Trần Lưu Vân Hiền. Bà là người đã mang nặng đẻ đau ra GS Ngô Bảo Châu. Bà là một người mẹ đã nuôi dạy và dõi theo những bước tiến của con trong suốt chặng đường 38 năm qua.

Trong giây phút hạnh phúc tột cùng, bà chia sẻ với chúng tôi: “Châu say mê học toán, làm toán không phải để đoạt giải thưởng. Châu có một tình yêu đặc biệt, như là một đam mê thật sự đối với toán và bản tính của Châu là đứng trước những vấn đề càng khó khăn, thách thức sẽ càng cố gắng để tìm cách đi đến kết quả cuối cùng. Những bài toán khó luôn là thách thức mà Châu yêu thích và khát khao muốn giải bằng được. Có lẽ đến bây giờ đối với Châu, làm toán vẫn như học toán, Châu làm bằng tất cả: tố chất, lòng say mê và nghị lực.

Từ nhiều năm nay, chưa bao giờ tôi mong ước gì cho bản thân, tôi luôn thầm mong nếu có một điều ước thì chắc chắn tôi sẽ dành điều ước duy nhất ấy để cầu mong trời phật, ông bà tổ tiên phù hộ Châu có được sức khỏe và nghị lực để Châu đạt được tâm nguyện trong sự nghiệp gắn với toán học của Châu”.

Chủ nhân các giải thưởng tại ICM 2010

* Elon Lindenstrauss, sinh năm 1970, Trường ĐH Hebrew, người Israel.* Ngô Bảo Châu, sinh năm 1972, Trường ĐH Paris- Sud, người Việt Nam.* Stalislav Smirnov, sinh năm 1970, Trường ĐH Geneva, người Nga hiện sống tại Thụy Sĩ.* Cedric Villani, sinh năm 1973, Viện nghiên cứu Henri Poincare, Paris, người Pháp.*Giải thưởng Rofl Nevanlina được trao cho nhà toán học Daniel A. Spielman (Trường ĐH Yale, Mỹ).* Giải thưởng Gauss được trao cho nhà toán học Yves Meyer (École Normale Supérieure de Cachan, Pháp) và giải thưởng thành tựu trọn đời Chern lần đầu tiên được trao cho nhà toán học Louis Nirenberg (Trường ĐH New York).

Tin bài liên quan:

GS Ngô Bảo Châu: “Tôi tặng vinh quang này cho các bạn trẻ Việt NamGiáo sư Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng FieldsXem phỏng vấn Giáo sư G.Laumon - thầy cũ của giáo sư Ngô Bảo ChâuXem phỏng vấn Giáo sư Martin Groetschel - Tổng thư ký Liên đoàn Toán học thế giới3 nhà khoa học cùng đoạt giải Fields 2010Xem bản tin của VTV1 lúc 14gXem báo chí thế giới đưa tin về Ngô Bảo ChâuXem phỏng vấn độc quyền của Tuổi Trẻ với GS Ngô Bảo ChâuXem phóng sự đặc biệt của Tuổi Trẻ về cuộc đời khoa học của GS Ngô Bảo ChâuChân dung Ngô Bảo Châu thời “nhất quỷ nhì ma”Ngô Bảo Châu và kỳ vọng toán học VNMời giáo sư Ngô Bảo Châu về Việt Nam làm việcNhững người bạn lớn của toán học VNNgô Bảo Châu sản phẩm đặc biệt của A0Đôi cánh gia đìnhGS Ngô Bảo Châu: Trong khoa học, không có gì bạn làm một mìnhNgô Bảo Châu đang ở trên đỉnh cao trong nửa đầu sự nghiệp

TTXVN - chinhphu.vn
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên