* Học bổng “Chung một ước mơ” dành cho 400 học sinh THPT vượt khó, học giỏi của 7 tỉnh thành Đông Nam bộ và Hà Nội * Tổ chức: báo Tuổi Trẻ, Tập đoàn SCG (Thái Lan), 7 tỉnh thành đoàn Đông Nam bộ và Hà Nội
Mất mẹ mất cha, tựa vào vai chị...Chắt bóp từng đồng cho con đến lớpNặng lòng cha mẹ nuôi con
Nghĩa cùng bà với công việc hằng ngày ở nghĩa trang liệt sĩ huyện Củ Chi, TP.HCM - Ảnh: Hoàng Loan |
Hai bạn cùng tuổi, cùng hoàn cảnh khó khăn và cùng cả ý chí vượt khó để tiếp tục đến trường.
Quét rác đêm ở nghĩa trang để có tiền đi học
400 suất học bổng “Chung một ước mơ” năm 2014 350 học sinh THPT vượt khó, học giỏi của bảy tỉnh thành Đông Nam bộ sẽ tham dự lễ trao học bổng “Chung một ước mơ” lần 8-2014 trong hai ngày 3 và 4-7 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Học bổng do báo Tuổi Trẻ, Tập đoàn SCG (Thái Lan), bảy tỉnh thành đoàn Đông Nam bộ và Hà Nội phối hợp tổ chức. Học bổng “Chung một ước mơ” thuộc chương trình “Vì ngày mai phát triển” của báo Tuổi Trẻ và chương trình “Phác họa tương lai” của Tập đoàn SCG. Mỗi suất học bổng trị giá 3 triệu đồng cùng quà lưu niệm từ nhà tài trợ SCG. Học bổng dành cho 50 học sinh TP Hà Nội sẽ được trao vào ngày 11-7 tại Hà Nội. Tổng trị giá học bổng đợt này hơn 1,2 tỉ đồng. Học bổng “Chung một ước mơ” được tổ chức từ năm 2007, đến nay đã trao 3.000 suất cho học sinh THPT vượt khó, học giỏi. Ngoài ra, hằng năm học bổng còn dành phần thưởng trị giá 3 triệu đồng cho học sinh nhận học bổng đậu đại học thuộc bốn ngành kỹ sư, kế toán, tài chính và marketing. |
Hằng ngày cứ tầm 2g sáng, cậu học trò Nguyễn Trọng Nghĩa (lớp 11A1 Trường THPT An Nhơn Tây, Củ Chi, TP.HCM) lại cùng những anh chị em của mình ra nghĩa trang liệt sĩ huyện Củ Chi để quét dọn. Với Nghĩa, đây là công việc đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình và nhất là cho việc đi học của em.
Ngay cả những ngày hè Nghĩa cũng tranh thủ làm thêm, kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Ban ngày em làm việc nhà, cắt cỏ và nếu có người thuê hái ớt thì đi làm. Ban đêm em đạp xe đến nghĩa trang quét dọn. Từ lớp 4 đến nay, em đều lặp đi lặp lại những việc làm này.
Sinh ra trong gia đình nghèo, mẹ Nghĩa mắc bệnh về thần kinh, ba Nghĩa bị tật nguyền, nên ngay từ khi Nghĩa mới 3-4 tuổi bà nội đã đón Nghĩa về nuôi. Nghĩa kể nhà khó khăn, anh hai của Nghĩa nghỉ học từ hồi lớp 3. Chị ba của Nghĩa cũng nghỉ học khi học xong lớp 9 dù học rất giỏi. Anh hai với chị ba làm lụng để phụ ba mẹ và bà nuôi mấy chị em ăn học. Đến giờ khi nghe chị ba chọc: “Chị muốn làm cô giáo mà không được làm” Nghĩa lại thấy rưng rưng. Càng thương bà, thương anh chị Nghĩa càng cố gắng học và phụ giúp việc nhà nhiều hơn.
Từ lớp 4 Nghĩa đã theo bà Tám và mấy anh chị ra nghĩa trang quét dọn. Hồi đầu Nghĩa còn sợ, giờ làm miết Nghĩa quen luôn với nghĩa trang và không còn sợ nữa.
Nguyễn Thị Hoa Trâm, chị gái của Nghĩa, kể: “Mỗi khi vào năm học thì việc đóng học phí cho mấy anh chị em trong nhà khiến mọi người lo nhất. Càng lo càng phải làm nhiều, ban ngày có ai mướn hái ớt thì đi làm cho họ. Tối về cứ đến giờ là mấy anh chị em kéo nhau ra nghĩa trang chia mỗi người mỗi khu hoặc dàn lối để quét cho nhanh. Nhiều khi trời mưa quét không kịp hoặc bị ướt thì mấy chị em vừa quét vừa khóc. Còn Nghĩa cứ đi quét cùng mọi người như thế cho đến 5g sáng thì về chuẩn bị đi học, hôm nào về sớm hơn tranh thủ ôn bài trước khi lên lớp. Có những lúc thấy em cầm sách mà ngủ gục...”.
Tuy cảnh nhà khó khăn nhưng học lực của Nghĩa vẫn khá ổn. Ở trường Nghĩa được cô Giang (giáo viên chủ nhiệm lớp) đánh giá là học sinh ngoan, lễ phép với thầy cô và hòa đồng với mọi người. Điểm học tập của em luôn ở mức khá.
Quỳnh Chi chăm sóc và chơi đùa với các bé tại trường mầm non - Ảnh: Quang Phương |
Cô học trò làm nghề giữ trẻ
“Em đi làm giữ trẻ từ 6g30-17g30, từ thứ hai đến thứ sáu. Còn thứ bảy, chủ nhật em đi học...” - Trần Ngọc Quỳnh Chi, học sinh lớp 11D Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP Biên Hòa (Đồng Nai), kể trong thư gửi về ban tổ chức học bổng “Chung một ước mơ” của Tuổi Trẻ.
Chúng tôi tìm đến trường mầm non nơi Chi làm việc ở TP Biên Hòa. Chi nhỏ nhắn trong chiếc áo sơmi trắng học trò, đang chơi đùa hồn nhiên cùng các cháu bé. Công việc của Chi là chăm sóc, chơi với các bé, đến giờ ăn cho các bé ăn. Khi các bé đi ngủ thì Chi phụ rửa chén bát, sắp xếp lại đồ chơi cho ngăn nắp. “Từ năm lớp 7, hằng tuần từ thứ hai đến thứ sáu em đi làm ở tiệm bánh. Công việc của em là gói bánh, mỗi ngày được trả công 80.000 đồng. Cách đây khoảng bốn tháng, em xin làm việc giữ trẻ ở đây với mức lương 3 triệu đồng/tháng” - Quỳnh Chi vui vẻ nói.
Vừa đi làm vừa đi học, thậm chí thời gian làm thêm còn nhiều hơn thời gian học nhưng kết quả học tập của Chi năm nào cũng đạt loại giỏi. “Vì phải đi làm nên em thường tranh thủ dậy học bài vào sáng sớm. Buổi tối hay những lúc rảnh, em dành để chỉ dẫn hai đứa em học bài, tập viết. Đứa em kế là Duy Khanh học lực trung bình nên em phải kèm học liên tục. Còn em nhỏ Duy Khang chuẩn bị vào lớp 2, viết chữ xấu nên em phải kèm tập viết. Không có nhiều thời gian nên rảnh lúc nào là kèm các em học lúc đó” - Chi kể.
Khi được hỏi đến ước mơ sau này, Chi nói: “Em muốn trở thành cô giáo. Lúc còn nhỏ mẹ cho em đi học sớm hơn một tuổi. Cô giáo nói em còn nhỏ, chờ sang năm đủ tuổi mới đi học như các bạn được. Lúc đó cô giáo hiền lắm, nói năng nhỏ nhẹ nên em rất thích và muốn làm cô giáo từ đó đến giờ”. Năm học tới Chi sẽ bước vào lớp 12. Cô học trò bảo sẽ tiếp tục vừa đi học vừa đi làm thêm kiếm tiền lo cho việc học của mình và phụ ba nuôi hai em. “Em quyết tâm sẽ trở thành cô giáo” - Chi quả quyết.
Cô Nguyễn Thị Hà - giáo viên Trung tâm GDTX Biên Hòa, người đã theo sát Chi trong hai năm học vừa qua - cho biết Chi là một học trò nghèo có hoàn cảnh đáng thương. “Chi vừa đi học vừa đi làm thêm phụ gia đình nhưng hai năm qua đều đạt học lực giỏi. Ngoài ra Chi còn là một cán bộ Đoàn năng động, tham gia rất nhiệt tình các hoạt động Đoàn ở trung tâm. Chi luôn biết phấn đấu, nỗ lực trong cuộc sống và học tập, biết tìm cách vượt qua khó khăn để tiến đến ước mơ tương lai...” - cô Hà nhận xét.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận