Phóng to |
Bà Ngô Thị Tuyết, chị nạn nhân Kiều, khóc trước tòa: “Đánh chết người, sao lại chỉ đề nghị án tù treo?” - Ảnh: Duy Thanh |
Trước đó, đại diện Viện KSND TP Tuy Hòa đề nghị phạt từ 5 năm đến 5 năm 6 tháng tù đối với bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành (30 tuổi, nguyên thiếu úy đội CSĐT tội phạm về trật tự Công an TP Tuy Hòa) là người được xác định đã dùng dùi cui cao su đánh vào đầu của Ngô Thanh Kiều khiến nạn nhân chết vì chấn thương sọ não. Các bị cáo Nguyễn Minh Quyền (42 tuổi, nguyên thiếu tá, đội phó đội trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Phú Yên), Nguyễn Tấn Quang (39 tuổi, nguyên thiếu tá, đội phó đội điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Tuy Hòa), Phạm Ngọc Mẫn (34 tuổi, nguyên thượng úy Công an TP Tuy Hòa) bị đề nghị 18-24 tháng tù cho hưởng án treo, bị cáo Đỗ Như Huy (29 tuổi, nguyên trung úy Công an TP Tuy Hòa) bị đề nghị 12-18 tháng tù cho hưởng án treo.
Mong tòa xử nghiêm minh
“Một người bị án tử hình trước khi ra pháp trường còn được ăn bữa cơm, được nói lời cuối cùng với gia đình. Còn em tôi từ 8g sáng cho đến khi chết đi vào chiều tối không được cho ăn một hột cơm, không cho nói một lời với gia đình, bị còng hết tay chân, không còn khả năng phản kháng mà hết người này đến người khác thay nhau đánh đập, chết một cách đau đớn. Thưa đại diện viện kiểm sát, đề nghị bản án cho họ tù treo là hợp lý chưa?” - bà Tuyết nghẹn ngào đặt câu hỏi. Bà nói tiếp: “Gia đình tôi có thể chấp nhận đề nghị mức án tù treo đối với hai bị cáo Quang và Huy vì họ ăn năn hối cải thật sự, có đánh vài gậy vào chân của Kiều trong sự chứng kiến của nhiều người khác. Nhưng với hai bị cáo Mẫn và Quyền là hai người xét hỏi, đánh đập Kiều nhiều nhất mà viện đề nghị mức án tù treo là hoàn toàn không xứng với tội danh người ta đã gây ra cho em tôi. Đánh chết người sao chỉ đề nghị án treo? Tôi không đồng ý, đề nghị hội đồng xem xét lại mức án của hai người này”.
Còn vợ anh Kiều, chị Trần Thị Tâm, khi được tòa mời tranh luận cũng nói: “Tôi chỉ mong tòa xử đúng người đúng tội, đừng vì những người kia là công an, là con ông cháu cha mà không xử nghiêm minh. Nếu tòa chấp nhận với đề nghị của Viện KSND TP Tuy Hòa chỉ xử án treo với những người phạm tội thì sắp tới các công an khác mà đánh chết người cũng chỉ bị xử tội dùng nhục hình và lãnh án treo mà thôi. Tôi mong tòa xử nghiêm minh để tôi còn tin vào pháp luật, tin là mình sống trong một xã hội có pháp luật”.
Tuy nhiên trong phần tranh luận, bà Ngô Thị Hồng Minh - kiểm sát viên giữ quyền công tố tại tòa - không đối đáp gì về những ý kiến nêu trên của đại diện gia đình bị hại.
Sau phiên xử sáng 29-3, hai bị cáo Nguyễn Tấn Quang (ngồi, bên trái) và Đỗ Như Huy gặp gia đình anh Kiều xin lỗi, mong được tha thứ - Ảnh: Duy Thanh |
Phạm 3 tội sao không khởi tố?
Luật sư Võ An Đôn, người bảo vệ quyền lợi cho gia đình bị hại, tranh luận: “Tôi tiếp tục đề nghị hội đồng xét xử xem xét khởi tố đối với ông Lê Đức Hoàn (phó trưởng Công an TP Tuy Hòa) ba tội danh: bắt giữ người trái pháp luật, dùng nhục hình và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Theo luật sư Đôn, công tố viên nói vì ông Hoàn có nhiều cống hiến, công trạng nên miễn trách nhiệm hình sự là không đúng quy định pháp luật. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, ông Hoàn có dấu hiệu phạm đến ba tội mà không khởi tố, trong khi năm bị cáo ở đây chỉ phạm một tội đã đưa ra xét xử, là thiếu công bằng. Luật sư Đôn nói: “Ở một góc độ nào đó, tôi thấy năm bị cáo này là nạn nhân của ông Hoàn vì ông ta là người lãnh đạo, chỉ huy toàn bộ vụ việc này để xảy ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là làm chết một người. Nếu ông Hoàn không chỉ đạo thuộc cấp bắt anh Kiều trái pháp luật vào lúc nửa đêm, nếu ông Hoàn có trách nhiệm hơn trong việc giám sát, kiểm tra việc xét hỏi của thuộc cấp thì không thể xảy ra hậu quả là anh Ngô Thanh Kiều tử vong”. Ông Đôn ví von: “Nếu không khởi tố ông Hoàn thì có thể nghĩ rằng pháp luật như một tấm lưới chỉ bắt được những con cá nhỏ, còn cá lớn thì lại lọt lưới”.
Đối đáp với luật sư Đôn, bà Minh nói: “Nhân chứng Lê Đức Hoàn có dấu hiệu vi phạm pháp luật vì để cán bộ dưới quyền có hành vi dùng nhục hình tại cơ quan và để cán bộ bắt người trái pháp luật. Tuy nhiên, vi phạm đó chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và ông Hoàn cũng đã bị Công an Phú Yên kỷ luật cảnh cáo. Việc không truy cứu trách nhiệm hình sự ông Hoàn là xét toàn diện của tất cả các vấn đề vì tình hình lúc đó, vì sự khẩn trương của ban chuyên án, xét thời gian công tác, xét đặc điểm tình hình chỉ đạo trong ban chuyên án và xét đối tượng dùng nhục hình chứ không phải vì nguyên nhân nào đó mà không truy cứu đối với Lê Đức Hoàn”. Bà Minh cũng giải thích trong trường hợp tòa không chấp nhận đề nghị khởi tố ông Hoàn thì luật sư Đôn có quyền làm đơn đề nghị cơ quan điều tra Viện KSND tối cao xem xét.
Sau ba ngày rưỡi xét xử, tòa chuyển sang phần nghị án. Chủ tọa Lý Thơ Hiền cho biết vì đây là vụ án phức tạp, có nhiều chứng cứ cần phải xem xét thấu đáo nên thời gian nghị án sẽ kéo dài. Tòa sẽ tuyên án lúc 14g ngày 3-4.
* Luật sư Nguyễn Hồng Hà (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa): Đề nghị của kiểm sát viên có mâu thuẫn Theo dõi kết quả xét hỏi, tranh tụng vụ án này, tôi nhận thấy nội dung luận tội của đại diện Viện KSND TP Tuy Hòa hầu như bỏ qua các dấu hiệu bỏ lọt người, lọt tội. Tuy nhiên, ở đây chỉ bàn về mức án được đề nghị. Giả sử việc truy tố, xét xử các bị cáo là đúng tội danh (tội dùng nhục hình) thì việc đề nghị mức án đối với từng bị cáo trong vụ án này chưa phù hợp. Bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành bị truy tố theo khoản 3 điều 298 Bộ luật hình sự có mức án từ 5-12 năm tù. Theo luận tội, Thành là người trực tiếp dùng dùi cui đánh vào đầu anh Kiều gây chấn thương sọ não, là nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo luôn chối tội, không khai báo thành khẩn và không đền bù thiệt hại cho gia đình bị hại. Như vậy, Thành không có tình tiết giảm nhẹ nào quy định tại khoản 1 điều 46 Bộ luật hình sự, nhưng Viện KSND TP Tuy Hòa chỉ đề nghị phạt tù ở mức khởi điểm 5 năm đến 5 năm 6 tháng là không tương xứng với hành vi phạm tội như lời luận tội. Bốn bị cáo còn lại bị truy tố, xét xử theo khoản 1 điều 298 Bộ luật hình sự có mức án từ 6 tháng đến 3 năm (là tội ít nghiêm trọng). Nhưng kết quả xét hỏi, tranh tụng cho thấy đây là vụ án có đồng phạm thuộc trường hợp nghiêm trọng, rất nghiêm trọng vì gây hậu quả chết người. Do vậy không thể áp dụng tình tiết các bị cáo khai nhận tội, động cơ nóng vội để hoàn thành nhiệm vụ, nhiều thành tích trong công tác, chưa có tiền án, tiền sự, đã xin lỗi, bồi thường một phần thiệt hại... để đề nghị mức án từ 12-24 tháng tù cho hưởng án treo được. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tranh luận “nảy lửa” về tội danh 5 công an dùng nhục hình4/5 công an dùng nhục hình được đề nghị án treo5 CA dùng nhục hình: công bố lời khai phó trưởng CA Tuy HòaVụ 5 CA dùng nhục hình: Nhân chứng bác lời khai bị cáoNhiều công an thay phiên hỏi, đánh nghi can bằng dùi cuiMở lại phiên tòa xử 5 công an dùng nhục hìnhXét xử 5 công an dùng nhục hình: bị cáo chính phản cung
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận