Phóng to |
Phế phẩm của Công ty Hào Dương (Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM) đổ tràn cạnh hệ thống xử lý nước thải bên bờ sông Đồng Điền - Ảnh: N.TRIỀU |
Thông tin trên được các chuyên gia về môi trường đưa ra tại hội thảo “Bảo vệ môi trường trong hệ thống các khu công nghiệp ở Việt Nam: các lỗ hổng chính sách, vấn đề minh bạch thông tin và tác động đối với cộng đồng” do Trung tâm Con người và thiên nhiên và Diễn đàn các nhà báo môi trường VN tổ chức tại TP.HCM.
Theo TS Lê Trình, Viện Khoa học môi trường và phát triển, phần lớn các báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) hiện nay có chất lượng rất hạn chế, chỉ có giá trị minh họa cho quy hoạch tăng trưởng kinh tế của lãnh đạo các cấp nhưng thiếu cơ sở lý luận và thực tiễn. Những báo cáo này thường cho rằng quy hoạch, bao gồm cả các dự án đã được đề xuất là đúng định hướng phát triển bền vững.
Ít có ĐMC nào mạnh dạn đề xuất loại bỏ các dự án đã được đưa vào quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH các vùng kinh tế trọng điểm, các tỉnh, thành phố đến năm 2020 mặc dù các dự án đó có suất đầu tư rất lớn, hiệu quả kinh tế thấp nhưng có thể tác động rất xấu đến môi trường và xã hội như một số dự án cảng hàng không ở Vân Đồn, Tiên Lãng, Long Xuyên, nhiều cảng ở miền Trung, miền Bắc, nhiều khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) ở vùng đồng bằng Bắc bộ, nhiều dự án thủy điện ở Tây nguyên, Đông Nam bộ, Nam Trung bộ...
“Nếu các ĐMC không loại bỏ hoặc điều chỉnh các loại dự án có hiệu quả kinh tế thấp nhưng tác động môi trường và xã hội lớn sẽ tạo tiền đề nguy hiểm, vì Chính phủ có thể phê duyệt các quy hoạch trong đó có cả các dự án này, dẫn đến gây hệ lụy lâu dài về kinh tế, xã hội và môi trường cho đất nước”, TS Lê Trình cho biết.
Một tài liệu quan trọng khác khi tiến hành các dự án đầu tư là đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nhưng thời gian qua cũng chủ yếu để làm cảnh. Theo TS Lê Trình, không ít (nếu không nói là tỉ lệ cao) các báo cáo ĐTM có chất lượng thấp về mặt dự báo và về đề xuất các biện pháp giảm thiểu tác động xấu (là các nội dung quan trọng nhất của ĐTM).
Theo các nhà khoa học, ĐTM thời gian qua hầu như chỉ quan tâm đến ô nhiễm mà thiếu chú trọng dự báo tác động đến các hệ sinh thái tự nhiên, sức khỏe và xã hội. Đây là các vấn đề được các quy định ĐTM của các tổ chức quốc tế và các quốc gia đặc biệt quan tâm. Tình trạng phổ biến là ĐTM dự án thủy điện lại quan tâm dự báo phát sinh bao nhiêu tấn bụi, SOx, NOx, tăng độ ồn bao nhiêu dB, trong khi các yếu tố thay đổi cân bằng nước, mất rừng, ảnh hưởng thủy sản, ảnh hưởng văn hóa dân tộc bản địa lại chỉ có vài trang sơ lược. Tương tự như vậy, nhiều dự án cảng biển, khai thác titan, nuôi tôm trên cát không nghiên cứu tác động đến hệ sinh thái ven bờ, tác động đến các ngành du lịch, thủy sản.
Chính vì những lỗ hổng này đã bị các nhà đầu tư tận dụng để tàn phá môi trường và người dân địa phương là đối tượng chịu tác động nặng nề nhất. Đáng buồn là nhiều quy định pháp luật hiện tại thay vì nhằm bảo vệ cho những người dân bị ảnh hưởng lại còn làm khó người bị hại.
Nông dân chịu thiệt thòi
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Văn Hậu và cộng sự (TP.HCM), thời gian qua vấn đề ô nhiễm, suy thoái môi trường ngày càng trầm trọng, làm phát sinh và gia tăng các tranh chấp môi trường. Tiêu biểu là tranh chấp giữa người dân Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM và Công ty Vedan Việt Nam, tranh chấp giữa người dân Đồng Nai và Công ty Sonadezi Long Thành vào tháng 8-2011; tranh chấp giữa người dân Hải Dương và Công ty Tung Kuang đặt tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương vào tháng 4-2011 do công ty này xả thải có hóa chất độc hại với hàm lượng vượt quy định ra sông Ghẽ, Hải Dương; hoặc gần đây nhất là tranh chấp giữa người dân huyện Cẩm Định, Thanh Hóa và Công ty Nicotex Thanh Thái do việc công ty này chôn thuốc bảo vệ thực vật, chất thải xuống đất, gây ô nhiễm môi trường xung quanh...
Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về khiếu kiện môi trường và công tác thực thi chính sách pháp luật trong lĩnh vực môi trường còn nhiều bất cập. Cụ thể, theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, hiện nay pháp luật tố tụng dân sự nước ta không cho phép khởi kiện tập thể, gây rất nhiều khó khăn cho người dân muốn khởi kiện, tốn kém chi phí tham gia vụ kiện và thậm chí cả tòa án cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.
Ví dụ, trong vụ Vedan, nếu toàn bộ 6.973 hộ nông dân bị thiệt hại đồng loạt khởi kiện đòi Vedan bồi thường thì sẽ có 6.973 đơn kiện và 6.973 vụ kiện mà tòa án phải xem xét, giải quyết. Và lúc này, tòa án buộc phải xem xét 6.973 bộ hồ sơ, điều này sẽ khiến việc giải quyết của tòa buộc phải mất nhiều năm, vi phạm thời hạn giải quyết mà Bộ luật Tố tụng dân sự quy định. Hoặc mới đây nhất, người dân huyện Cẩm Định, tỉnh Thanh Hóa muốn khởi kiện Công ty Nicotex Thanh Thái thì trong quá trình tham gia, tư vấn pháp lý cho người dân, rất nhiều bà con muốn ủy quyền cho Hội Nông dân khởi kiện nhưng pháp luật không cho phép nên buộc phải làm đơn khởi kiện riêng lẻ.
Luật Bảo vệ môi trường không có quy định riêng về thời hiệu khởi kiện về môi trường. Do đó, các tranh chấp về yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường với tư cách là một dạng tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nên căn cứ theo quy định tại Điều 607 Bộ luật Dân sự 2005, thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 2 năm.
“Tôi cho rằng quy định thời hiệu khởi kiện là 2 năm đối với các tranh chấp về môi trường là không hợp lý, bởi các hành vi gây ô nhiễm thường kéo dài, khó phát hiện và người dân phải mất một thời gian khá dài mới biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, đặc biệt là thiệt hại về sức khỏe thì có khi phải mất đến 10-20 năm sau người dân mới biết được quyền, lợi ích hợp pháp mình bị xâm phạm. Điều này sẽ dẫn tới việc rất nhiều người dân bị thiệt hại sẽ không được quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại”, ông Hậu cho biết.
Cũng theo ông Hậu, ngoài những bất cập về mặt pháp lý, công tác thực thi chính sách về tranh chấp môi trường cũng tồn tại không ít bất cập. Đầu tiên là bất cập trong việc thiếu minh bạch khi tiếp nhận và giải quyết các vụ tranh chấp trong lĩnh vực môi trường. Điều này đôi khi dẫn tới những phản ứng tiêu cực, thậm chí quá khích của người dân theo kiểu “tự đòi công lý”.
Cụm công nghiệp là các ổ ô nhiễm môi trường Theo GS.TS Võ Thanh Thu (ĐH Kinh tế TP.HCM), đến cuối năm 2013 VN đã có 289 KCN, KCX và gần 1.000 CCN. Ngoài việc đầu tư ồ ạt, theo phong trào dẫn đến nhiều KCN, CCN không hiệu quả còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Theo PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường, trong số 179 KCN đang hoạt động, chỉ có 143 KCN (chiếm tỉ lệ 80%) đã vận hành hoặc đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải, trong đó chỉ có 84 KCN đã hoàn thành việc đấu nối nước thải từ tất cả các cơ sở sản xuất trong KCN vào hệ thống xử lý nước thải trung tâm, chiếm tỉ lệ 59%. Chỉ khoảng 30% cơ sở sản xuất trong các KCN và khoảng 70% cơ sở sản xuất trong các CCN chưa có hệ thống xử lý khí thải đạt yêu cầu hoặc vận hành chưa thường xuyên. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Hào Dương: đừng để dân mất niềm tinCông ty Hào Dương bị đình chỉ hoạt độngPhạt Công ty Hào Dương 340 triệu đồngĐề nghị xử phạt Công ty Hào Dương theo tình tiết tăng nặngChưa thể đóng cửa Công ty Hào DươngHàng trăm tấn chất thải đổ ra sôngCông ty Hào Dương lại “giết” sông Đồng ĐiềnThu hồi quyết định xử phạt Công ty Hào DươngLại bắt quả tang Công ty Hào Dương đầu độc môi trường10 lần bị phát hiện, Hào Dương vẫn “coi trời bằng vung”Kiến nghị đình chỉ ngay hoạt động Công ty Hào DươngChiếu cố Hào Dương thêm 6 thángVụ Hào Dương: phải xử thật nghiêm
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận