Phóng to |
Thời điểm năm 2009, đã phát hiện nước thải của Công ty Hào Dương (TP.HCM) từ bể chứa đến máng thoát xả thẳng ra sông chưa qua xử lý - Ảnh: Nguyễn Triều |
* ThS Võ Trung Tín (giảng viên bộ môn luật môi trường - ĐH Luật TP.HCM):
Có thể kiện đòi bồi thường
Ở khía cạnh pháp lý, có thể khẳng định lần này vẫn sẽ tiếp tục phạt tiền Hào Dương, có thể nâng mức phạt lên cao (theo quy định mức phạt tối đa là 500 triệu đồng). Tuy nhiên, nếu Hào Dương không “ngán” phạt tiền thì luật cũng có những biện pháp chế tài khác để Hào Dương phải sợ. Cụ thể, hành vi thuê sà lan chở nước, lắp máy phát điện để tiếp tục sản xuất khi bị cắt điện, cắt nước có thể coi là hành vi cản trở người thi hành công vụ. Ngoài việc phạt tiền, với những hành vi trên của Hào Dương có thể xem xét đến việc tước giấy phép, tạm thời đình chỉ hoạt động và buộc khắc phục hậu quả. Nếu những hình phạt được áp dụng chặt chẽ thì Hào Dương không thể “lờn thuốc”, không thể không ngán ngại việc bị xử phạt.
Đối với việc khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại, theo tôi cũng có cơ sở. Bởi lẽ không cần phải khi có thiệt hại về thủy sản, nông sản do hành vi xả thải mới khởi kiện được, mà chỉ cần chứng minh việc suy giảm chức năng hữu ích của môi trường là đã đủ căn cứ để khởi kiện. Ngoài ra còn có thể tính đến việc xử lý hình sự các cá nhân là lãnh đạo của Hào Dương. Điều 183 Bộ luật hình sự có quy định cụ thể mức phạt dành cho cá nhân có hành vi gây ô nhiễm nguồn nước. Từ trước đến nay chỉ mới nhắm vào doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp được điều hành bởi các cá nhân lãnh đạo thì có thể xử phạt hành chính cả cá nhân đó, sau đó nếu tiếp tục tái phạm sẽ đặt tới vấn đề xử lý hình sự vì hoạt động của doanh nghiệp có sự xuất phát từ ý chí và hành động của những cá nhân này.
* GS.TSKH Lê Huy Bá:
Chính quyền đứng ra đòi bồi thường cho dân
Hào Dương đã vi phạm cả chục lần, lần nào cũng cố ý chứ không phải vô ý. Như vậy, công ty này vi phạm cố ý, có hệ thống, kéo dài nhiều năm. Đơn vị này cũng đã hứa khắc phục nhiều lần nhưng đâu vẫn vào đấy, chứng tỏ họ không có thiện chí đầu tư hệ thống xử lý nước thải để sản xuất đàng hoàng. Lần này, vi phạm lặp lại rất nghiêm trọng, từ ngày cơ quan chức năng bắt quả tang vi phạm đến nay đã được một tuần mà Hào Dương vẫn còn sản xuất bình thường như không có gì xảy ra là điều hết sức vô lý.
Theo tôi, phải ngưng ngay hoạt động của Công ty Hào Dương để yêu cầu khắc phục triệt để. Chuyện này phải sòng phẳng chứ không thì ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của TP. Ta trải thảm đỏ mời gọi đầu tư nhưng phải là những nhà đầu tư nghiêm chỉnh, chứ không phải mời vào bằng mọi giá để họ hủy hoại môi trường của chúng ta. Tôi sợ những đóng góp của Công ty Hào Dương không đủ để chúng ta khắc phục ô nhiễm môi trường mà công ty này gây ra.
Cơ quan chức năng nên xử lý Hào Dương triệt để hơn vụ Vedan. Chính quyền địa phương nên thay mặt người dân đứng ra yêu cầu Hào Dương bồi thường những thiệt hại trực tiếp gây ra cho người dân ở đây. Đồng thời đề nghị công ty này bồi thường những thiệt hại về môi trường nói chung, thiệt hại do ô nhiễm hủy diệt hệ sinh thái tự nhiên của sông Đồng Điền và vùng xung quanh.
* Ông TỪ MINH THIỆN (đại biểu HĐND TP.HCM):
Xem lại trách nhiệm của cơ quan quản lý
Tôi muốn đặt vấn đề về tính lịch sử của doanh nghiệp và trách nhiệm của cơ quan quản lý. Sai phạm của Hào Dương là không chấp nhận được nhưng cần phải xem xét lại quá trình cấp phép hoạt động của doanh nghiệp. Liệu một công ty thuộc da hoạt động trong khu vực này có ổn về mặt môi trường, đặc tính của ngành nghề có bảo đảm cho Hào Dương xử lý nước thải đạt theo yêu cầu của các cơ quan quản lý. Những phân trần của Hào Dương về khối lượng nước thải được phép thải ra (như Tuổi Trẻ ngày 2-11 đã nêu) có đủ cho Hào Dương xử lý triệt để ô nhiễm... Tất cả các yếu tố này phải được xem xét để thấy rõ trách nhiệm của cả Hào Dương và những cơ quan quản lý (nếu có) khi cho Hào Dương hoạt động. Tôi nghĩ xem xét thấu đáo vấn đề này là một cách tháo gỡ cho doanh nghiệp chứ không phải là nhân nhượng với doanh nghiệp.
* Kiểm sát viên Nguyễn Văn Chung (viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân quận 3, TP.HCM):
Cần khởi tố hình sự để điều tra, xử lý nghiêm
Việc tái phạm của Hào Dương với mức độ nghiêm trọng hơn là do việc xử lý quá nương tay của cơ quan chức năng. Trước đó, hành vi này từng bị xử phạt hành chính nên lần vi phạm này đã có dấu hiệu vi phạm hình sự. Bởi khi ra quyết định xử phạt hành chính, cơ quan xử lý vi phạm đã áp dụng biện pháp xử lý bổ sung là buộc công ty phải khắc phục vi phạm, chẳng hạn nếu không có hệ thống xử lý nước thải thì phải đầu tư xây dựng. Vì thế, khi công ty tiếp tục vi phạm, tức đã phớt lờ những đề nghị của cơ quan có thẩm quyền nên việc tái phạm này có dấu hiệu của tội phạm hình sự.
Cơ quan điều tra cần phải khởi tố vụ án để điều tra làm rõ, xử lý những cá nhân có liên quan về tội “gây ô nhiễm nguồn nước” theo điều 183 Bộ luật hình sự. Theo điều luật này, tùy theo mức độ nghiêm trọng mà hình phạt có thể là từ phạt tiền đến mức 10 năm tù.
Từ trước đến nay, cơ quan điều tra hiếm khi xử lý những tội vi phạm môi trường vì thường cho rằng khó “cá thể hóa” trách nhiệm của cá nhân có liên quan. Thực tế thì nếu cương quyết, cơ quan điều tra vẫn có thể khởi tố vụ án, qua đó điều tra làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân rất dễ dàng. Nếu chủ trương xả thải ra môi trường là do người đứng đầu của Hào Dương chỉ đạo thì người đứng đầu này phải bị xử lý hình sự về tội “gây ô nhiễm nguồn nước”. Còn trường hợp công ty không có chủ trương này nhưng người trực tiếp vận hành hệ thống xử lý nước thải đã cố tình không thực hiện thì người trực tiếp vận hành, xả thải phải chịu trách nhiệm hình sự do hậu quả hành vi của mình gây ra. Dù có xử phạt hành chính cả nghìn vụ cũng không tác dụng răn đe bằng việc xử lý hình sự một vụ.
* Thẩm phán Vương Văn Nghĩa (Tòa hình sự TAND TP.HCM):
Có cơ sở để xử lý hình sự
Việc khởi tố vụ án, xem xét xử lý trách nhiệm của những người có liên quan trong việc xả thải này là cần thiết và có cơ sở. Cụ thể là trách nhiệm của chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc Công ty Hào Dương về chủ trương xả thải ra sông cũng như những cá nhân, công nhân được giao nhiệm vụ trực tiếp điều hành hệ thống xả thải tại công ty này. Nếu công ty không có chủ trương xả thải nhưng những công nhân vận hành máy móc đã cố tình vi phạm thì cần xử lý các công nhân trên về tội “gây ô nhiễm nguồn nước” nhưng vẫn cần xem xét người đứng đầu Hào Dương về hành vi thiếu trách nhiệm.
Chất lượng nước thải bẩn vượt xa quy chuẩn Tối 2-11, nguồn tin từ Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49), Bộ Công an cho biết đã có kết quả kiểm nghiệm mẫu nước thải lấy từ Công ty CP thuộc da Hào Dương, kết quả cho thấy hầu hết các chỉ số đều ở mức xấu, vượt xa các quy chuẩn cho phép của Việt Nam về bảo vệ môi trường. Lãnh đạo C49 đã có chỉ đạo các cán bộ liên quan phải tập trung cao độ để thu thập tài liệu chứng cứ liên quan tới hành vi vi phạm của công ty này. Qua các tài liệu, hồ sơ thu thập được, sẽ làm rõ toàn bộ quá trình vi phạm của công ty cũng như những người có trách nhiệm liên quan để đề xuất hướng xử lý. Tinh thần chỉ đạo là làm hết sức chặt chẽ, đúng pháp luật, chứng minh được hành vi vi phạm tới đâu sẽ xử lý nghiêm, với mức chế tài cao nhất cho hành vi đó. Nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự, C49 sẽ chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và mang tính răn đe các công ty, đơn vị khác. GIA MINH |
Chuyện thật như đùa sao lại xảy ra? Bất kỳ ai trước sự việc lố lăng kỳ dị này chắc chắn cũng sẽ phải bật lên câu hỏi: Chuyện thật cứ như đùa thế sao lại có thể xảy ra được nhỉ? Pháp luật đang ở đâu? Chính quyền đang ở đâu? Có gì khúc mắc hay có tiêu cực, có kẻ chống lưng cho “ông kẹ” này để trêu cợt luật pháp, chà đạp lên lợi ích của xã hội? Pháp luật đã quy định đầy đủ, hành vi vi phạm đã rõ ràng, vì sao không xử lý dứt điểm lại để cho Hào Dương liên tục tái phạm? Và ngay trong cuộc họp bàn mới đây, lãnh đạo Sở Tài nguyên - môi trường lại tiếp tục “chiếu cố” cho công ty này thêm sáu tháng sửa sai mới xử lý? Đảm bảo cho người dân một môi trường sống trong lành, an toàn là một trong những nhiệm vụ tối thượng của Nhà nước. Nếu Nhà nước không hoàn thành nhiệm vụ của mình, tất yếu đến một lúc nào đó khi không còn con đường nào khác, người dân sẽ buộc phải tìm cách tự bảo vệ mình. Cách thức tự bảo vệ mình lúc này sẽ không còn dựa trên nền tảng pháp luật, luân lý nữa mà đó thật sự là một kết cục hết sức tệ hại, hỗn loạn, mất hết niềm tin. Hàng loạt vụ tự xử gần đây đã cho thấy rõ điều đó, như vụ Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, Nicotex ở Thanh Hóa, các vụ bắt chó bị đánh chết ở Nghệ An... Mong rằng hành vi của Hào Dương sẽ được xử lý nghiêm, đừng để dân mất niềm tin. Luật sư Nguyễn Tiến Tài Cần bài tính thiệt hại Nhà nước cần phải công bố cho biết Hào Dương một năm đóng tiền thuế được bao nhiêu, đem lại công ăn việc làm cho bao nhiêu người? Đó là phần được. Còn phần hại? Hào Dương đã góp phần quan trọng hủy hoại con sông Đồng Điền, gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho cuộc sống của bao nhiêu người dân dựa vào con sông này? Thậm chí, giá trị của một con sông không chỉ là tôm cá người dân đánh bắt kiếm sống, mà còn có vô vàn giá trị khác như là ý nghĩa quan trọng của nước - một thứ tài nguyên quý giá mà Liên Hiệp Quốc khẩn thiết kêu gọi phải giữ gìn, bảo vệ (như chủ đề của Năm du lịch 2013, Liên Hiệp Quốc đưa ra thông điệp bảo vệ nguồn nước). Tôi tin rằng tính đủ như thế sẽ thấy ngay cái được từ Hào Dương là rất nhỏ, và ắt không có lý gì để bảo vệ nó một cách quyết liệt như đã thấy. N.Đ. (Q.Thủ Đức, TP.HCM) |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Công ty Hào Dương bị đình chỉ hoạt độngPhạt Công ty Hào Dương 340 triệu đồngĐề nghị xử phạt Công ty Hào Dương theo tình tiết tăng nặngChưa thể “đóng cửa” Công ty Hào DươngHàng trăm tấn chất thải đổ ra sôngCông ty Hào Dương lại “giết” sông Đồng ĐiềnThu hồi quyết định xử phạt Công ty Hào DươngLại bắt quả tang Công ty Hào Dương đầu độc môi trường10 lần bị phát hiện, Hào Dương vẫn “coi trời bằng vung”Kiến nghị đình chỉ ngay hoạt động Công ty Hào DươngChiếu cố Hào Dương thêm 6 tháng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận