05/04/2012 07:25 GMT+7

Muốn thu phí, phải nói lọt tai

 KHIẾT HƯNG
 KHIẾT HƯNG

TT - Có tới hai cơ hội trình bày, một tại cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ, một tại họp báo do chính Bộ Giao thông vận tải tổ chức, nhưng xem ra lý lẽ mà Bộ trưởng Đinh La Thăng đưa ra để nói về sự cần thiết ban hành phí hạn chế phương tiện cá nhân và phí phương tiện vào trung tâm thành phố giờ cao điểm vẫn chưa đủ thuyết phục.

Nộp phí để đi lại thuận lợi hơn?Đóng phí, đi đường sẽ an toàn hơn?

Thậm chí chỉ riêng việc ông Thăng thừa nhận “thật ra không ai muốn nộp phí cả, ai lại muốn bỏ ra khoản tiền mà lẽ ra không phải nộp” cũng đủ thấy việc ban hành hai loại phí này chưa có cơ sở vững chắc.

Ông Thăng dẫn ra rất nhiều văn bản, trong đó có nghị quyết của Quốc hội, để khẳng định việc xây dựng hai loại phí là chủ trương được Quốc hội chấp thuận. Song, quan trọng nhất là cơ sở khoa học để chứng minh sự cần thiết của hai loại phí lại khá mù mờ. Ban đầu, Bộ Giao thông vận tải tính mức phí hạn chế ôtô cá nhân thấp nhất là 20 triệu đồng/năm, sau điều chỉnh mức thấp nhất là 10 triệu đồng/năm.

Việc “tiếp thu ý kiến từ dư luận, báo chí” là cần thiết nhưng định một mức thu thế nào thì phải có tính toán. Tiếc rằng làm sao để đưa ra những mức phí cụ thể đó lại chỉ được bộ trưởng giải thích ngắn gọn, được “tính toán dựa trên cơ sở các đề án cụ thể”.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng mâu thuẫn khi một mặt nói “không ai muốn nộp phí”, một mặt lại cho rằng “đa số người có ôtô sẽ ủng hộ việc này” vì “người đi ôtô đóng góp là sự tự hào, hạnh phúc, là yêu nước”.

Không rõ căn cứ vào khảo sát nào để Bộ trưởng Thăng nhận định như vậy? Nhưng lúc này, trong những câu chuyện với nhau, cũng như trên báo chí cho thấy số phản đối việc thu phí là áp đảo.

Có những khoản thuế người dân tự nguyện đóng góp; có khoản phí người dân đóng vì nó phù hợp, vì nó cung cấp cho họ dịch vụ tiện ích. Nhưng bất kỳ khoản thu nào đều phải có tính hợp lý. Khoản phí mới đang xây dựng chưa thỏa mãn yêu cầu này.

Nếu mỗi năm chủ ôtô đóng 10 triệu đồng hoặc nhiều hơn như đề án thu phí hạn chế phương tiện cá nhân đưa ra thì chẳng có gì đáng nói. Nhưng nếu áp dụng, đấy chỉ là một trong rất nhiều khoản tiền mà chủ phương tiện giao thông phải đóng kể từ lúc mua phương tiện.

Đóng nhiều nhưng họ lại không được hưởng tiện ích tương xứng, chất lượng cầu đường chưa cao, nạn tắc đường, kẹt xe vẫn là chuyện thường ngày...

Không cần nói động viên nhau đóng góp là “tự hào, hạnh phúc, yêu nước” mà chỉ cần chủ phương tiện giao thông được cung cấp dịch vụ tiện lợi, thiết thực thì chừng đó người dân cảm thấy công bằng, thuyết phục khi đóng phí.

Để người dân thoải mái đóng phí, họ cần được cơ quan chức năng giải thích về cơ sở khoa học, tính hợp lý của việc thu phí cũng như mức phải nộp. Thậm chí họ có quyền đòi hỏi cơ quan chức năng phải cân nhắc khả năng đóng góp phí của mọi người dân trong xã hội ở từng thời kỳ khác nhau. Hay nói đúng hơn là bộ trưởng phải nói sao cho dễ hiểu, thuyết phục, nghe lọt tai.

Những cơ sở, số liệu đó không chỉ thuyết phục được người dân mà cả các đại biểu Quốc hội - những người có trách nhiệm quyết định những vấn đề lớn, có liên quan đến hàng triệu người dân và hoạt động của nền kinh tế. Bởi lẽ chưa hẳn Quốc hội đồng tình về chủ trương nhưng khi đề án về thu phí được trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại dễ dàng thông qua nếu chỉ dựa trên những lý lẽ cảm tính, thiếu tính khoa học.

 KHIẾT HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên