Phóng to |
Ngôi nhà Đại sứ quán VN tại ngã sáu Ngôi Sao - Ảnh: nhân vật cung cấp |
Đi mua nhà làm sứ quán
Thành tích mà thủ tướng nhắc đến lúc đó chính là tòa nhà sứ quán mới mà bà đại sứ mua và sửa sang lại. Cựu bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Dy Niên sau này có viết lại trong sổ lưu niệm của Đại sứ quán VN tại Bỉ: “Đây là ngôi nhà Việt Nam đẹp nhất thế giới”.
Kể lại câu chuyện này, bà Ninh nói tòa nhà sứ quán là một cơ duyên đặc biệt của bà. Tòa nhà ở số 1 đại lộ Général Jacques ngay ngã sáu vòng xoay Ngôi Sao ở Brussels này nguyên là tài sản của nhà nước Nhật. Chính phủ Nhật khi đó mua ngôi nhà để phục vụ thái tử Nhật, người trong những năm đầu thế kỷ 20 vẫn thường tới châu Âu để tìm hiểu, vi hành. Phía dưới tầng hầm của ngôi nhà bốn tầng với nét kiến trúc cổ vẫn còn đồ và dụng cụ để làm mì ramen cho thái tử ăn. Ngôi nhà sau đó trở thành nhà của ông đại sứ Nhật.
Ngôi nhà rất đẹp, ở một khu sang trọng của Brussels nhưng cái thiếu của ngôi nhà cho ông đại sứ Nhật là một khu vườn rộng. “Cỡ đại sứ Nhật thì họ cần một khu vườn để thỉnh thoảng làm tiệc ngoài trời và chiêu đãi bề thế - bà Ninh giải thích - Ngôi nhà này lại thiếu cái đó. Thành thử họ muốn bán để chuyển đi”.
Tòa nhà sứ quán VN khi đó lại là một tòa nhà nhỏ, ở một khu chật hẹp, không đủ để làm các chức năng lễ tân, đối ngoại. Bà Ninh và êkip của bà khi ấy được một kiến trúc sư bên đó dẫn đi thăm mấy địa điểm rồi nhưng chưa thật sự ưng địa điểm nào. Cuối cùng khi anh dẫn tới đây thì cảm giác mà bà nhớ lại là ngôi nhà có kiến trúc cổ đẹp. Ngay khi bước vào là một sảnh lớn nên dù diện tích vừa phải vẫn tạo ra một cảm giác rất bề thế. “Ố là la, đây đúng là cú sét ái tình rồi”. Đôi mắt bà đại sứ sáng lên khi nhớ lại khoảnh khắc đó. Quyết định của bà khi đó là phải đàm phán cho nhanh.
“Lúc đó họ treo giá 1,5 triệu USD là không đắt đâu”, bà kể. Cùng thời điểm đoàn VN tới hỏi thăm tòa nhà đó, tòa thánh Vatican tỏ ý quan tâm, đặt vấn đề nhưng mọi thứ vẫn chưa ngã ngũ.
Nhưng có một điều thú vị và cũng là cơ may cho bà. Người đàm phán, nhân vật số hai của sứ quán Nhật là một người vừa mới hoàn tất nhiệm kỳ ở lãnh sự quán tại TP.HCM. “Đó là một cơ duyên rất lạ lùng”.
Phóng to |
Đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh phát biểu tại một sự kiện ở sứ quán - Ảnh: nhân vật cung cấp |
“Ông số hai”
Bà Ninh mời “ông số hai” này đi ăn cơm để bàn chuyện mua tòa nhà. Vào bữa, nói chuyện vui vẻ rồi bà mới hỏi vấn đề về giá. Khi “ông số hai” hỏi lại, bà mới đưa ra giá 1,2 triệu USD mà trong lòng vẫn nghĩ mình “kỳ quá vì thấy giá của họ lúc đó là rất rẻ rồi”. Nhưng trong sự ngạc nhiên của bà, “ông số hai” tủm tỉm cười và đưa cho bà một cái giá thấp hơn. “Bà thấy giá 1 triệu USD có được không? Để tôi đề nghị với Tokyo có cách nào rẻ hơn cho VN không”.
Ngôi nhà của sứ quán khi đó là ngôi nhà cổ xưa nhưng để lâu không bán và không có người ở nên trong một thời gian ở khu phố sang trọng luôn có tòa nhà cứ đen tối, im lìm. Đến lúc sửa sang xong, thắp đèn lên, góc phố ở đó sáng bừng và mang sức sống trở lại. Một ngày trước khi bà đại sứ về nước và đang cùng mọi người đứng chụp ảnh lưu niệm thì có một ông lớn tuổi ở cùng khu phố đi ngang qua. Ông vẫy tay chào và nói: “Chào bà đại sứ, cảm ơn bà đã trả lại bộ mặt sáng sủa cho ngôi nhà đẹp này ở khu phố của chúng tôi”.Với cư dân ở khu vòng xoay Ngôi Sao, sứ quán VN trở thành một láng giềng được hoan nghênh. |
“Phải nói câu chuyện rất là ngoạn mục. Cô trả triệu hai mà cuối cùng cô mua có một triệu. Nghe có ngược đời không?” - bà đại sứ kể lại.
Bẵng đi vài tuần, bà gặp lại thì ông nói: “Tôi thuyết phục được Tokyo 1 triệu rồi nhưng bà cho tôi thêm ít tuần lễ vì tôi còn phải thuyết phục thêm bộ tài chính”. Bà Ninh đoán Bộ Tài chính Nhật khi đó cũng thắc mắc là bán giá hơi thấp nên chắc đòi rà soát lần nữa. “Bà yên tâm là tôi sẽ có cách nhưng bà phải chờ một tí” - ông trấn an bà.
Và sau vài tháng thì bà Ninh đã cùng đại sứ Nhật ngồi ký thỏa thuận mua tòa nhà mới. Tổng cộng thời gian cho quá trình đàm phán và để nhà ngoại giao Nhật thuyết phục Tokyo mất sáu tháng và bà ký hợp đồng mua nhà vào mùa thu 2001. Sứ quán VN tại Bỉ và bên cạnh EU chính thức có ngôi nhà khang trang mới.
Đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh nổi tiếng là mềm mỏng, giỏi thuyết phục người đối diện nhưng lần này bà nói đó là cơ may: “Chỉ vì ông biết VN không giàu và ông là người quý VN ghê gớm”. Âu cũng là một phần trong mối quan hệ đặc biệt giữa VN và Nhật Bản vẫn luôn có những khía cạnh “tình cảm và đặc biệt”.
Mua được tòa nhà, bà đại sứ bắt tay vào công việc sửa sang và trang trí lại. Về dự hội nghị ngoại giao năm đó, những khoảng thời gian rảnh được bà đại sứ dành toàn bộ cho việc đến các gallery tranh và xưởng của các nghệ sĩ để tìm đồ trang trí cho sứ quán. Không có kinh phí, chiến lược khi đó của bà là “tay không bắt giặc”. Bà được một người con dâu của giáo sư Vũ Khiêu, người rành nhiều gallery và các họa sĩ đương thời, dẫn đi gặp các họa sĩ. Có nhiều người quý ngỏ ý tặng tranh cho bà thì bà từ chối: “Đừng tặng cho tôi. Hãy tặng cho sứ quán để tranh của các anh được treo vĩnh viễn tại ngôi nhà VN mà tôi nói thật cái này là vô giá đối với các anh”.
Trong những nghệ sĩ bà gặp có một người chuyên về tranh sơn dầu rất nổi tiếng thời đó. Anh này lại rất khó tính, sợ bị sao chép nên không dám đưa tranh ra gallery. Thường anh chỉ bán tranh của mình ngay tại nhà và nhà anh giống như một xưởng vẽ. Khi bà Ninh tới gặp, họa sĩ dù rất thích nhưng nói: “Chị ơi, nguyên tắc của tôi không tặng tranh. Chị cho tôi tượng trưng cũng được. Tặng tranh có vẻ là cái gì không đáng giá lắm nên mới dễ dàng tặng”.
Cuối cùng anh ấy nói làm sao cho tượng trưng 1.000 USD cũng được (tranh anh ta lúc đó thường có giá 7.000 USD trở lên). Bà Ninh đàm phán như thế này: “Anh ạ, tất cả những họa sĩ kia đều tặng vì họ biết đây không phải tặng cá nhân tôi mà tặng ngôi nhà của nhà nước VN ở Brussels. Chỉ riêng một anh là anh Bùi Hữu Hùng có một công thức thỏa hiệp, rất dễ chấp nhận là tôi ký với anh một thỏa thuận anh cho mượn vô thời hạn. Có nghĩa là anh không phải tặng theo kiểu cho, mà anh cho mượn vô thời hạn”.
Cuối cùng bà Ninh nói: “Tùy anh nhé. Vấn đề không phải 1.000 USD. 1.000 USD thì sứ quán có thể xoay được nhưng tôi làm sao ăn nói với mấy họa sĩ kia được. Hoặc là anh chấp nhận tôi làm công thức như anh Bùi Hữu Hùng, hoặc tôi gửi trả tranh về cho anh...”. Trước lý lẽ của bà đại sứ, anh họa sĩ khó tính cuối cùng lắc đầu và chấp nhận luôn đề nghị của bà, thậm chí là không cần phải ký thỏa thuận cho mượn. Anh họa sĩ làm bức tranh sơn mài với hình một ao sen đậm chất hồn Việt.
Với công thức này, ngôi nhà sứ quán VN ở Bỉ được trang trí đậm bản sắc VN. Bước vào sảnh, phía trên lối cầu thang có khoảng trống là năm bức sơn mài lớn hình Âu Cơ Lạc Long Quân (2x5m), một bên là câu đối do giáo sư Vũ Khiêu tặng, một bên là bức sơn mài hình ao sen và dưới nền là tấm thảm đỏ của Cẩm Đạt với họa tiết dân tộc thiểu số. Đường lên cầu thang là bức thảm len của Sĩ Hoàng, dưới chân cầu thang là tranh sơn mài hình lũy tre với đôi hạc cùng trống đồng Đông Sơn. Khắp tòa nhà là các bức tranh của họa sĩ Việt được trang trí hài hòa, nghệ thuật. Không phải ngẫu nhiên mà đến giờ tòa sứ quán ở Brussels vẫn là tòa đại sứ đẹp nhất của VN ở nước ngoài.
______________
Kỳ tới: Lửa thử vàng, gian nan thử sức
* Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Ngôi nhà nhỏ giữa Mạc Tư KhoaKỳ 2: Người gánh vác “hòn đá tảng”Kỳ 3: Ông đại sứ nói giọng SeoulKỳ 4: Bảy lần trình quốc thưKỳ 5: Những khoảnh khắc căng thẳngKỳ 6: Đại sứ tại Liên Hiệp QuốcKỳ 7: “Phút 89” ở GenevaKỳ 8: Ba lần chứng kiến đảo chính
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận