Kỳ 1: Ngôi nhà nhỏ giữa Mạc Tư Khoa
Ông Nguyễn Mạnh Cầm trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ mùa đông năm 2013 - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Chuyện học ngoại ngữ của ông Cầm
“Nghe nói ông là một trong những bộ trưởng biết nhiều ngoại ngữ của VN cho đến nay, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Trung?” - chúng tôi mở đầu câu chuyện. Ông Cầm cười nhẹ nhàng: “Tôi học ngoại ngữ theo yêu cầu nhiệm vụ, giờ ngẫm lại hình như cứ mỗi lần mình học thêm ngoại ngữ mới đều gắn với một nhiệm vụ mới”.
Từ quê hương xứ Nghệ, ông Cầm là một trong những “hạt giống đỏ” được trung ương chọn cử đi học ở Trung Quốc vào đầu thập niên 1950, ngay sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức.
Học ở Trung Quốc được hơn một năm, tiếng Trung chỉ vừa đủ đọc Nhân Dân Nhật Báo, tiếng Nga thì bập bõm. Thế nhưng ông Cầm lại được chọn tham gia đoàn đại sứ Nguyễn Lương Bằng sang Liên Xô xây dựng đại sứ quán. Sau khi sắp xếp đại sứ quán tương đối ổn định, ông được giao nhiệm vụ nghiên cứu và làm phiên dịch cho đại sứ.
Ông Cầm kể lại lúc đó ông rất lo lắng vì tiếng Nga còn quá yếu, khi ở trên tàu từ Mãn Châu Lý đi Mạc Tư Khoa ròng rã một tuần, ngày nào cũng có đài Liên Xô thông báo tin tức hằng ngày, nghe chỉ hiểu được một số chữ hoặc một đoạn câu, làm sao có thể dịch được, lại dịch cho đại sứ! Trong cơ quan chỉ có hai anh em biết tiếng Nga và đều biết bập bõm, sứ quán lại nhiều việc. Không còn cách nào khác phải tìm cách học, học ngày học đêm để đáp ứng công việc. Nhưng làm gì có điều kiện đến lớp, đến trường.
Cũng như các cơ quan địa phương, sứ quán bắt đầu làm việc vào 9 giờ sáng. Ông Cầm phải dậy từ 5g30 để kịp buổi phát thanh đầu tiên vào lúc 6 giờ, tiếp đó nghe buổi phát thanh lúc 7 giờ, rồi 8 giờ trước khi làm việc. Nói là nghe đài nhưng thực chất là để học. Ông học bằng cách đọc theo phát thanh viên vì phát âm của phát thanh viên là chuẩn nhất, hơn nữa cũng để nhớ những từ mình đã học.
Lúc đầu chỉ đọc theo được vài từ, dần dần tiến lên được nửa câu rồi cả câu, cứ thế kiên trì học. Ông Cầm cho biết thời gian đầu khi dịch cho đại sứ, do vốn từ còn ít nên lắm khi phải giải thích lòng vòng người đối diện mới hiểu, có lúc bí quá chêm cả tiếng Pháp. Nếu người đối thoại biết tiếng Pháp thì “dễ thở” hơn.
Sau khi tiếng Nga đã tương đối thành thạo, có thể tư duy và nói thẳng bằng tiếng Nga không còn phải nghĩ bằng tiếng Việt như trước, qua tiếp xúc với đoàn ngoại giao, ông Cầm lại thấy cần học thêm tiếng Anh. Để củng cố và phát triển vốn từ đã tích lũy được bằng tự học qua quyển Assimil trong những tháng ngày kháng chiến, ông đã tìm mua một quyển sách dạy tiếng Anh qua tiếng Pháp để tự học thêm. Từ giữa thập niên 1990 tiếng Anh tự học của ông Cầm đã trở thành một phần không thể thiếu trong công việc, như tiếng Nga trước kia. Nhưng đó là câu chuyện của mấy chục năm sau...
Trở lại Liên Xô
Cuối năm 1986, Đại hội VI của Đảng xác lập chính thức đường lối đổi mới. Báo cáo chính trị do Tổng bí thư Trường Chinh đọc tại Đại hội VI có đoạn: “Tăng cường đoàn kết và hợp tác toàn diện với Liên Xô luôn luôn là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta”. Tại đại hội, ông Nguyễn Mạnh Cầm được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và sau đó được chọn để tham gia gánh vác “hòn đá tảng” với tư cách đại sứ VN tại Liên Xô.
Sau khi ông Cầm nhận nhiệm vụ khoảng một tháng thì đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta do Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Đỗ Mười thăm Liên Xô. Kết quả trao đổi với lãnh đạo chủ chốt của Liên Xô là đã ký được hiệp định về việc Liên Xô cam kết viện trợ cho VN năm năm, mỗi năm khoảng 1,2 tỉ rúp chuyển nhượng bao gồm thiết bị, vật tư và hàng hóa. Từ kết quả này, đại sứ Nguyễn Mạnh Cầm lập tức lên kế hoạch gặp và làm quen với lãnh đạo các bộ ngành có trách nhiệm giao hàng cho VN qua căn cứ văn bản quy định kèm theo hiệp định.
Người đầu tiên đại sứ gặp là một vị phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Liên Xô vốn có thiện cảm với VN - người đã nhận trách nhiệm trước lãnh đạo hai nước điều hành toàn bộ chương trình viện trợ cho VN. Cuộc gặp đạt kết quả mỹ mãn không ngờ, vị phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng này đặt vấn đề phối hợp chặt chẽ với đại sứ trong quá trình thực hiện chương trình viện trợ, “bất cứ lúc nào đại sứ thấy cần gặp tôi thì trực tiếp gọi điện thoại cho tôi, không cần qua bất cứ cơ quan nào...”.
Do quan hệ tốt được thiết lập nên hai năm đầu việc Liên Xô giao hàng viện trợ cho VN diễn ra suôn sẻ cả về mặt hàng, số lượng và thời gian giao hàng theo đúng yêu cầu của ta. Sang năm thứ ba việc giao hàng có khó khăn và bắt đầu giảm sút. Vị phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng và lãnh đạo các ngành đều nói do sản xuất nhiều lĩnh vực không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đến năm 1990 Liên Xô chỉ giao được 50%.
“Lúc này một số cán bộ cấp cao của bạn cũng tỏ ra bức xúc và nói thật với tôi là do cải tổ nên sản xuất giảm sút, nền kinh tế bị đình trệ, do vậy chương trình viện trợ chắc khó có thể thực hiện như cam kết. Và đến năm 1991 viện trợ hoàn toàn bị cắt” - ông Cầm nhớ lại.
Từ đại sứ lên bộ trưởng
Tháng 7-1991, đại sứ Nguyễn Mạnh Cầm nhận được quyết định kết thúc nhiệm kỳ đại sứ, về nước nhận nhiệm vụ bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Ông Cầm cho biết khi về gặp lãnh đạo, ông xin không nhận nhiệm vụ mới vì đã tách khỏi công việc của bộ khá lâu... Nhưng các vị lãnh đạo phân tích: “Cấp trên đã cân nhắc nhiều, trao đổi thống nhất là trong điều kiện đổi mới, ngoại giao chính trị phải kết hợp với ngoại giao kinh tế.
Đồng chí là người đã làm ngoại giao 35 năm, giữ nhiều vị trí quan trọng, lại có năm năm làm lãnh đạo ở Bộ Ngoại thương, là người thích hợp nhất cho sự kết hợp này, yêu cầu đồng chí vì việc lớn, đừng thoái thác, có khó khăn phải ra sức khắc phục với tinh thần người cộng sản”. Trước lập luận đó của lãnh đạo, ông Cầm thấy mình không thể thoái thác trách nhiệm, không thể phụ sự tin cậy mà lãnh đạo đã giao cho mình.
Sứ mệnh mà ông Nguyễn Mạnh Cầm gánh vác trong một thập kỷ từ khi nhận trách nhiệm bộ trưởng là góp phần đặt những “hòn đá tảng” lát đường và khai thông lộ trình, thực hiện có hiệu quả đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ, rộng mở” đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế do Đại hội Đảng vừa mới thông qua...
Ông Cầm kể: “Tháng 7-1994, tại Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN hằng năm họp ở Bangkok, tôi đại diện VN tham dự với tư cách quan sát viên. Các nước yêu cầu ta cho biết VN đã xem xét đủ điều kiện và sẵn sàng chính thức gia nhập ASEAN không để ban thư ký chuẩn bị tổ chức lễ kết nạp vào năm 1995 tại Brunei. Tôi trả lời đã sẵn sàng. Cả hội nghị vỗ tay hoan nghênh”.
Đột nhiên bộ trưởng Malaysia đứng dậy nói: “Cầm ơi! Điều kiện của VN thì đủ rồi, nhưng còn hai điều kiện nữa đối với cậu với tư cách bộ trưởng ngoại giao” (lúc này các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đối với nhau rất thân tình, gọi nhau bằng tên như những người bạn cũ). Ông Cầm hơi ngỡ ngàng hỏi lại: “Điều kiện gì?”. Bộ trưởng Malaysia nói ngay: “Thứ nhất, cậu hãy tạm gác tiếng Pháp và tiếng Nga lại, tăng cường nói tiếng Anh vì trong ASEAN chỉ dùng tiếng Anh. Thứ hai, cậu phải đánh golf vì đối với ASEAN golf không chỉ là môn thể thao mà còn là phương tiện giải quyết công việc”.
Tự tin vào vốn liếng tiếng Anh tự học của mình, ông Cầm trả lời nửa đùa nửa thật: “Tiếng Anh thì tôi cố gắng, nhưng đánh golf thì khó quá, có lẽ còn khó hơn điều kiện gia nhập ASEAN”. Một ông bạn khác lên tiếng: “Đối với người VN chẳng có gì là không làm được. Cậu yên tâm, bọn mình sẽ tạo điều kiện để cậu sớm biết chơi golf”. Tất cả vỗ tay tán thưởng. Quả thật, cuộc họp hôm đó đã kết thúc với những trao đổi quan trọng ở sân golf!
Kỳ tới: Ông đại sứ nói giọng Seoul
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận