Theo lời kể của ông Phụng, cuộc trò chuyện giữa ba người diễn ra cởi mở và thẳng thắn về nhiều vấn đề trong ngoại giao quốc tế cũng như quan hệ hai nước, kể cả vấn đề trên biển...
Phóng to |
Ông Lê Công Phụng trò chuyện với cựu tổng thống Bill Clinton năm 2010 - Ảnh: nhân vật cung cấp |
“Bảo vệ con người, bảo vệ tài liệu”
Ông Phụng cho biết nhân dịp thăm chính thức VN (tháng 8-2013), ngoại trưởng Vương Nghị chuyển lời tới Bộ Ngoại giao ta “muốn gặp lại hai người quen cũ là anh Vũ Khoan và tôi”, nếu được thì ở sân golf.
“Chúng tôi từng biết nhau trong các hoạt động ngoại giao trước đây, nhất là thời kỳ phụ trách đàm phán về biên giới, lãnh thổ của mỗi bên. Khi gặp lại, tôi có nói với ngoại trưởng Vương Nghị rằng hồi xưa khi đàm phán có lúc tranh luận to tiếng, thậm chí xô ghế đứng dậy là bình thường, nay chúng tôi nghỉ công tác rồi nên nếu có trò chuyện gì cũng trên tư cách người quen cũ chứ không phải ý kiến chính thức”.
Cuộc đời hoạt động ngoại giao của ông Lê Công Phụng có nhiều liên quan với đất nước Trung Quốc. Những năm 1978-1980, thời kỳ căng thẳng nhất trong quan hệ hai bên, ông Phụng là bí thư thứ ba trong Đại sứ quán VN tại Trung Quốc.
Ông kể khi nổ ra chiến tranh biên giới năm 1979, ở trong nước lo lắng vì không biết đại sứ quán sẽ hoạt động như thế nào, anh em tổ chức cuộc sống ra sao.
“Tôi còn nhớ lúc bấy giờ đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh rất vững vàng, bác còn dặn chúng tôi dù trong bất cứ hoàn cảnh nào không được co cụm mà phải kiên cường thực hiện các nhiệm vụ của mình, bảo vệ con người và bảo vệ tài liệu” - ông Phụng nói.
Đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh vì đã có thời gian công tác lâu năm ở Trung Quốc, nên theo thông lệ quốc tế trở thành phó trưởng đoàn ngoại giao ở Bắc Kinh.
Với cả hai tư cách là đại sứ VN và phó trưởng đoàn ngoại giao, đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh thường xuyên ra ngoài tham gia các hoạt động ngoại giao, công khai đấu tranh lý lẽ với phía Trung Quốc mỗi khi họ tìm cách gây khó khăn cho hoạt động của đại sứ quán ta...
Thực hiện chỉ đạo của đại sứ, ông Phụng cùng các cán bộ trong sứ quán đã tổ chức họp báo quốc tế để tố cáo chiến tranh biên giới do Trung Quốc gây ra vào tháng 2-1979.
“Tất nhiên là cán bộ Đại sứ quán VN đi đâu, làm gì cũng có người theo dõi. Thậm chí có những đêm người lạ còn nhảy vào trong sân sứ quán khiến chúng tôi phải hết sức đề phòng, cảnh giác. Khi thông tin liên lạc bị cắt, chúng tôi chuyển qua sử dụng tín hiệu Morse và tìm mọi cách ghi lại các phát biểu chính thức từ trong nước về chiến tranh biên giới cũng như vấn đề Campuchia rồi dịch ra tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Pháp, sau đó in thành văn bản để đưa ra ngoài tuyên truyền” - ông Phụng nhớ lại.
Cũng theo ông Phụng, trong thời gian chiến tranh, phía Trung Quốc không tổ chức cho người dân địa phương biểu tình chống VN mà lại kích động sinh viên các nước, nhất là một số nước ở châu Phi... đến trước cổng Đại sứ quán VN để biểu tình.
Tuy nhiên, khi anh em trong đại sứ quán ra giải thích rõ ràng về chính nghĩa của VN thì các cuộc biểu tình đó dần dần tự động giải tán.
Vất vả giữ bí mật đàm phán
Khi đảm nhiệm cương vị thứ trưởng Bộ Ngoại giao, trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ về biên giới, lãnh thổ với Trung Quốc Lê Công Phụng nhiều lần gặp một số nhân vật của Bộ Ngoại giao Trung Quốc mà ông đã biết mặt từ thời công tác ở Bắc Kinh, trong đó có ông Vương Nghị.
Mỗi lần gặp, ông Phụng nhắc ngay với họ rằng ông đã từng làm việc ở Đại sứ quán VN thời chiến tranh biên giới.
“VN và Trung Quốc có quá nhiều thăng trầm trong quan hệ, nhất là từ sau năm 1979, lòng tin đã bị ảnh hưởng. Muốn quan hệ thật sự tốt thì phải xây dựng lòng tin với nhau” - ông Phụng nói.
Thời kỳ ông Phụng và ông Vương Nghị gặp nhau khá nhiều là khi hai bên đẩy mạnh đàm phán Hiệp định phân định vịnh Bắc bộ và phân giới cắm mốc trên bộ. Cuộc đàm phán về biên giới lãnh thổ, trong đó có vấn đề phân định vịnh Bắc bộ giữa ta và Trung Quốc đã được tiến hành từ đầu những năm 1970.
Trong các năm 1974 và 1977-1978, hai nước đã tiến hành hai vòng đàm phán về phân định. Nhưng do điều kiện lúc đó nên đàm phán không có kết quả.
Sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ, hai bên đã quyết định thương lượng để giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ, trong đó có vấn đề phân định vịnh Bắc bộ. Từ năm 1993-2000, hai bên đã triển khai bảy vòng đàm phán cấp chính phủ, ba cuộc gặp giữa hai trưởng đoàn đàm phán cấp chính phủ và 18 vòng đàm phán cấp chuyên viên.
Riêng trong năm 2000 cuộc đàm phán về phân định vịnh Bắc bộ được đẩy mạnh và đi vào giải quyết thực chất (một vòng đàm phán cấp chính phủ, ba cuộc gặp liên tiếp giữa hai trưởng đoàn cấp chính phủ và sáu vòng đàm phán cấp chuyên viên).
Trầm ngâm một lúc, ông Phụng chia sẻ thêm rằng khi tiến hành đàm phán về biên giới, lãnh thổ thì một trong những việc khiến người tham gia đàm phán như ông vất vả nhất là công tác giữ bí mật của ta, cả trong nội bộ cũng như với đối tác đàm phán...
Ông Phụng cho rằng gian nan, vất vả rất nhiều, thậm chí khi đàm phán xong còn chịu sức ép từ luồng thông tin xuyên tạc. Tuy nhiên đối với ta thì việc ký Hiệp định phân định vịnh Bắc bộ tiếp theo việc ký Hiệp ước về biên giới trên đất liền năm 1999 có ý nghĩa rất quan trọng “vì qua đó ta đã đạt được mục tiêu là giải quyết được hai trong ba vấn đề biên giới - lãnh thổ tồn đọng lâu nay giữa hai nước (còn lại vấn đề trên biển Đông)”.
Hiệp ước biên giới trên đất liền VN - Trung Quốc năm 1999 và Hiệp định phân định vịnh Bắc bộ tạo nên một cơ sở pháp lý vững chắc để quản lý biên giới, lãnh thổ, thực hiện mục tiêu xây dựng biên giới VN - Trung Quốc thành biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài...
Những tín hiệu từ Nhà Trắng và CIA
Nhiều kinh nghiệm làm việc với Trung Quốc, nhưng đến năm 2007 ông Lê Công Phụng trở thành đại sứ đặc mệnh toàn quyền VN tại Hoa Kỳ.
Nhìn lại nhiệm kỳ đại sứ từ năm 2008-2011 của mình, ông Phụng nói ngắn gọn: “Đây là thời kỳ mà quan hệ hai nước phát triển thuận lợi, người ta cần mình và mình cũng vậy”.
Ông kể dịp giáng sinh năm 2010, giám đốc CIA lúc bấy giờ là ông Leon Panetta đã mời đại sứ VN đến dự lễ giáng sinh. “Tôi rất ngạc nhiên vì hỏi anh em thì được biết thông thường giám đốc CIA chỉ mời đại sứ các nước đồng minh với Mỹ đến dự lễ, chứ hiếm khi mời các nước khác. Đến nơi thì thấy trong ASEAN chỉ có ba đại sứ khác được mời là Philippines, Thái Lan, Singapore”. Đến giáng sinh năm 2011 bên CIA cũng tiếp tục mời. Đặc biệt hơn, văn phòng Tổng thống Obama mời đại sứ VN đến dự lễ giáng sinh năm 2011. “Cực kỳ ngạc nhiên vì qua tìm hiểu thấy rằng trong ASEAN thì họ chỉ mời duy nhất đại sứ VN năm đó”.
Theo ông Phụng, rõ ràng đã có những tín hiệu để hai bên có thể đẩy mạnh quan hệ hợp tác hơn nữa từ những năm 2010, 2011... nhưng vì nhiều lý do đến năm 2013 hai bên mới xác lập quan hệ đối tác toàn diện.
Cũng trong năm 2010, Đại sứ quán VN tổ chức lễ kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ, đông đảo các quan chức Mỹ đã tới dự, trong đó có bộ trưởng tài chính Mỹ đại diện cho chính quyền, ngoài ra còn có cựu tổng thống Bill Clinton.
Theo chương trình, ông Bill Clinton chỉ đến phát biểu trong 15 phút rồi ra về, nhưng khi phát biểu xong thì cựu tổng thống Mỹ nói riêng với đại sứ Lê Công Phụng: “Ông đại sứ ơi, hôm nay rất đông vui, tôi ở lại thêm thời gian ngoài chương trình được không?”.
So với nhiều nước, nghi lễ trình quốc thư ở Mỹ đơn giản hơn nhưng vẫn rất thân tình. Đại sứ đi trình quốc thư sẽ không đi cùng các cán bộ của đại sứ quán mà đi với toàn bộ thành viên trong gia đình riêng của đại sứ.
Sau khi tiến hành các thủ tục cần thiết, tổng thống Mỹ trò chuyện và chụp ảnh thân mật với gia đình đại sứ. Sau đó, Nhà Trắng sẽ tặng mỗi người trong ảnh một bức kỷ niệm kèm chữ ký của tổng thống.
Ông Phụng lấy cho chúng tôi xem bức ảnh hôm trình quốc thư mà tổng thống và phu nhân gửi tặng... đứa cháu nội ông, người có mặt trong ảnh lúc đó mới hơn 1 tuổi. Trình quốc thư xong (tháng 10-2008), ông Phụng đi Texas thăm cựu tổng thống Bush cha.
Cuộc trò chuyện diễn ra rất vui, ông Bush cha còn đùa rằng “ngài đại sứ ở Washington nếu thấy chính quyền làm gì lộn xộn cứ gọi cho con trai tôi thu xếp”.
Kỳ 1: Ngôi nhà nhỏ giữa Mạc Tư Khoa Kỳ 2: Người gánh vác “hòn đá tảng” Kỳ 3: Ông đại sứ nói giọng Seoul Kỳ 4: Bảy lần trình quốc thư
______________
Kỳ tới: Đại sứ tại Liên Hiệp Quốc
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận