Giấc mơ giấu trong chiếc tủ
Từ nhỏ, Thùy Trang đã nuôi giấc mơ trở thành người mẫu. Trang đòi mẹ mua guốc, mua son môi và phấn cho mình tập làm người mẫu vì lý do rất trẻ con: được mặc đồ đẹp và đi giày cao gót!
Phóng to |
Từ hàng thịt, Lê Đình Thuận luôn khát khao được bước trên sàn catwalk - Ảnh: T.T.D. |
Thương con, mẹ Trang phải nhín chút đồng lương mua guốc cho Trang. Một người nước ngoài ở gần nhà dễ tính, cho cô bé mấy thỏi son còn mới. Cô bé thích lắm, lấy son “quẹt lên mỏ” rồi mang guốc đi tới đi lui trong con hẻm vừa chiếc xe máy chạy qua và lúc nào cũng xăm xắp nước sình. Mấy đứa nhỏ khác thấy vậy cũng mê, đua nhau tập đi giống Trang.
Vậy là xóm Cầu Kho có nguyên dàn “người mẫu nhí” như một niềm vui và cũng là âu lo cho người lớn sau những cánh cửa ẩm thấp chật chội.
Giấc mơ ấy của trẻ con chưa kịp tròn thì Trang trở thành trẻ mồ côi khi cô bé mới học lớp 4. Mẹ Trang mất vì bệnh. Sau đó bốn tháng, cha em ngã từ giàn giáo xuống khi đang sơn tường thuê cho người ta. Cô bé sống với bà ngoại trong căn nhà ọp ẹp, ẩm thấp của khu dân cư lao động. Bà ngoại Trang đi bán cá thác lác nạo từ sáng tới trưa ngoài chợ chồm hổm. Từ ngày ba mẹ không còn, Trang ngủ lúc nào cũng để đèn sáng. Đêm, trên nền gạch chỉ chừng 10m2 đầy đồ đạc nhưng có tới năm con người chen nhau nằm ngủ: bà ngoại, cô, hai em họ và Trang.
Vậy mà khát khao làm người mẫu vẫn chưa bao giờ nguôi trong suy nghĩ của cô bé dù cuộc sống rất chật vật. Khi Trang 11 tuổi, một cô trong xóm dẫn con đi học lớp đào tạo người mẫu nhí ở nhà hát Bến Thành (Q.1). Trang mê lắm nhưng mỗi tháng ngoại kiếm đâu ra 200.000 đồng cho em đóng học phí. Cô bé âm thầm dành dụm mỗi ngày từ tiền ngoại cho, rồi nhờ chú ruột chở đi học.
“Chú thương em lắm, chú đi làm công cho người ta ở Q.Bình Tân, không có điện thoại di động nên mỗi khi có việc gì ngoại lại nhắn người quen cho chú chạy qua”, Trang bảo. Thấy cháu mình mê làm người mẫu quá, chú ráng xin về sớm hai ngày cuối tuần để chở cháu đi rồi chở về.
Hồi đó Trang học thứ bảy và chủ nhật. Em được dạy cách đi đứng, diễn xuất khuôn mặt. “Lúc đó lớp học ít con nít nên học vui lắm. Mỗi lúc nghe tiếng nhạc, rồi nhìn các bạn tập là em lại thấy háo hức, cố hết sức đi giống người mẫu và thể hiện gương mặt thật đạt”, Trang kể.
Mới học được một tháng, cô giáo kêu muốn đi diễn phải đóng 60.000 đồng, còn muốn được quay lên tivi phải nộp 250.000 đồng. Trang buồn đến phát khóc vì biết không thể kiếm đâu ra ngần ấy tiền nên nghỉ luôn. Chỉ có tám buổi học ít ỏi, mỗi buổi một tiếng, nhưng với Trang đó là một thế giới quá khác mà bây giờ mỗi khi kể lại ánh mắt em vẫn còn nguyên niềm mơ mộng ngày nào.
Nhà ngoại nghèo lại nuôi ba đứa cháu nên Trang không thể được cắp sách đến trường như nhiều bạn khác. Cô bé theo bà ra chợ phụ bán cá thác lác. Thời gian còn lại Trang học lớp bồi dưỡng văn hóa miễn phí của bà Lê Thị Ngà - tổ viên tổ bảo vệ dân phố phường Cầu Kho.
Có lần quay trở lại lớp học người mẫu, ngồi ngoài hành lang nhìn vào ô cửa kính sáng choang ánh điện và xập xình tiếng nhạc, Trang ngẩn ngơ nhìn bằng đôi mắt rơm rớm nước và đầy mong ước. Cô bé thủ thỉ: “Em vẫn đang để dành tiền, đợi chừng nào đủ mấy tháng đóng học phí em sẽ đi học lại. Em muốn trở thành người mẫu vì đó là ước mơ của em và có thể phụ giúp được cho ngoại”.
Từ hàng thịt đến sàn catwalk
“Cảm giác lần đầu đứng trước hàng trăm người diễn catwalk, em vừa hồi hộp vừa sung sướng. Phía trước đông người nhưng dường như em chẳng nhìn vào ai, chỉ cố gắng đi thật thẳng, làm sao cho người xem thấy được vẻ đẹp của hình thể và trang phục”, người mẫu 17 tuổi Lê Đình Thuận (một học sinh lớp 12 ở Q.Bình Thạnh) kể lại cảm giác của show diễn catwalk đầu tiên. Đó là lần biểu diễn cho một nhãn hàng thời trang khá nổi tiếng.
Nội dung chính của chương trình là phần ra mắt bộ sưu tập - dành cho nữ - nên các người mẫu nam chỉ được xuất hiện một chút sau khi người mẫu nữ đã diễn xong. Nhưng đối với Thuận, đó là một kỷ niệm đẹp, đánh dấu con đường đến với nghề người mẫu và show diễn đó cậu nhận được khi mới học một thời gian ngắn.
Bà Nguyễn Thúy Nga, giám đốc Công ty người mẫu Elite, cho biết: “Không thể phủ nhận với tính chất nghề nghiệp nên các cô gái trẻ trong nghề dễ tìm được cơ hội thăng tiến trong cuộc sống và cũng có điều kiện để có được những cơ hội tốt. Tuy nhiên mọi cái cũng không phải dễ dàng và lúc nào cũng đẹp như ánh đèn sân khấu, nhất là những gì được coi là “trao đổi”. Nhưng tôi nghĩ rằng việc mơ ước được đứng dưới ánh đèn sân khấu, được trở thành người nổi tiếng là điều ai cũng mong muốn và cũng là điều tốt cho giới trẻ để có động lực phấn đấu trong cuộc sống. Tuy nhiên nếu các em được gia đình giáo dục, quan tâm, định hướng đúng thì con đường các em đi sẽ ổn định, chắc chắn và tương lai hơn”. |
“Học nghề này chủ yếu là con nhà khá giả mới theo được. Các bạn sành điệu lắm. Em cũng hơi buồn vì thấy mình khác biệt với mọi người trong lớp quá. Nhiều khi mấy bạn học xong kéo nhau đi ăn uống, đi chơi, rồi quần này áo nọ... nhưng với nhà em, một là không có điều kiện, hai là mẹ không muốn em trở nên đua đòi nên học xong là em về nhà liền” - Thuận thật thà nói. Thuận chỉ có một người bạn rất cao, gầy, ít nói và cũng có hoàn cảnh tương tự em. “Sau một thời gian tiếp xúc với nghề, em nhận ra để trở thành người mẫu không hề đơn giản như chỉ là đi thẳng, đánh tay - cậu học sinh chiêm nghiệm - Không chỉ là năng lực của bản thân, mình còn cần những mối quan hệ, làm sao cho người ta biết tới mình, cần chứng tỏ để có thể tỏa sáng. Nhiều khi thấy bạn bè được săn đón chụp hình cho tạp chí này, sự kiện nọ... em cũng buồn”.
Dù gia đình không dư dả gì nhưng cha mẹ rất ủng hộ Thuận, nhất là mẹ, rất kỳ vọng con mình sẽ trở thành người mẫu. Chị tâm sự: “Hồi tôi 20 tuổi, cao 1,6m, học hành đàng hoàng. Lúc đó tôi cũng mong ước được thành người mẫu, đi thi các cuộc thi liên quan đến sắc đẹp. Nhưng hoàn cảnh gia đình quá nghèo, dưới tôi còn bảy đứa em đang tuổi ăn học. Tôi đành gác lại ước mơ của mình. Nay con tôi có khả năng như vậy, tôi phải lo đầy đủ cho con”.
Nhìn người phụ nữ ngoài 40 tuổi còn mặn mà gửi gắm ước mơ một thời của mình cho con trai, mà hỏi ra mới biết cả hai mẹ con ít khi đọc báo, cũng không biết muốn trở thành người mẫu phải như thế nào, không biết gì về giới biểu diễn... “Tôi đã nghe về những chuyện thị phi trong giới biểu diễn, đã coi mấy bộ phim nói về nghề người mẫu, cũng lo sợ nhưng số phận mà, phải cố gắng thì mới biết được mình ra sao” - mẹ Thuận trầm tư nói.
Hai bàn tay người mẹ chai sần và đỏ ửng vì cầm dao phớ chặt xương heo, đôi mắt thâm quầng do thức từ 2g sáng, vẫn sáng bừng khát khao cho con trở thành người mẫu, được sải những bước chân đầy kiêu hãnh trên sàn catwalk...
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Kỳ 1: “Lò” luyện siêu mẫu nhíKỳ 2: Những giọt mồ hôi conKỳ 3:Gặt “lúa non”Kỳ 4:Cạm bẫyKỳ 5: Sau ánh hào quang
------------------------------------
Kỳ tới: Sự cám dỗ của tiếng và tiền
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận