01/07/2012 09:12 GMT+7

Chuyện ở phòng hiến tạng

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - Mỗi năm tại Bệnh viện Việt - Đức có hàng ngàn bệnh nhân bị tai nạn chết não nhưng lượng người hiến tạng là quá ít. Giáo sư Nguyễn Tiến Quyết, giám đốc Bệnh viện Việt - Đức, cho rằng đa số người thân các bệnh nhân không sẵn sàng hiến tạng bởi quan niệm Á Đông và tình cảm đối với người đã khuất.

PlpNC4MK.jpgPhóng to
Anh Bùi Văn Nam lập bàn thờ người đã hiến tạng cho mình và thường xuyên thắp hương - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP

Bị chửi!

“Ở VN việc ghép thận thì có nhiều ca hiến sống nhưng bệnh nhân ghép tim thì không thể, mỗi bệnh nhân có chỉ định ghép tim đều buộc phải trông đợi vào nguồn tạng của người cho chết não” - PSG TS Đồng Đức Hệ, giám đốc Trung tâm điều phối và tư vấn hiến tạng Bệnh viện Việt - Đức, cho biết.

Kể từ ca ghép tim đầu tiên tại bệnh viện, không ít lần chính giám đốc Bệnh viện Việt - Đức phải trực tiếp đứng ra thuyết phục người nhà bệnh nhân chết não hiến tạng. Tuy nhiên, chính giáo sư Nguyễn Tiến Quyết cũng thừa nhận: “Không ít lần tôi bị người nhà bệnh nhân chết não chửi thẳng vào mặt. Ai muốn ăn chửi cứ chạy ngay xuống phòng cấp cứu mà hỏi thử người nhà bệnh nhân chết não mà xem”. Tuy thế, ông cũng nói hoàn toàn hiểu tâm lý đau buồn của gia đình khi biết sẽ mất đi người thân nên chẳng dễ gì người ta chấp nhận lời đề nghị mà còn chưa được phổ biến rộng rãi như vậy.

Cũng không nằm ngoài hoàn cảnh như giáo sư Quyết, thiếu tướng, PGS.TS Hoàng Mạnh An, giám đốc Bệnh viện 103, đơn vị đầu tiên ghép tim, ghép gan và ghép thận thành công trên người, cho biết chính ông không ít lần “muối mặt” trước các đồng nghiệp và người nhà bệnh nhân vì thuyết phục gia đình bệnh nhân hiến tạng: “Họ chửi làm bác sĩ không lo cứu người đi, không nhiệt tình cứu cho người ta sống mà lại vận động người ta cho tạng. Không muốn cứu sống người chỉ để lấy tạng thôi có phải không?”.

Thiếu tướng An cũng cho rằng không chỉ là tình cảm của gia đình mà còn là quan niệm của phần lớn cộng đồng. Đến nay, đa số gia đình đồng ý hiến tạng người chết não đều là những gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn, còn những nhà khá giả không ai tình nguyện hiến tạng người thân.

Thừa nhận sự khó khăn này, PGS Phạm Bá Hệ, người trực tiếp điều hành trung tâm điều phối và tư vấn hiến tạng, cho rằng ngay cả khái niệm chết não bây giờ cũng rất khó giải thích để người nhà bệnh nhân hiểu. Đa số vẫn cho rằng tim còn đập, mũi còn thở thì “còn nước còn tát” dù 100% ca bệnh nhân chết não chắc chắn sẽ tử vong trong thời gian ngắn.

hwU62krD.jpgPhóng to
Các bác sĩ Bệnh viện Việt - Đức trong một ca ghép tạng - Ảnh: HẢI TRANG

Tình nguyện và tư vấn

Trong căn phòng còn mới nguyên mùi sơn tại trung tâm điều phối và tư vấn hiến tạng Bệnh viện Việt - Đức có hai người đến xin tư vấn hiến tạng. Người đàn ông có làn da sạm đen và gương mặt hốc hác ở Hưng Yên cùng một phụ nữ nói quê ở Ninh Bình. Người đàn ông cho biết anh bị suy thận gần hai năm nay và đây là người thân thứ tư anh đưa đi tư vấn hiến thận bởi cả ba ca trước đều không phù hợp.

Gương mặt khá rụt rè khi trả lời bác sĩ, người phụ nữ sinh năm 1976 cho biết chị là em kết nghĩa của người đàn ông cần ghép thận. Sau khi hỏi các thủ tục về nhân thân người hiến, nhân viên tư vấn hỏi người phụ nữ các thông tin như: chị biết gì về việc hiến tạng, chị có biết mình thuộc nhóm máu gì, gia đình chị còn những ai, liệu họ có đồng ý cho chị hiến tạng không, lý do gì khiến chị tình nguyện hiến tạng...

Sau tất thảy những câu hỏi để cho thấy giữa người cho và người nhận là hoàn toàn tự nguyện ấy, các bác sĩ còn phải làm thủ tục xét nghiệm xem các chỉ số giữa người hiến và người nhận có phù hợp hay không. Đến phút cuối cùng trước khi vào phòng phẫu thuật các câu hỏi này vẫn tiếp tục được đưa ra.

Chìa ra một tập hồ sơ của những người tình nguyện hiến tạng, tư vấn viên tên Đào tiết lộ: “Nhanh nhất cuối năm nay những người có đơn tự nguyện hiến tạng sẽ được cấp thẻ chứng nhận”.

Điều bí mật trong di chúc

Trong lá đơn đề tháng 6-2010, một người đàn ông có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội viết: “Sau nhiều ngày suy nghĩ tôi tình nguyện xin hiến nội tạng và xác của tôi sau khi chết cho công tác nghiên cứu khoa học của bệnh viện”, đồng thời ông đề nghị được tư vấn và xin ý kiến về việc này. Liên lạc với người đàn ông này (ông đề nghị được giấu tên) thì ông cho biết khi trước ông tham gia quân ngũ và có một số đồng đội hiện đang sinh sống tại TP.HCM, gặp đồng đội, nghe bạn kể về việc tình nguyện hiến xác và hiến tạng để phục vụ công tác y học, ông cũng tìm hiểu và làm đơn gửi đến Bệnh viện Việt - Đức, Viện 108, Viện 103 và Trường đại học Y Hà Nội. “Tôi chỉ nghĩ rằng khi chết đi cũng chẳng còn biết gì nữa, thân thể hóa thành cát bụi. Bởi vậy nếu giúp ích gì được cho đời thì nên làm”.

Có một bản di chúc khác của một cặp vợ chồng được lập tại một văn phòng luật sư tại Hà Nội. Sau khi đề cập đến việc chia tài sản trong nhà cho các con, cắt đặt việc thờ cúng, ở phần cuối bản di chúc viết: “Mẹ muốn sau khi mẹ qua đời các con không phải chôn cất mẹ, mẹ muốn hiến tặng toàn bộ cơ thể mẹ cho Bệnh viện Việt - Đức để nghiên cứu khoa học nên các con không cần phải chôn cất mẹ theo phong tục”. Tuy nhiên, khi liên lạc với hai người lập di chúc thì cả hai bác đều đề nghị được giữ bí mật: “Hiện tại các con tôi chưa được biết đến điều này, và chúng tôi cũng không muốn những người ngoài biết bởi đây là nguyện vọng và việc riêng của cá nhân tôi”.

Tri ân thế nào?

Luật pháp cấm mọi hình thức mua bán, thương mại liên quan đến tạng nên việc ghi nhận thế nào, hỗ trợ ra sao đối với những gia đình và cá nhân hiến tạng lại là chuyện “rất riêng” của bệnh viện và do giám đốc các bệnh viện quyết. Ví như tại Bệnh viện Việt - Đức, nơi có số người tự nguyện hiến tạng khi chết não nhiều nhất hiện nay, cũng tự làm một số động tác tri ân đối với gia đình, thân nhân người hiến tạng: cấp giấy xác nhận công lao đóng góp đối với khoa học để cứu người, tất cả anh chị em, người thân của người hiến tạng được ưu tiên như nhân viên bệnh viện: miễn giảm viện phí, giúp đỡ khi gia đình gặp khó khăn, nếu người hiến tạng có con cái được học về ngành y hoặc dược sẽ được ưu tiên vào làm việc tại Bệnh viện Việt - Đức... Dù vậy, việc thuyết phục gia đình các bệnh nhân chết não vẫn gặp vô vàn khó khăn. “Thậm chí có gia đình hiến tạng của con em rồi về, không dám nhận bất cứ hành động tri ân nào từ phía bệnh viện bởi họ sợ hiểu lầm” - một nhân viên tư vấn hiến tạng cho biết.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Được sống, với trái tim người khác Kỳ 2: Nỗi khổ hồi sinh Kỳ 3: Như vẫn còn sống đâu đó Kỳ 4: Sống trong chờ đợi

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên