24/06/2012 08:03 GMT+7

Thầy Hải của Trường An Lạc Thôn

8 năm và 19 giải thưởng
8 năm và 19 giải thưởng

TT - Hiếm có ngôi trường THPT nào ở ĐBSCL nổi tiếng như Trường THPT An Lạc Thôn (xã An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng). Ngôi trường nằm ở vùng sâu vùng xa này nổi tiếng bởi một lẽ: đoạt rất nhiều giải thưởng khoa học nhưng thầy trò lại không có tiền đi nhận.

7KYAsnLQ.jpgPhóng to
Thầy Nguyễn Ngọc Hải - Ảnh: TẤN THÁI

Đằng sau mỗi công trình nghiên cứu, đằng sau mỗi chuyến đi nhận giải thưởng là câu chuyện về một người thầy luôn tâm niệm: “Tiền nhiều lúc không phải là thứ quan trọng nhất”. Đó là thầy Nguyễn Ngọc Hải - trưởng bộ môn sinh hóa, đồng thời là giáo viên dạy sinh học của trường.

“Chuyện xưa” kể lại...

“Chuyện xưa” ấy xảy ra năm... 2011, khi nhóm học sinh Lý Công Hiển, Nguyễn Trí Hảy, Nguyễn Thanh Liêm (học sinh lớp 11A2) với đề tài “Thu giữ dầu loang bằng vỏ tràm” dưới sự hướng dẫn của thầy Hải đã vượt qua 811 bài dự thi của các trường THPT trên cả nước giành giải nhất cuộc thi cấp quốc gia mang tên Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước (lần 8-2011), và tiếp tục được chọn dự giải thưởng Stockholm, Thụy Điển về nguồn nước thế giới.

Ngôi nhà đa chức năng

Thầy Hải năm nay 39 tuổi, quê xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Thầy về Trường An Lạc Thôn đến nay đã 15 năm. Công tác được bốn năm thì thầy cưới vợ là một đồng nghiệp tại trường. Dạy học đã 15 năm nhưng vợ chồng thầy Hải vẫn chưa tích lũy mua được nhà. Ban đầu vợ chồng thầy ở nhà tập thể, hơn bốn năm nay vợ chồng thầy đã dọn vào “nhà mới” là phòng số 1 của dãy nhà công vụ nằm phía sau Trường mẫu giáo An Lạc Thôn. Căn phòng ngang 3m dài khoảng 9m, trong đó 1/3 thầy làm nơi chứa sách, bàn đọc sách và dạy kèm học sinh, 2/3 còn lại dùng để ở nên không gian khá chật chội.

Căn phòng ấy bây giờ chật chội hơn vì phải chừa thêm “chỗ ở” cho kệ sách. Thầy khoe: “Sau chuyến đi Hà Nội lãnh giải thưởng tôi nhận được nhiều sách quý do các cô chú, các công ty gửi tặng. Sách đem về mà để không là có tội với người tặng, vì vậy tôi nhờ thợ đóng một giá sách để các em đến đọc và tìm hiểu nhằm mở rộng kiến thức”.

Vì đơn vị chủ quản cuộc thi và địa phương không cấp kinh phí, thầy trò bắt đầu đi xin tiền để ra Hà Nội nhận giải thưởng. Gần đến ngày nhận giải, trong túi chỉ có vài triệu đồng vay mượn, thầy Hải cùng học trò quyết định đi tàu lửa ra Hà Nội để nhận giải, may thay có một ngân hàng đã đồng cảm tài trợ cho thầy trò 20 triệu đồng.

Sau khi biết đề tài của thầy trò được chọn đi Thụy Điển nhân Tuần lễ nước thế giới (21-8-2011) nhưng kinh phí lại tự túc, thầy Hải tiếp tục gõ cửa khắp nơi. Dịp này, nhiều tờ báo đã viết về câu chuyện này và một doanh nghiệp xây dựng tại địa phương đã hứa tài trợ cho thầy trò. Và thầy trò lại đón xe đò ra Hà Nội làm visa đi Thụy Điển. Éo le thay, đang chuẩn bị đến Đại sứ quán Thụy Điển làm thủ tục thì doanh nghiệp nói trên điện thoại cho biết họ không tài trợ nữa. Vậy là thầy trò bắt xe đò quay về Sóc Trăng... Giấc mơ đến Thụy Điển tưởng nằm trong tầm tay cuối cùng vụt mất...

Nhớ lại chuyện cũ, thầy Hải kể tiếp: “Nhưng bất ngờ được Tập đoàn Viettel tài trợ kinh phí cho thầy trò đi báo cáo. Khi nhận được tin, thầy trò mừng quýnh lại ra Hà Nội đến Đại sứ quán Thụy Điển làm các thủ tục cần thiết để được cấp visa. Tuy nhiên thời gian ngắn quá chỉ còn bốn ngày nên việc cấp visa rất khó khăn, thầy trò đứng ngồi không yên. Rất may được sự giúp đỡ tận tình của một số lãnh đạo cấp cao và Đại sứ quán Thụy Điển nên thủ tục hoàn thành vào giờ chót.

Mắc nợ ân nhân

Những năm đầu của cuộc thi quốc gia Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước, khi đề tài đoạt giải thì ban tổ chức có tài trợ tiền đi lãnh giải thưởng. Tuy nhiên trong vài ba năm trở lại đây, vì nhiều lý do ban tổ chức không tài trợ chi phí đi lại cũng như nơi ở. Vừa rồi, vào đầu tháng 6-2012 khi thầy trò Trường An Lạc Thôn hay tin có đề tài đoạt giải ba và khuyến khích cuộc thi lần 9 (do Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Tài nguyên và môi trường, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN, báo Khoa Học và Đời Sống, Quỹ hội SIDA của Thụy Điển đồng tổ chức - PV) thì lại lo.

Thầy Hải nói: “Đoạt giải thưởng dù lớn hay nhỏ nhưng đối với các em học sinh vùng sâu như An Lạc Thôn là một niềm tự hào. Cảm giác khi được ban tổ chức xướng tên rất khó tả. Vì vậy dù khó nhưng trong thâm tâm tôi vẫn mong các em đi nhận giải”. Đối với nhiều gia đình chi phí ra Hà Nội nhận giải không là vấn đề, nhưng với các em Trường An Lạc Thôn lại khó khăn. Cha mẹ các em làm ruộng không dư dả. Khi nghe nói đến khoản tiền 5-7 triệu đồng cho một chuyến ra thủ đô Hà Nội lãnh giải thì “tím tái mặt mày”. Khi biết được hoàn cảnh như vậy, một lãnh đạo Sở Nội vụ tìm cách giúp cả đoàn bốn em học sinh một phần kinh phí ban đầu là 5 triệu đồng, còn lại thầy trò... liệu bề mà tính.

Và thầy trò lại lên đường nhận giải, đi vì tin tưởng xung quanh mình có rất nhiều nhà tài trợ. Ví như ra đến Hà Nội, thầy trò Trường An Lạc Thôn có ngay nơi ở nhờ, đó là nhà của bà Trần Thị Mai Loan (ở đường Phùng Sĩ Kiên, quận Cầu Giấy). Chuyện có chỗ tá túc khi đi nhận giải cũng là tình cờ, bà Mai Loan kể: “Tôi biết thầy Hải thông qua con tôi khi đi lãnh giải cuộc thi quốc gia Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước. Biết được hoàn cảnh khó khăn nên lần nào tôi cũng mời thầy trò Trường An Lạc Thôn về nhà tôi để đỡ tốn tiền ăn, tiền ở”.

Suốt buổi trò chuyện, thầy Hải cho biết nhiều cô, chú đã giúp năm thầy trò trong suốt hành trình, dù có thời điểm rất lo lắng vì sợ có tiền đi mà không có tiền về. May mà thầy trò Trường An Lạc Thôn luôn có nhiều ân nhân.

Đề tài nghiên cứu của thầy trò nghèo

Do thiếu phòng thí nghiệm, thiếu kinh phí nên để làm các đề tài, các nhà khoa học tuổi học trò lấy các vật liệu đơn giản tại địa phương, xung quanh cuộc sống thường nhật hằng ngày như bèo, bông gòn, than, con hến hoặc các phế thải trong nông nghiệp như xơ dừa, bã mía... Khi thực hiện đề tài nghiên cứu, thầy trò thầy Hải “đụng” phải không ít rào cản. Khi đi phỏng vấn, lấy mẫu về phân tích không ít cơ sở sản xuất, hộ chăn nuôi từ chối thẳng thừng.

Thiếu thiết bị, dụng cụ làm thí nghiệm, thầy Hải tự mày mò sáng chế từ những vật liệu có sẵn đã qua sử dụng hoặc phải lặn lội lên tỉnh, lên TP Cần Thơ. Khi thực hiện đề tài, nhà công vụ nơi thầy ở trở thành “phòng thí nghiệm” mini và cũng là nơi thầy trò cùng ăn, cùng ở và cùng nghiên cứu khoa học.Khi phân tích các chỉ số nước thầy lặn lội lên TP Cần Thơ gửi mẫu phân tích... Bình quân mỗi đề tài khoảng 3 triệu đồng. Tính từ ngày tham gia giải thưởng đến nay số tiền thầy Hải bỏ ra (trên 20 đề tài) đã trên 100 triệu đồng. Khi nghe chúng tôi hỏi sao thầy không để dành tiền làm chuyện khác, thầy Hải chỉ nói: “Tiền nhiều lúc không phải là thứ quan trọng nhất”.

Thầy Hải tâm sự điều làm thầy rất vui là nhiều công trình khoa học tuổi học trò đã đi vào chính cuộc sống gia đình của các em và những cư dân sống tại địa phương. Đặc biệt đề tài Sử dụng đèn cực tím và các vật liệu sẵn có ở địa phương để loại bỏ các chất độc hại và các vi sinh vật trong nước mưa nhằm đạt yêu cầu nước uống (đoạt giải ba năm học 2007-2008) đã được Trung tâm Nâng cao nhận thức cộng đồng (Bộ Tài nguyên và môi trường) hỗ trợ kinh phí nghiên cứu và ứng dụng thí điểm cho một số hộ dân xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.

VPaUy2UW.jpgPhóng to
Thầy Hải cùng các học trò của mình trong chuyến đi báo cáo ở Thụy Điển - Ảnh do thầy Hải cung cấp

Dù còn nhiều khó khăn nhưng trong tám năm liên tiếp tham dự cuộc thi quốc gia Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước, các em học sinh Trường An Lạc Thôn đã “rinh” về 19 giải thưởng, trong đó có hai giải nhất (đồng thời hai đề tài cũng đoạt giải Sáng tạo trẻ 2007 và Sáng tạo trẻ 2011 do Bộ Khoa học - công nghệ và Trung ương Đoàn tổ chức), tám giải ba, bảy giải khuyến khích, hai giải tập thể. Theo các em học sinh, toàn bộ kinh phí làm đề tài do thầy Hải... tài trợ.

8 năm và 19 giải thưởng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên