25/05/2012 10:30 GMT+7

Chạy đua với tử thần

ĐOÀN CƯỜNG - TẤN VŨ
ĐOÀN CƯỜNG - TẤN VŨ

TT - Người chết vẫn chết, số người mắc bệnh vẫn chưa dừng lại và nguồn cơn căn bệnh vẫn mịt mờ. Nỗi sợ bao trùm từng ngóc ngách trong những khu làng nhỏ. Thầy cúng rời làng trong e sợ. Người bệnh nơi đây đang tự cứu mình, ngày qua ngày họ như đang chạy đua cùng thần chết...

Kỳ 1: Xơ xác làng Rêu Kỳ 2: Côi cút trong vùng “bệnh lạ” Kỳ 3: Truy tìm nguồn cơnXem toàn bộ thông tin về "bệnh lạ" trên TTO

WRwzg40b.jpgPhóng to
Thầy cúng Phạm Văn Tênh đã rút khỏi làng Rêu vì sợ bệnh lạ - Ảnh: Tấn Vũ

Thầy cúng cũng sợ bệnh “lạ”

Trên khắp những con đường lổn nhổn đá dẫn vào làng Rêu, làng Tương hay Gò Nghênh của xã Ba Điền đều thấy những giàn thờ cúng được dựng bằng tre, phía trên là những bộ xương heo, gà đã trắng ởn, bạc phếch. Không chỉ cúng trên đường, phía trước những ngôi nhà sàn của người Ba Điền đều có bàn thờ để cúng thần linh mong xua đuổi đi căn bệnh quái lạ khỏi cộng đồng. Biết bao nhiêu lễ cúng đã được người H’Rê nơi đây kính cẩn thực hiện và họ vẫn chờ đợi phép nhiệm mầu sẽ mang sức khỏe, bình yên đến với bản làng.

Già làng Phạm Văn Mứ (làng Rêu) kể rằng mỗi khi có người chết bất đắc kỳ tử là chủ nhà phải cúng và cả làng cũng phải cúng thần linh để họ nhận hồn về âm phủ, không ở trên quấy phá dân làng. Đã hơn 70 năm sống ở ngôi làng này, già Mứ tâm sự chưa bao giờ thấy người dân nơi đây lập bàn thờ cúng nhiều đến vậy. Ban đầu, họ còn qua Ba Vinh, Ba Thành... mời các thầy cúng cao tay về làm lễ giúp làng. Nhưng từ khi có hàng loạt người chết vì bệnh “lạ” thì mời thầy cúng không chịu về nữa vì sợ... bệnh “lạ”.

Những tháng trước, thầy cúng Phạm Văn Tênh (xã Ba Vinh) vẫn đến Ba Điền để làm lễ cúng cho dân trong làng. Ông chăm chút lập chiếc bàn thờ bằng những miếng tre rừng được cắt mỏng lịm. Ông lấy ba cây mây già cứng cựa được dựng đứng làm giá đỡ. Phía trên bàn thờ là một con gà trống luộc mào đỏ tươi và buộc sợi chỉ nhỏ kéo ngang qua cổ. Một ít muối sống và vôi gói lá cây dong đặt giữa mâm cúng.

Thầy đốt một đoạn gỗ giường của người xấu số và khấn lầm rầm bằng tiếng H’Rê. Đây là lễ cúng mà ông đã cúng cho những người chết vì bệnh “lạ” ở Ba Điền với mong ước đồng bào hết bệnh tật. Nhưng rồi những ngày qua, thầy Tênh cũng không dám bén mảng đến Ba Điền nữa mà chỉ đi làm lễ ở các xã gần đó mà thôi.

“Mình cúng mà không hết bệnh “lạ” thì cũng sợ bị lây chứ. Có nhiều người chết quá nên mình không qua Ba Điền làm lễ nữa” - thầy Tênh thành thật nói. Không mời được thầy cúng, vậy là người dân Ba Điền phải tự sắm lễ để xin thần linh phù hộ. Nhưng điều mong ước đó vẫn chưa thành sự thật.

Cái chết và sự sợ hãi tiếp tục bủa vây làng. Lại có những đứa trẻ bị bệnh “lạ” mà chết khiến người H’Rê càng hoang mang hơn. Những già làng ở đây tâm sự rằng người H’Rê rất sợ ma, chẳng ai vào nghĩa địa của người đã khuất. Họ chỉ vào rừng ma khi có người thân bị chết, khi chiếc quan tài đặt xong xuống huyệt, chẳng còn ai dám quay lại khu rừng đó bao giờ.

Chúng tôi cố tìm để thuê một người dẫn vào nghĩa địa nhưng khi nhắc đến rừng ma thì họ đều co rúm người lại vì sợ. “Có thêm nhiều người chết, rừng ma càng ghê hơn, không đi được đâu. Ngay cả đám ma hàng xóm mình còn đóng cửa ở nhà chứ không dám qua” - anh Phạm Văn Dé xua tay từ chối.

Os86pqxx.jpgPhóng to

Làng Rêu tiêu điều sau những tháng ngày bệnh tật - Ảnh: Tấn Vũ

Niềm tin cuối cùng

Bệnh “lạ” ở Ba Điền đã xuất hiện từ năm 2009, nhưng lúc đó ngành y tế chưa có nghi ngờ gì. Đến khi căn bệnh này bùng phát và cướp đi 21 mạng sống con người thì bà Đặng Thị Phượng - giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) - cũng phải thốt lên rằng: “Tôi cũng sợ bệnh lạ!”.

Trong lúc tuyệt vọng nhất thì những đoàn xe của Bộ Y tế về đến Ba Điền đã mang theo niềm tin duy nhất đến với người H’Rê nơi đây. “Thấy họ lùng sục khắp nơi và lấy máu, lấy tóc, móng tay... của tụi tôi để tìm cái bệnh “lạ” nên mình cũng yên tâm. Nhưng rồi chờ hoài, chờ mãi mà bệnh chẳng thấy hết” - chị Phạm Thị Sơ (Gò Nghênh) nói giọng buồn hiu hắt.

Nhiều ngày trôi qua nhưng những thông tin về nguyên nhân bệnh “lạ” vẫn mù mờ, để rồi trước ngày rời khỏi Ba Điền, ông Phan Trọng Lân - cục phó Cục Y tế dự phòng, chốt lại một câu: “Vẫn chưa tìm ra nguyên nhân bệnh”. Lãnh đạo của Bộ Y tế cũng đã kịp tặng thuốc bổ cho người dân vùng bệnh “lạ” Ba Điền trước khi về Hà Nội.

Đoàn công tác của Bộ Y tế rút đi, nhưng nỗi lo về bệnh tật, chết chóc vẫn ở lại với dân Ba Điền. Cứ vài ngày có thêm người mắc mới, lại có thêm người bị bệnh nặng... và dân vẫn cứ âu lo.

Ông Lê Hàn Phong - chủ tịch UBND huyện Ba Tơ - thẳng thắn nhìn nhận: “Người H’Rê rất tin vào tâm linh nhưng đã không giúp họ vượt qua bệnh “lạ”. Vì thế đây là cơ hội rất lớn cho ngành y tế bởi mọi niềm tin họ đều trông vào đây. Nếu ngành y tế chậm trễ hoặc không tìm ra nguyên nhân bệnh thì không chỉ có lỗi với dân mà còn làm khổ địa phương”.

Theo ông Phong, cái khổ của địa phương là đã rất tốn công sức để khuyên dân Ba Điền không nên tin vào mê tín dị đoan mà phải là khoa học. Nhưng khoa học không trả lời được căn bệnh này là gì thì sẽ mất tất cả. Sau này huyện Ba Tơ muốn làm việc, phổ biến chủ trương chính sách với dân sẽ khó hơn lên trời. Và dân ở đây sẽ co cụm lại, không muốn tiếp xúc với bên ngoài. Lãnh đạo huyện Ba Tơ còn lo lắng hơn bởi không chỉ có Ba Điền mà còn nhiều xã khác đang nhìn vào vùng bệnh “lạ”. Làm sao để dân yên lòng thì còn tùy vào ngành y tế.

“Nói các anh đừng cười. Dân họ xin trâu cúng làng tôi cho ngay. Miễn sao dân tin hết bệnh là mình vui rồi. Chúng tôi cho tiền thông qua các đoàn thể để bà con cúng làng, cúng xóm. Tôi cũng cầu mong sao cho dân của mình mau vượt qua khổ ải này” - ông Phong tâm sự.

Ngày đoàn công tác của Bộ Y tế đưa hàng chục xe xuống với gần 70 người khiến người dân nơi đây vui khôn tả. Nhưng niềm vui đó đã chưa trọn vẹn khi đoàn ra đi mà chưa có câu trả lời cho dân vùng bệnh “lạ”. Cho đến ngày Bộ Y tế tổ chức họp báo, cả vùng Ba Điền đều ngóng đợi, dõi mắt lên màn hình tivi nhưng rồi họ vẫn buồn thiu...

_______________________

Đón đọc số tới:

Gỗ sưa - ai khóc, ai cười?

Vụ náo động vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trong một tháng qua vì ba cây gỗ sưa cổ thụ bị triệt hạ chưa hẳn đã là đỉnh điểm của cơn lốc buôn bán, tàn sát, trộm cướp gỗ sưa đã diễn ra nhiều năm qua trên đất nước ta... Phóng viênTuổi Trẻđã lần theo hành trình cơn sốt gỗ sưa từ nhiều năm qua ở nhiều miền đất nước.

ĐOÀN CƯỜNG - TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên