09/12/2011 09:02 GMT+7

Bỗng dưng bị... già! - Kỳ cuối: Hành trình hi vọng

MY LĂNG - ĐOÀN CƯỜNG
MY LĂNG - ĐOÀN CƯỜNG

TT - 15 năm đau khổ, giày vò chống chịu với căn bệnh lạ không thể gọi tên chừng như đã dập tắt, giết chết hi vọng hồi sinh lại gương mặt, lại dáng hình đúng với cái tuổi của mình trong Ngọc Mai. Dấu vết của nó còn nguyên vẹn trong ký ức và những niềm tâm sự.

VTD1G1GU.jpgPhóng to

Liệu hạnh phúc có mỉm cười với tương lai chị Mai? - Ảnh: Đoàn Cường

Kỳ 1: Tuổi thơ bị đánh cắp Kỳ 2: Ô mai đắngKỳ 3: Trời xanh khéo thử lòng người

Đi qua bóng đêm

“15 năm với tôi đó là những tháng ngày dài đằng đẵng, luôn luôn đối diện với nỗi sợ, chán nản, mặc cảm và tự ti. Đến bây giờ, đã biết bao đêm tôi quay mặt vào tường cắn chặt răng để khóc không thành tiếng. Tôi không muốn mẹ biết mình buồn, mình đau. Mẹ và bố đã khổ vì tôi nhiều rồi.

Từ khi tôi bị bệnh, chưa một ngày bố mẹ được vui vẻ, nhẹ nhõm. Tôi thấy thương và thấy có lỗi với bố mẹ dù đó không phải là điều tôi cố tình làm. Bố mẹ người ta tự hào có đứa con xinh xắn, giỏi giang, lành lặn bình thường. Còn bố mẹ tôi từng rất mặc cảm, đau khổ khi thấy con gái mình bị như thế. Nhưng họ chưa từng từ chối tôi, xa rời tôi. Nếu không có bố mẹ, các anh em trong nhà, chắc chắn tôi đã không còn sống đến ngày hôm nay. Anh trai và em trai của tôi là những người thanh niên dám đi bên cạnh tôi, một cô gái có gương mặt bà già mà không sợ bị chế giễu. Họ đã cố gắng cho tôi cảm giác của một người bình thường. Bố mẹ tôi luôn bảo vệ, che chở tôi như những ngày tôi còn rất nhỏ. Bệnh tật đã cướp đi của tôi nhiều thứ, nhưng phần nào khiến tôi an ủi là tình cảm chân thành, sâu nặng của những người thân yêu nhất trong gia đình.

Nhưng điều làm tôi mặc cảm hơn, buồn khổ hơn là thái độ của những người bạn thời trẻ con của mình. Tôi đã cố mở rộng lòng mình ra, thử đến gần những người xung quanh nhưng chỉ rất ít người dám đón nhận tôi. Khi tôi mới phát bệnh, có những lúc tôi thấy buồn, thấy giận những người bạn trạc tuổi mình, xinh xắn hơn mình, nhà giàu có hơn mình nhưng cười cợt, chế giễu tôi, nhìn tôi bằng đôi mắt kiêu kỳ và khinh khỉnh. Khi tôi 15, 16 tuổi, tôi từng ước họ bị như mình để hiểu nỗi đau của tôi như thế nào. Tôi ghen tị và uất ức với cái bình thường, với cái xinh đẹp đáng ghét của họ. Tại sao người ta có thể lấy nỗi đau của bạn mình, lấy cái bất thường của bạn mình để cười cợt, chỉ trỏ với nhau?

Khi lớn hơn, tôi nhận ra chính sự vô tâm, chính thói thích trêu đùa gần như ác ý và thích chà đạp người khác, cái hãnh diện buồn cười của người ta đã ngăn tôi hòa nhập vào cuộc sống của mình. Tôi dần quen với cái lặng lẽ, việc né tránh, ẩn nấp như một thói quen khi thấy người lạ, thấy bạn bè, hàng xóm... Nhưng nỗi đau thì không thể nào quen được.

Bệnh tật đã lấy đi hết tuổi thơ của tôi, ngay cả những người bạn. Bạn của tôi chưa tới năm người. Tôi không có bạn thân, theo đúng nghĩa là có thể thoải mái tâm sự, chia sẻ buồn vui và cả những bất hạnh, những thứ khó nói. Nhiều khi tôi nghĩ mình cũng chẳng cần bạn nữa. Tôi cũng không cần phải chia sẻ, thổ lộ với ai. Vì không ai làm vơi bớt được nỗi đau đớn, bất hạnh của tôi. Tôi đã từng khóc đến nghẹt thở vì thấy mình như bị một bức tường tối tăm cao lớn chặn đứng trước mặt. Tôi mãi mãi mang gương mặt bà già đáng sợ này trên cơ thể mình?”.

Chờ mong phép mầu

Sáng 21-10-2011, đoàn bác sĩ chuyên khoa da liễu, nội tiết Bệnh viện Hoàn Mỹ (Đà Nẵng) đã đến nhà thăm khám cho chị Mai trong sự bất ngờ của cả gia đình. Bác sĩ Trần Văn Long - giám đốc Bệnh viện Hoàn Mỹ - thông báo: “Chị Mai có tiền sử bị dị ứng rất mạnh, bị mề đay mãn tính liên quan đến nhiều yếu tố của cơ địa. Việc chữa bệnh chắc chắn sẽ rất khó khăn, phải đưa bệnh nhân đi xét nghiệm, hội chẩn thêm”.

Niềm hi vọng tìm ra căn bệnh lạ chấm dứt những năm tháng dài đằng đẵng khổ sở của Mai đã lấp lánh trong các thành viên gia đình. Ông Phước, bà Mứt cùng các con vui mừng khôn tả. Bà Mứt cứ đi đi lại lại từ trong nhà ra ngõ: “Chỉ mong cho nó nhanh khỏi bệnh để không phải xấu hổ cứ cúi gằm mặt xuống không dám nhìn ai. Rồi có sức khỏe đi làm nuôi hai đứa con thơ nữa”. Còn Mai lúc đó cũng xúc động mạnh, đôi mắt đỏ hoe. Mai khóc miết. Chị nghẹn ngào chỉ nói được mấy lời: “Đằng đẵng thời gian qua quá là cực khổ rồi. Tôi đi ra đường lúc nào cũng phải bịt khẩu trang, phải cúi mặt xuống đất. Đến bồng con trên tay cũng không đủ sức lực...”.

Một cuộc hội chẩn quy mô lớn, liên viện với đội ngũ bác sĩ, chuyên gia đến từ Bệnh viện Đà Nẵng, ĐH Y Huế, Bệnh viện 199 (Bộ Công an), Bệnh viện quân y C17...và trực tuyến với các bác sĩ tại TP.HCM được tổ chức vào sáng 25-10. Rồi chiều 4-1, bác sĩ Trần Văn Long báo tin: đã có kết quả các xét nghiệm về sinh thiết da, tủy xương và một số xét nghiệm quan trọng khác. Các bác sĩ đã đi đến kết luận cuối cùng: bệnh chính của chị Mai là mề đay tự miễn mãn tính kèm theo thiếu protein và calo, viêm phế quản, viêm dạ dày... dẫn tới biến chứng là suy kiệt cơ thể nặng, viêm teo da dẫn đến lão hóa da. Từ những kết luận đó, chị Mai tiếp tục được truyền đạm và nước để bồi bổ, tăng sức đề kháng cho cơ thể; điều trị tập trung để dứt điểm bệnh viêm phế quản, đồng thời chữa thêm bệnh mề đay mãn tính.

Bác sĩ Trần Bá Thoại - trưởng khoa điều trị tổng hợp (Bệnh viện Hoàn Mỹ) - thông báo: “Với căn bệnh mề đay mãn tính thì chắc chắn không thể chữa dứt điểm được, chỉ có thể làm cho bệnh không xấu hơn. Tuy nhiên, căn bệnh này lại chịu nhiều ảnh hưởng của thời tiết. Việc chữa dứt không đơn giản. Còn lão hóa da thì hoàn toàn ngăn chặn được, dù không làm trẻ lại như ngày xưa nhưng có thể giúp da chị Mai căng hơn, đẹp hơn trước”.

Và thực tế sau gần một tháng được các bác sĩ chăm sóc và điều trị, chị Mai đã có thể nở nụ cười. “Tôi thấy mình có chuyển biến tốt hơn. Da đỡ nổi nốt sẩn đỏ và căng hơn, người cũng khỏe hơn”, chị Mai cho biết. Những ngày chị nằm viện ở Đà Nẵng, dù cách nhà 30km nhưng anh Thương (chồng chị) vẫn đều đặn chở hai đứa con ra chơi với mẹ. Cả gia đình họ vui vẻ chuyện trò, nô đùa.

Anh Thương bảo lâu lắm rồi mới thấy nụ cười hiện trên mặt vợ. Còn chị Mai thì bảo: “Dù biết việc chữa bệnh sẽ rất lâu nhưng tôi được mọi người quan tâm nên cũng nguôi ngoai phần nào. Không chỉ bác sĩ, nhiều người lạ ở khắp nơi cũng gọi điện thoại động viên và đến nhà để chia sẻ”. “Từ hồi Mai ra viện, tôi thấy Mai đỡ bị già hơn - chị Ái Diễm, hàng xóm của chị Mai, nhận xét - Từ hồi tôi về đây tới giờ không thấy Mai có bạn bè. Mai chỉ đi làm, đi chợ chứ không bao giờ đi chơi. Nghĩ đời cũng lắm bất hạnh. Chẳng có cái bất hạnh nào giống nhau...”.

Và điều hi vọng nhất là sau cơn ác mộng của tuổi thơ, người ta mong những bác sĩ của ngày hôm nay sẽ tạo nên những phép mầu cho cuộc đời người phụ nữ này...

Đón đọc số tới:

Những tử tù sẽ không còn phải bước ra trường bắn để thi hành án kể từ ngày 1-1-2012. Sẽ có phương pháp thi hành án ít đau đớn và ám ảnh hơn bằng cách tiêm thuốc độc. Trước khi cánh cửa pháp trường vĩnh viễn đóng lại, phóng viên Tuổi Trẻ ghi nhận câu chuyện sẽ trở thành ký ức về những nơi này.

MY LĂNG - ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên