Phóng to |
Một trong những bức ảnh hiếm hoi của vợ chồng chị Mai trong ngày cưới - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Sự “đổi vai” nghiệt ngã
Đôi bàn tay người phụ nữ mới 27 tuổi khẳng khiu, xương xẩu. Trên làn da mỏng tanh, nhăn nheo lấm tấm những vết thâm như bà lão. Khi Mai đứng cạnh mẹ của mình, dù bà Nguyễn Thị Mứt đã 52 tuổi nhưng sự đổi vai nghiệt ngã khiến nhìn bà trẻ hơn gương mặt con gái mình tới 10 năm. Đã bao nhiêu năm qua, biết bao nhiêu lần ra đường người ta cứ hiểu lầm Mai là chị của bà Mứt. Mai bảo đã biết bao nhiêu người nhầm lẫn nhưng chị vẫn buồn mỗi khi có ai ghé qua cửa hàng cứ vô tình gọi Mai là “cô”, gọi mẹ của Mai là “chị”. Nói Mai là con của bà Mứt, những người mới tới không tin dù giọng nói của Mai, dáng đi của Mai vẫn là một cô gái trẻ.
Mỗi khi bà Mứt có việc phải đi cùng con gái và con rể ra ngoài, ông Nguyễn Đình Phước - chồng bà Mứt - nhất quyết không chịu cho vợ đi cùng. Ông giải thích: “Lần nào người ta cũng hiểu lầm, nghĩ bả là vợ của thằng Thương còn con Mai là mẹ vợ”. Vừa rồi bà Mứt cùng con gái vào bệnh viện để khám, có người quen bà tới bắt chuyện. Nhưng người phụ nữ đó cứ nhìn chằm chằm vào Mai khiến chị ngượng ngùng phải lảng tránh cái nhìn săm soi ấy. “Chị đi với ai rứa?”, người quen ấy cứ nằng nặc hỏi khiến bà Mứt phải thở dài trả lời: “Con gái tui đó”. Vậy mà người phụ nữ ấy vẫn tiếp tục hỏi tới “Răng hắn già ghê rứa?” khiến hai mẹ con bà chỉ biết im lặng.
Ngoại hình và khuôn mặt quá già so với tuổi thật của mình đã làm cuộc sống vốn không bình lặng của chị Mai càng thêm rối rắm. Không nhớ nổi bao nhiêu lần chị phải khốn khổ mỗi khi đến bệnh viện. Đưa thẻ bảo hiểm, nhân viên bệnh viện nhìn chăm chăm rồi hỏi đầy nghi ngờ lẫn mỉa mai: “Bộ hết người mượn rồi hay sao mà mượn của người nhỏ tuổi quá vậy”. Chị Mai lại phải khổ sở và toát mồ hôi với khâu giải thích nhưng người ta vẫn không tin.
Duyên và nợ
Chị gặp anh Trần Thanh Thương - chồng chị bây giờ - trong lần anh đến tiệm may chị làm thuê ở đường Trần Hưng Đạo nhờ vá giùm cái quần lao động bị rách. Thấy anh chàng phụ hồ sinh năm 1976 hiền lành, mọi người cáp vào cho chị. Những buổi hẹn hò của họ là những buổi tối hiếm hoi anh chở chị lòng vòng lên phố cổ. Nửa năm sau (tháng 7-2005), một đám cưới diễn ra làm ngỡ ngàng cả xóm Cồn Chài. “Bé Que” đã lấy chồng. Mai không vui, không buồn về quyết định của mình. Cô mong manh hi vọng có thể sinh con xong mình sẽ thay da thay máu mà trẻ lại.
Đám cưới, Mai chỉ mời bảy, tám người bạn. Trang điểm xong, Mai không dám nhìn vào gương. Cô dâu không mặc váy cưới trắng tinh khôi. Đám hỏi rồi đến đám cưới vẫn chỉ là áo dài. Mai thích chiếc váy cưới đẹp nhưng cô không thể lựa chọn theo ý thích của mình. Trong đám cưới ấy cô dâu không mỉm cười, kể cả khi chụp hình. Toàn bộ ảnh cưới chưa đến 30 tấm. Khi cưới xong, ai hỏi xem hình cưới Mai đều bảo mất rồi. Một năm làm dâu ở nhà anh, cứ 6g sáng Mai đã ra khỏi nhà đi làm. Tối 12g đêm hoặc 1g khuya cô mới về vì khách nước ngoài thường 10g mới đến đặt, sáng lấy ngay nên phải làm cho xong mới được về. Suốt một năm ấy, không ai nhìn thấy trọn gương mặt cô con dâu mới của nhà hàng xóm. Lúc nào cô cũng bịt khẩu trang kín mít.
Những ngày Mai mang bầu đứa con đầu tiên, thương chị gái, người em út là Nguyễn Đình Duy Phúc dù bận công việc thế nào cũng nhất quyết ngày hai bận chở chị đi về. Cứ đến đúng giờ ăn trưa, ăn tối là Phúc có mặt tại chỗ chị gái làm. Bà Mứt kể: “Thằng Phúc là thanh niên, nhiều khi nghĩ nó chở chị với dung mạo như vậy lại sợ bị hiểu lầm. Nhưng nó thẳng thừng nói: “Chị gái con thì con chở mắc mớ chi mà phải ngại”. Thấy chị em thương yêu nhau, bà Mứt cũng phần nào an ủi.
Hai đứa con lần lượt ra đời. Đứa nào cũng trắng trẻo, bụ bẫm. Nhưng cơ thể Mai ngày càng suy kiệt, hom hem. Khi thằng út 10 tháng tuổi, chị Mai không thể bồng con được nữa. Những cơn hen suyễn làm chị khó thở. Hai khớp chân sưng tấy, chị Mai đi không được, phải bò. Bé Ngọc Oanh lúc đó mới 3 tuổi đã biết dìu mẹ ra mép thềm, xỏ dép vào chân cho mẹ.
Chồng chị, anh Thương, tuy hiền lành nhưng chậm chạp, nhút nhát hơn người. Hồi trước anh làm phụ hồ, mỗi ngày chỉ kiếm được 50.000-60.000 đồng. Nhưng sau đó chủ không nhận nữa vì chê anh chậm chạp. Nhà chồng cho 6 triệu đồng mua chiếc xe để anh lên trung tâm phố cổ chạy xe ôm. Chị Mai thở dài kể: “Họ đi có tiền lắm nhưng ảnh khờ quá nên bị người ta lừa hoài. Có khi khách lên xe mình rồi còn bị người ta giật. Mới hôm bữa ảnh chở khách đi ra Đà Nẵng lúc 11g đêm rồi bị người ta gạt không trả tiền, phải chạy xe không về”. Mỗi ngày anh chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng. Có ngày không đủ tiền đổ xăng. Lâu lâu chừng mấy tháng anh mới đưa về cho vợ 200.000-300.000 đồng. Mấy tháng nay anh Thương hay bị đau đầu. Chị Mai bán hơn 1 lượng vàng - tiền cưới hai bên nội ngoại cho - chữa bệnh cho chồng.
Chị ngậm ngùi: “Đưa con đi khám bệnh, anh không nhớ được họ tên, năm sinh của con. Có lần con bé bị ói mửa, tôi đi làm, dặn ở nhà anh cho con uống thuốc ba lần. Khi về hỏi thuốc bữa tối của con đâu, anh ngơ ngác một hồi rồi bảo cho con uống hết hồi sáng rồi”. Lần nào đưa con đi bệnh viện, người nhà bệnh nhân rồi bác sĩ đều hỏi: “Cháu chị hả? Cháu nội hay cháu ngoại? Mẹ nó đâu?...”. Có bác sĩ còn thắc mắc: “Sao có con trễ rứa?”… Những câu hỏi luôn làm chị Mai im lặng. Đã từ rất lâu chị không buồn giải thích nữa. Cũng như lần anh Thương bị cảnh sát giao thông bắt, anh gọi vợ lên. Cảnh sát hỏi: “Con bà đó hả?” chị cũng làm thinh.
Số phận giày vò chị biết bao năm tháng, đã khiến chị tủi hổ không biết bao lần. Tấm hình hiếm hoi chụp cùng người chị họ hồi tết năm lớp 5, chị giữ miết không dám để ai thấy. Sinh nhật hai đứa con, chị để chồng chụp với con và kiên quyết không chụp cùng vì mặc cảm. “Tôi sợ khi lớn con xem hình thấy mặt mẹ mình xấu xí, già nua như vậy chúng sẽ xấu hổ, ngại với bè bạn”, chị bảo.
Tháng 4-2011, chị Mai nôn ra máu. Lúc đó kinh tế gia đình thì khó khăn. Quẫn quá, chị nghĩ đến cái chết. “Nhưng chết thì ai nuôi hai đứa con? Nếu không có mấy đứa con thì tôi thà chết đi cho khỏe, cho nhẹ thân còn hơn là sống lay lắt như thế này”, chị Mai tuyệt vọng nói.
_____________________
Sau 15 năm đau khổ và tuyệt vọng, tháng 10-2011, một người hàng xóm đọc bài viết về trường hợp trẻ hóa già của chị Nguyễn Thị Phượng (ở Bến Tre) trên báo Tuổi Trẻ, đã liên hệ cơ quan báo chí để cầu cứu cho chị Mai. Hành trình tìm lại gương mặt thật của người phụ nữ trẻ bắt đầu.
Kỳ tới: Hành trình hi vọng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận