07/12/2011 06:18 GMT+7

Bỗng dưng bị... già! - Kỳ 2: Ô mai đắng

MY LĂNG - ĐOÀN CƯỜNG
MY LĂNG - ĐOÀN CƯỜNG

TT - Khởi điểm của chuỗi tháng năm đau khổ sau đó với Ngọc Mai là khi một người hàng xóm gọi cô là “bà mẹ VN”. Mai ngơ ngác không hiểu. Về nhà hỏi mẹ, mẹ chỉ giải thích qua loa.

Câu trả lời của người mẹ không thỏa trí tò mò, thắc mắc của đứa con. Cô bé lại tìm đến chiếc gương. Một lần nữa gương mặt tuổi thơ méo mó, biến dạng trước mắt Mai.

4N3MeWvj.jpgPhóng to

Chị Mai (phải) và mẹ trước quầy tạp hóa của gia đình - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Đánh tráo tuổi 13

Trong gương không còn là Mai nữa. Là hình dạng của một phụ nữ già nua với những nếp nhăn, với làn da sần, khô. Trong đầu Mai thoáng nghĩ đến hình ảnh những mụ phù thủy già nua, xấu xí, còm cõi trong truyện cổ tích hồi đi học. Cô bé hoảng loạn, bật khóc. Tại sao lại như thế? Tại sao?

Không ai có thể trả lời cho câu hỏi đau đớn ấy. Các thầy thuốc đã lắc đầu chịu thua. Những ngày đầu của tuổi 13, Mai chỉ có nước mắt và nước mắt. Rồi sau đó là sự lặng lẽ như một cái bóng ở xóm Cồn Chài này. Ai đến mua hàng, Mai cũng xoay lưng lại hoặc cúi gằm mặt xuống. Có người xoắn xuýt hỏi: “Chị là chị gái bà Mứt hả?”.

Có người hỏi vặn mãi: “Răng con gái bà Mứt mà già rứa?”. Mai lặng thinh. Lồng ngực đau nhói. Và nước mắt chỉ chực trào ra. Thấy con ngày càng ít nói, sống thu mình lại, ông Nguyễn Đình Phước, cha Mai, lại càng đau đớn. Dáng ông lọm khọm hơn, đôi mắt ông cũng buồn hơn.

Những lần thấy con gái luống cuống chạy trốn những tiếng trêu đùa của lũ trẻ gọi Mai là “bà mẹ VN”, ông ứa nước mắt. Con nít đã vậy, người lớn cũng có người a dua theo khiến ông giận lắm. “Tôi chỉ biết khuyên con im lặng, bỏ ngoài tai những lời cay độc ấy”, ông bảo.

Dù khuyên con chấp nhận số phận an bài, nhưng bà Mứt vẫn phải nhiều phen “sôi máu” vì một người phụ nữ lớn tuổi ở xóm cứ nhìn thấy Mai là chọc ghẹo. Có lần bà Mứt xông thẳng vô nhà người này để “quạt” cho một trận... Nhưng về đến nhà bà lại khóc rưng rức vì thương con. Vì lời dị nghị của người đời mà gia đình bà cũng thu mình lại và ngại giao tiếp với bên ngoài hơn.

Một con người có tên, có tuổi, có nhà, có sự sống như Mai dường như biến mất khỏi xóm Cồn Chài. Thế nên khi chúng tôi tìm đến UBND P.Cẩm Châu (TP Hội An) để hỏi về trường hợp già trước tuổi của chị Nguyễn Thị Ngọc Mai, mọi người ở đây khẳng định không có ai như vậy. Vì đã từ rất lâu Mai chỉ ở trong nhà, tránh gặp mặt hàng xóm. Bạn bè của anh hay em trai đến chơi, Mai không dám quay mặt lại vì sợ họ hoảng hồn. Bạn gái của anh và em trai đến nhà chơi, đều vòng tay “thưa cô” lễ phép khi thấy Mai.

Ở cái tuổi ô mai, cái tuổi “mười bảy bẻ gãy sừng trâu”, Mai cũng khao khát đến cháy lòng được mặc váy đẹp, mặc quần áo mới, được đi giày cao gót, được tô son đánh phấn, làm tóc điệu đà như bao cô gái khác. “Nhưng mình mà ăn diện thì ai nhìn cho ra”, Mai dập tắt ý nghĩ rất đáng yêu của một cô gái bằng suy nghĩ ấy.

Vượt lên chính mình

Ở nhà mấy năm trời cũng chán. Thấy bạn bè làm cá bò lọc phi lê có tiền mua cái này cái kia, Mai xin mẹ cho đi làm. Không phải để mua quần áo như bạn bè mà muốn phụ giúp ba mẹ. Mẹ cô không chịu vì sợ bị vô nước, da lở loét thêm. Cuối cùng vì thương con luẩn quẩn ở nhà buồn, bà phải đồng ý.

Cô đến xin việc ở Công ty Thủy sản Hội An. Hỏi tuổi, Mai nói 15, không ai tin. Người ta cười, kêu Mai nói dối. Khi công ty có đợt sàng lọc, người nào đủ 18 tuổi mới được đi làm, một chị bảo “Mi khai sinh năm 1966 đi”. Ngày ấy công ty không đòi phải có chứng minh nhân dân. Mai ghi sinh năm 1966, người ta tin. Mai được nhận vào làm.

Những mối quan hệ mới làm Mai mệt mỏi và càng sợ tiếp xúc. Nhiều người trong công ty hơn cô 15-20 tuổi, thậm chí bằng tuổi mẹ Mai cũng gọi cô là chị. Có người hơn Mai 10 tuổi nhưng gọi Mai bằng “cô” và xưng “cháu” ngon lành. Lúc đầu ai cũng nghĩ Mai đã có 2-3 đứa con nên khi cô nói chưa có gia đình không ai tin. Mai phải chìa cánh tay đầy những vết thâm, giải thích gương mặt mình già đi là do bị lão hóa, người ta mới thôi thắc mắc, tò mò và nghi hoặc.

Một thời gian sau, Mai chuyển qua làm ở Công ty thủy sản Đông An, xa nhà hơn nhưng lương khá hơn. Ở chỗ làm mới này, cô đã gặp người bạn thân nhất với mình: chị Đinh Thị Bích Hạnh, cũng sinh năm 1984.

Nhiều người trong công ty né không dám ngồi gần hay nói chuyện với Mai vì thấy cô già nua, sợ lây bệnh. Chỉ có Hạnh là người duy nhất cứ 3g sáng lại đạp xe xuống nhà Mai chở bạn đi làm rồi tối chở về. Hạnh dám nắm bàn tay xương xẩu, lấm tấm vết thâm đen của cô cười nói vô tư. Chỉ có Hạnh là người dám ngồi gần Mai, ăn cơm cùng cô. “Tôi thương Mai vì thấy Mai bằng tuổi mình mà bị như thế, cứ lủi thủi một mình, rất ít cười, bị mọi người xa lánh. Chỉ vậy thôi, không nghĩ tới chuyện lây hay không mà sợ”, Hạnh bảo vậy.

Nhờ có Hạnh, Mai dần cởi mở hơn với bốn người còn lại trong tổ. Nhưng nhiều người trong công ty “tẩy chay” cả tổ của Mai vì sợ bị lây bệnh. Họ gặp cô thì coi như không quen biết, không một lời chào hỏi hay thậm chí là một cái nhìn. Mai tủi thân rồi dần dần bắt mình phải quen dần với sự thờ ơ, lạnh nhạt và cả cái nhìn sợ sệt lẫn khinh khi của người đời. Nhờ có Hạnh, Mai mới dám đi ăn uống, đi chơi ở phố cổ, đi chơi theo nhóm - những thói quen bình thường như bao cô gái tuổi trăng tròn bình thường khác mà cô đánh mất từ lâu.

Hạnh kể: “Ra đường thấy có thanh niên đi tới gần là Mai kéo nón sụp xuống che mặt. Mỗi lần xuống nhà tôi chơi, cứ thấy có anh chàng nào đến là Mai chạy xuống bếp núp hoặc tìm cớ về trước. Lúc đầu tôi không biết nhưng sau hiểu chuyện thấy thương Mai hơn”.

Mấy năm đi làm, Mai tiết kiệm được gần 2 chỉ vàng. Cô lấy tiền đó đi học may. “Thật ra tôi thích học uốn tóc hơn. Nhưng da dẻ mình thế này ai mà dám vào làm tóc”. Cô giải thích lý do chọn học may. Học xong, Mai phụ may cho một công ty tư nhân. Khi tay nghề cứng, cô xin vào một xưởng may quần áo cho người nước ngoài ở phố cổ. Những rắc rối ban đầu lại lặp lại với Mai. Ban đầu ông chủ tiệm bằng tuổi ba Mai gọi cô là “chị”.

Người phụ trách lớn tuổi hơn Mai nhưng những buổi đầu cứ gọi là “cô” và nhận mình là “cháu”. Ông Phan Ngọc Hường - người có bảy năm cùng làm ở xưởng may với Mai - kể: “Khi Mai nói mới 20 tuổi, tôi và cả tổ thợ may đều không tin, tưởng cô ấy nói đùa. Đến khi nghe giải thích là do bị bệnh thì mới hiểu...”.

Ở chỗ làm mới, Mai vẫn bị cô lập. Khi mọi người hẹn hò nhau đi hát karaoke, đi ăn uống, họ quên mất cô. Ngày xưởng tổ chức đi chơi ở Suối Voi (Thừa Thiên - Huế), cô lủi thủi ở nhà. Đám cưới của các đồng nghiệp, cô cũng chỉ gửi quà chúc mừng chứ không tham dự.

Ông Hường bảo: “Tôi động viên Mai cứ đi chơi hòa đồng với mọi người cho khuây khỏa. Nhưng có lẽ vì đau ốm, diện mạo lại như vậy nên cháu ngại tiếp xúc với mọi người”.

_____________________

Họ gặp nhau trong lần anh đến tiệm may nơi chị làm thuê nhờ đạp giùm cái quần bị rách. Những buổi hẹn hò của họ là những tối hiếm hoi anh chở chị lòng vòng phố cổ. Chị không dám bước vào quán cà phê vì sợ người quen, sợ bạn bè của anh nhìn thấy lại bàn tán...

Kỳ tới: “Trời xanh khéo thử lòng người...”

MY LĂNG - ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên