TT - 12 tuổi. Khi Nguyễn Thị Ngọc Mai mới là cô học sinh lớp 5 Trường tiểu học Lý Tự Trọng (P.Cẩm Châu, TP Hội An), một căn bệnh lạ bỗng dưng ập đến.
Phóng to |
Cô gái 27 tuổi như bà lão ở Hội An
Tuổi thơ không... thần tiên
Những vết tròn màu đỏ rất ngứa xuất hiện trên mu bàn tay cô bé rồi dần dần lan khắp người. Những vết tròn ấy phồng lên thành những nốt to hơn như vết bỏng. Chúng bắt đầu chảy nước, lở và làm đau đớn cơ thể non nớt của Ngọc Mai. Căn bệnh ngày càng quái ác đến mức cô bé không thể gội đầu vì những thứ giống như mụn nước đã lở khắp đầu.
12 tuổi, cái tuổi chỉ việc ăn, học và chơi thì với Ngọc Mai, đó là những tháng ngày cô bé phải tất tả khổ sở cùng mẹ đi cầu cứu hết bác sĩ tây y đến thầy lang đông y. Tới khám bác sĩ tư, người ta bảo Mai bị dị ứng. Bà Nguyễn Thị Mứt - mẹ Mai - không dám cho Mai ra ngoài vì sợ gió. Nghe người ta mách, bà Mứt lại dẫn con đến một tiệm thuốc bắc trên phố cổ, khấp khởi hi vọng. Thầy lang bảo Mai bị phong giời hoặc phong lửa, phong đỉa...
Nói chung là một thứ bệnh khó định danh chính xác. Sau mấy ngày uống thuốc, những nốt đỏ ngừng nổi. Bà Mứt mừng rơi nước mắt. Nhưng niềm vui ấy chỉ vẻn vẹn được mấy ngày. Người mẹ lại chạy đôn chạy đáo đưa con đến cầu cứu hết thầy lang này tới thầy lang khác. Tất cả đều lắc đầu sau một thời gian chữa trị cho Mai. Người ta không thể nói chính xác Mai bị bệnh gì.
Cho tới một ngày Mai ngạc nhiên và bật khóc khi nghe H., cô bạn rất xinh nhà kế bên, chế giễu gọi mình là “mặt mâm”. Mai chạy về nhà, soi gương rồi òa lên nức nở. Cô bé suýt ngất khi không nhận ra nổi gương mặt mình. Gương mặt nhỏ nhắn của Mai giờ đã bị phù to một cách đáng sợ. Hai con mắt cũng lồi to. Da thì thâm đen. Từ đó, Mai không dám đụng tới chiếc gương nữa.
Cô bé dưới gốc cây
Mai trở thành người bất thường trong lớp. Các bạn bảo Mai bị sida. Đám học trò vùng quê ngây thơ ngày ấy không đủ nhận thức để biết chuyện gì đang xảy ra với bạn mình, cứ hồn nhiên một cách nhẫn tâm. Chúng rủ nhau không chơi với Mai, không nói chuyện với Mai. Chỉ cần thấy bóng dáng Mai từ đàng xa chúng đã né tránh. Không chỉ học sinh trong lớp mà các bạn lớp khác cũng hè nhau xa lánh cô bé tội nghiệp.
Mai bị cô lập ngay trong cái thế giới vốn rất hiền lành, trong sáng ấy.
Chứng kiến cảnh con gái bị bạn bè xa lánh, bà Mứt như đứt từng khúc ruột. Nhìn đứa con gái cứ phải cúi gằm mặt để tránh ánh mắt gièm pha của người đời, bà không dám khóc trước mặt con mà chỉ lẳng lặng bỏ ra sau nhà gặm nhấm nỗi đau. Nhiều bữa bà đứng ngửa mặt nhìn trời mà tự vấn: “Sao đời con gái tôi lại khổ thế này hả trời?”. “Không biết bao đêm nằm bên con, thấy nó cứ co rúm người lại rồi khóc miết không thôi. Tui chảy nước mắt, chỉ biết ôm con an ủi: Số mình vậy phải chịu thôi con ơi!” - bà Mứt kể với đôi mắt rớm nước. |
15 năm sau, chúng tôi hỏi ai là bạn thân nhất với Mai trong lớp, Mai im lặng, cúi đầu: “Mọi người đã không chơi với tôi từ rất lâu rồi nên tôi cũng không còn nhớ ai là thân nhất...”. Cô Lê Thị Sáu - giáo viên chủ nhiệm lớp 5 của Mai - kể: “Thấy Mai bị bệnh da sần sùi như bị phong, trẻ con không biết cứ gọi em là sida. Một số bạn trong lớp rủ nhau không chơi với Mai. Tôi gọi lớp trưởng lại giải thích và bảo các bạn không được xa rời Mai. Nếu ai bảo bạn Mai bị sida cô sẽ phạt. Từ đó cả lớp không ai nói nữa nhưng tách rời hẳn Mai. Mai rất ít nói, hay ngồi buồn buồn và xoa hai cánh tay vì ngứa. Từ lúc phát bệnh em học yếu hẳn. Tôi chưa thấy Mai khóc khi mô nhưng các bạn nói Mai khóc rất nhiều. 12 tuổi, em chưa ý thức được bệnh tật mà khóc vì bị bạn trêu, xa lánh”.
Trước khi phát bệnh, Mai còn hay đi ké xe đạp của mấy bạn. Từ lúc phát bệnh, cô bé nấn ná chờ đến 1 giờ chiều mới đi, để khi đến trước cổng là trống trường vừa đánh báo hiệu vô lớp. Có khi Mai phải chờ anh đi cùng mới dám tới trường...
Một thời gian sau, những nốt đỏ trên người Mai sưng phồng vỡ ra, bốc mùi tanh hôi. Nghe thầy lang bảo “phải đi lể” (lấy kim châm vào những vết mụn ở hai bên đầu gối rồi hút máu độc ra), bà Mứt cũng đưa Mai đi tìm thầy. Nhưng càng lể, hai bên đầu gối của Mai càng lở loét. Mỗi lần lên bảng trả bài, Mai phải đi cà nhắc từng bước đầy đau đớn và khó nhọc. Đầu gối chảy mủ, dính bết vô quần, mỗi lần di chuyển lại bị cọ xát làm vết lở loét càng đau và rát. Nhìn xuống dưới thấy các bạn chụm lại thì thào to nhỏ, Mai run bắn, quên mất cả câu trả lời. Đến nỗi Mai bảo cô không dám nhìn vào mặt những người bạn đang xì xầm, chỉ trỏ mình.
Vết loét loang xuống bắp chân và to gần bằng bàn tay, đau nhức tới mức cô bé không thể đi lại được. Mỗi ngày đi học, người anh trai Nguyễn Đình Phú - khi ấy đang học lớp 7 Trường THCS Trần Hưng Đạo - phải cõng em gái từ nhà lên trường rồi mới đi bộ sang trường mình cách đó 2km. Có người mách mua một loại hạt ở tiệm thuốc bắc, ngâm nước cho nở ra rồi đắp vô đầu gối để hút mủ. Mẹ của Mai lại tất tả đi tìm. Cũng may khi đắp loại hạt ấy, những vết lở loét trên hai đầu gối Mai khô dần, đóng vảy.
Ở lớp, cái tên Ngọc Mai mờ nhạt hẳn. Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 Mai ở nhà. Không ai rủ Mai đi thăm và chúc mừng thầy cô. Còn hai tuần nữa thi chuyển cấp thì Mai nằng nặc đòi bỏ thi, nghỉ học luôn. Mai bỏ thật. Mai ở nhà 15 ngày. Hỏi có nhớ trường lớp, bạn bè không, Mai thật tình bảo: “Tôi chỉ trông cho mau được nghỉ học”. Nửa tháng sau, cô chủ nhiệm xuống tận nhà động viên. Về chuyện này, cô Sáu còn nhớ: “Tôi phải qua trường năn nỉ xin cho Mai được thi lại để em có bằng tiểu học. Nhà em rất nghèo. Ba bán cà rem. Mẹ loay hoay bán ít rau quả, đồ tạp hóa chẳng lời lãi là bao. Tôi xuống nhà nói mãi Mai mới chịu đi thi lại”.
_______________
Khởi điểm của chuỗi tháng năm đau khổ từ khi một người hàng xóm gọi Mai là “bà mẹ Việt Nam” - soi gương và hoảng sợ nghĩ đến mụ phù thủy trong truyện cổ tích... cô bé khóc ngất...
Kỳ tới: Ô mai đắng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận