12/01/2011 04:12 GMT+7

Câu chuyện từ những người viết văn kiện Đảng - Kỳ cuối: Những thảo luận về dân chủ

Ông TRẦN TRỌNG TÂN
Ông TRẦN TRỌNG TÂN

TT - Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản VN và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xã hội XHCN mà nhân dân ta đang xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Trong nhiều thập kỷ qua, rất nhiều nghị quyết, thông tư, chỉ thị đã được ban hành để khẳng định quyền làm chủ, bảo đảm lợi ích của nhân dân. Những bước tiến của dân chủ đã ngày càng vững, mạnh.

PMpp4nuW.jpgPhóng to
Ảnh: Minh Đức

Tranh luận sôi nổi

"Từ ngày độc lập nước ta đã mang tên “Việt Nam dân chủ cộng hòa”, Bác Hồ khẳng định chính quyền của ta là chính quyền do dân làm chủ"

Năm 1991, trong các kỳ họp chuẩn bị cho ĐH Đảng lần VII, ông Trần Trọng Tân, khi ấy là trưởng Ban Tuyên giáo trung ương, khơi gợi lại một câu chuyện: từ ngày độc lập nước ta đã mang tên “Việt Nam dân chủ cộng hòa”, Bác Hồ khẳng định chính quyền của ta là chính quyền do dân làm chủ, như vậy xã hội mà toàn Đảng, toàn dân hướng đến xây dựng nhất định phải là một xã hội dân chủ, trước hết là dân chủ.

Nhưng nhiều ý kiến khác thì cho rằng nội dung dân chủ đã bao hàm trong mệnh đề “công bằng, văn minh” rồi. Cuộc tranh luận diễn ra sôi nổi giữa những từ, ngữ, nghĩa của các nhà lý luận, các khái niệm, học thuyết và thực tiễn đời sống nóng hổi.

Khi ấy tình hình kinh tế, xã hội ở Việt Nam còn đang rất khó khăn, công cuộc đổi mới mới diễn ra vài năm. Lật giở lại bản Báo cáo chính trị ĐH VI, mở đầu cho công cuộc đổi mới, xác định phương hướng, nhiệm vụ của chính sách xã hội: “Phát huy yếu tố con người, lấy việc phục vụ con người làm mục đích cao nhất của mọi hoạt động. Thực hiện công bằng xã hội, bảo đảm công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ với mọi công dân”.

Năm năm sau Báo cáo chính trị ĐH VII đánh giá: “Một trong những thành tựu của công cuộc đổi mới là bước đầu thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa trên các lĩnh vực của đời sống xã hội“.

Chiến lược kinh tế - xã hội 1991-1996 của ĐH VII xác định: “Xây dựng CNXH ở nước ta là quá trình thực hiện dân giàu, nước mạnh, tiến lên hiện đại trong một xã hội do nhân dân làm chủ... Dân chủ hóa đời sống xã hội: quyền công dân, quyền con người, quyền tự do cá nhân được bảo đảm bằng pháp luật”. Hai năm sau nữa, hội nghị giữa nhiệm kỳ ĐH VII lại đánh giá: “Hơn hai năm qua, nền dân chủ của xã hội ta đã có bước phát triển đáng kể, gắn liền với việc xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”.

Đến ĐH Đảng lần VIII, bản báo cáo chính trị liên tục khẳng định yêu cầu “thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân”. Đại hội IX, mục tiêu chung của cả nước đã được tiếp tục khẳng định: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Và trước ĐH Đảng lần XI này, mục tiêu càng mạnh mẽ hơn, nức lòng nhân dân hơn được thể hiện trong các bản dự thảo văn kiện: xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ông Hà Đăng, người đã tham gia tổ biên tập của tiểu ban văn kiện xuyên suốt bốn kỳ đại hội (từ ĐH VI đến ĐH X), cũng nhớ rất rõ câu chuyện về dân chủ. Ông lặp đi lặp lại khi kể chuyện với chúng tôi: “Từ đầu đến cuối rất nhiều cuộc thảo luận, nhưng không có ý kiến nào phản đối việc xây dựng xã hội Việt Nam trở thành một xã hội dân chủ.

Các ý kiến thảo luận tuy rất gay gắt nhưng chỉ xoay quanh việc đặt cụm từ ở đâu cho hợp lý, thứ tự thế nào để đảm bảo được một công thức diễn giải chủ nghĩa xã hội một cách dễ hiểu, dễ chấp nhận nhất với nhân dân”.

Hôm nay không còn tham gia tiểu ban văn kiện, ông Hà Đăng vẫn theo dõi sát tình hình: “Trước hết là giới lý luận, sau nữa là nhân dân rất phấn khởi khi dự thảo văn kiện thể hiện được một bước tiến mới trong nhận thức và cả trình bày. Nó khẳng định ý của Đảng sát với những mong đợi của người dân: dân chủ không chỉ là một tính chất, mà phải là tính chất lớn nhất, có vai trò bao trùm, phải trở thành bản chất của xã hội ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước”.

Kéo lý luận về thực tiễn

Nhà báo Hà Đăng nhắc lại một bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1949: “Nước ta là một nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới là trách nhiệm của dân. Chính quyền từ xã đến trung ương đều do dân cử ra. Đoàn thể trung ương đến xã đều do dân tổ chức nên. Tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.

Ông Hữu Thọ - nguyên trưởng Ban Tư tưởng văn hóa trung ương, một cựu thành viên của tổ văn kiện - cũng hào hứng không kém khi đề cập đến việc đổi chỗ của “dân chủ”.

Ông sôi nổi giữa mùa đông lạnh Hà Nội: “Theo tôi, việc đưa dân chủ lên trên không chỉ là vấn đề kỹ thuật. Mà điều đó chứng tỏ Đảng ta chú trọng đến vấn đề dân chủ. Nhận thức đã thông, việc sau đại hội là tiếp tục mở rộng dân chủ, bảo vệ quyền dân chủ qua các thiết chế, luật pháp”.

Giáo sư Hoàng Chí Bảo, hội đồng lý luận trung ương, một thành viên trong tổ soạn thảo văn kiện, khẳng định: nhận thức mới về dân chủ lần này của Đảng là quyết tâm cùng cả xã hội thực hiện dân chủ thực chất, chống dân chủ hình thức, dân chủ quan liêu, chống tình trạng vi phạm quyền dân chủ, quyền làm chủ của người dân.

Ông nói: “Trước hết là phải thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Quy định thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên cũng phải căn cứ vào thực tiễn để có sự điều chỉnh. Không phải cứ thiểu số là sai. Văn hóa dân chủ là lắng nghe nhau, tôn trọng nhau, tranh luận cho hết lẽ, cùng tìm tòi chân lý. Khi chân lý sáng tỏ thì quyền tự do tư tưởng của người dân, của giới trí thức là phục tùng chân lý, không ai áp đặt ai. Đó chính là ý nghĩa sâu sắc nhất của khái niệm tập trung dân chủ trong tư tưởng Hồ Chí Minh”.

Và chân lý chính là những điều đơn giản nhất mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc đi nhắc lại: người dân chỉ cảm thấy giá trị của dân chủ khi được ăn no, mặc ấm, được tôn trọng, được chăm sóc, được tự do đi lại, học hành, chữa bệnh... Dân sinh, dân trí, dân quyền của người dân phải được Nhà nước bảo vệ và Nhà nước thì phải “việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”.

Giản dị như khi ông Hữu Thọ nhắc: “Trọng tâm cuối cùng của mọi vấn đề vẫn là con người. Dân chủ sẽ giúp xây dựng con người để tạo nguồn nhân lực cho thời đại mới”.

Tin bài liên quan:

Kỳ 1:Hàng ngàn bức tâm thưKỳ 2: Sức sống của văn kiệnKỳ 3:Khát vọng từ ruộng đồngKỳ 4:Cùng tìm chiến lược cuộc sống

Đón đọc kỳ tới:

Thái Lan - vấn nạn trên đường công nghiệp hóa

Những khu công nghiệp mọc vội, những đập thủy điện ồ ạt dựng lên, những chất thải gây ô nhiễm, bệnh tật và nguồn sống thu hẹp dần... đó là những “sự cố” mà đất nước láng giềng Thái Lan đang gánh chịu. Tường trình của Tuổi Trẻ từ những làng quê trên đất Thái.

Ông TRẦN TRỌNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên