24/10/2010 03:30 GMT+7

Ôsin ký sự - Kỳ 5: Thưa anh, em đi lấy chồng!

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Vợ chồng vị bác sĩ thắc thỏm như ngồi trên đống lửa. Họ ăn không ngon, ngủ không yên vì cô bé giúp việc đã lặng lẽ bỏ đi biền biệt suốt mấy ngày. Cậu thợ hồ láu lỉnh ở công trình gần nhà cũng mất tích theo.

Tay thầu cười ruồi: “Kệ xác chúng. Dại cho chết”. Nhưng vợ chồng bác sĩ thì không yên lòng. Cô bé giúp việc của họ chưa tròn 16 tuổi, mới chân ướt chân ráo từ quê nghèo Trà Vinh lên thành phố...

agpsjxV8.jpgPhóng to

Phút nghỉ ngơi hiếm hoi của những “ôsin nhí” trước cổng khoa dược ĐH Y dược TP.HCM (ảnh mang tính minh họa) - Ảnh: Tâm Lụa

Tiếng gọi tình yêu

Họ ở gần nhà tôi trong khu Tên Lửa, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, nên có chuyện gì đều biết nhau. Hôm được giới thiệu cô bé T.T.H. hiền lành, xinh xắn đến giúp việc, họ mừng lắm. Nhà có hai con nhỏ, vợ chồng đều đi làm giờ hành chính. Mọi chuyện trong nhà nhờ cậy cô bé. Hai đứa trẻ cũng quý cô giúp việc nhà dễ thương này như chị ruột trong gia đình mình.

Mấy tháng đầu mọi sự êm thấm. Cô bé giúp việc gốc Khmer ở huyện Càng Long, Trà Vinh lần đầu lên TP.HCM chỉ quấn quýt với bọn trẻ trong nhà. Tuy nhiên, từ ngày có công trình xây dựng gần bên thì bắt đầu rối rắm. Một chiều, người bác sĩ đi làm về bất ngờ thấy con mũi dãi thò lò, lấm lem đất cát với cô giúp việc ở công trình xây dựng. Nghĩ cô bé nhớ nhà, muốn ra ngoài chơi nên ông chỉ khuyên trông chừng em cẩn thận.

Ai dè từ đó chiều nào cũng thấy đám trẻ lảng vảng ở công trình. Mà chỉ có cô giúp việc vui, còn tụi nhỏ thì gượng ép, mếu máo. Vợ chồng bác sĩ đâm lo, nhất là khi hàng xóm bóng gió: “Cô ôsin nhà anh mê tít cậu thợ hồ rồi”. Nhiều tối họ phát hoảng vì cô bé lẻn dẫn trẻ lò mò vào công trình. Bọn nhỏ bị muỗi chích sưng người.

Trong bóng tối cô bé cứ ngồi thủ thỉ với anh thợ hồ đẹp trai, dẻo miệng. Chủ nhà khuyên cô còn nhỏ tuổi, chưa hiểu thói đời. Bất ngờ một hôm cô biến mất cùng anh thợ hồ. Chủ nhà ăn không ngon, ngủ không yên, dáo dác đi tìm. Rồi đột nhiên một tối lại thấy cô bé thất thểu về. Sợi dây chuyền, đồng hồ mua từ tiền lương giúp việc biến mất. Nhưng họ lo nhất là cô bé xanh mét, lờ đờ thất thần...

Lúc nào cô bé cũng ngân ngấn nước mắt. Hàng xóm với nhau, vợ tôi lựa lời mãi cô bé mới chịu tâm sự: “Ảnh nói ảnh thương con, rủ về nhà chơi. Nhưng ra đến bến xe miền Đông, ảnh lại nói chờ lấy thêm lương và dẫn con vào nhà nghỉ... Ảnh còn nói giữ đồng hồ, dây chuyền của con làm kỷ niệm rồi đi mất”. Cô bé bật khóc.

Vợ tôi chua xót an ủi. Nhưng chỉ hai tuần sau lại thấy cô bé lảng vảng, mơ màng anh thợ hồ khác ở ngay chính công trình xây dựng đã từng làm cô “sầu lẻ bóng”. Hàng xóm hoảng. Có bà nói thẳng: “Con nhỏ dại trai quá!”. Vợ chồng nhà bác sĩ thương cô bé, khuyên giải mãi cũng chẳng được. Rồi một hôm cô lại lặng lẽ ra đi và tay thợ hồ thứ hai cũng mất tăm...

Bẫy rập cuộc đời

“Chuyện tình ôsin” cười ra nước mắt nào phải chỉ trong gia đình người bác sĩ đó. Nhiều nhà xóm tôi cũng lắm phen khóc cười với tình cảnh trớ trêu này mà chẳng biết nói làm sao. Hôm rồi một cô ôsin nữa theo “tiếng gọi trái tim” lại lặng lẽ từ biệt gia đình một giám đốc trong Khu công nghiệp Tân Tạo.

Cô gái L.T.H. này đã 24 tuổi, quê ở Lấp Vò, Đồng Tháp. Nhà cô ít ruộng, túng quẫn nên phải lên TP.HCM giúp việc nhà để phụ giúp cha mẹ. Hồi đầu mọi chuyện rất tốt đẹp. Cô hiền lành, siêng năng. Vợ chồng chủ nhà coi cô như em ruột. Tới tháng lãnh lương, cô nhờ chủ nhà gửi hết cho cha mẹ ở quê. Họ xúc động dúi thêm tiền cho cô.

Mọi chuyện bắt đầu từ khi không biết thế nào cô giúp việc “lửa gần rơm” với anh chàng vô công rỗi nghề lảng vảng trong xóm. Thế là tiền gửi về nhà giảm dần. Lúc đầu còn dành nửa cho cha mẹ, rồi tụt xuống một phần ba, sau gần như không còn đồng nào. Thậm chí cô còn kỳ kèo lãnh lương sớm để đi gặp bạn trai và lại sạch túi.

Vợ chủ nhà tâm sự: “Hai đứa thương nhau thì cứ đến với nhau. Nhưng bạn em cũng lớn rồi, phải tự nuôi sống bản thân mình thì sau này mới xây dựng gia đình hạnh phúc với em được chứ. Còn em đang độc thân cũng phải có trách nhiệm với người sinh ra mình”. Cô giúp việc nước mắt ngắn dài, gục gặc, nhưng cuối tháng có đồng nào lại dúi ngay cho bạn trai.

Tự làm mình túng quẫn đến mức cô không mua nổi tấm áo mới, phải lấy trộm áo chủ nhà để mặc đi chơi với bạn trai. Bà chủ biết chuyện, tội nghiệp cho thêm áo. Rồi một hôm trong lúc gia đình chủ đi vắng, cô kêu bạn trai đến chơi. Hai người luống cuống tránh ánh mắt hàng xóm thế nào mà quên chìa khóa ngoài cửa, vào nhà bấm khóa trong. Tối vợ chồng chủ nhà về, sững sờ thấy đôi trai gái thin thít nơi góc nhà.

Vừa giận vừa thương cô gái trẻ người non dạ, chủ nhà cố... cười méo miệng! Thế nhưng mấy ngày sau, chẳng biết tâm tư sao mà cô ta đùng đùng nghỉ việc. Khuyên giải mãi không được, chủ nhà đành hỏi: “Em tính làm ở đâu, sống thế nào?”. “Em sẽ bán vé số hay phụ quán để được sống chung với anh ấy”, cô gái trả lời. “Em không định chờ cưới xin rồi hãy ở với nhau à?”. Cô gái im lặng ra đi. Chủ nhà ngậm buồn, nói với theo: “Khi khó khăn em cứ quay lại. Anh chị vẫn đợi”.

Ba người giúp việc nhà tôi, trừ một cô đứng tuổi, hai cô trẻ còn lại cũng lần lượt theo “tiếng gọi trái tim”. Cô đầu quê Gò Dầu, Tây Ninh, mới gần 16 tuổi. Vợ tôi định không nhận nhưng cô bé năn nỉ quá. Lúc đầu nhà cửa sạch sẽ, nhưng cứ nhếch nhác dần. Cuối tháng, vợ tôi tá hỏa nhận hóa đơn điện thoại bàn gần 2 triệu đồng.

Nhiều bữa chính tôi phải cắn răng dọn cơm cho cô bé giúp việc ăn trong lúc mải mê thủ thỉ với anh nào đó ở quê đến nóng cả điện thoại. Phòng cô bé cũng thường đóng cửa im ỉm mà mãi sau mới biết cô trốn trong đó để viết... nhật ký tình yêu. Ở hai tháng, cô bé nằng nặc đòi về “mần mướn” với bạn trai. Còn cô sau quê Trà Vinh hiền lành, nhưng giúp việc mới được mấy tháng đã về thăm gia đình rồi không quay lại.

Tôi lò mò đi tìm chị cô ta đang giúp việc cho gia đình khác để hỏi sự tình thì nghe trả lời: “Nó lấy chồng rồi”. “Nhưng cô bé chưa 18 tuổi mà?”, tôi ngạc nhiên và tội nghiệp cô giúp việc. Hôm mới đến vợ tôi tâm sự: “Chị cho em học nghề may vá, đầu tóc gì đó buổi tối nhé?”. Cô gái nói ít chữ, học không nổi. Vợ tôi đành hứa: “Thôi, em ráng giữ cháu hai năm. Khi cháu vào lớp 1 bán trú, chị cho em chiếc xe máy cũ của chị và kiếm việc để em bán hàng”.

Cô gái vui mừng, gật đầu, thế mà... Vừa rồi hỏi thăm lại cô giúp việc này tôi mới hay đã ly dị. Vợ chồng quê tảo hôn, nghèo khổ. Người chồng lại nghiện rượu, đánh đập vợ, đành sớm đường ai nấy đi...

Đến giờ hàng xóm tôi vẫn vừa buồn vừa thương các cô giúp việc. Cuộc sống xa quê luẩn quẩn trong gia đình chủ nhà nên các cô hay buồn, mơ mộng chuyện tình cảm. Và nhiều cô đã lận đận đường đời vì theo “tiếng gọi trái tim” quá sớm!

Tin bài liên quan:

Kỳ1:Kỹ nghệ quê mùa săn sóc thị thành Kỳ 2:Vú ơi!Kỳ 3:Muôn ngả ôsinKỳ 4:“Rước hổ vào nhà”

__________

Một chủ nhà khác cũng kể về ôsin của mình với những câu chuyện lạ: nhà cửa khá giả, bộ dạng “quý tộc”, nhưng họ chọn việc ôsin và chinh phục chủ nhà bằng sự chuyên nghiệp của mình.

Kỳ tới: Những ôsin đặc biệt

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên