22/10/2010 06:24 GMT+7

Ôsin ký sự - Kỳ 3: Muôn ngả ôsin

KIM TUYẾN - TÂM LỤA
KIM TUYẾN - TÂM LỤA

TT - Không gói gọn trong dọn nhà, chăm em bé, nghề làm ôsin bây giờ có ở bệnh viện, quán cà phê... cho tới trên trang web và trong cả giảng đường đại học. Với mọi lứa tuổi, ôsin giờ là một thành phần quan trọng để vòng quay cuộc sống được gọn gàng và tươm tất.

Kỳ1:Kỹ nghệ quê mùa săn sóc thị thành Kỳ 2:Vú ơi!

XOJbBuc5.jpgPhóng to

Trực “chân voi” - ôsin nhí hè phố - mời chào khách uống cà phê - Ảnh: KIM TUYẾN

Ôsin nhí hè phố

Giữa lòng TP Sài Gòn hơn 8 triệu người, có những đứa trẻ đêm lấy mái hiên làm nhà, ngày ra phố nhận làm ôsin cho bất cứ ai có nhu cầu để kiếm miếng cơm qua ngày. Bọn nhóc vẫn tự gọi nhau là “hội” những đứa trẻ lưu động. “Lót báo đi chị, uống cà phê hay nước ngọt gì đi chị”..., tiếng mời chào lảnh lót của cậu bé 12 tuổi này đã dần quen thuộc với những ai hay ra cà phê bệt ở công viên 30-4, góc đường Hàn Thuyên.

Chân đất, đầu trần, da rám nắng, cậu bé lăng xăng bưng bê cà phê, dọn dẹp ly tách nhanh nhẹn và rất “chuyên nghiệp”. Cậu tên Thành, vốn lang thang không nhà cửa, bố mẹ. Cậu chỉ biết người ta gọi mình tên như thế. Quê ở Vũng Tàu, Thành sống nay đây mai đó đã lâu. Nó cũng không nhớ mình “phiêu bạt giang hồ” từ khi nào.

Vài năm nay Thành “kết nghĩa” cùng Nghĩa và Trực “chân voi” bám trụ ở hồ Con Rùa. Cả bọn ngày ngày đi kiếm ăn bằng cách phụ bưng bê, rửa chén, xách nước... cho mấy quán cóc nho nhỏ ven khu quận 1.

Trực “chân voi” lanh lợi, nhưng từ khi sinh ra đã có bàn chân to bất thường. Trực hay nói leo, lại thường xin khách kiếm thêm chút ít, thế là lần nào cũng bị Thành nói: “Mày nhục quá, tao không thèm xin xỏ như mày”.

Một ngày làm việc của chúng bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng khi hồ Con Rùa đã có người ra quét dọn, tập thể dục. Cả bọn chia nhau đi khắp phố xin phụ dọn dẹp ở các quán cà phê vỉa hè. Lúc thì bê cà phê, khi thì chặt đá, chạy đi thối tiền..., chạy nhảy bưng bê cả buổi sáng may lắm cũng được chủ cho 30.000 đồng để ăn cơm.

Chị Nguyễn Thị Năm, chủ một quán cà phê cóc ở công viên 30-4, tỏ ra hài lòng với “năng lực” của Thành: “Thằng nhỏ làm được việc lắm, siêng năng và rất có khiếu mời khách uống cà phê. Lúc đầu cũng ngại thuê tụi nhỏ này nhưng thấy tội nghiệp... Sau thấy làm cũng được việc”.

Buổi tối, Thành lại xin đi rửa chén ở mấy quán hủ tiếu lề đường gần tòa soạn báo Mực Tím (góc ngã tư Phạm Ngọc Thạch). Nhiều khi tiền công chỉ là tô hủ tiếu thêm tí xương, tí thịt. Khi đêm đã về khuya và chập choạng sang ngày mới, cả bọn lại kéo nhau đến hồ Con Rùa nằm co ro ngủ vùi trong mệt mỏi.

Cuộc sống mưu sinh là thế nhưng “đội hình” này không bao giờ thiếu tiếng cười. Cuối tuần, cả bọn cũng có những buổi liên hoan nho nhỏ. Đó là khi Thành hào phóng mua mấy xâu cá viên chiên và sẵn sàng mời luôn những vị khách sinh viên đang trò chuyện cùng mình.

Cậu bé 12 tuổi này đôi khi lại đăm chiêu như ông cụ non và thì thầm: “Em không muốn bị người ta nghĩ chỉ giỏi đi ăn xin và ăn cắp. Hai thứ đó tụi em không rờ tới”.

Thằng bé đã từ chối khéo khi cô bạn chúng tôi bảo vô nhà xe trong công viên Lê Văn Tám để lấy món quà mà cô ấy muốn tặng. Thương tụi nhóc đêm tối ngủ lề đường nằm co ro, cô đã mua một chiếc áo khoác tặng Thành để mặc cho đỡ lạnh.

“Thôi em không vào nhà xe đâu, không người ta lại bảo...Chị vô đó lấy mang ra cho em thì được... Em ngại...”. Thành ngại hai chữ “ăn cắp” sẽ gán vào mình khi không may có sự cố gì xảy ra.

Từ trường đại học đến... trang web

Bùi Liên, 28 tuổi, sinh viên ĐH KHXH&NV TP.HCM, nhận lời giúp việc nhà theo giờ cùng với những người bạn đã hơn hai năm nay.

Liên cho biết: “Lúc đầu mới đi xin việc tôi ngại lắm vì lúc nào cũng nghĩ mình là người trí thức, được ăn học mà lại đi làm ôsin. Nhưng bắt tay vào làm tôi đã xua tan nỗi ngại ngùng ấy, nghề gì cũng là nghề, miễn là lương thiện và kiếm ra tiền. Hai năm đi giúp việc nhà, giờ tôi đã có thể tự lo cho cuộc sống của mình rất tốt. Ba mẹ rất vui vì tôi đã tự trang trải cuộc sống mà không cần nhờ tới gia đình”.

Sinh ra trong một gia đình nghèo tại Phú Yên, khi gia đình bớt khó khăn, các em đã lớn, Liên mới thực hiện được giấc mơ bước vào giảng đường đại học. 25 tuổi mới là sinh viên năm nhất, Liên đang nỗ lực từng ngày cho khát vọng tương lai, bắt đầu bằng việc làm ôsin kiếm từng đồng tiền từ mồ hôi nước mắt của mình.

“Chuyên nghiệp” hơn, Hoàng Dũng, 24 tuổi, sinh viên năm 3 Trường ĐH Mở TP.HCM, cùng nhóm bạn của mình đã lập thành một “hội” những người giúp việc.

Với lời rao khá ấn tượng trên website www.raovat.com: “Các bậc cha mẹ có nhu cầu cần người giúp việc đột xuất, dọn dẹp nhà cửa, rửa chén, đưa đón người thân hay bất cứ việc gì thì gọi cho cháu. Sáng, trưa, chiều hay tối đều được nhưng nên gọi trước để cháu sắp xếp người và thời gian. Các bạn đa số còn đi học và là sinh viên nên các bậc cha mẹ cứ yên tâm. Hoàng Dũng 091441... Ưu tiên Q.3”.

Người gốc Sài Gòn, kinh tế gia đình khá ổn nhưng Dũng vẫn đi làm thêm rất nhiều việc: từ giúp việc nhà đến tất cả những việc lặt vặt liên quan đến chuyên ngành xây dựng của mình. Chịu trách nhiệm là trưởng nhóm, Dũng có nhiệm vụ đăng số điện thoại của mình trên mạng.

“Khi đến nhà làm, nếu người ta tỏ ra nghi ngờ thì bọn mình sẽ trình chứng minh nhân dân và thẻ sinh viên để họ yên tâm. Bọn mình là sinh viên, đa số các bạn đều từ tỉnh ra học, muốn kiếm tiền bằng những việc làm chân chính chứ không muốn lợi dụng lòng tin của mọi người để làm việc xấu”, Dũng chia sẻ.

Nói về nỗi ngại ngần của đứa con trai đi... phụ việc nhà, Dũng cười: “Cứ xem giúp việc nhà là tập thể dục sẽ thấy rất nhẹ nhàng. Các bạn trong nhóm của mình ai cũng quan niệm đang trẻ nên thử sức ở mọi lĩnh vực, vừa kiếm tiền phụ giúp gia đình, vừa có thêm vốn sống, không có gì đáng ngại cả”.

Trong lớp dạy kỹ năng chăm sóc người già tại Công ty Nhân Ái (đường Võ Trứ, Q.8) có chú Nguyễn Tấn Trung, 62 tuổi, ngụ Q.8, cao tuổi nhất. Là cán bộ ngành điều dưỡng đã về hưu nên chú muốn tiếp tục công việc của mình để tìm niềm vui tuổi già.

Chú Trung lý giải: “Ngại gì đâu, hồi trước tui có nuôi mẹ bệnh rồi nên hiểu hết. Già về hưu, muốn đi làm thêm cho vui thôi, chứ ở nhà tù túng chân tay chịu không được”.

Khác với thuở xưa, chỉ người ở quê nghèo mới ra phố phụ giúp việc nhà, người đi làm ôsin bây giờ đủ mọi giới, mọi nghề, đủ mọi tâm huyết và nhiều ước mong nghề nghiệp như bất cứ nghề nào trong xã hội.

----------------------------------------------

Rước một ôsin vào trong nhà, nghĩa là giao phó một niềm tin và thường thì gia chủ định đoạt số phận người làm, tuy nhiên nhiều khi là những câu chuyện ngược lại…

Kỳ tới: “Rước hổ vào nhà”

KIM TUYẾN - TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên